Tự tử - Sự kết thúc và bắt đầu của khổ đau

Trong 10.000 người trẻ tuổi được hỏi trong cuộc khảo sát về tự tử, có khoảng hơn 400 em nghĩ đến chuyện tử tử; hơn 100 em có suy nghĩ này đã tìm cách kết thúc cuộc sống với thuốc ngủ, dao, nhảy lầu hay treo cổ. Hầu hết những người này đều đã từng trải qua những giai đoạn hết sức chán chường, cảm thấy mình vô dụng và không còn tha thiết với cuộc sống xung quanh.

Tuy chuyện tử tự xưa nay không phải là chưa từng xảy ra nhưng những con số đáng báo động trên, một lần nữa gióng một hồi chuông cảnh tỉnh cho cả xã hội.

Tự tử vốn là một hành động tìm đến cái chết có ý thức của con người. Nói một cách nôm na, tự tử là tự mình giết mình, tự mình chấm dứt cuộc sống. Xưa nay ta vẫn thường quan niệm, chỉ có giết người mới là cái tội. Người ta chỉ bắt những kẻ giết người khác chứ có bao giờ bắt những kẻ tự giết bản thân mình đâu. Vậy nhưng, ở một góc độ nào đó, trong xã hội đang ngày một phức tạp như ngày nay, có lẽ không chỉ giết người , mà ngay cả tự tử cũng là một cái tội. Vì sao ư? Tự họ giết họ chứ có làm ảnh hưởng đến ai đâu mà gọi là cái tội? Chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ thế. Tuy nhiên nếu ai đó biết được rằng họ thực sự có tầm quan trọng như thế nào trong trái tim người thân của họ thì họ sẽ hiểu, tự tử là cái tội còn dã man và khủng khiếp hơn cả giết người.

Khi một kẻ giết người, hắn sẽ bị trừng phạt vì hành vi của mình, ít nhiều người ta cũng có thể điều tra và tìm ra nguyên nhân của hành động giết hại đó. Chí ít là vẫn còn có 1 lí do để cả người trong cuộc lẫn kẻ ngoài cuộc đều thấu lí đạt tình. Nhưng tự tử lại khác, tự tử thì đôi khi có điều tra cỡ nào cũng không tìm được một nguyên nhân nào chắc chắn. Tự tử trong im lặng lại càng khiến cái chết trở nên bi thương và bế tắc đến đớn lòng. “Con gái tôi vì sao mà chết?”… “Con trai tôi vì sao lại ra nông nỗi này?”… Những lời than khóc ấy của bậc làm cha làm mẹ khiến người nghe không khỏi chạnh lòng.

Cái chết này đến từ đâu? Vì sao con lại tự tử? Những nỗi băn khoăn sẽ dằn vặt tấm lòng cha mẹ. Giá như có một cái lí do nào đó để cha mẹ biết, ừ, chỉ cần một lí do thôi, để họ biết con họ vì đâu mà tự vẫn, có lẽ lại tốt hơn cho họ. Biết để đau một lần, đau một lần rồi sẽ khuây khỏa dần đi. Nhưng đằng này, nào có mấy khi những vụ tự tử có được một nguyên nhân nào cụ thể, mọi thứ chỉ đơn thuần là phán đoán.

Vâng, phán đoán thì ai cũng có thể làm được, tất nhiên cha mẹ cũng thế. Không có nguyên nhân nào chắc chắn nên họ sẽ suy diễn, con họ có thể chết vì ấm ức chuyện gì với cha mẹ chăng? Hay cha mẹ đã làm gì khiến nó buồn mà tự tử. Cứ như thế, ngày này qua ngày khác, cha mẹ cứ mãi trằn trọc day dứt vì cái chết vô cớ của con mà cũng ngày một ốm yếu, chết dần chết mòn theo năm tháng!

Đứng ở góc độ một người trẻ đang sắp bắt đâu bước vào cuộc sống bon chen này, tôi chợt thấy buồn vì nghĩ đến những vĩ thanh buồn đang cất lên xung quanh. Những bạn trẻ xung quanh tôi, cho dù tôi không hề quen họ, nhưng đọc những dòng tít như: “Nữ sinh Thái Bình tự tử”; “Ba em học sinh ở Đak Nông quyên sinh”, tôi lại thấy đau lòng và thấy lo sợ, thảng thốt. Không hiểu các bạn nghĩ gì khi cùng người yêu nắm tay nhảy sông tự tử. Khi người ta vớt được xác lên thì đôi trẻ miệng vẫn cười mãn nguyện, trong khi bên cạnh hai thi thế, những giọt nước mắt của bậc làm cha mẹ không ngừng tuôn rơi. Bỏ mặc sự sống của bậc sinh thành để chết cho mối tình như phim Hàn Quốc - phải chăng đó là một quan niệm mới về “sự lãng mạn”?

Thế giới tôi đang sống nó phức tạp quá, cuộc sống tôi sắp bắt đầu, nó quá nhiều mối đe dọa. Trong khi ngành Y đang trở thành một ngành đáng mơ ước của bao người, trong khi ngành Y đang đạt đến những nấc thang mới với vô số những bước tiến vượt bậc, vậy mà, những bệnh nhân của họ vẫn không ngừng tăng lên. Số thuốc và giá thuốc ngày một tăng, bác sĩ đủ loại ra đời nhưng số người chết đi và muốn chết đi lại còn nhiều hơn trước.

Nói thế nào thì đó chỉ là những yếu tố khách quan, đôi khi người ta lấy cái vô cảm của xã hội mà ngụy biện cho cái chết ích kỉ đến độc ác của mình. Cái quan trọng hơn, bên cạnh nhu cầu đòi xã hội quan tâm nhiều hơn tới mình, giới trẻ cũng nên suy nghĩ một cách sâu sắc hơn nữa bởi một cái chết vì tự tử không chỉ là một sự kết thúc những đau khổ của chính họ mà còn là một bắt đầu cho những đau khổ của nhiều người khác nữa.

Theo Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP), qua một số nghiên cứu về tự tử tại Việt Nam, có tới 25,4% người dân có ý định tự tử; 15,6% có kế hoạch tự tử và thực hiện hành vi tự tử là 4,2%. Còn theo Báo cáo chuyên đề sức khỏe tâm thần vị thành niên và thanh niên Việt Nam của Trường ĐH Y tế công cộng năm 2010 cho thấy, 4,1% các em nghĩ đến chuyện tự tử, 25% số này tìm cách kết thúc cuộc sống. Đáng lưu ý, tỷ lệ nữ giới đã từng nghĩ đến tự tử cao gấp 2 lần nam giới, tỷ lệ ở thành thị (5,4%), cao hơn nông thôn (3,6%). Đặc biệt, 7,5% tự gây thương tích nhằm thoát khỏi cảm xúc đau đớn và tâm lý căng thẳng.
Huyền Trang
Previous Post
Next Post