Thế giới hòa bình

Thế giới chúng ta là thế giới nhiễu nhương, đầy dẫy mâu thuẫn và tranh chấp. Chẳng phải bây giờ mới vậy, mà đã biết bao nhiêu thiên niên kỷ rồi vẫn vậy. Dù người ta đua nhau nói đến hòa bình, người ta mong mỏi và ca tụng hòa bình, người ta triệu tập các hòa hội và ký kết các hòa ước, người ta đặt giải thưởng hòa bình, nhưng chẳng bao giờ nhân loại lại có được một nền hòa bình thật sự. Lúc nào trên trái đất này cũng có chiến tranh, không lớn thì nhỏ, không thế giới, cũng địa phương, không nóng cũng lạnh.

Cả những giai đoạn mà đao kiếm không tuốt trần, súng ống không nhả đạn cũng chẳng phải là thế giới có được hòa bình. Người ta đang âm thầm và ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Người ta bỏ công, của nghiên cứu và sản xuất các loại binh khí, chiến cụ ngày một tối tân, hiện đại hơn, giết người hàng loạt. Và ngày nay số binh khí, chiến cụ tích lũy đã lên đến mức độ thật hãi hùng. Không cần phải sử dụng toàn bộ số binh khí, chiến cụ ấy, mà chỉ một phần nhỏ thôi cũng đã đủ để tận diệt mọi sinh linh, biến các công trình xây dựng vô giá và nền văn minh sáng chói này của nhân loại thành tro bụi, biến hành tinh xinh đẹp, nơi dung thân của loài người chúng ta, thành một thiên thể chết. Vì vậy mà thế chiến 3 chưa xảy ra để các kho vũ khí độc hại khủng khiếp kia có dịp mở cửa mà thiêu đốt cả kẻ thắng lẫn người bại, nhưng nhân loại thì đã phải sống trong một nền hòa bình đầy lo âu và nơm nớp sợ hãi.

Ấy thế mà con người vẫn biện minh cho việc làm của mình bằng những lời lẽ hoa mỹ. Họ nói rằng muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh và vũ khí độc hại có sản xuất ra ngày một nhiều thật, nhưng cũng mong không có dịp phải dùng tới.

Không những thế, một số nước có nền công nghiệp cao, ngoài việc sản xuất và tồn trữ vũ khí giết người hàng loạt như hạt nhân, hóa học, vi trùng, với lý do phòng thủ, còn sản xuất các loại vũ khí để xuất khẩu như xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vậy, hòng kiếm những món lợi to lớn.

Ngoài việc bán ra như thế, họ còn dùng vũ khí đã sản xuất đế chi viện các quốc gia, các tổ chức, các đảng phái, phe nhóm, các phong trào ở khắp nơi để kéo bè, kéo cánh hầu bành trướng thế lực.

Muốn thu được lợi nhuận ngày một nhiều, muốn thế lực ngày được nâng cao, lan rộng, họ đã không ngần ngại tạo mâu thuẫn hoặc gây chia rẽ để thừa nước đục thả câu hay đóng vai "ngư ông đắc lợi". Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.

Một khi nước mình, phe mình, khối mình bành trướng thì cũng kích thích nước khác, phe khác, khối khác bành trướng theo và hậu quả tất nhiên là tình hình căng thẳng cứ leo thang. Tranh chấp cứ ngấm ngầm, âm ỷ. Chiến tranh cứ tiềm ẩn, đợi chờ.

Nói đến chiến tranh, là người, ai chẳng chán ghét, ghê tởm. Nhưng vì tính tham lam, vị kỷ đã làm mất đi sự sáng suốt, lòng nhân đạo vốn có, nên con người hiện ra như một sinh vật khát máu và độc ác nhất. Thôi thì tôn giáo, sắc tộc, mầu da, lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên, thị trường, ý thức hệ, v.v... Cái gì cũng có thể là nguyên nhân gây chiến để tàn sát lẫn nhau.

Hầu như con người chẳng rút được những kinh nghiệm khổ đau nào từ chiến tranh. Trong quá khứ lịch sử, con người đã trải qua không biết bao nhiêu là cuộc chiến tranh rồi, đã từng chứng kiến cảnh chết chóc, thương tật, tàn phá, đổ vỡ, và cũng là nạn nhân trực tiếp của những thảm cảnh đó. Những tưởng rằng "bận trước đau, bận sau rái". Nhưng không, hết keo này, họ lại sẵn sàng bầy keo khác. Thế chiến I có số tử vong của quân đội đôi bên là 8.500.000 người, chưa kể đến con số người bị thương tật, tàn phế, mất tích thường vẫn cao hơn số tử vong nhiều, và cũng chưa kể đến số tử vong và thương tật cũng vô cùng to lớn trong lãnh vực dân sự. Cũng lại chưa nói đến sự thiệt hại vì tàn phá, đổ vỡ trên đất nước đôi bên.

Giữa lúc kinh nghiệm đau thương ấy còn hằn lên rõ nét trong tâm trí mọi người thì chỉ hai thập kỷ sau, thế chiến thứ hai lại nổ ra đưa con số tử vong lên đến 14.500.000 người. Dĩ nhiên, các con số khác về thương tật, tàn phế, mất tích, thiệt hại dân sự cũng như mức độ tàn phá, đổ vỡ cũng theo tỷ lệ tử vong mà nhân lên. Đúng là núi xương sông máu! Người ta đã đang tay vẽ nên bức tranh bi thảm bằng máu và nước mắt trùm lên một phần lớn diện tích trái đất. Nhưng hình như con người vẫn chưa thỏa, nên còn nuôi dưỡng ý định vẽ một bức tranh mới bi thảm hơn, to tát hơn để liệm kín hành tinh xinh đẹp và yêu quý này.

Thực vậy, sau thế chiến 2, người ta lại ráo riết chuẩn bị chiến tranh, lại mài nanh, giũa vuốt. Nào là tối tân hóa vũ khí, chạy đua vũ trang, nào là thành lập các khối quân sự đối đầu. Tình trạng quốc tế đôi khi đã rất căng thẳng, chiến tranh có vẻ đã cận kề, khiến người ta không thể không đặt câu hỏi: Liệu loài người có may mắn tránh được thế chiến 3 hay không?.

Thật là khó mà giải thích được thái độ và hành động vô lý của con người. Phải chăng đúng như một triết gia Đức, ông Schopenhauer, đã nhận định là có một ma lực tiềm phục nơi con người, luôn thúc đẩy con người sáng tạo và phá hoại không ngừng. Ma lực đó không cho phép con người rút được những kinh nghiệm khổ đau, để từ đó dứt khoát từ bỏ chiến tranh, mà lại chỉ cho phép con người rút được những kinh nghiệm để tiến hành chiến tranh ngày một hữu hiệu hơn, nghĩa là tàn bạo hơn, dã man hơn để rồi tự lún sâu vào khổ đau, chết chóc như con thiêu thân lao mình vào lửa đỏ.

Loài người vẫn tự phụ về tiến bộ khoa học, kỹ thuật đã đạt được. Đúng vậy, khoa học, kỹ thuật quả có tiến bộ vượt bực khiến con người đã bay hơn chim, lội hơn cá. Dù có xa xôi vạn dặm cũng như gần gũi tấc gang. Chỉ vài giờ bay là ta có thể đến bất cứ nơi nào trên trái đất. Nhấc máy điện thoại lên ta có thể trò chuyện với một người ngàn trùng xa cách. Ngồi ở nhà ta vẫn coi được các sự kiện xẩy ra tại bất cứ nơi nào trên hành tinh này rõ ràng, đầy đủ, in tuồng như ở trước mắt. Nhưng cũng chính ma lực tiềm phục kia đã khiến con người lợi dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật để sản xuất ra các loại vũ khí vô cùng khủng khiếp đưa nhân loại sát gần bờ vực thẳm. Đúng là lợi bất cập hại! Có còn đáng gọi là tiến bộ nữa không? Chẳng lẽ tiến bộ lại đồng nghĩa với tự sát?

Chính ông Albert Einstein, nhà khoa học nổi danh của thế kỷ này, ngay từ năm 1946, đã đưa ra lời kêu gọi đầy lo âu:

- “Il faul prevenir les hommes qu'ils sont en danger de mort”. (Phải cáo tri nhân loại rằng họ đang ở trong tình trạng nguy hiểm chết người).

Khoa học đã trở thành trọng tội.

Lại nữa, ông Niels Bohr, một nhà bác học nguyên tử Đan Mạch cũng đã nói với ông Oppenheimer, một nhà bác học nguyên tử Hoa Kỳ như sau:

- “Quand il me vient une idée, il me vient aussi ĩidée de me suicider.” (Ý kiến mới nào của tôi trong lãnh vực nguyên tử cũng có kèm theo ý kiến tự sát).

Sau khi chi tiêu không biết bao nhiêu là tiền bạc, sung dụng không biết bao nhiêu là tài nguyên, nhân lực vào việc sản xuất binh khí, chiến cụ làm cho đời sống con người ngày thêm khó khăn về phương diện vật chất và thêm sợ hãi về phương diện tinh thần, nay con người có suy tính đến việc giải trừ quân bị, nghĩa là cùng nhau thỏa thuận đem vũ khí đã sản xuất ra để từng bước hủy hoại bớt đi. Bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ. Theo đà này liệu con người có thể dần dà đi đến một thế giới không còn vũ khí, một thế giới hòa bình thực sự để nhân loại vĩnh viễn thoát khỏi họa chiến tranh không?

-   Chắc chắn là không. Suốt quá trình tiến hóa của con người qua các thời đại, chưa bao giờ con người lại chịu vứt bỏ toàn bộ binh khí đã sản xuất ra để cùng nhau chung sống hòa bình. Ở thời đại thạch khí, các vũ khí bằng đá được sản xuất ra và đã được tận dụng để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bộ lạc. Ở thời đại kim khí thì giáo mác, gươm đao, rồi súng đạn được sản xuất ra cũng đã được tận dụng để tranh thắng trong các cuộc chiến tranh lớn nhỏ. Ở thời đại nguyên tử thì vũ khí hạt nhân được sản xuất ra và cũng đã được sử dụng, nhưng vì hiệu quả quá ghê gớm của nó, nên thời gian qua người ta không nỡ, hay đúng hơn là không dám tận dụng để giải quyết mọi bất đồng. Và nay cũng vì hiệu quả ghê gớm ấy đã khiến con người tính đến việc giải trừ loại vũ khí này và các loại vũ khí độc hại khác để hy vọng một ngày nào đó loại bỏ được sự sợ hãi thường trực đè nặng lên tâm tư nhân loại từ mấy thập kỷ nay rồi. Nhưng ma lực tiềm phục không cho phép con người làm việc này một cách triệt để. Đúng vậy, sau một thời gian dài kiên trì thương thuyết người ta mới đạt được một thỏa thuận bước đầu đem một số hỏa tiễn có đầu đạn hạt nhân ra hủy diệt đi. Nhưng cũng chỉ có hai nước Hoa Kỳ và Nga làm việc này, còn các nước khác cũng là sở hữu chủ các kho vũ khí độc hại, vẫn không tham gia việc làm đầy tính nhân đạo ấy. Và số vũ khí đem ra hủy diệt cũng chẳng thấm gì so với số hiện có.

Lại nữa, tuy đã có hiệp ước quốc tế cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, cấm sản xuất các vũ khí hóa học. Nhưng con số những nước có khả năng sản xuất các loại vũ khí này cứ dần dần gia tăng.

Còn việc giải trừ các loại vũ khí tấn công quy ước thì chưa ai nói tới. Con đường đi đến một thế giới không còn vũ khí tấn công xem ra dài xa vô tận đến gần như không tưởng.

Tình hình thế giới gần đây có nhiều đổi thay quan trọng với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại nhiều nơi trên thế giới. Cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối cộng sản và tư bản hầu như chấm dứt. Thế đối đầu quân sự giữa hai khối NATO và VÁC-SƠ-VA không còn nữa. Người ta đang nói đến một trật tự thế giới mới. Có vẻ như nhân loại đang bước vào một kỷ nguyên hòa bình. Nhưng không, thế giới của chúng ta chẳng bao giờ lại có thể có hòa bình thực sự được. Nói như vậy, chẳng phải là tôi không tin vào sự khôn ngoan của loài người mà tôi là một thành viên. Cũng chẳng phải tôi bi quan, chỉ nghĩ đến những điều bất hạnh của nhân loại. Nhưng quá trình tiến hóa đã chứng minh điều đó. Có ra khỏi thế đối đầu này thì con người lại bước sang một thế đối đầu khác. Mâu thuẫn không ở quy mô này cũng ở quy mô khác, không lộ liễu, ồn ào, cũng ngấm ngầm, âm ỷ. Trật tự thế giới mới nếu có hình thành thì tất cũng có lợi cho một số nước này và có hại cho một số nước khác. Cuộc đổi thay nào mà chẳng vậy! Mầm mống tranh chấp vẫn cứ tồn tại thường hằng không sao ngăn chặn và tiêu diệt được, mặc dù những cố gắng liên tục và to lớn của con người.

Đừng mong gì ở những đổi mới. Vì đổi mới tổ chức, đổi mới tư duy hay đổi mới gì gì đi nữa thì cũng chỉ là đổi mới cái thế đối kháng cố hữu mà thôi. Tại sao vậy?

-   Vì thế giới của chúng ta thiếu vắng tình yêu thương chân thật. Tương quan giữa người với người không được xây dựng trên tình yêu thương mà lại chỉ lập căn trên quyền và lợi. Tình yêu thương chỉ có trên bình diện ngôn từ và lại thường được dùng làm chiêu bài để che dấu một âm mưu nào đó. Ta hãy theo dõi, quan sát các hoạt động của các quốc gia, các tổ chức trên thế giới một cách vô tư. Dù có được ngụy trang bằng những lời lẽ hoa mỹ đến mấy đi nữa thì các hoạt động ấy cũng chỉ nhằm tìm kiếm một ưu thế nào đó để mà thủ lợi hầu thỏa mãn tính tham lam vị kỷ cố hữu của con người.

Nói đâu xa nữa, cứ xem chuyện trước mắt tại Việt Nam ta thì rõ. Giai đoạn từ giữa thập niên 40 đến giữa thập niên 70, nhân dân ta vô cùng khổ đau, người chết, của hết chỉ vì theo đuổi hai cuộc chiến tranh. Quân dân ta trên dưới bốn triệu người đã phải hy sinh. Bao nhiêu thành phố xinh đẹp, an bình đã trở thành những đống gạch vụn đổ nát. Bao nhiêu thôn làng ấm cúng, ấp ủ tình quê hương đậm đà đã bị đốt phá tan hoang. Văn hóa dân tộc bị băng hoại. Trớ trêu thay, cái thảm cảnh chết chóc, tàn phá đau thương này, với những hậu quả khắc nghiệt khôn lường kéo dài của nó, lại đến từ lòng yêu thương của hai thế lực quốc tế. Một bên thì nói vì lòng yêu thương giai cấp công nông, và vì nghĩa vụ quốc tế giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em nên đã chi viện sức người, sức của giúp nhân dân ta chiến đấu giải phóng khỏi sự kìm kẹp, bóc lột của thực dân, đế quốc. Một bên thì nói vì thương xót nhân dân ta trước hiểm họa độc tài chuyên chính vô sản, một chế độ tàn bạo, phi nhân mà đổ tài nguyên, nhân vật lực vào giúp nhân dân ta chiến đấu chống cộng sản, bảo vệ tự do, dân chủ và nhân quyền. Nhưng thực tế, một thực tế phũ phàng, là không ai yêu thương ai cả, chẳng qua cũng chỉ vì quyền, vì lợi mà thôi.

Ai cũng chạy theo quyền lợi tất đưa đến va chạm, và tranh chấp nẩy sinh. Trong một tập thể nhỏ, trong một quốc gia hay trong cộng đồng quốc tế thì sự va chạm quyền lợi lúc nào cũng là đầu dây, mối nhợ của mọi xáo trộn, kình chống.

Muốn thế giới có hòa bình, muốn nhân loại an vui thì tương quan quyền và lợi phải được thay thế bằng tình yêu thương chân chính. Chỉ có tình yêu thương chân chính mới cứu vãn được nhân loại, đưa nhân loại ra khỏi hiểm họa chiến tranh đã từ bao nhiêu thiên niên kỷ rồi, khi ẩn, khi hiện, vẫn hiện diện trên trái đất này. Nói khác đi, hòa bình thật sự chỉ ló dạng khi tình yêu thương ló dạng. Chỉ có ánh sáng của tình yêu thương mới xua tan được bóng tối của tranh chấp, đối kháng. Nhưng tình yêu thương chân chính chỉ ló dạng khi tư tưởng ngưng dứt, và tư tưởng chỉ ngưng dứt khi ta thấu hiểu nó. Nếu tất cả những nhà lãnh đạo, những người có quyền có chức trên thế giới này, thay vì quay ra chạy theo, rượt bắt các mục tiêu xa gần, lại quay vào để thấu hiểu tư tưởng mình từng phút từng giây thì bộ mặt của thế giới này nhất định sẽ đổi thay.

Tư tưởng chính là ma lực tiềm phục trong con người chúng ta. Và con ma tư tưởng ấy chỉ biến mất đi khi ta nhận diện rõ ràng được nó, nghĩa là bất cứ lúc nào hễ nó hiện ra, và hiện ra dưới hình dạng nào là ta cũng đều hay biết thì nó phải ra đi để nhường chỗ cho tình thương ngự trị và đâm bông trong tâm tư ta. Chỉ khi đó thì hòa bình thật sự mới đến với hành tinh này. Nếu loài người ai ai cũng đều hiểu thấu tư tưởng của mình thì hạnh phúc, an vui sẽ đến với mọi cá nhân, mọi tập thể, mọi quốc gia. Thế giới này sẽ không còn là đấu trường tàn khốc nữa.

Hiểu thấu tư tưởng mình từng phút, từng giây còn gọi là tỉnh thức, là sống trọn vẹn với hiện tiền, là sống phi thời gian. Đức Khổng Tử, nhà đại hiền triết Trung Hoa, đồng thời với Đức Phật, người được Đông Phương tôn xưng là "Vạn Thế Sư Biểu", nghĩa là ông thầy của muôn đời, từ hơn 25 thế kỷ trước đây cũng đã đưa ra một công thức nổi danh để giúp cho thế giới (thiên hạ) được hòa bình. Đó là công thức "tu, tề, trị, bình", tức tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Công thức này là sự rút gọn của ba mệnh đề sau đây được trình bầy trong sách Đại Học:

1  - Thân tu nhiên hậu gia tề.

2  - Gia tề nhiên hậu quốc trị.

3  - Quốc trị nhiên hậu thiên hạ bình.

Nếu mọi thành viên trong gia đình ai cũng tu thân (to perfect oneself) nghĩa là ai cũng biết sửa mình theo đạo đức, thì gia đình nhất định phải thuận thảo, an vui. Nói khác đi "gia tề" là kết quả tất nhiên của "thân tu", mọi người trong gia đình đã tốt thì gia đình không thể xấu được.

Một khi gia đình, đơn vị cấu thành quốc gia, tất cả đã trật tự, kỷ cương, ổn định thì quốc gia sẽ không có cảnh loạn ly, giặc giã.

Thế giới hay thiên hạ là tập hợp của nhiều quốc gia. Nếu mọi quốc gia đều yên ổn thì thế giới sẽ hòa bình. Vậy thì Hòa bình thế giới bắt nguồn từ việc tu thân của từng cá nhân. Nói một cách khác, viẹc tu thân của từng người là chìa khóa của hòa bình thế giới, vì vậy nên Khổng học đặt trọng tâm vào việc tu thân của mọi cá nhân.

"Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản"

Từ bậc vua chúa, tức những nhà lãnh đạo, đến thường dân, ai ai cũng phải lấy tu thân làm gốc.

Nhưng làm thế nào để tu thân?

-  Khổng học đưa ra bốn bước: chính tâm, thành ý, trí tri, cách vật.

Muốn tu thân trước hết phải có cái tâm cho chính (Dục tu kỳ thân, tiên chính kỳ tâm). Tâm chính là tâm ngay thẳng, không tham, sân, si.

Muốn có tâm cho chính trước hết phải có ý cho thành (Dục chính kỳ tâm, tiên thành kỳ ý) mà thành ý chính là thấu hiểu tư tưởng của mình một cách thành thật. Ý hay tư tưởng của mình thế nào thì mình phải thấu hiểu nó y như thế và thấu hiểu tức thì. Nếu ý ta khởi tham, khởi sân, khởi si mà ta không biết rằng mình đang tham lam, sân hận, si mê thì không phải là "thành kỳ ý".

"Thành kỳ ý" trong Khổng học cũng chẳng khác gì "Hồi Quang Phản Chiếu" hay "Phản Quang Tự Kỷ" trong Phật học và Thiền Học. Cái "ý" một khi đã "thành" thì tự nó hồn nhiên ngưng dứt và tham, sân, si, không còn, từ đó mới có "chính kỳ tâm" được.

Đến đây tưởng đã đủ rồi. Có "ý" cho "thành", có "tâm" cho "chính" là có thể tu thân được rồi. Nhưng Khổng học còn dạy" "Dục thành kỳ ý tiên trí kỳ tri" và "trí tri tại cách vật" nghĩa là muốn "thành" được "ý" thì phải thông qua sự vật (cách vật) mà tìm biết đến chỗ cùng cực (trí tri) hầu nắm được nguyên lý biến chuyển và bản chất của sự vật. Một khi ta thấu hiểu được nguyên lý biến chuyển và bản chất của sự vật thì ta có thể xa lìa được mọi cám dỗ, mọi lôi cuốn của trần cảnh. "Cách vật, trí tri" đâu có khác gì Sơ Thiền trong Tứ Thiền (xin xem bài 10). "Cách vật, trí tri" là hai bước bảo đảm cho bước "thành kỳ ý". Vì những cám dỗ, lôi cuốn của trần cảnh thường làm khởi phát tham, sân, si nơi con người đến độ cuồng nhiệt, mù quáng, không còn đủ tỉnh táo mà "thành kỳ ý" cho được.

Phải nói "thành kỳ ý" là một bước quan trọng nhất, là cơ sở chủ yếu để xây dựng con người tốt, không tham, sân, si, từ đó đưa đến gia đình an vui, quốc gia trật tự và thế giới hòa bình.

Hạnh phúc thay cho nhân loại trên hành tinh này nếu tất cả các nhà lãnh đạo trên thế gian ai ai cũng đều "thành kỳ ý". Đúng vậy, chỉ cần một nhà lãnh đạo quyền hành nào đó có trong tay các loại vũ khí độc hại mà không "thành kỳ ý" nghĩa là không thấu hiểu tư tưởng của chính mình là đã đủ đưa nhân loại đến một thế hiểm nghèo, cận kề bờ vực thẳm.

Luôn luôn tỉnh thức nghĩa là thường xuyên thấu hiểu tư tưởng cuả mình hay luôn luôn "thành kỳ ý" thì một chuyển hóa sẽ xảy ra, đưa tâm ta từ trạng thái lăng xăng, loạn động sang trạng thái an nghỉ, tĩnh lặng, sáng suốt, một trạng thái phi tư tưởng. Chỉ có tâm thái này mới hàm chứa tình yêu thương chân thật. Chỉ có tâm thái này mới đưa thế giới đến hòa bình thật sự và đúng nghĩa. Đúng vậy, Tâm bình thì thế giới bình. Tâm điên đảo thì thế giới đảo điên. Thế giới bên ngoài chỉ là phóng ảnh, là con đẻ của nội tâm con người mà thôi.

Đức Phật cũng dạy là vạn pháp do tâm. Bộ mặt của tập thể nhỏ, tập thể lớn và rộng nữa là của thế giới loài người có ra sao đi nữa, hòa bình, ổn định hay rối ren như bòng bong thì cũng tùy ở nơi tâm con người mà ra.

Gần đây, thiền sư kiêm học giả Daisetz Teitaro Suzuki cũng đã viết:

"Dừng bước lại! Ai có ngờ đâu cái việc làm hết sức là vô vi ấy lại có một thần lực nhiệm mầu có thể thay đổi cả cuộc diện của một kiếp ngưòi, cả một lớp người. Nếu thỉnh thoảng loài người chúng ta biết dừng chân lại vài phút, ngồi im một chỗ vài phút - vài phút thôi - thì khuôn mặt của thế gian này chắc chắn không đến đỗi quá nhăn nhíu như ngày nay".

Biết "Dừng bước lại" tức biết ngưng dứt tư tưởng thì tâm thái an nghỉ, tĩnh lặng, sáng suốt xuất hiện.

Nếu mọi người, lãnh đạo hay không lãnh đạo, ai ai cũng có tâm thái an nghỉ, tĩnh lặng, sáng suốt thì nhân loại lo gì lại không có an vui, thế giới lo gì lại không có hòa bình, trật tự. Năm châu như một nhà. Bốn biển đều là anh em.

Mọi ý thức hệ, mọi cuộc cách mạng, mọi cải cách, sửa sai, xét lại, đổi mới, tái cấu trúc, hay một trật tự thế giới mới nào đó cũng chẳng thể mang lại hòa bình, ổn định cho trái đất này, vì chúng đều là con đẻ của tư tưởng. Tư tưởng thì luôn luôn tham lam, vị ngã. Có mặt của tư tưởng là có cái "ta" và cái "không ta". Từ đó tranh chấp nẩy sinh và hòa bình thật sự chẳng bao giờ lại có trong thế giới con người chúng ta.

Previous Post
Next Post