Quán Vô thường

Trong cuộc sống thực tại của con người, sở dĩ mọi người thường than đau khổ là do mê lầm chạy theo ngũ dục của thế gian (tài, sắc, danh, thực, thùy) dong ruổi tìm cầu. Được mấy ai tịnh tâm để thấy rằng:

“Tịnh tâm quán niệm kiếp vô thường
Thân người giả tạm ví hạt sương
Kiếp người chỉ sống trong hơi thở
Thức tỉnh tu tâm, khỏi đau thương…”

Thế nào gọi là “Vô thường”? “Vô thường” tiếng phạn gọi là “Anitya” nghĩa là biến dịch, thay đổi, không cố định, vạn vật không đứng yên một chỗ mà nó biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác rồi tan rã.

Khi bàn về vô thường chúng ta thường nói “đời là vô thường” tức là cuộc đời này bị chi phối bởi định luật “Vô thường”. Chính thân ngũ uẩn (đất, nước, gió, lửa, thức) cũng bị chi phối bởi định luật vô thường (sinh, lão, bệnh, tử). Vô thường là một định luật tất yếu của vạn pháp, nó biến đổi theo bốn chu kỳ sinh, trụ, dị, diệt hoặc thành, trụ, hoại, không. Như triết gia Hy Lạp - Héraclite nói rằng: “Không ai đặt chân hai lần trên một dòng nước”. Tức là từng phân tử nước chuyển động không ngừng đã làm cho dòng sông hôm qua không phải dòng sông của ngày hôm nay, dòng sông của giây phút trước không phải dòng sông của giây phút này. Cho nên thân thể của con người cũng thế, ai sinh ra mà không già, bệnh, và chết. Thời gian của (vô thường) không hẹn một ai:

“Cuộc đời, “cờ thế” trò chơi,
Rất là nan giải như đời khổ đau.
Tình trường thắt nút u sầu
Bậc tu tuệ giác gỡ mau ra liền.
Đời người bể khổ triền miên
Sinh Ly tử biệt về miền hư vô”.

Thân vô thường: Trong thân thể của chúng ta từng tế bào sinh, diệt trong từng sát na. Dòng máu trong cơ thể con người, từng hồng cầu cũng thay đổi trong sát na. Những tế bào sinh ra chết đi thay thế những tế bào mới và sinh trưởng, khiến cho thân người cũng biến đổi theo già nua. Đức Phật dạy bài kệ rằng:

“Điểm trang ngoài vỏ,
Thấm thoắt đà vỡ lỡ tan tành,
Ngẫm xem ngay trong cái thân mình,
Suy biến cũng rành rành như thế.

Người khôn phải xét xem cho kỹ,
Thắng pháp kia thực thị lâu dài,
Già, bịnh, chết, nào ai ưa nhỉ?
Hình xấu xa càng kể càng ghê!

Trăm năm dầu tới tuổi thượng thọ,
Quỷ Vô-thường vẫn đó không sai,
Não nùng thay ! Bệnh, chết, già,
Chúng sinh đày đọa bao giờ mới thôi”.

Ngài Huyền Giác Thiền Sư cũng dạy rằng:

“Thân ngũ uẩn chỉ là phù vân tụ tán
Hợp rồi tan trong vũ trụ bao la
Sự diệt sinh, sinh diệt vô cùng
Nó hiện hữu với thời gian vô tận…”

Cái thân người là giả tạm trong chuỗi thời gian sinh tồn. Mới ngày nào còn tuổi trẻ, bây giờ tóc bạc, da nhăn, tai điếc, mắt mờ.

“Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rồi
Sá chi suy thịnh việc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.”
 (Ngài Vạn Hạnh)

Thân con người của chúng ta còn chưa giữ được, huống chi tài sản, vợ con, công danh sự nghiệp. Biết bao nhiêu người đang sống trong nhung gấm nệm êm, tràn đầy hạnh phúc vui vẻ, đoàn tụ gia đình mà cứ nghĩ sẽ được bền lâu. Ấy thế, đùng một cái thiên tai động đất, sóng thần, đã làm mấy chục nghìn sinh mạng nằm sâu dưới lòng đất, phải chịu cảnh sinh ly tử biệt, biết bao nhiêu nấm mồ hoang huyệt lạnh chôn vùi kiếp người.

“Hoa nở để rồi tàn
Trăng tròn để rồi khuyết
Bèo hợp để rồi tan
Người gần để ly biệt”
(Xuân Diệu)

Hoàn cảnh vô thường: Chẳng những thân thể của chúng ta vô thường mà hoàn cảnh cũng thay đổi vô thường. Trong tất cả sơn hà đại địa, cái gì hữu hình đều biến đổi theo định luật vô thường. Mới ngày nào thành phố Torinoumi của Nhật Bản thật đẹp nguy nga đồ sộ, một thiên tai động đất, sóng thần đi qua và bây giờ chỉ còn lại thành phố hoang tàn đổ nát, mất đi biết bao nhiêu sinh mạng và tài sản. Chúng ta cũng thường chứng kiến biết bao nhiêu hoàn cảnh thăng trầm, vinh nhục, giàu nghèo, diễn ra trước mắt đấy thôi!

Nhiều người giàu sang, hống hách bỗng chốc sa cơ thất thế, sống cảnh tha hương cầu thực hay là lâm vào cảnh tù đày…có người thì nghèo khổ bỗng chốc thành giàu sang. Nhân gian thường nói “Lên voi xuống chó” mấy hồi để thấy hoàn cảnh bị chi phối vô thường thay đổi. Vậy mà nhiều người chưa tỉnh ngộ, vẫn chạy theo cái vô thường huyễn mộng ấy để rồi tham nhũng, kẻ bán tước, người mua quan, người thì lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua danh, mưu lợi...đầy thủ đoạn để làm giàu cho bản thân mình, để thỏa mãn dục vọng. Con người cứ mãi tìm cầu quên đi nhân tâm, quên đi bản chất đạo đức của con người, gây biết bao nhiêu là tội lỗi. Sau khi chết mang theo được những gì? - Chỉ hai bàn tay trắng! Thế mà thế gian bày chi cảnh đau thương, tranh giành chiếm đoạt? - Cũng vì dục vọng tham ái mà ra!

“Cuộc đời rồi chẳng còn chi
Ruộng vườn nhà cửa có gì của ta
Trắng tay lòng mẹ sinh ra
Một hơi vĩnh biệt cũng là tay không”

Tâm vô thường:  Không chỉ thân vô thường, hoàn cảnh vô thường, mà tâm của con người cũng biến đổi vô thường, hết giận rồi thương, vui đó buồn đó, nó biến chuyển liên tục không phút giây ngừng nghỉ tựa dòng thác chảy liên tục.

Nói “tâm viên ý mã” - tâm của con người thay đổi từng sát na một, cái tâm này khởi ra muôn pháp gọi “vạn pháp duy nhất tâm”. Tâm con người biến đổi không cố định: do vọng tưởng sinh như giấc mộng không thật, chúng sinh mê muội ôm chấp vào cái huyễn mộng ấy, chấp làm ngã, cái vô ngã chấp cho là ngã. Khi vô thường biến đổi thì sinh tâm đau khổ, luyến tiếc sầu muộn. Do vì vọng tưởng điên đảo nên tâm này chấp thân là thật có. Cho nên chúng ta: “Quán tâm vô thường thì thấy được chơn thường của giác tánh.. Quán pháp vô ngã thì thấy được thực tướng của thế gian. Quán thân bất tịnh thì thấy được nghiệp thân tương tục của chúng sanh. Quán thọ thị Khổ thì rời được bệnh luyến ái thân của chúng sanh”.

Tóm lại: Vô thường là định luật tất yếu, đức Thế Tôn nói giáo lý vô thường không phải để chúng ta bi quan yếm thế, chán nản sự đời này. Đức Phật nói giáo lý vô thường để chúng ta thức tỉnh tu hành, để xóa bỏ bản ngã, đạt đến vô ngã, tu hành không chấp trước vì chấp sinh ra tham ái, ái chính là nguồn gốc sinh tử khổ đau.

Vô thường là chìa khóa giúp cho chúng ta mở cửa Giác Ngộ từ địa vị phàm phu bước lên quả vị Thánh nhân. Nếu không có vô thường thì chúng ta mãi mãi làm chúng sinh. Nhờ giáo lý vô thường chúng ta thấy rõ được bản chất của mọi sự vật hiện tượng là do duyên sinh, vô ngã, để rồi từ đó chúng ta không tham đắm bám víu vào thân ngũ uẩn này. Điều quan trọng nhất là giáo lý “vô thường” giúp chúng ta thấy rõ thực hư của cuộc đời để rồi từ đó chúng ta làm chủ khi đối diện với vô thường xảy ra để không đau khổ và tuyệt vọng. Chúng ta vẫn thản nhiên tự tại trước mọi hoàn cảnh vô thường. Dù cho chúng ta đang sống trong kiếp sống vô thường, chúng ta vẫn tu hành giải thoát khổ đau.

Nhờ giáo lý vô thường giúp cho chúng ta quán chiếu hiểu rõ các pháp là “vô thường” do duyên sinh giả hợp mà thành. Thân con người chúng ta chỉ là giả tạm, chẳng có cái “ta” thật sự (ngã chấp). Để từ đó chúng ta dẹp trừ cái bản ngã, cái tâm tham ái, ích kỷ để đem lại tâm an lạc và thanh tịnh giải thoát khổ đau sinh tử luân hồi vì ái diệt, tức Niết bàn.

Hãy lái thuyền “Từ” xa cõi mộng
Quay về bến Giác để thong dong
Quán pháp vô thường do duyên khởi
Tài sắc đam mê, rối cả lòng!

Trí Giải
Previous Post
Next Post