Nhàm chán thế gian

Người tu sĩ là người bỏ đời đi tìm sự giải thoát trong đạo Phật. Nhưng mấy ai bỏ được đời, dù đang mặc chiếc áo tu sĩ, nhưng tâm đời còn đầy dẫy dục vọng, cho nên chắc chắc không thể nào tìm thấy sự giải thoát chân chính của đạo Phật. Có vào đạo thì cũng tìm danh lợi trong đạo mà thôi.

Chỉ những ai nhàm chán thế gian, thấy rõ những tác hại, nguy hiểm, hiểu rõ và thấm nhuần sự vô thường thay đổi của vạn vật trên thế gian thì mới nhàm chán và buông bỏ tất cả, quyết tâm tìm đường giải thoát.

Như thế nào là người nhàm chán thế gian?

1. Họ không còn ham thích những dục vọng thế gian như: ăn, ngủ, sắc dục, danh, lợi nữa.

2. Họ không còn tham có của cải tài sản, vật chất, nhà lầu, xe hơi hay những thứ xa sỉ khác nữa. Bởi vì càng có nhiều tài sản, của cải, tiền bạc,... thì tâm càng bất an, lo lắng, sợ hãi, ...sợ mất sợ trộm, sợ cướp, sợ bị giết, sợ bị lường gạt,...dẫn đến đủ loại bệnh tật.

3. Họ không còn ham thích nói chuyện, không thích tiếp xúc với người khác, không thích bàn chuyện với người, không thích gặp người nữa,...

4. Họ không còn thích đi chơi, thích đi du lịch, ngắm cảnh, xem hoa, xem trời, xem biển, xem núi, xem hồ, suối, sông,...gì nữa cả.

5. Họ từ bỏ mọi danh vọng, nghề nghiệp, bằng cấp, học vị,...

6. Họ thấy rõ thân người là bất tịnh, hôi thúi, vô thường thay đổi nên họ không còn ham mê sắc dục, thích gặp người khác phái nữa, mà ngược lại họ chỉ muốn tránh xa người khác phái, thấy rõ sự nguy hiểm khi gần người khác phái,... thấy rõ người khác phái là nguyên nhân của sanh tử luân hồi, thấy rõ nghiệp tướng sai biệt của mỗi người đều do nhân quả mà ra, thân người là do các duyên nhân quả mà thành, không có gì là ta, là của ta cả, do vậy đối với người khác họ biết thân kia cũng không phải của họ, vậy thì tham cho ai đây, thấy rõ cái thân con người mỏng manh, dễ bệnh, dễ đổ máu, dễ đau, không có gì bền vững cả.

7. Họ thấy rõ gia đình là một chuỗi dài ngày đầy đau khổ, đầy triển phược, đầy lo lắng, bất an, hết lo lắng này đến lo lắng khác,...Gia đình là nơi chứa đầy những dục vọng và ác pháp, sống gần gia đình rất dễ bị lôi kéo vào những dục lạc và ác pháp. Gia đình là nơi ồn náo, ai cũng cho là mình đúng, không ai nhường ai, là nơi đầy những kiết sử trói buộc,...Trong gia đình không có sự tôn trọng nhau, người lớn thì dùng quyền hành bắt người nhỏ sống và làm theo ý họ, không biết lắng nghe ý kiến, cảm nhận, ước nguyện của người nhỏ tuổi,...

8. Sống chung đụng với nhiều người càng làm cho tâm càng phiền não, phiền não vì phải thỏa mãn những tham muốn của họ, phiền não vì trái ý nghịch lòng, phiền não vì mỗi người một ý, phiền não vì mọi người mang đến cho nhau những gánh nặng nhiều hơn là gánh bớt trách nhiệm trong đời sống. Phiền não vì lời nói của mọi người; phiền não vì cách sống, cách ăn, cách mặc của mỗi người khác biệt; sở thích khác biệt; suy nghĩ khác biệt; sinh hoạt khác biệt; nghề nghiệp công việc khác biệt; giờ giấc khác biệt. Phiền não vì lòng tự ti, ghen tị; phiền não vì tín ngưỡng khác biệt; phiền não vì luôn tồn tài sự khác biệt giữa người và người, không ai giống ai, không ai nhường ai, không ai tha thứ cho ai,...

9. Họ thấy rõ phần nhiều đại đa số khoa học hiện đại ngày nay chỉ cố tạo ra nhiều dục lạc cám dỗ con người, khiến con người trở thành nô lệ cho những máy móc thiết bị hiện đại và những sản phẩm mới.

10. Họ luôn thấy khắp nơi ngoài đường phố đều đầy đủ mọi quảng cáo lôi kéo, cám dỗ con người vào những dục vọng như ăn, nghỉ, sắc dục, danh và lợi. Khắp nơi đầy ấp những quán ăn, cửa hàng bán quần áo, quán nhậu, quán bia, caffe,...

11. Họ luôn thấy con người chỉ thích nói chuyện về những dục vọng như ăn, ngủ, sắc dục, danh và lợi. Toàn là những chuyện hạ liệt, nói xấu người, phê phán chỉ trích người, nói cái lỗi cái sai của người này người nọ, nói chuyện ảo tưởng, nói chuyện quá khứ đã xảy ra được đăng trên báo chí, nói chuyện về ông này bà nọ, nói chuyện về tiền bạc của cải, tài sản, nói chuyện về cách kiếm tiền, cách tiêu tiền, nói chuyện về món ăn này món ăn nọ, nói chuyện về sắc dục, yêu đương, trai gái, dâm dục, nói chuyện về danh vọng, địa vị…

12. Họ luôn thấy mọi nơi con người vì cuộc sống mà tranh giành, đấu đá nhau, chà đạp lên nhau, lường gạt nhau mà sống, sống ích kỷ chỉ biết bản thân, không biết nghĩ đến người khác, chỉ thấy lợi ích cho mình.

13. Họ thấy rõ con người không ai mà không khổ vì cuộc sống, vì chén cơm manh áo, căn nhà, chiếc xe,... vì gia đình vợ chồng con cái phải cực khổ đầu óc từ sáng sớm đến chiều tối quần quật đi làm, hết ngày này đến ngày khác, hết năm này đến năm khác, đến già, đến chết.

14. Họ thấy rõ ai ai cũng phải đau bệnh khổ sở, không bệnh này thì bệnh khác, nhỏ cũng bệnh, trẻ cũng bệnh, già cũng bệnh, chỉ có người bệnh mới biết nỗi đau của mình, người thân có đứng bên cạnh cũng không đau dùm được. Khi bị bệnh thì khổ cực cho những người thân, phải chạy đây chạy đó, bỏ công ăn việc làm lo cho mình, tốn hao tiền của viện phí, thuốc men, bác sĩ,...

15. Họ thấy rõ thân người già đi nhanh chóng, lụm khụm, răng rụng, chân tay run rẩy, lưng khòm, nói năng lắp bắp, trí nhớ giảm sút quên trước quên sau, đi đứng phải có người dìu dắt, tiểu tiện phải có người lo, ăn phải có người đút, tắm thay quần áo cũng phải có người tắm dùm thay dùm. Ngoài chuyện về già cái thân của mình khổ mà còn phải liên lụy đến mọi người xung quanh trong gia đình phải hy sinh thời gian quý báo của họ chăm sóc cho mình, khiến không ai vui. Cả đời làm lụng bao nhiêu để có tiền của, đến khi bệnh già thì có tiền của mua thức ăn cũng không ăn được, ăn không còn ngon nữa, chỉ nhìn cho đỡ thèm thôi.

16. Họ thấy rõ ai cũng phải chết, chết trong đau đớn, chết bất đắc kỳ tử, chết non, chết trẻ, chết già. Cả đời dù có làm lụng bao nhiêu khi chết cũng không mang được thứ gì. Chết bên cạnh người thân chỉ làm cho họ buồn khổ thêm, bắt họ phải lo mai táng, hao tốn tiền, tốn sức chạy đây chạy đó mua áo quan, mua đất để chôn,...lo cho cái thân tàn lụi của mình.
V.v...

Đạo Phật là đạo làm chủ được sanh, lão, bệnh, tử. Ai thấy rõ lợi ích này thì còn gì mà ham thích cuộc sống thế gian nữa, phải không các bạn? Nếu không nhàm chán thế gian thì sự giải thoát không bao giờ đến tay. Tu hành chỉ có tiếng chứ không bao giờ hưởng được mùi vị giải thoát của đạo Phật.

Ai biết nhàm chán thế gian, quyết tâm buông bỏ tất cả, bước chân vào đạo Phật là thấy ngay sự giải thoát, không còn bất kỳ sự lo lắng, buồn phiền, sợ hãi nào. Tâm luôn thanh thản, an lạc và vô sự.

Nguồn: chanhkien-pa.blogspot.com
Xem thêm: Lời bênh vực cho sự buồn chán: 200 năm tư tưởng về giá trị của sự nhàn rỗi từ những bộ óc vĩ đại nhất nhân loại
P/s:

“Trên đường tu hành theo đạo Phật “chúng ta nên tu tập để nhàm chán đời sống thế gian, chứ không nên buồn chán”, vì nhàm chán khác với buồn chán, buồn chán là vì không thỏa mãn được lòng ham muốn, còn nhàm chán có nghĩa là đã từng trải đời, thấy đời là một sự khổ đau chân thật không có gì vui chỉ là một chuỗi dài thời gian toàn là sự vô thường và khổ đau.

Cho nên, buồn chán là một ác pháp cần phải diệt, còn nhàm chán là một diệu pháp giúp chúng ta thoát ra khỏi cuộc đời đầy sóng gió, ba đào.”
* * * * *

“Hãy cố gắng tu tập buông xả con ạ! Không uổng phí công tu tập, không hoài công đâu con ạ!

Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì.
Ôm vào đau khổ vô cùng tận,
Buông xuống ngay liền vạn khổ đi.

Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi, con sẽ thấy hạnh phúc vô cùng, vô tận.

Cuộc sống của con người chỉ là một vở tuồng trên sân khấu nhân quả, có đáng gì cho chúng ta đắm mê, mà không buông bỏ được phải không hỡi con? Chỉ toàn là khổ đau, khổ đau vì tranh ăn; khổ đau vì danh lợi; khổ đau vì hơn thua, v.v...

Cho nên đạo Phật ra đời dạy: “Con người bỏ xuống tất cả các ác pháp và sẽ được tất cả các thiện pháp”. Đó là một bí quyết bảo vệ môi trường sống trên hành tinh này, đem lại cho muôn loài một đời sống công bằng và công lý.”
* * * * *

“Luật nhân quả quá khắc nghiệt, không thể ai đi thay cho ai được mà phải chính các con. Phải thấy như thật đời khổ, khổ vô cùng khổ; mà phải thấy như thật các pháp thế gian là ảo mộng vô thường, có gì mà dính mắc không buông bỏ được; mà phải thấy như thật các dục lạc thế gian là trò cám dỗ dễ lôi cuốn con người vào khổ cảnh đau thương, thế mà ngu si gì cắm cổ vào đó; mà phải thấy như thật tình cảm gia đình là những sợi dây vô tình trói buộc chặt chẽ mọi người để rồi chết dần mòn trong khổ đau yêu thương từ đời này sang đời khác thế mà không bứt bỏ nổi hay sao?

Mà phải thấy như thật đời là một sân khấu của nhân quả, có gì đâu là chân thật mà yêu mến, không chịu rời xa; mà phải thấy như thật đời là một bãi rác ô nhiểm, bất tịnh thối tha, uế trược, v.v... có gì đâu mà không nhàm chán để rồi phải chết trrên đống rác hôi thối ấy.

Xưa Ðức Phật dạy: Các Thầy Tỳ Kheo hãy quán tưởng nhàm chán các pháp thế gian thì con đường tu mới có giải thoát. Nếu không nhàm chán, dù chỉ còn một chút xíu không nhàm chán thì xả tâm chưa thật sạch. Xả tâm chưa thật sạch thì con đường giải thoát chỉ mới bắt đầu mà thôi. Nói như vậy không có nghĩa là ức chế bắt buộc tâm mình phải nhàm chán mà phải do sự tu tập đúng cách thì tâm nhận rõ như thật các pháp thế gian vô thường, vô ngã và toàn mang đến sự khổ đau, thì chừng đó mới thật sự là nhàm chán.”

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Previous Post
Next Post