Vượt qua nhân quả, làm chủ nhân quả, chấp nhận nhân quả

Hỏi 1: Đức vượt qua nhân quả, đức làm chủ nhân quả, đức chấp nhận nhân quả, ba đức này có nghĩa là gì? Và có sự khác nhau như thế nào?

Đáp: Ba đức này có nghĩa khác nhau.

I- Đức VƯỢT QUA NHÂN QUẢ có nghĩa là nhân quả đến mà không tác động được thân tâm của chúng ta. Ví dụ, có người mắng chửi chúng ta, chúng ta nghe thấy biết rất rõ ràng, nhưng tâm chúng ta không có chút sân giận, và cũng không phân bua trái phải với người ta, thường sẵn sàng giúp đỡ người mắng chửi mình khi họ gặp nhân quả xấu. Dưới đây là một câu chuyện vượt qua nhân quả: HẠT GIỐNG LUỘC CHÍN.

“Ngày xưa, tại một vương quốc nọ, có một vị vua anh minh luôn được mọi người yêu mến. Ngài luôn buồn rầu vì tuổi đã cao mà chưa có con để truyền ngôi. Một hôm, vua nói với các quần thần: “Ta phải đích thân đi tìm một đứa trẻ thật thà làm con nuôi để sau này có người kế vị”. Thế rồi vua truyền lệnh, phát cho những đứa trẻ trong toàn vương quốc một số hạt giống và tuyên bố: “Nếu ai trồng được một chậu hoa đẹp nhất từ những hạt giống này, người đó sẽ được thừa kế ngôi báu”. Tất cả trẻ con đều hăm hở đem hạt giống về trồng, ngày đêm chăm sóc. Trong số đó, có một cậu bé cũng chăm chỉ chăm sóc cho hạt giống, nhưng mãi không thấy hạt giống nảy mầm. Cậu còn thay cả đất trong chậu, nhưng vẫn không thấy kết quả.

Ngày dâng hoa cho vua xem đã đến, tất cả mọi đứa trẻ đều mang những chậu hoa rực rỡ của mình tới trước cung điện; vua đi xem khắp một lượt, nhưng trên nét mặt không hề có chút vui tươi. Bỗng, vua nhìn thấy lẫn trong đám đông, có một đứa trẻ tay bưng một chiếc chậu không, với nét mặt buồn thiu. Vua lại gần hỏi vì sao, thì cậu bé òa khóc lên, và kể lại cho vua nghe việc mình trồng hoa như thế nào mà hạt giống không nảy mầm. Cậu còn nói, đây có thể là sự trừng phạt vì cậu đã từng ăn trộm táo ở vườn nhà người láng giềng. Nhà vua nghe xong rất đỗi vui mừng. Ngài kéo cậu bé vào lòng và nói: “Đây chính là cậu bé thật thà của ta”. Mọi người thấy vậy, ngạc nhiên hỏi: “Tại sao nhà vua lại chọn một đứa trẻ đưa chậu hoa không tới để kế thừa ngai vàng vậy?”. Nhà vua mỉm cười đáp: “Hạt hoa giống ta giao cho mỗi đứa trẻ đều là những hạt giống bị luộc chín”. Nghe xong lời của nhà vua, những cậu bé bưng trên tay những chậu hoa rực rỡ đều xấu hổ, mặt đỏ và cúi đầu im lặng”.

Câu chuyện trên đây chỉ cho chúng ta vượt qua nhân quả; vượt qua nhân quả chỉ có LÒNG THÀNH THẬTmà thôi. Câu chuyện trên đây tuy đơn sơ, nhưng rất thấm thía cho cuộc đời, vì con người thường hay phạm vào lỗi lầm này. Theo đức Phật dạy: “Nhân quả chỉ có vượt qua”, mà vượt qua nó bằng ĐỨC THÀNH THẬT. Cho nên, mình làm điều gì ác hay thiện, chỉ có đức thành thật thì sẽ vượt qua mọi nhân quả ác, thiện. Quý vị nên nhớ lời này mà Phật đã dạy: “Đứng lại thì chìm xuống. Tiến tới thì trôi dạt. Chỉ có vượt qua”.

II- Đức LÀM CHỦ NHÂN QUẢ có nghĩa là từ hành động thân, miệng, ý của mình, trước khi làm hay nói chúng ta đều có sự suy tư tính toán mỗi hành động không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh, rồi mới nói hay làm. Đó là cách thức làm chủ nhân quả.

Làm chủ nhân quả tức là làm lợi ích cho người khác, vì thế ai cũng làm như vậy là đã làm chuyển đổi nhân quả ác trở thành nhân quả thiện; từ cảnh giới Địa ngục để trở thành cảnh giới Thiên đàng, chỉ có hành động làm lợi ích cho người, đừng vì lợi ích cho mình. Đây là một câu chuyện làm chủ nhân quả: THIÊN ĐÀNG và ĐỊA NGỤC.

“Có một người đi tham quan Thiên đàng và Địa ngục. Trước tiên anh ta tới Địa ngục. Ở đó, anh ta thấy một cảnh tượng lạ lùng: Trước mắt mọi người có rất nhiều món ăn ngon, nhưng không ai ăn được. Cho dù họ ngồi bên bàn rượu, nhưng người nào cũng còn da bọc xương, mặt mày ủ rũ.

Anh lại phát hiện ở cánh tay phải mỗi người buộc một cái đĩa, cánh tay trái buộc một con dao, chuôi dao và đĩa dài độ 4 tấc, làm cho họ không thể nào ăn được, vì vậy mà ai cũng bị đói.

Tiếp đó anh ta lại đến Thiên đàng. Cảnh tượng ở đây cũng chẳng có gì khác, chuôi dao và đĩa cũng dài 4 tấc, nhưng những cư dân Thiên đàng đều ca hát, nói cười vui vẻ.

Anh ta nghi hoặc, nhưng cuối cùng cũng tìm ra được câu trả lời. Đó là ở Địa ngục mọi người đều muốn gắp cho mình ăn, vì thế mà không ai ăn được, còn ở Thiên đàng thì mọi người đều gắp cho người đối diện với mình, và cũng được người đối diện gắp lại, vì vậy mọi người cùng giúp đỡ lẫn nhau, nên ai nấy đều có thể ăn uống rất vui vẻ”.

Đọc câu chuyện này, quý vị nghĩ sao về nhân quả? Nếu mọi người hiểu biết về nhân quả thì nên sống vì mọi người; sống vì mọi người thì cuộc sống của chúng ta là Thiên đàng quý vị ạ! Sống vì mọi người rất hạnh phúc. Tại sao vậy? Vì mọi người có an vui thì sự an vui của mình mới lâu dài.

Nhìn lại cuộc sống của chúng ta hiện giờ như thế nào? Hầu hết mọi người chỉ biết nói nhân quả, nhưng chưa thật sống với nhân quả. Cho nên, cuộc sống của loài người trên thế gian là Địa ngục, vì con người chỉ biết sống vì mình, chớ không vì người, vì vậy mà sự xung đột và chiến tranh thường xảy ra khắp trên thế giới không nước này thì nước khác. Đó là sống phi nhân quả nên loài người phải chịu mọi khổ đau, cũng chính nhân quả mình làm mình chịu.

III- Đức CHẤP NHẬN NHÂN QUẢ có nghĩa là biết NHẪN NHỤC, TÙY THUẬN, BẰNG LÒNG dù bất cứ một nhân quả nào xảy đến. Đức chấp nhận nhân quả thì phải dùng cả ba đức này thì mới gọi là chấp nhận nhân quả, thiếu một đức thì không thành đức chấp nhận nhân quả. Đây là một câu chuyện nói về đức chấp nhận nhân quả:

“Có một người đánh cá bắt được một con rùa biển. Ông ta đối xử với nó như con của mình. Thế nhưng con rùa biển không ăn, không uống và cũng không lay động. Lúc nào nước mắt nó cũng giàn giụa.

Con rùa van xin người đánh cá và nói: “Trái tim tôi ở biển cả, nơi đó có nhà của tôi, có niềm vui của tôi, xin ông hãy thả tôi ra”.

Nhưng người đánh cá không thể thả nó được, bởi vì ông rất yêu nó. Một thời gian sau, thấy con rùa yêu quý của mình ngày càng tiều tụy, người đánh cá rất đau lòng và quyết định thả nó về với biển.

Một năm sau, vào một ngày nọ, bỗng nhiên ông ta nghe có tiếng gõ cửa. Mở cửa ra, ông thấy đó chính là con rùa mà ông đã thả.

Người đánh cá liền hỏi: “Con đã có hạnh phúc rồi, sao lại còn trở lại đây làm gì?”

Con rùa liền đáp: “Hạnh phúc của tôi là do ông mang lại, tôi không thể quên được ơn đó”.

Người đánh cá nói: “Thôi, con đi đi, chỉ cần con hạnh phúc là được rồi, từ nay về sau không cần phải đến thăm ông nữa”.

Con rùa biển lưu luyến không muốn rời xa ông. Và một tháng sau, người đánh cá lại thấy con rùa biển quay lại”.

Đức chấp nhận nhân quả tức là LÒNG YÊU THƯƠNG. Ở đâu có lòng yêu thương là ở đó có sự chấp nhận nhân quả. Cho nên, chúng ta chấp nhận nhân quả là vì chúng ta yêu thương mình, yêu thương người yêu thương tất cả chúng sinh, và ngay cả hoàn cảnh xảy ra chúng ta vẫn yêu thương.
✿✿✿

Hỏi 2: Đức vượt qua nhân quả có phải là đức làm chủ nhân quả hay không?

Đáp: Không, đức vượt qua nhân quả và đức làm chủ nhân quả Thầy đã giảng ở trên, nó không phải là một đức. Để Thầy chứng minh thêm đức NHÂN QUẢ VƯỢT QUA bằng một câu chuyện buông xả:

“Thổ dân Phi châu có một tuyệt chiêu vô cùng thông minh khi đi săn khỉ đầu chó. Họ để thức ăn mà nó thích, đặt vào miệng một cái bình lớn, và cố ý để cho khỉ đầu chó núp ở chỗ xa nhìn thấy. Khi họ đi xa rồi, thì khỉ đầu chó vui mừng nhảy tới, dùng tay thò vào bình, quặp lấy thức ăn. Nhưng do miệng bình rất nhỏ, khi tay của nó nắm thành nắm thì rất khó rút ra, lúc bấy giờ, người thợ săn chỉ việc bình tĩnh đến bắt con vật, mà không lo nó bỏ chạy. Do khỉ đầu chó không thể bỏ thức ăn khoái khẩu của mình, nên càng sợ hãi và vội vàng nắm chặt lấy thức ăn, và càng không thể rút tay ra khỏi miệng bình.

Có người nghe câu chuyện liền thốt lên: “Thật là tuyệt diệu”. Chiêu này tuyệt ở chỗ con người đem tâm lý của mình suy xét tới các loài động vật khác. Kỳ thật, con khỉ đầu chó chỉ cần buông tay ra là nó có thể thoát, thế nhưng nó lại nhất định không chịu buông tay ra. Chính điều này cho thấy rằng con khỉ đầu chó giống con người, cũng có thể nói người giống khỉ đầu chó. Cử chỉ của khỉ đầu chó là một bản năng không ý thức, không rời được nó, mà con người nếu như giống khỉ đầu chó chỉ nhìn thấy lợi mà không thấy hại. Chết không buông tay, đó chỉ có thể trách họ u mê không tỉnh ngộ.

Người xưa nói: “Lùi một bước trời cao biển rộng”. Người thất tình chỉ cần chấp nhận quên người đã bỏ mình, thì đâu đến nổi làm cho bản thân hồn siêu phách lạc, lòng dạ băng giá! Người thất nghiệp chỉ cần từ bỏ cách lựa chọn nghề cứng nhắc của mình mà thay đổi, thì đâu đến nỗi suốt ngày ủ rủ, trách trời trách người đây! Con bạc chỉ cần buông tha ý nghĩ may rủi, thì đâu đến nỗi tiền đi không trở lại, khuynh gia bại sản! Con nghiện chỉ cần tránh xa chất gây nghiện, thì đâu đến nỗi thân tàn ma dại! Người hối lộ, người phá kỷ cương chỉ cần chấp nhận từ bỏ chữ “tiền”, thì đâu đến nỗi phải vào tù, thậm chí mất mạng!”.

Câu chuyện trên đây để xác định được đức vượt qua nhân quả bằng đức BUÔNG XẢ; nhờ có buông xả mà VƯỢT QUA NHÂN QUẢ. Bản chất con người không buông xả; do không buông xả mà con người phải chịu vô cùng khổ đau.

Tất cả các pháp đều vô thường, nên chúng là khổ đau, vì thế ai biết buông xả là người thoát khổ, còn ai không biết buông xả thì khổ đau không bao giờ dứt. Người tu theo Phật giáo cũng chỉ có việc buông xả mà chứng đạo.

Con người ở đời rất là u mê, chết không mang theo vật gì vậy mà sống thì ôm đồm, không dám buông xả, cứ khư khư giữ chặt, cho nên chịu khổ là phải. Vậy mà ở đây có người tu hành lại phóng dật thưa hỏi lung tung. Sao không biết buông xả xuống đi, để thân tâm được giải thoát trong trạng thái tâm bất động; chỉ được im lặng có một chút xíu là thưa hỏi Thầy lăng xăng, đó không phải là PHÓNG DẬTsao?

Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi, có ích gì?
Thở ra chẳng lại, còn chi nữa?
Vạn sự vô thường, buông xuống đi!

Bốn câu kệ này là lời nhắc nhở mọi người tu hành cần phải buông xả, thế mà quý vị có buông xả đâu, cứ thưa hỏi điều này thế kia để huân tập thêm sự hiểu biết; sự hiểu chỉ là cái tủ đựng kinh sách rỗng tuếch, chẳng có ích lợi gì.

Sợ các con không biết buông xả, cho nên Thầy dạy thêm một bài kệ nữa nói lên phương pháp tu tập, nhưng nào ngờ các con có tu tập chỗ nào đâu, cứ phóng dật lung tung, thưa hỏi những đều vơ vẩn. Nên ngậm im miệng lại, để nó mốc meo thì may ra mới chứng đạo. Nếu thấy tu không được, tâm phóng dật thì nên về trông nom con cháu, nhà cửa còn có lợi ích hơn.

Tác ý đi, hãy tác ý đi!
Bất động, thanh thản, chẳng sầu bi.
Tác ý đi, còn lo chi nữa?
Giải thoát đây rồi, tác ý đi!

Buông xuống tất cả các pháp tức là vượt qua. Xin các con hãy nhớ ghi khắc trong lòng mà cố gắng tu tập buông xả, đừng nên mượn cớ này cớ khác để hỏi Thầy. Đó là các con đã bị tâm mình lừa gạt phá hạnh độc cư, để thỏa mãn tâm phóng dật.

Một lần nữa Thầy xin nhắc lại, các con BUÔNG XUỐNG TẤT CẢ thì ngay liền tâm BẤT ĐỘNG ; đó là giải thoát của Phật giáo. Bất động là VƯỢT QUA NHÂN QUẢ, các con có hiểu chưa?
✿✿✿

Hỏi 3: Tránh né nhân quả có phải là đức vượt qua nhân quả và đức làm chủ nhân nhân quả không?

Đáp: Không, đức vượt qua và đức làm chủ nhân quả khác nhau như trên Thầy đã giảng. Còn tránh né nó không phải đức hạnh, cho nên nó không phải là đức vượt qua và cũng không phải là đức làm chủ nhân quả.

Hành động TRÁNH NÉ NHÂN QUẢ có nghĩa trốn tránh nhân quả. Thầy sẽ cho vài thí dụ thì sẽ rõ.

Ví dụ 1: Có người chửi mắng mình thì bịt hai lỗ tai lại không nghe, hoặc hát radio lớn tiếng làm át tiếng chửi của người khác, hoặc đóng cửa nhà trốn bỏ đi.

Ví dụ 2: Mình lấy của không cho của người rồi đổ lỗi cho người khác lấy, hoặc mình làm lỗi mà đổ lỗi cho người khác chịu.

Ví dụ 3: Do ghen tuông mình giết người tình địch, rồi bỏ đi xứ khác tránh né tội giết người.

Ví dụ 4: Báo chí thường đăng tin tức giết người cướp của rồi bỏ xứ đi xứ khác, để công an không tìm ra thủ phạm.

Trên đây là những HÀNH ĐỘNG TRÁNH NÉ, vì những hành động này là các tính xấu xa, tính sợ hãi, tính hèn nhát, v.v...

Tránh né nhân quả là một hành động trốn chạy, hành động hèn nhát, sợ hãi, ích kỷ, hẹp hòi, không dám nhìn thẳng một sự thật. Cho nên nó không được gọi là ĐỨC, mà chỉ được gọi là TÍNH như: tính tránh né, tính ích kỷ, tính hèn nhát, tính hẹp hòi, tính nhỏ mọn, v.v...

Đây là một câu chuyện để xác định sự TRÁNH NÉ NHÂN QUẢ, các con nên suy ngẫm:
“Buổi sáng, tôi soi gương để cạo râu, nhìn đi nhìn lại, bỗng nhiên tôi thấy không vừa mắt. Gương mặt trắng bệch, góc trái đầy nếp nhăn. Trong gương, như tôi đang cười, đang ân cần với một người nào đó. Cuối cùng, tôi cũng nghĩ ra.

Hôm qua, ở cửa phòng thí nghiệm, gặp một giáo sư trẻ gặp vận may; anh ta thăng chức rất nhanh, không phải vì anh ta là một người quá thông minh, tài năng xuất chúng, mà anh ta là người biết cách trèo lên. Vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, thủ đoạn kinh doanh của anh ta trong chốc lát đã làm cho các đồng nghiệp kinh ngạc.

Tôi và anh ta không hề có cảm tình gì, chỉ là miễn cưỡng gật đầu chào nhau. Chính lúc gặp anh ta ở cửa, cảm giác không thân thiện đó vẫn tồn tại. Nhưng anh ta nhìn thấy tôi, thì trên mặt anh ta lập tức xuất hiện nụ cười hạnh phúc, làm như vui vẻ nhiệt tình, giống như cuộc gặp ngẫu nhiên này khiến anh ta vui vẻ đến phát điên lên. Sau đó, anh ta nắm chặt lấy tay tôi và nói:

“Rất vui được gặp anh. Mấy hôm trước có dịp được đọc luận án về Châu Nam Cực của anh. Luận án của anh hay lắm! Rất tiếc chúng ta không thể cùng hợp tác về vấn đề này”.

Tôi biết anh ta đang nói dối, bởi vì công việc của tôi chẳng có liên quan gì đến anh ta. Lúc đó, tôi muốn nói một câu đáp lễ lạnh nhạt cho xong. Song, tôi gượng vui vẻ cười lại, còn tỏ ra thân mật nói:

“Nghe nói anh viết xong luận án tiến sĩ, thế thì tốt quá rồi, đừng bỏ lỡ thời gian. Giáo sư à, tôi rất khâm phục thái độ nghiêm khắc của anh!”

Tôi nói rồi liên tục lắc tay anh ta, lắc đến nỗi anh ta phát hoảng và muốn rút tay ra.

Bản thân tôi cũng không biết chuyện gì xảy ra nữa, dường như là đang nói những lời nịnh hót dưới sự gợi ý của người khác, lại còn cười rất ngọt ngào, thậm chí cả nét mặt cũng thể hiện điều đó.

Sau chuyến đó, cái mỉm cười nịnh bợ giống một tên nô tài, cái thái độ xấu xa khi nắm chặt tay anh ta lắc mà không chịu bỏ ra, và những lời nói nịnh bợ đó của tôi đã day dứt tôi suốt ngày. Tôi tự xỉ vả mình, nguyền rủa cái con người trong tôi, trong một trường hợp... Thậm chí một cái tôi khác còn mạnh hơn cả lí trí.

Đúng là vậy? Tự vệ ư? Lí trí ư? Hay là bản tính của một kẻ nô lệ.

Một giáo sư trẻ nào có tài cán gì hơn tôi cho cam, mà cũng chẳng cao siêu gì hơn tôi, hơn nữa, địa vị của anh ta trong cơ quan lại phụ thuộc vào công việc của phòng thí nghiệm chúng tôi. Tôi chẳng có gì phải cầu cạnh anh ta cả. Thế nhưng tôi lại nhiệt tình bắt tay giáo sư may mắn đó, nói những lời giả dối xu nịnh đó.

Sáng sớm, soi gương cạo râu, nhìn gương mặt trong gương của mình, tôi nhận ra gương mặt vừa thân thiết vừa đáng thương; nó mới giả dối, xu nịnh và yếu đuối làm sao, trong mỗi bước ngoặt trên đường đời đều phải tìm mọi cách để bảo vệ chính mình. Dường như phải chia đôi con người ra để xem lại, và đột nhiên, tôi cảm thấy cuồng nộ”.

Quý vị thấy chưa? Con người có hai mặt, một là thật thà, còn mặt khác thường giả dối, mà giả dối chính ngay bản thân nó nữa. Đó là tránh né một sự thật nên con người mới trở thành giả dối. Con người muốn sống thành thật với mình, với mọi người thì chỉ có sống với tâm BẤT ĐỘNG .

Sống với tâm bất động là sống vượt qua nhân quả như trên đã nói. Sống vượt qua nhân quả tức là sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Đúng vậy, sống BẤT ĐỘNG TÂM thì còn làm ai đau khổ, cho nên ai sống được là sống thoát ra mọi sự khổ đau trên đời này.

Sống bất động tức là sống BUÔNG XẢ SẠCH, vì tâm bất động đâu còn vật gì để buông xả. Cho nên, người tu tập theo Phật giáo mà không hiểu tâm BẤT ĐỘNG là người chưa hiểu Phật giáo. Phật giáo chủ trương tu hành là phải làm chủ thân tâm. Nếu ai muốn làm chủ thân tâm mà không sống trong tâm bất động thì chẳng bao giờ làm chủ thân tâm.

Ai sống trong tâm bất động sẽ có đủ quyền năng đạo lực làm chủ sự sống chết. Bởi vậy, trong khi tu tập mọi người phải nhắm vào mục đích này. Nếu đạt được tâm bất động là đạt được tất cả.

Tâm bất động quan trọng như vậy, cho nên nói vượt qua nhân quả là nói đến tâm BẤT ĐỘNG quý vị ạ!

Chúng tôi xin nhắc lại một gương BẤT ĐỘNG trước kẻ thù luôn luôn dùng súng đạn giết người, giết dân tộc ông, nhưng một mực ông không bao giờ lấy hận thù diệt hận thù, mà lấy lòng yêu thương trong tinh thần bất bạo động. Đó là MAHATMAGANDHI, trong câu chuyện “Khi một bậc kỳ tài từ trần” (Lòng Yêu Thương tập 1).
✿✿✿

Hỏi 4: Đức đương đầu với nhân quả, đức chấp nhận nhân quả và đức tùy thuận nhân quả có khác nhau hay không? Và nếu có, thì khác nhau như thế nào?

Đáp: Ba hành động này khác nhau.

1. ĐƯƠNG ĐẦU VỚI NHÂN QUẢ có nghĩa là chống lại nhân quả. Ví dụ, có người chửi mình, mình liền chửi lại; đánh mình, mình liền đánh lại.

2. CHẤP NHẬN NHÂN QUẢ có nghĩa là vui lòng nhận lấy nhân quả mà không than phiền một điều gì với ai cả. Ví dụ, có người chửi mình, mình không chửi lại, mà không phân giải hơn thiệt phải trái.

3. TÙY THUẬN NHÂN QUẢ có nghĩa là bằng mặt không bằng lòng, nên thường tìm cách phân biệt phải trái, hơn thiệt trong nhân quả, để làm cho người khác hiểu nhân quả.

Hỏi 5: Khi nào thì áp dụng đức vượt qua nhân quả, đức đương đầu nhân quả và tính tránh né nhân quả.

Đáp: Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta nên áp dụng đức vượt qua nhân quả là tốt nhất, còn đương đầu và tránh né nhân quả thì không nên áp dụng. Vì đức Phật đã xác định rõ ràng: “Đứng lại thì chìm xuống (tránh né nhân quả). Tiến tới thì trôi dạt (đương đầu nhân quả). Chỉ có vượt qua (vượt lên nhân quả).
✿✿✿

Hỏi 6: Người tu sĩ cần trang bị cho mình những đức nào kể trên để không bị tác động của nhân quả, hay phải trang bị những tri kiến nào? hay chánh kiến gì để làm chủ nhân quả trong mọi trường hợp?

Đáp: Người tu sĩ Phật giáo chỉ cần trang bị cho mình những đức như sau: Đức TRI KIẾN và đức CHÁNH KIẾN vượt qua nhân quả.

Thầy của các con

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post