Tụng kinh Địa tạng, sanh, tử đều được như ý

Hỏi: Kính thưa Thầy, trong kinh Địa Tạng có nói, khi sanh nở không được sát hại để tìm vật bổ dưỡng cho sản mẫu ăn, mà phải biết trai giới, chí thành trì tụng kinh này, hoặc niệm danh hiệu ngài Địa Tạng một muôn biến, v.v... Đại khái là khi sanh cũng như lúc tử... đều được lợi ích như ý...

Như vậy, chúng con thành tâm trai giới và trì tụng kinh Địa Tạng cùng niệm danh hiệu của Ngài một muôn biến, để cầu cho con của chúng con đặng thông minh được không? Và như vậy thì sự tương ưng nhân quả sẽ giải thích như thế nào? Và kinh Địa Tạng có phải là kinh Phật không? Chúng con cúi xin Thầy khai thị.

Đáp: Kinh Địa Tạng là một loại kinh mê tín của Đại thừa, những điều trong kinh này dạy đều là ảo tưởng, không thực như: “Muốn sinh con dễ nuôi, kiếp sau không sinh làm thân gái, không sinh vào hàng bần tiện, tướng hảo xinh đẹp...hoặc đem chén nước trong để trước tượng một ngày một đêm bưng lấy uống, một phen ngủ dậy đặng thông minh, v.v... rồi kinh ấy dạy không được sát hại... phải chí thành cúng dường trì tụng kinh Địa Tạng cùng tán thán công đức... và niệm danh hiệu Ngài Địa Tạng một muôn biến v.v...” (Trong kinh Địa Tạng đầy rẫy những đoạn dạy như thế...). Với những việc làm như vậy, thì các bạn thấy có liên can gì đến đời sống, tướng hảo và sự thông minh của đứa bé không?

Ví dụ: Cha mẹ đứa bé này đều u tối, kém thông minh, đần độn, trí nhớ học trước quên sau... thì khi sinh đứa con, đứa con này do gen của cha mẹ kết hợp thành thai nhi. Như vậy đứa bé này có thông minh không các bạn?

Cứ dựa theo lời dạy trong kinh này, không sát hại, ngày đêm chí thành cung kính cúng dường và trì tụng kinh Địa Tạng... Chúng tôi tin chắc rằng những việc làm này là không tương ưng với sự thông minh, nên đứa bé này vẫn u tối. Vì gen của cha và mẹ là gen không thông minh. Cho nên, việc trai giới và tụng kinh là việc làm không tưởng đối với đời sống và sự thông minh của đứa bé.

Ngược lại, hai vợ chồng người này là nhà bác học, có kiến thức sâu rộng, có đạo đức, có nhiều phát minh giúp ích cho nhân loại... thì chắc chắn đứa con của họ phải thông minh, vì gen của hai người này là gen thông minh. Cho nên, họ đâu cần tụng kinh cầu khẩn, mà con họ vẫn thông minh. Có đúng như vậy không các bạn?

Nếu làm cha mẹ muốn cho con mình được thông minh, thì cha mẹ phải siêng năng học tập, cha mẹ siêng năng học tập tức là huân tập sự thông minh. Do huân tập sự thông minh như vậy nên mới thi đỗ bằng cấp cao học, tiến sĩ, và trở thành những nhà bác học.

Do sự huân tập, học tập như vậy, nên cha mẹ đã tạo ra những gen thông minh. Tạo ra những gen thông minh có sự tương ưng với chủng tử thông minh của đứa con. Vì thế, khi sinh con ra đời, đứa con phải thông minh.

Hành động học tập của cha mẹ, sinh con ra thông minh là đúng. Đó là tạo nhân thông minh tương ưng với các nhân quả thông minh của đứa con mình, có đúng như vậy không các bạn?

Còn hành động không sát hại và tụng kinh Địa Tạng cầu xin... các bạn xét xem, việc làm này có tương ưng với sự thông minh không?

Như vậy, lời dạy trong kinh này phi lý, lừa đảo người nhẹ dạ dễ tin.

Vì thế, kinh Địa Tạng dạy những điều đầy ắp những ảo tưởng gây mê tín, lạc hậu, biến tư tưởng con người tiêu cực, cầu xin tha lực, thường tựa lưng vào thế giới siêu hình. Do đó, sức tự lực của con người lần lần đã tiêu tan hết sạch.

Thưa các bạn! Khi chúng ta đọc kinh sách, dù kinh sách nào, dạy một điều gì thì chúng ta cũng đều phải lưu ý: Bất cứ một việc làm nào cũng phải có sự tương ưng với kết quả mục đích của nó, nếu nó không tương ưng với mục đích kết quả của nó thì đó là kinh ấy dạy sai.

Muốn cho con mình thông minh thì cha mẹ phải thông minh. Cha mẹ muốn thông minh thì cha mẹ phải siêng năng học tập. Đó là quy luật nhân quả rất tự nhiên, không thể có một điều nào khác hơn ngoài quy luật này. Ngoài quy luật nhân quả là ảo tưởng, không tưởng.

Vì thế, chúng tôi khẳng định, kinh Địa Tạng là kinh ảo tưởng của tà giáo, ngoại đạo, chứ không phải là kinh Phật.

Đây, các bạn lắng nghe đức Phật xác định:

“Như vậy, này Vàsettha, lời nói của những Bà La Môn tinh thông ba tập kinh Vệ Đà, người  đầu không  thấy,  người  giữa  không thấy,  người  cuối  cùng  cũng  không  thấy Phạm thiên. Giống như lời nói mù quáng, lời nói của những Bà La Môn tinh thông ba tập kinh Vệ Đà như vậy là lời đáng chê cười,  là  lời  nói  suông,  là  lời  nói  không tưởng, là lời nói trống rỗng...”.

Qua lời dạy trên đây, chúng ta xét về kinh Địa Tạng, thì kinh Địa Tạng không đáng cho chúng ta tin cậy, vì kinh Địa Tạng là lời nói suông, là lời nói không tưởng, là lời nói trống rỗng...

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post