Các pháp không phải của ta

Hỏi: Kính thưa Thầy! Theo như trong kinh dạy, chúng con biết: thân, thọ, tâm, pháp cũng không phải của chúng ta, sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp và nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng không phải của chúng ta. Như vậy, thân này còn có ý nghĩa gì?

Đáp: Trong kinh đức Phật dạy: Thân này không phải của ta, thọ, tưởng, hành, thức cũng không phải của ta, lục căn, lục trần cũng không phải của ta, cho nên nghiệp ác hay thiện cũng không phải của ta. Chỉ vì không hiểu rõ (vô minh) ta mới lầm chấp là của ta, do sự lầm chấp này, chúng ta mới bảo vệ nó tạo ra nhiều điều ác, khiến cho chúng ta phải thọ chịu khổ từ kiếp này đến kiếp khác không hề dứt, trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi.

Nhờ giáo pháp của đức Phật dạy, chúng ta mới hiểu rõ các pháp trong thế gian là do các duyên hợp mà thành, chứ không có một vật gì thường hằng vĩnh cửu, đức Phật nói: “Nếu còn có một vật gì thường hằng như một chút xíu đất trong móng tay Ta thì con người không thoát khổ và đạo Ta cũng không xuất hiện ở đời”.

Hiện giờ, chúng ta đã ngộ được lý duyên khởi ấy, nhưng tu cho thân, thọ, tâm, pháp, lục căn, lục trần, lục thức thật sự không phải là ta, của ta, thì phải tu hết sức và còn phải siêng năng, chuyên cần, tinh cần, tinh tấn và với một nhiệt tâm tha thiết tìm cầu sự giải thoát. Nếu không nỗ lực tu hành thì tất cả những thứ này chúng ta đều cho là thật có, là ta và của ta.

Khi muốn phá thân kiết sử này, ta phải sống một đời sống giới hạnh đầy đủ, phải độc cư trọn vẹn suốt 3 năm đến 5 năm, chứ không phải nói suông được với các pháp này. Hằng ngày phải tu cho đúng pháp, đúng cách, đúng căn cơ đặc tướng, nếu tu không đúng pháp, đúng cách, đúng đặc tướng căn cơ thì sẽ hoài công vô ích. Tất cả các pháp ấy vẫn bị dính mắc, đều là của ta, là ta. Nói thì rất dễ, nhưng bỏ cái ta và của ta rất là khó.

Tu cho đúng pháp của đức Phật dạy thì nghiệp quả của thân không còn ý nghĩa gì cả, vì chuyển nghiệp quả khổ thành nghiệp quả phước báo, nên thảnh thơi, an lạc và vô sự, còn tu sai thì muôn đời nghìn kiếp nghiệp thân cứ tiếp tục mãi tái sanh luân hồi và phải chịu thọ khổ vô lượng kiếp.

Nói các pháp không phải là ta, của ta thì dễ, nhưng tu tập để đến chỗ không còn là ta, của ta thì không phải dễ như trên đã nói. Chỗ này cái ta, của ta cần nên lưu ý: đây chỉ là một triết thuyết lý luận chơi, chứ không thể thực hiện được cái không ta của ta được. Người ta gán nhận cho đạo Phật là đạo vô ngã, nhưng thực ra chúng ta nghiên cứu kỹ lại đạo Phật thì đạo Phật là đạo “hữu ngã thiện pháp”“vô ngã ác pháp”. Do vậy đức Phật đã xác định có hai lộ trình: “Có hai đường đi, một là đường ác, hai là đường thiện, người làm ác từ đường ác đến chỗ khổ, người làm lành dạo chơi đường lành đến chỗ vui”. (Tăng Nhất A Hàm tập 3 trang 498). Đã đi trên con đường thiện thì làm sao gọi là vô ngã được? Thì làm sao gọi là không ta, không của ta được?

Do những điều trên đây, mà chúng ta suy ngẫm và tư duy biết rất rõ các pháp của đức Phật thực hiện được, còn tất cả các pháp của kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ chỉ là những lý thuyết suông như: “Phật Tánh, vô ngã, vô sở đắc, ngã pháp đều không”, đó là những điều không thể thực hiện được.

Trích Đường về xứ Phật tập XIII
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post