Vương Trí Nhàn bàn về tư duy người Việt

Nâng trình độ sống để thích nghi - phát triển Trong sự thích nghi có sự buông trôi bất lực

Chiến tranh từng bòn rút tất cả sức lực, kéo cuộc sống chậm lại. Mở cửa, ta lại lao vào làm ăn với bất cứ giá nào, sức khỏe kém đi, con cái không người dạy dỗ, cũng hư hỏng đi.

Nhìn cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội đều bị xói mòn mà không khỏi xót xa.

Người Việt xưa tới giờ khổ quá, đến khi ra với thế giới thì mắt như bị chói, cái gì cũng thèm thuồng. Hết gồng mình lên chiến đấu nay lại gồng mình lên để hưởng thụ. Cha mẹ cứ cái gì ngon nhất, đẹp nhất là lo dành cho con. Trong gia đình, ta cúi mặt xuống chiều chuộng nhau mà không dám đặt ra yêu cầu cao với nhau.

Làm kinh tế bằng tư duy chiến tranh

Nghịch lý là ở chỗ do mang tâm thức tự ti đó, khi quay lại nhìn bản thân, ở nhiều người - không ai bảo ai - sinh ra tâm lý tự huyễn hoặc. Rằng so ra ta cũng ghê gớm lắm; rằng không có cái phần hơn hẳn thiên hạ nhưng mình lại có cái khác: di sản thế giới (thực chất phần nhiều là di sản thiên nhiên, đâu phải là văn hóa), văn hóa ẩm thực...

Bình tĩnh lại để nghĩ sẽ thấy cái để VN khoe ra với thiên hạ thường chỉ là phần trời cho mà không phải phần con người làm ra, chỉ là những gì bản năng mà không phải là phần của trí tuệ: Ta không có cuốn sách, bức họa nào ở tầm thế giới. Trong âm nhạc, phần khó nhất của nó là hòa âm thì nhạc VN lại kém, lấy đâu ra tác phẩm lớn.

Chiến tranh cho phép người ta bất chấp quy luật miễn là được việc; chỉ lo hiệu quả, còn cái giá của nó thì không cần biết. Trong chiến tranh, nhất là chiến tranh ở VN, cứ chờ có những điều kiện cần và đủ thì không ai dám làm gì. Phải liều. Phải duy ý chí. Cách làm đó nay vẫn được ta áp dụng.

Nói tóm lại, nếu trong chiến tranh ta phá với bất cứ giá nào thì nay ta xây với bất cứ giá nào. Trên báo chí luôn có những tin đại loại cây cầu này sang năm phá năm nay vẫn cứ thi công vì đã vào kế hoạch rồi, hoặc xây nhà máy ào ào mà chả chú ý gì tới tác hại của nó với môi trường. Thì đó là kiểu tư duy chiến tranh chứ còn gì nữa?!

Bản thân chiến tranh VN lạ, không giống ai. VN thắng được trong chiến tranh là nhờ chơi theo luật VN, tuy nhiên, trong làm kinh tế, thì phải chơi theo luật chung của thế giới.

Tâm lý tiểu nông tư duy tiểu nông

Tôi trộm nghĩ, ở ta, một khi nếp sống làng xã còn ngự trị khắp nơi thế này, không có triết học ghê gớm cao xa gì tồn tại nổi, chỉ tư tưởng tiểu nông chi phối tất cả.

Là một nước nông nghiệp nhưng cho tới lúc này, VN hầu như không có sách nào tổng kết kinh nghiệm trồng lúa, còn nói chi tới các nghề khác.

Nghề buôn thì lại càng bị coi thường khinh rẻ. Mọi người cho đó là nghề lừa lọc và thường bảo nhau "Thật thà như thể lái trâu". Bản thân người làm nghề buôn cũng làm ăn trong thế quẩn quanh lặt vặt, sản xuất càng lụn bại thì họ càng có cơ hội để bắt chẹt người có nhu cầu.

Về tác động xã hội, bản thân truyền thống kinh doanh yếu kém là dấu hiệu của một xã hội chưa trưởng thành. Xã hội phát triển tự nó sẽ đặt ra các nhu cầu mới, trong khi với VN hình như chỉ cần tàm tạm là được, cải tiến mà làm gì. Khi không có quá nhiều những nhu cầu phải thỏa mãn thì sự phát minh, sáng chế cũng như đổi mới việc phân công lao động lại trở thành xa xỉ. Tóm lại ta không chuẩn bị để bước vào thế giới hiện đại.

E sợ khi bước ra với thế giới

Đọc lịch sử sẽ thấy nền ngoại thương của VN bây giờ không khác các thế kỷ XVII-XVIII là bao. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, ở Đàng ngoài, chúa Trịnh nói chung cấm cửa lái buôn ngoại quốc, sợ họ vào gây náo loạn nhân tâm. Nhưng ngồi nghĩ, lại tiếc, nên chính sách cứ khi thò khi thụt, dùng dằng, dang dở, nay thế này mai thế khác. Mà chính sách càng tuỳ tiện đỏng đảnh, quan lại càng dễ đi đêm để hưởng lợi.

Ta quen sống co lại, ít có khao khát ra với thế giới, hiểu thế giới. Trong tiếp xúc ít có khả năng đặt mình vào địa vị người khác, không có thói quen và kinh nghiệm quan hệ với bên ngoài, lảng tránh là hơn.

Càng co lại ta càng đánh mất đi khả năng phát triển, càng không đủ bản lĩnh để ra với thế giới và hiểu thế giới.

Nhìn ở một tầng sâu hơn, có thể nói quan hệ kinh tế của VN với thế giới trong thời gian vừa qua không dựa trên cơ sở văn hoá chắc chắn. Đại khái thấy ai làm mình cũng làm theo, khi thất bại mới ngớ ra thì đã muộn. Định bán hàng cho người ta nhưng không hiểu gì về lịch sử tâm lý dân tộc cách sống của người ta, cái gu của người ta thì bán sao được?

Một xã hội chưa trưởng thành

Một xã hội chỉ phát triển được nếu biết ứng xử khôn ngoan với thiên nhiên, vừa khai thác vừa làm giàu thêm thiên nhiên. Đằng này chúng ta quen với tư duy hái lượm, thâu nhặt từ thiên nhiên, hơn là cấy trồng, tổ chức sản xuất tạo ra của cải. Một ví dụ, so với đất đai, VN có tỉ lệ bờ biển khá dài. Nhưng người Việt gần như không biết khai thác biển, khái niệm kinh tế biển còn quá xa lạ.

Trong một tổng kết về chính quyền Hà Nội thời trung đại (in trong kỷ yếu hội thảo Quản lý và phát triển Thăng Long Hà Nội tháng 3/2008), tôi thấy người ta lưu ý là trong số các văn bản đưa ra, pháp lệnh về an ninh chiếm tới 65,56%, trong khi chỉ 16,42% văn bản ban hành là có liên quan tới sản xuất và kinh doanh, 8,96% liên quan tới quản lý văn hoá xã hội. Suốt thời phong kiến vai trò tổ chức làm ăn của chính quyền hầu như không có.

Ra ngoài hớt phần váng

Quan sát bề ngoài, người VN hôm nay thích nghi nhanh, học nhanh. Nhìn quần áo, đầu tóc, cách nghe nhạc cách chơi xe của người Việt, nhiều người nước ngoài phải kêu lên: sao mà Tây thế! Thế nhưng đó lại là cái học, cái thích nghi hời hợt, dễ dãi chứ không phải tiếp nhận ở bề sâu văn hóa. Thành ra nhiều khi chỉ hớt váng, hớt lấy cái phần hời hợt của người và hệ quả tất yếu là những rác rưởi của thế giới đã vào quá dễ dàng, cả rác công nghiệp và rác văn hoá.

Previous Post
Next Post