Tâm thư gửi Phật tử

Kính gủi: Quý Phật tử Hà Nội, quý Phật tử khắp mọi miền đất nước, quý Phật tử ở nước ngoài, cùng quý Thầy, quý Cô và quý nam nữ Phật tử tại Tu Viện Chơn Như.

Kính thưa quý vị! Thầy xin gửi lời thân thương đến thăm và chúc quý vị dồi dào sức khỏe. Mong rằng quý vị luôn nhớ mãi những lời Thầy dặn bảo: “Chỉ có tâm thanh thản, an lạc và vô sự trước mọi nghịch cảnh, đó là cứu cánh; là giải thoát; là đạo đức thương mình, thương người”.

Ðạo Phật chỉ có tâm bất động, không phóng dật theo các ác pháp và chấm dứt chạy theo lòng ham muốn của mình. Người hiểu biết và thâm nhập đạo Phật như vậy thì đâu có gì tu tập nhiều; thì đâu có gì tu tập khó khăn, mệt nhọc; thì đâu có pháp gì làm chướng ngại thân tâm họ được. Do đó sự chứng đạo dễ dàng như trở bàn tay. Có phải vậy không thưa quý Phật tử?

Vì thế trong thời đức Phật người ta chỉ nghe Phật thuyết pháp xong liền chứng đạo, điều đó là một sự thật, nhưng nghe nói đến chứng đạo nhanh chóng như vậy thì mọi người cho là vô lý. Chứng đạo sao mà dễ dàng đến như thế? Có phải đây là sự tưởng tượng không? Nhưng chứng đạo theo Phật giáo quả thật dễ dàng như vậy.

Chỉ vì người thời nay hiểu lời Phật dạy một cách sai lệch, xem sự tu tập rất khó khăn như các pháp môn của ngoại đạo, phải tu tập hành hạ thân tâm của mình quá nhiều. Ðó là quý vị chịu ảnh hưởng giáo pháp của kinh sách phát triển. Pháp Phật thì khác, tu tập không có khó khăn, không có mệt nhọc. Người nào không nghe pháp thì thôi mà đã nghe pháp thì có giải thoát ngay liền như lời đức Phật đã dạy: “Pháp Ta không có thời gian đến để mà thấy”. Vậy thấy cái gì?

Ở đây, chúng ta phải hiểu ý nghĩa “đến để mà thấy”. Ðến để mà thấy có nghĩa là chúng ta phải có lòng tin trọn vẹn nơi lời dạy của đức Phật, cho nên khi nghe đức Phật thuyết pháp xong là chúng ta hiểu biết và thâm nhập lời Phật dạy đó là đúng sự thật 100%. Biết lời Phật dạy đó đúng sự thật 100% thì liền buông xả tất cả các ác pháp, như các quan sứ thần đến thỉnh Phật về thăm cố đô, khi nghe Phật thuyết pháp xong họ liền buông xả sạch và xin Phật xuất gia. Khi buông xả tất cả ác pháp thì có sự cảm nhận giải thoát ngay liền. Ðó là lời nói không dối người. Còn lòng tin không trọn vẹn nên không xả tâm sạch. Không xả tâm sạch thì dù các con có tu tập bao nhiêu công lao, bao nhiêu năm tháng thì cũng khó mà chứng đạo được. Cho nên, chỉ có lòng tin là mạnh nhất; là buông xả dễ dàng nhất.

Tin mà không dám buông xả, đó là chưa có lòng tin. Các con có biết điều này không? Khi nghe pháp xong liền buông xuống sạch, không động tâm trước bất cứ một ác pháp nào, dù là một cơn đau sắp chết cũng không hề sợ hãi, không hề dao động tâm một chút nào cả. Có như vậy thì sự chứng đạo ngay liền tại chỗ đó. Chứ các con còn đòi hỏi chứng đạo chỗ nào nữa.

Ðạo Phật chỉ biết sống thấy lỗi mình, đừng thấy lỗi người và lúc nào cũng bất động tâm. Bất động tâm là chứng đạo, là giải thoát. Như vậy chứng đạo theo Phật giáo, các con thấy có khó khăn không? Bây giờ các con đã hiểu chưa? Có thấy bất động tâm là quan trọng không? Có thấy tâm không phóng dật là chứng đạo không. Các con đã hiểu chưa? Chứng đạo theo kiểu ngồi thiền như con cóc là chứng đạo của tà giáo, của Bà La Môn.

Bao nhiêu câu nói của Thầy trên đây mục đích là để làm sáng tỏ tri kiến hiểu biết của các con về sự chứng đạo của Phật giáo dễ dàng thật như vậy. Thầy đã cố gắng hết mình đưa vào trí hiểu biết của các con sự thật này, thế mà các con còn ngơ ngơ như người từ cung trăng mới xuống thế gian. Một lần nữa các con có hiểu những lời Thầy dạy chưa? Các con theo Phật giáo là để cầu giải thoát, chứ đâu phải theo Phật để cầu thần thông. Các con hãy buông xuống những thần thông hết đi. Ðạo Phật không có dạy người tu thần thông! Ðạo Phật chỉ dạy cho con người biết các ác pháp để buông xuống, chỉ có buông xuống các ác pháp là giải thoát, là hết khổ đau. Đúng như vậy các con ạ!

Khi tu tập xong, Thầy có những ước nguyện là dựng lại chánh pháp của Phật giáo; là làm sống lại con đường giải thoát của đạo Phật; là đem lại ích lợi và hạnh phúc cho con người; nhất là đem lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh. Ðó là điều Thầy biết chắc và ước mong dựng lại được như vậy. Nhưng khuyên dạy mọi người, thì ít ai làm theo, nên Thầy rất mệt mõi. Thầy quyết tâm không bỏ các con, vì các con quá khổ, nước mắt của các con đã đổ xuống cho cuộc đời này nhiều lắm, nếu không có Thầy, các con còn biết nương tựa vào đâu. Thầy là nguồn an ủi của các con; Thầy là ngọn đuốc soi đường cho các con đi trong đêm tối mịt mù, mất Thầy, các con như gà con mất mẹ. Phải không các con?

Khi bắt tay vào làm việc thì Thầy gặp biết bao nhiêu là gian nan; biết bao nhiêu là sóng gió phủ phàng. Các con có biết không? Thầy chỉ biết thương và tha thứ, không biết giận hờn, oán trách, nói xấu một ai hết, vì tất cả các con đều vô minh, đều đáng thương cả. Thầy dạy các con đoàn kết, các con không nghe, các con mãi tranh chấp hơn thua; những điều này khiến cho Thầy quá mệt mõi. Ðối với Thầy chỉ có con đường vượt qua mọi thử thách, mọi gian lao, chứ không chùng bước. Đứng trước mọi nghịch cảnh Thầy không tranh chấp, không hơn thua với ai cả, dù bất cứ một người nào, dù là những trẻ con. Thầy chỉ có biết xả bỏ, biết thương yêu, biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng và biết im lặng như Thánh, nên đời sống Thầy an nhàn, thanh thản và vô sự.

Khi tu chứng đạt được chân lý xong, Thầy nhìn lại duyên chúng sanh đối với Thầy thì thấy Thầy không có đủ duyên để độ người chứng quả A La Hán. Nhưng bây giờ phải làm sao? Thầy tự trả lời: Phải tạo duyên mới chớ sao! Nhưng tạo duyên mới bằng cách nào? Thầy dùng trí tuệ đã tu chứng quan sát thì chỉ có Hòa Thượng Thanh Từ là người tạo duyên hóa độ cho Thầy mới dễ dàng. Nhờ tạo duyên đó mà bây giờ các con mới có những tập sách NGƯỜI CHIẾN THẮNG, TRỞ VỀ ÐẠO PHẬT và nhiều sách khác nữa. Có tạo duyên mới này để đem lại lợi ích cho mọi người thì đó mới là những ước nguyện của Thầy. Ðúng như vậy các con ạ!

Ước nguyện thứ nhất của Thầy là mong sao thấy các con đoàn kết và thương yêu nhau, đừng vì một lý do gì mà chia rẻ nhau; đừng vì một lý do gì mà ganh ghét nhau, xa cách nhau. Trên đời này các pháp đều vô thường nay thay đổi như thế nầy, mai thay đổi như thế khác, không lúc nào giống lúc nào, nó không có đứng yên một chỗ đâu, nó không có gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Phải không các con? Vậy mà sao các con lại không đoàn kết mà cứ chia rẻ nhau; chia rẻ nhau như vậy có lợi gì cho riêng các con đâu, còn làm đau lòng thêm cho các con, còn làm đau buồn thêm cho Thầy, các con có biết không?

Các con có biết không, Thầy ngày đêm làm việc để đem lại sự sống đạo đức không làm khổ mình khổ người, để đem lại hạnh phúc, an vui cho các con. Vậy mà các con lại chia rẻ nhau. Chia rẻ nhau vì quyền lợi gì các con? Ðau lòng lắm các con ạ!

Nhìn Phật tử Hà Nội chia rẻ nhau thì xấu hổ với Phật tử cả nước. Các con có biết không? Chỉ có việc người đại diện trong một tổ chức chung của Phật tử Hà Nội để làm nhịp cầu đoàn kết, để Thầy có ngày về Hà Nội; để có cơ hội Thầy về thăm và xây dựng Trung Tâm An Dưỡng dạy các con học đạo đức, thế mà các con lại muốn chia rẻ nhau, để làm gì các con? Ðể làm cho Thầy không bao giờ về thăm Hà Nội nữa phải không? Mỗi Tổ, mỗi Nhóm, các con nên gửi một người đại diện cho Tổ, cho Nhóm của mình vào, để tất cả Phật tử Hà Nội cùng sinh hoạt hội họp đoàn kết nhau thành một khối lớn mạnh, chứ sao các con lại muốn làm cho khối suy yếu.

Ðất nước chúng ta là một đất nước nhỏ bé, nhờ toàn dân đoàn kết mà giành lại độc lập cho quê hương. Dù đương đầu trước một nước lớn, một thế lực mạnh, thế mà chúng ta vẫn thành công. Phật tử Hà Nội hãy noi gương người đi trước; hãy làm ngọn đuốc sáng cho Phật tử các nơi khác. Ðoàn kết là một sức mạnh. Các con có biết không? Thầy ước mong các con đoàn kết, thương yêu và tha thứ những lỗi lầm của nhau, chị ngả em nâng. Một con sâu làm rầu nồi canh thì tệ lắm các con ạ! Một người nào trong các con gây chia rẻ khối đại đoàn kết Phật tử Hà Nội, lịch sử sẽ ghi lại tên tuổi và tiếng xấu người đó muôn đời. Các con có biết không?

Các pháp trên thế gian này đều vô thường, có pháp nào thường đâu, có pháp nào là của các con đâu. Danh mà làm chi hỡi các con? Càng danh, càng lợi càng đau khổ, vậy sao các con không buông xuống để cùng nhau đoàn kết; để cùng nhau yêu thương mà chia sẻ những nỗi khó khăn và nhọc nhằn khi đứng trước và đương đầu một văn hóa hủ tục mê tín dị đoan lạc hậu đã ăn sâu vào lòng người, đã trải qua mấy ngàn năm; đã trở thành một nếp sống phi đạo đức, phi khoa học; đã trở thành một phong tục tập quán đa thần khó bỏ. Nếu không có sự đoàn kết của các con thì làm sao dẹp bỏ những văn hóa hủ tục tệ hại ấy hỡi các con?

Ước nguyện thứ hai của Thầy là mong sao thấy các con sống đời sống có đạo đức nhân bản – nhân quả, không làm khổ mình, khổ người. Nhưng ước nguyện ấy rất khó thành công, vì các con sống nói lỗi người khác quá nhiều. Lại còn dùng những ngôn ngữ ác pháp nào là Thần Táo; nào là Ma Vương; nào là Quỷ dữ, nào là Ma Ðăng Già; nào là Ðề Bà Ðạt Ða, v.v... để ám chỉ cho họ những điều xấu ác. Họ là anh, chị, em của chúng ta từ mọi phương trời về đây, cùng học một giáo pháp, cùng một thầy dạy và cùng sống chung nhau trong một mái nhà của tu viện Chơn Như. Vậy mà chúng ta nỡ tâm nói xấu nhau để làm gì các con? Nồi da xáo thịt xấu lắm các con ạ! Ðó là một điều mà người trí không thể làm. Phải không các con? Chắc trong cuộc đời đầy đau khổ này, ai cũng muốn an vui, giải thoát, nhưng vì vô minh không hiểu nên họ nói và làm theo bản năng tự nhiên của họ, chứ họ có muốn làm như vậy đâu, sao các con không tha thứ và thương yêu họ. Phải không các con?

Ðiều mà các con không thấy lỗi mình, mà thấy lỗi người thì Thầy thật là đau lòng, vì Thầy đã dạy các con quá nhiều, nhưng sao các con không ghi nhớ, lại quên đi để biến tâm các con hẹp hòi, nhỏ bé, ích kỷ, luôn có những lời không ái ngữ. Tất cả mọi người trên thế gian này đều đáng thương không đáng ghét các con ạ! Họ đang sống trong mê mờ nên họ rất khổ đau, vì thế chúng ta hãy thương yêu họ nhiều và nhiều nữa. Phải không các con?

Ước nguyện thứ ba của Thầy là mong sao thấy các con giữ tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ để chứng đạt chân lý. Hy vọng này cũng quá mỏng manh, ước nguyện của Thầy khó thấy được. Rồi đây Phật giáo sẽ đi về đâu, đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người biết còn có dựng lại được nữa hay không? Cho đến khi Thầy vào hang ẩn bóng hoặc thị tịch, sự tu chứng đạo là điều quan trọng, còn sóng gió Chơn Như chỉ là những chuyện tầm thường của thế gian, có đáng gì cho những người tu hành như các con để ý, thế mà các con lại quên đi, không giữ tâm bất động. Chuyện nhỏ mọn như vậy mà tâm các con phóng dật ào ào như mưa tuôn, thác đổ. Vậy các con tu tập cái gì đây?

Như các con đã biết, chuyện đời chỉ có hơn thua, ganh tị, tranh chấp vì danh, vì lợi mà giày xéo lên nhau, luôn làm cho mình khổ người khác khổ. Chuyện đó có đáng gì cho những người tu theo Phật giáo quan tâm để ý không? Chuyện đó các con hãy xem nó là chuyện trẻ con. Khi các con đã biết đạo đức của Phật giáo thì hãy buông nó xuống, như lời Thầy đã dạy:

Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì,
Thở ra chẳng lại còn chi nữa.
Vạn pháp vô thường buông xuống đi!

Các con có nghe những lời Thầy dạy trên đây không? Những lời này Thầy đã dạy lâu lắm rồi, tới bây giờ mà các con chưa thâm nhập sao? Ôi! Thật là đau lòng. Khi nghe đức Phật thuyết pháp xong là năm anh em Kiều Trần Như đã thâm nhập liền, như vậy làm sao không chứng quả A La Hán được. Phải không các con? Còn bây giờ các con hiểu, nhưng không thâm nhập, thật đáng thương. Mấy ngày nay tâm các con động như cái chợ. Thầy đã dạy các con tất cả các pháp để tu chứng quả A La Hán không còn sót pháp nào Thầy chưa dạy, chỉ trừ những pháp nhập định và thực hiện Tam Minh, vì các con chưa có ai tu tập tới đó.

Ðừng bi quan, mặc cảm, các con dở thì phải cố gắng học tu nhiều hơn nữa thì sẽ giỏi các con ạ! Có những lỗi lầm thì cố gắng sửa lại sẽ trở thành người tốt, người hiền. Thánh Hiền đều từ những người lỗi lầm mà biết sửa đổi, chứ Thánh Hiền đâu phải từ trên trời rơi xuống. Phải không các con? Người tu hành theo Phật giáo đều là những người biết sửa đổi từ xấu chuyển thành tốt; từ ác chuyển thành thiện. Phật đâu có ở cõi trời Ðâu Xuất giáng trần. Phật xuất thân từ người thế gian các con ạ! Chúng ta cũng vậy, phải cố gắng hơn nữa, để xứng đáng là những người con của Phật, là những người đệ tử thánh thiện không lỗi lầm.

Liễu Tâm vào tu viện tu tập thì Liễu Vân theo lời Thầy lãnh trách nhiệm kêu gọi các Tổ, Nhóm cho người đại diện để thành lập một khối đại đoàn kết Phật tử Hà Nội. Thế sao các con không muốn Phật tử Hà Nội đoàn kết mà lại muốn chia rẻ sao? Sống chia rẽ một nhóm nhỏ có lợi ích gì khi các Tổ Nhóm khác đều đoàn kết nhau sống chặc chẻ trong tình thương yêu lẫn nhau, cùng đoàn kết in kinh sách để phổ biến đạo đức đến với mọi người thì hạnh phúc biết bao. Các con có thấy sự đoàn kết đó không?

Thầy sẽ nhận sự cúng dường đoàn kết của Phật tử Hà Nội, dù một đồng quý hơn vạn, triệu đồng mà thiếu đoàn kết. Bây giờ các con đã thành lập Tổ Ðoàn Kết để thay mặt cho Phật tử Hà Nội, thì mỗi việc làm phải có liên hệ thông qua với nhau, có như vậy mới gọi là đoàn kết. Phải không các con? Các con đoàn kết thật sự, chứ không phải đoàn kết ngoài mặt, “bằng mặt chứ không bằng lòng”. Nếu các con bằng mặt không bằng lòng thì Tổ nào sống như vậy thì được xem Tổ đó không phải là Phật tử chân chánh, không phải đệ tử Phật, không phải đệ tử Thầy. Vì đệ tử Phật, đệ tử Thầy thì không chống trái nhau, sống biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng; sống biết không làm khổ mình khổ người; sống biết thương yêu, biết tha thứ mọi lỗi lầm của nhau; sống biết thông cảm và chia sẻ những nỗi khó khăn, những hoàn cảnh cay đắng ngọt bùi, v.v… Ðó là mục đích đoàn kết lợi ích như vậy. Các con có hiểu không?

Về kinh sách xin phép in ấn Thầy có nhiều tập sách có giá trị lợi ích rất lớn cho người Phật tử tu học tại gia cũng như xuất gia như: HÀNH THẬP THIỆN, TỨ VÔ LƯỢNG TÂM, NHỮNG CHẶNG ÐƯỜNG TU HỌC CỦA NGƯỜI CƯ SĨ, TẠO DUYÊN HÓA CHÚNG SANH, ÐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT 10 tập, ÐẠO ÐỨC LÀM NGƯỜI, VĂN HÓA PHẬT GIÁO TRUYỀN THỐNG, 2 tập và NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY 4 tập.

Những sách trên còn xin tái bản trở lại rất nhiều lần, vì số sách không đủ ấn tống cho Phật tử. Vậy quý Phật tử trong nước cũng như ở nước ngoài muốn ấn tống kinh, dù cá nhân hay tập thể có tâm in ấn đều ghi danh sách rõ ràng để được in vào trang sách với tâm thành hồi hướng cho ai và việc gì xin ghi rõ rồi gửi cho Tổ Ðoàn Kết Phật Tử để được ghi vào sổ công đức. Tổ Ðoàn Kết Phật Tử mới gửi danh sách cho Tổ In Ấn. Tổ In Ấn theo thứ tự ngày tháng xin mà cho in danh sách vào sách. Có làm việc theo thứ tự hành chánh như vậy thì công việc mới dễ dàng và mới có đoàn kết. Còn làm việc theo tình cảm thì không trôi chảy được, và làm mất tình đoàn kết. Quý Phật tử có hiểu không? Trường hợp đặc biệt trong gia đình có người mất, Tổ viên muốn báo hiếu bằng cách xin ấn tống kinh sách thì Tổ In Ấn phải đặc cách cho danh sách của Tổ viên này được ưu tiên in kinh trước.

Ở Hà Nội đã thành lập Tổ Ðoàn Kết Phật Tử, mỗi tổ viên là một đại diện cho Tổ nhóm của mình, nếu Tổ Nhóm của mình không tham dự vào Tổ Ðoàn Kết thì đương nhiên Tổ Nhóm này chia rẻ Phật tử Hà Nội thì Phật tử Hà Nội sẽ không chấp nhận. Coi như Tổ Ðoàn Kết không có danh sách Tổ Nhóm này.

Mỗi lần có sóng gió Chơn Như là mỗi lần Chơn Như vươn mình lên cao hơn nữa để đi đến thành lập Trung Tâm An Dưỡng, mở các lớp đạo đức, các lớp Thọ Tam Quy, các lớp Thọ Ngũ Giới, các lớp Thọ Bát Quan Trai, các lớp Chánh Kiến, các lớp Chánh Tư Duy, các lớp Chánh Ngữ, v.v.... Các con đã từng học đạo đức tâm bất động với Thầy, thế mà mỗi lần có sóng gió Chơn Như lại dao động tâm. Vậy các con học đạo đức bất động tâm như thế nào mà lại dao động? Sóng gió chỉ là một trò đùa của trẻ con có gì mà để tâm động như vậy. Các con xem sóng gió Chơn Như to tác lắm sao? Các con có giải quyết được gì không? Ðiều mà các con giải quyết là giải quyết tâm của các con cho được bất động. Những bài học đã qua, mỗi lần sóng gió Chơn Như là có những bài học sống động hơn dẫn dắt các con đi đến đích giải thoát của Phật giáo. Các con có thấy không?

Tại sao các con không lo phòng hộ sáu căn để cứu mình ra khỏi nhà sinh tử, vui sướng gì mà lại hội họp làm những điều phạm giới phá giới trái với những lời dạy của đức Phật, lời dạy của Thầy. Hay các con đã nghĩ Thầy đi rồi, mặc tình hội họp nói chuyện thỏa thích. Tu hành theo Phật giáo trước mặt cũng như sau lưng phải giữ đúng phạm hạnh, dù Thầy có đi đâu vắng cũng vậy, phải giữ gìn như Thầy đang có mặt ở tu viện, chứ sao lại hội họp nói chuyện như vậy. Các con làm được những gì? Khi mọi người trong tu viện chỉ là anh chị em chung trong một nhà, phải đối xử như thế nào, chứ không lẻ ruột bỏ ra da đem vào sao? Tình huynh đệ có chặt nhau thì chặt bằng sống dao chứ đừng chặt nhau bằng lưỡi dao. Phật giáo dạy chúng ta lấy tình thương mà trả oán thù, thì oán thù sẽ tiêu tan, chứ lấy oán thù trả oán thù thì oán thù chồng lên ngút ngàn thì làm sao gọi là đạo đức không làm khổ mình khổ người. Có đúng như vậy không các con?

Các con có biết không? Phải nổ lực tu hành cho đúng pháp thì ngay đó các con đã chứng đạo. Chứng đạo có gì khó đâu. Còn tu hành như các con tâm luôn luôn phóng dật, tu hành như vậy làm sao chứng đạo được. Các con nói tu hành rất hay, nhưng khi có sóng gió mới thấy sự tu hành của các con quá dở. Sóng gió xảy ra trong tu viện này mà ai là người bất động. Người bất động ấy là người chứng đạo đấy các con ạ!

Cơ thể hơi đau sơ sơ một chút là đi xin thuốc uống, đó là bất động sao? Chuyện sóng gió của tu viện là một việc rất tầm thường, rất trẻ con có gì quan trọng đâu. Vậy mà các con lại động tâm như vậy sao? Ðộng tâm ào ào cả tu viện, như vậy các con thấy con đường tu tập của mình ra sao? Lùi hay tiến? Chứng đạo hay không chứng đạo đều biết rất rõ ràng. Phải không các con? Có duyên sóng gió mới đo được sự tu tập của các con, không duyên lấy gì đo, làm sao biết?

Thầy xin kể câu chuyện thứ nhất trong thời đức Phật, ngày xưa người ta lôi xác chết của một phụ nữ bị giết chôn sau thất Phật, rồi họ tố cáo đức Phật giết. Câu chuyện thứ hai, người ta đưa một phụ nữ mang thai và bảo rằng đức Phật là tác giả.

Hai câu chuyện xảy ra động trời như vậy nếu đặt các con cùng sống trong thời gian ấy thì các con xem Phật ra sao? Có phải bằng con mắt nghi ngờ khinh chê không? Có phải bỏ đức Phật ra đi không? Có đúng như vậy không các con? Ngược lại những chuyện động trời như vậy mà chúng Tỳ kheo trong thời đức Phật im lặng như Thánh, họ không hề dao động, vì lòng tin của họ quá sâu đậm với đức Phật và họ là những người tâm bất động. Họ thấy đó là chuyện tầm thường của thế gian, có đáng gì cho họ nghi ngờ Phật, vì họ ngộ pháp Phật và biết Phật là người đầy lòng yêu thương và buông xả tất cả thì làm gì có việc ấy. Có đúng như vậy không các con? Nhưng các con tâm còn mê mờ, ngay cả chuyện chứng đạo sau khi nghe Phật thuyết pháp xong mà các con còn không tin, thì chuyện tày trời về các phụ nữ này làm sao các con không nghi ngờ.

Chúng ta hãy dẹp câu chuyện thần thông huyền thoại qua một bên để tìm thấy lòng người lúc bây giờ. Chúng Tỳ kheo trong thời đức Phật họ đã thâm nhập những lời dạy của Phật nên họ bất động khi thấy đức Phật bị hàm oan hãm hại. Những giáo sĩ Bà La Môn muốn hại Phật, thì họ phải dựng lên những chứng cớ rõ ràng, nếu không dựng lên những chứng cớ rõ ràng thì làm sao hạ uy tín của Phật được. Các con đừng nghe trong kinh dựng lên những thần thông thật là buồn cười để giải oan cho Phật như tiểu thuyết Trung Hoa. Có sóng gió như vậy mới thấy tâm Phật bất động, mới thấy Phật là người xứng đáng cho chúng ta cung kính tôn thờ. Phải không các con? Còn Tu Viện sóng gió chẳng ra gì mà các con dao động ngày nào cũng hội họp, vậy chứng tỏ lòng tin của các con đối với Thầy còn yếu lắm. Nếu câu chuyện của Phật ngày xưa mà ngày nay đặt vào Thầy thì các con sẽ bỏ đi hết chớ gì. Có đúng như vậy không?

Câu chuyện sóng gió của Chơn Như có ra gì mà tâm các con còn dao động, như vậy các con tu tập không có xả tâm mà chỉ ức chế tâm, tu như vậy có ích lợi gì cho ai, tu như vậy là tu sai pháp, tu như vậy là tu uổng công các con ạ!. Danh đối với Phật có nghĩa lý gì, còn Thầy, khi các con bỏ đi Thầy chỉ mĩm cười ung dung bước vào tù, vì tội giết người, vì tội hiếp dâm Thầy không một lời minh oan các con ạ!

“Những buổi chiều tà mưa phủ trắng
Thầy cười tha thứ kẻ vô minh”

Danh như nước chảy qua cầu, có gì làm động tâm người tu sĩ Phật giáo. Thầy luôn luôn tha thứ và thương yêu những người làm khổ Thầy và ước nguyện đời sau họ sinh ra làm người thiện, gặp nhiều may mắn hơn, họ là những người đáng thương, không đáng ghét, vì vô minh mà họ trở thành người làm khổ họ, chứ họ làm khổ Thầy sao được. Thầy là người bất động tâm, là người không còn tham danh, không còn tham lợi; Thầy là người không còn khổ đau trên cuộc đời này nữa.

Ðây là lời khuyên thân thương của Thầy gửi đến các con, những đứa con yêu thương của cuộc đời Thầy khi gặp nhau trong những ngày đầy cay đắng, gian nan, muốn cứu giúp các con thoát vòng tay khổ đau mà không giúp được, vì các con không nghe lời Thầy, nên Thầy thật là mệt mõi vô cùng. Trên cuộc đời hoằng hóa của Thầy gặp các con dù nam hay nữ, dù em ruột, cháu ruột của Thầy, dù bất cứ một ai làm khổ Thầy, Thầy vẫn tha thứ và thương yêu rất bình đẳng như nhau, không thù, không oán, không nói xấu ai cả. Dạy em ruột, cháu ruột của mình cũng như dạy tất cả mọi người Thầy đều dạy như nhau cả, nhưng sự hiểu biết và tiếp thu là do mọi người có cái hiểu, cái nhìn khác nhau. Thầy không dấu một kinh nghiệm nào cả.

Thầy đã hiểu Phật giáo không có pháp nào bí mật, không có pháp nào cao siêu cả, chỉ có một pháp duy nhất đó là bất động tâm; là tâm không phóng dật, là tâm thanh thản, an lạc, vô sự; là tâm sống không làm khổ mình khổ người.

Hết mưa rồi lại nắng. Phật tử Hà Nội phải đoàn kết và đoàn kết hơn nữa mới xứng danh là người Hà Nội. Một trung tâm văn hóa của dân tộc Việt Nam anh hùng bất khuất trước mọi giặc ngọai xâm. Ngày nay người Hà Nội cũng xứng đáng là những người đại đoàn kết chặt chẽ để phá tan những văn hóa hủ tục mê tín lạc hậu. Hết mưa rồi lại nắng, các con phải tu tập giới luật cho nghiêm chỉnh hơn, phải biết buông xả; phải biết tập sống không làm khổ mình khổ người; Phải biết thương yêu và tha thứ mỗi lỗi lầm; phải biết không nói xấu ác cho người; phải biết sống như con tê ngưu một sừng; phải biết giữ tâm không phóng dật; phải biết chứng đạo ngay liền trong đời sống hằng ngày của các con.

Kính thưa quý Phật tử! Nếu các con sống đúng như những lời dạy trên đây là Thầy đang ở gần một bên với các con, còn ngược lại các con chia rẻ thì dù các con có sống ở gần bên Thầy mà vẫn cách xa Thầy muôn ngàn vạn dặm. Thầy ẩn bóng với những người không tu, không sống trong thiện pháp, chứ không ẩn bóng với những người tu đúng, sống đúng pháp Phật. Còn hai tháng nữa là mãn khóa tu chứng quả A La Hán. Vậy hiện giờ ai tu chứng và không tu chứng các con đều biết rất rõ, đâu có cần Thầy tuyên bố? Còn hai tháng nữa thời gian còn dài, có thể biết đâu khi bức tâm thư này ra đời thì lại có nhiều người ngộ và chứng quả A La Hán. Quả A La Hán đâu phải dành riêng cho người nào, chỉ có những người ngộ các pháp vô thường và biết buông xả sạch, thường sống trong một tâm bất động thì quả A La Hán về người đó.

Hãy cố gắng lên các con ạ! Phật pháp được dựng lại là do từ sự tu chứng của các con, chứ không phải của Thầy nữa. Trách nhiệm của các con lớn lắm. Các con có thấy không? Thầy đã giao gánh nặng thiện pháp cho các con rồi. Vậy từ đây các con phải thương nhau, đừng ganh ghét nhau, đừng tỵ hiềm, ích kỷ nhỏ mọn với nhau mà phải cùng chung lưng đâu cật, chị ngã em nâng, trên bước đường đạo đức nhân bản – nhân quả để đem lại sự lợi ích, sự an vui hạnh phúc cho đời, để biến cõi thế gian này thành cõi Cực Lạc, Thiên Ðàng.

Bức tâm thư này đến với các con tức là Thầy không bao giờ bỏ các con bơ vơ như gà con mất mẹ. Phải không các con? Mặc dù Thầy không ở gần bên các con nữa, nhưng lúc nào Thầy cũng chăm sóc các con như người mẹ chăm sóc những đứa con thơ dại thân thương của mình. Bỏ sao được khi các con tu hành giống như đứa bé thơ mới biết đi chập chững; bỏ sao được khi bộ sách đạo đức làm người chưa xong; bỏ sao được khi bộ sách giới luật đức hạnh của Tăng, Ni chưa rồi; bỏ sao được khi giáo trình tu học từ căn bản đến chứng quả A La Hán chưa thành, v.v...

Sau cùng Thầy gửi lời thăm và chúc các con, tất cả tu sĩ và cư sĩ đều chứng quả A La Hán ngay trong hiện tại.

Thân thương chào các con.

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Trích Những Bức Tâm Thư, tập 1, TV.2007, tr.77-84)
Previous Post
Next Post