Khổ đau và hạnh phúc

Một người bạn là giáo viên dạy vật lý (chỉ tin những gì mắt thấy tai nghe, kiểm chứng được…), con cái gặp chuyện chẳng may, muốn tìm đến với đạo Phật. Anh thắc mắc: Đạo Phật cho đời là bể khổ có đúng chăng?

Đời đâu phải hoàn toàn khổ mà còn có vui. Giàu có, sung sướng, ăn ngon, mặc đẹp, nhà cao cửa rộng, được thỏa mãn mọi nhu cầu... sao bảo là khổ? Đứa bé ra đời ai cũng mừng sao bảo sinh là khổ? Bệnh thì khổ thật nhưng lão, tử đâu phải ai cũng khổ cả đâu! Có người có tuổi già rất đẹp, có cái chết thật bình yên sao bảo khổ? Đem giáo lý học thuộc trong sách Phật học, tôi trả lời anh: Đời là khổ, sinh lão bệnh tử khổ; thương yêu mà không được gần gũi phải chia lìa là khổ; cầu mong, ước muốn không được là khổ; không hợp, không vừa ý, ghét nhau mà phải chạm mặt hàng ngày hay chung sống là khổ; có thân năm ấm thì khổ. Rồi dẫn ba loại khổ: nào khổ khổ, hoại khổ và hành khổ! Tôi cố ra sức biện bạch, chứng minh tất cả những thứ trên đều vô thường, có đó không đó, để đi đến kết luận đời là khổ, nhìn đâu cũng thấy khổ!

Và một chị bạn quay quắt trước hoàn cảnh bế tắc của mình, tôi khuyên chị đi chùa. Chị đã cật vấn: Đến chùa liệu có giải quyết được mọi chuyện? Hoàn cảnh tôi bế tắc thế này làm sao có thể… Nhiều người có bao giờ đặt chân đến chùa mà cứ sướng phây phây, mấy người nghèo khổ, khó khăn, bệnh tật đến chùa có thay đổi được gì, hay khổ lại hoàn khổ? Tôi trả lời chị: Đời là khổ, có ai thoát khỏi khổ! Đạo Phật là đạo diệt khổ nên đi chùa, tìm đến với đạo Phật là giải pháp đúng đắn. Khổ đau, bệnh tật, nghèo túng... tất cả đều do nghiệp. Vậy chỉ có cách đến chùa tu tập, dần dần chuyển nghiệp… mới từ từ hết khổ.

Mặc dù cố ra sức phân tích, giải thích này nọ tôi vẫn không thuyết phục được họ. Trái lại, vô tình tôi đã trùm lên đạo Phật một bức màn ảm đạm, có thể đã khiến cả hai người ngần ngại đến với đạo Phật! Thật ra điều hai người bạn kia đặt ra làm tôi không khỏi băn khoăn, trăn trở: Đạo Phật khẳng định đời là khổ phải chăng là tiêu cực? Có điều chắc chắn, một thực tế không ai chối cãi là đời người ai cũng khổ, từ một vị tổng thống quyền uy đến kẻ bần cùng đều khổ cả, đó là một sự thật! Nào ai thoát khỏi khổ lụy phiền não lo âu?

Cái thảm cảnh bi đát nằm ngay trước mắt bên tai, ngay trong mỗi người; những sự thật có thể thấy nghe chứ không ở đâu xa. Đứa bé ra đời, từ khi thụ thai nằm trong bụng mẹ cho đến khi sinh ra mẹ con đều đau đớn: khổ; sinh đẻ biết bao hiểm nguy: khổ; sinh ra thân thể không bình thường, khiếm khuyết: khổ; vào đời gặp cảnh nghèo túng: khổ; thi cử không đậu: khổ; công danh sự nghiệp lận đận: khổ; quan hệ với người xung quanh không suôn sẻ: khổ; tình yêu trắc trở: khổ; đau ốm bệnh tật: khổ; bị giựt hụi lâm nợ: khổ; con cái hư hỏng: khổ; người thân qua đời: khổ; bị người nói nặng nói nhẹ cũng khổ… Đủ trăm, ngàn lý do khổ. Người nghèo khổ đã đành mà người giàu có, chức trọng quyền cao cũng khổ! Khổ đè nặng lên thân phận con người. Cuộc sống càng văn minh, nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ vật chất ngày càng đạt đến đỉnh cao thì nỗi khổ càng nhiều; mối quan hệ càng rộng thì nỗi khổ đau càng lớn do vướng mắc và hệ lụy càng nhiều thêm. Nỗi khổ cuộc đời xưa nay không bút mực thế gian nào kể xiết. Có thể nói bao nhiêu áng văn thơ bất hủ Đông Tây kim cổ là bấy nhiêu thiên tình sử bi hận, cũng chỉ nhằm diễn tả nỗi khổ bi lụy của con người. Thoạt sinh ra thì đà khóc óe. Trần có vui sao chẳng cười khì (Chữ Nhàn-Nguyễn Công Trứ). Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu…, Roméo & Juliette của William Shakespeare, Truyện Kiều của Nguyễn Du… là những tác phẩm tiêu biểu nói về nỗi thống khổ muôn đời của con người:

Trải qua một cuộc bể dâu.
Những điểu trông thấy mà
đau đớn lòng!

Trong Cung oán ngâm khúc, thay mặt một cung nữ, Ôn Như Hầu đã thốt lên tiếng kêu than não ruột! Cũng chính là nỗi khổ đau vạn thuở của con người:

Gót danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo ngoài bến mê!

Hay:

Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân cẩu vẽ người
tang thương!

Có lẽ chính vì thế, bài học đầu tiên sau khi chứng ngộ chân lý tối thượng dưới cội bồ đề, Đức Phật đã giảng dạy cho chúng sinh - chuyển Pháp luân - mà trực tiếp cho năm vị đạo sĩ đồng tu trước đây, anh em Kiều Trần Như là Tứ diệu đế hay Tứ Thánh đế tức Bốn chân lý tối thượng: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Phật dạy đây là khổ: Khổ đế; đây là nguyên nhân dẫn đến khổ: Tập đế; đây là trạng thái chấm dứt khổ tức an lạc: Diệt đế; và đây con đường đưa đến vắng mặt khổ đau tức an vui hạnh phúc: Đạo đế. Bốn đế đều có tương quan tương tức với nhau. Gọi là chân lý mầu nhiệm vì Tứ diệu đế bao trùm mọi tương quan duyên khởi, chi phối hết thảy hiện tượng sự vật; trong đó một đế dung chứa và thâu nhiếp ba đế còn lại. Nói đến khổ tức phải có nguyên nhân dẫn đến khổ, chứ không do ai tạo ra kể cả các đấng thần linh, trời hay thượng đế. Và hễ có khổ tức có lạc và ngược lại. Khổ và lạc là hai mặt của cùng một thực tại như trong ngoài, đúng sai, phải trái… Không có bên trái thì biết đâu là bên phải, không đúng làm sao có sai. Mà có nguyên nhân tạo ra khổ thì có phương cách, con đường diệt khổ. Đó là đạo, con đường diệt khổ. Khổ là một trong ba pháp ấn để nhận diện đạo Phật: vô thường, khổ, vô ngã.

Phật dạy đời là khổ nhằm xác định một lẽ thật. Nhưng ngay đó Phật cũng dạy đời có an lạc, hạnh phúc (nếu không Phật chỉ dạy tu hành để làm gì!) và người tu Phật phải tìm giải thoát, giác ngộ ngay nơi cuộc đời khổ đau và Niết bàn không đâu khác ngoài cõi Ta bà. Rõ ràng, đây là một khẳng định mang tính tích cực! Cứu khổ chúng sanh là lý do sự hiện diện của mười phương chư Phật và cũng chính là đại nguyện của chư Bồ tát. Thế gian này không khổ đau chắc chắn Phật không thị hiện. Khổ đau là điều có thật, nhưng vắng mặt khổ đau tức an lạc hạnh phúc cũng có liền ngay sau đó, nếu biết nhận diện và thấu triệt nó. Trước khổ đau, luận điệu thông thường của nhiều người là tìm cách chối bỏ, tránh né bằng cách đọc báo, xem sách, coi phim hay tìm đến rượu, ma túy hoặc ái dục... Thời đại ngày nay phim ảnh đủ loại, trò chơi điện tử có khả năng ru ngủ, đưa con người vào thế giới ảo, làm quên đi tất cả! Nhưng đó chỉ là giả, là ảo nên làm sao có tác dụng đem lại bình an đích thực, chấm dứt cơn say (say rượu, ma túy hay say mộng cũng thế). Khi trở về với thân phận thực tại, những nỗi khổ đau kia đã không giảm còn tăng lên gấp bội! Khi không thể chạy trốn được nữa, người ta kêu trời van đất, đổ cho số phận.
*****

Để hóa giải khổ đau, Đức Phật dạy ta phải trực diện nó, nhận diện để biết được bản chất thực của nó thuộc loại nào; thuộc thân hay tâm, do chính mình hay ngoại cảnh, tác động ra sao đối với mình. Biết được nguyên nhân, ta có ngay phương cách đối trị và bước đầu ta đã bớt khổ tức có an lạc.

Ví như nhà ở thành phố bị dột có thể là một kinh nghiệm hay: ba bên bốn bề tường thành bao bọc, mái lại bị trần che kín, thấy nước giọt đó mà chẳng biết dột ở đâu. Thật là bực bội và khổ sở vô cùng! Cho đến khi phát hiện được lỗ hổng ở góc mái, mặc dù chưa khắc phục được nước dột nhưng chỉ cần biết chỗ dột (nguyên nhân) là đã thở phào nhẹ nhõm, nỗi khổ đã vơi bớt. Chỉ cần trám đúng chỗ thủng là xong. Một ví dụ khác, cơ thể có triệu chứng bần thần, uể oải, tức ngực - không biết bệnh gì đây. Có người đã hoảng lên, mất ăn bỏ ngủ, ai bày gì làm nấy, bệnh đã không giảm lại tăng thêm. Người khác, ngược lại tỉnh rụi cứ làm việc, ăn chơi, uống rượu, hút thuốc. Cả hai thái độ thái quá, quá lo lắng hay bất cập xem thường đều không phù hợp. Đức Phật dạy ta phải mạnh dạn nhận ra mình đang có bệnh và bình tĩnh tìm nguyên nhân để có giải pháp trị liệu thích hợp. Thật vậy, chỉ cần được một bác sĩ phát hiện đúng tình trạng là không phải ung thư hoặc ung thư nhưng mới giai đoạn đầu còn chữa được. Chỉ cần biết thế, tuy bệnh chưa lành nhưng đã thấy nhẹ ra, không còn phải lo lắng khổ sở. Trong kinh Tập Sanh, Phật dạy: "Cái gì đã xảy ra cho ta, nếu quán chiếu sâu sắc vào tự thân nó là ta đã bắt đầu đi trên đường giải thoát".

Biết quán chiếu sâu sắc, Đức Phật dạy ta thấy ngay trong khổ đau đã sẵn có mầm mống, có bóng dáng của an vui hạnh phúc. Chưa bị lạnh làm sao biết sự thú vị khi được trùm trong chăn ấm. Không bị cái đói hành hạ làm sao biết hạnh phúc khi được ăn no. Không khổ đau làm sao biết thảnh thơi an lạc. Khổ đau được tạo nên từ những cái không phải khổ đau. Cũng thế, hạnh phúc được tạo nên bằng những cái không phải hạnh phúc. Như thế, phải chăng khổ đau và hạnh phúc tương quan duyên sinh! Ta khổ sở vì cơn đau răng hay đau đầu hành hạ nhưng lạ thay khi cơn đau qua đi, ta vội quên ngay không biết đến cảm giác an lạc khi không bị đau răng hay đau đầu. Như thế thực sự có đau răng, đau đầu thì ta phải biết có nỗi sung sướng khi không đau răng, đau đầu. Đó chẳng phải hạnh phúc? Không mấy ai ý thức niềm hạnh phúc khi có đôi mắt sáng, nhìn thấy được mọi vật, thấy người quen kẻ lạ, thấy người thân yêu, thấy trời xanh mây trắng… mà lại cho là điều bình thường rồi truy tìm hạnh phúc một nơi khác, chưa có hoặc không bao giờ có! Cho đến khi mắt bị hỏng không còn trông thấy, mới hiểu ra là có một cặp mắt bình thường quả là mầu nhiệm. Bao người vô tình bỏ lỡ không biết sống với mầu nhiệm của cuộc sống trong giây phút hiện tại mà cứ rong ruổi theo quá khứ hay mơ ước tương lai, đâm ra lo lắng, ưu tư khổ sở! Cũng như để ban tặng cho con người những hạt ngọc trai long lanh và quý giá, con trai biển đã trải qua những cơn đau vật vã tột cùng (do thiên nhiên hoặc con người tạo ra). Để sống còn, nó đã phải tiết ra một chất tạm gọi ‘chất men’ bao bọc hạt cát. Tất nhiên, có con không đủ bản lĩnh đã phải chết! Con người có thể học bài học từ loài trai chế tác hạnh phúc từ khổ đau…

Theo giáo lý đạo Phật, con người là một giả hợp gồm năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Sắc tức là thân và tâm gồm thọ, tưởng, hành, thức. Cơ thể gặp trục trặc sinh bệnh tật hoặc tuổi già, thân thể lão hóa đau nhức… là khổ về thân. Khi lo lắng, giận dữ, buồn phiền… là khổ về tâm. Thân và tâm có mối quan hệ chặt chẽ: Thân bị bệnh thì tâm khổ đã đành nhưng tâm bất an, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến thân… ăn mất ngon, ngủ không yên thì cũng khổ. Nhưng khổ không phải do năm uẩn hay năm uẩn vô thường… mà khổ chủ yếu do khát ái năm uẩn thành ra thủ chấp, vướng mắc tạo ra khổ "như cái vòng luẩn quẩn". Và gốc rễ của mọi khổ đau đều do vô minh tức thái độ lầm lẫn, bám víu vào "cái ta" (chấp ngã) và cái "của ta" (chấp pháp). Nói cách khác, nguyên nhân chủ yếu của mọi nỗi khổ xuất phát từ "tưởng", tức vọng tưởng hay tri giác sai lầm phát xuất từ vô minh! Tưởng lầm sợi dây là con rắn đâm sợ hãi, thân này giả hợp mà cho là thật đâm ra vướng mắc! Tưởng của cải vật chất là thật, là vĩnh cửu muốn sở hữu mãi mãi nên chấp giữ… Lịch sử tồn tại của nhân loại từ ngàn xưa cho đến tận ngày nay với những cuộc chiến tranh tàn khốc đều có nguyên nhân từ các xung đột tôn giáo, ý thức hệ… nguồn gốc đều bắt đầu từ vọng tưởng tức tri giác sai lầm. Đức Phật dạy phải nhận diện nó chính là vô minh tức thiếu trí tuệ dẫn đến tham sân si, cội nguồn của mọi khổ đau. Do đó, Phật dạy phải "viễn ly điên đảo mộng tưởng" mới đạt "cứu cánh Niết bàn".

Trong cuộc sống, người nào gặp khổ đau, bất trắc... khi cùng đường, bế tắc họ mới tìm đến chùa chỉ khấn vái, cầu xin; hay khi cơ thể đau ốm, bệnh tật mà vẫn ăn nhậu, hút thuốc, bài bạc, rượu chè trác táng phung phí sức khỏe; hoặc gặp cảnh túng thiếu, nợ nần không biết dè sẻn, cứ tiêu xài phung phí… lại đến chùa cầu xin Phật, Bồ tát cứu khổ cứu nạn; Phật, Bồ tát dù có lòng đại từ đại bi cũng chỉ cho ta con đường, chứ không ai có thể làm thay cho ai, vì nghiệp nhân ai gây nấy chịu! Mọi sự vật lớn nhỏ sinh ra đều có nhân duyên tạo nên và hoàn cảnh khổ đau hay hạnh phúc của mỗi người đều do chính mỗi người tạo nên. Do đó, người có bệnh muốn lành bệnh, trước hết phải biết mình có bệnh ra sức tìm thầy tìm thuốc, đến bệnh viện truy cho ra nguyên nhân, sau đó tiến hành chữa trị… Cũng thế, muốn thoát khổ đau, trước tiên là phải nhận ra nỗi khổ đau, tìm ra nguyên nhân thì mới có giải pháp phù hợp để trị liệu nhằm chấm dứt khổ đau!

"Khổ đau và hạnh phúc vốn không hai, là hai mặt của cùng một thực tại. Hạnh phúc không thể tìm đâu khác ngoài khổ đau!". Lời dạy minh triết của Đức Phật đã đem lại niềm tin nơi khả năng đoạn trừ khổ đau và đạt an vui hạnh phúc của con người. Đức Phật dạy: "Chỉ nhận diện khổ đau, mỉm cười với nó, ngay đó ta có an vui hạnh phúc!". Khác với các tôn giáo hữu thần đặt cược đời người vào quyền năng tối thượng của một đấng thần linh (Trời hay Thượng đế) có quyền ban ân, giáng họa hay đặt niềm tin vào sự an bài của số mệnh. Họ luôn thụ động chờ đợi sự cứu rỗi hay may mắn tình cờ… nên bế tắc đau khổ vẫn cứ mãi khổ đau! Đạo Phật trái lại, lời Phật dạy trước tiên là một phương cách thực tập thực tiễn và hữu hiệu nhằm trị liệu khổ đau, chế tác an lạc để từ đó có an vui hạnh phúc! Lời Phật dạy đã mở hướng cho tôi, cho bạn và biết bao nhiêu người, mặc dầu hoàn cảnh có thể vẫn vậy, chưa thay đổi nhiều nhưng thái độ đã khác. Như thế là đã có được an vui!

Previous Post
Next Post