Lo hoàn thiện ‘lễ’ đi, xin đừng ‘hội’ nữa

Chỉ khi có được những cái “lễ” tối thiểu với con người, với môi trường sống chung quanh thì mới hy vọng thời đại mình chính danh có “Đại lễ”, và “lễ hội” mới trở về đúng nghĩa – củng cố các giá trị tinh thần dân tộc.

“Nén mình theo lễ” để quân ra quân, thần ra thần….

Trong vòng hơn 10 năm phát động, chuẩn bị và trong 10 ngày diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, khó ai phủ nhận được sự hoành tráng có một không hai trong lịch sử những cuộc lễ mang tính chất quốc nội. Nhưng nếu nghĩ rằng “đại lễ” là làm cái gì cũng phải “hoành tráng nhất”, “lớn nhất” thì sẽ không tránh khỏi tội xúc phạm tổ tiên, bởi thời đại nào mà không có “đại lễ”.

Vậy trước khi đến với “đại lễ”, người xưa hiểu về “lễ” như thế nào?

Khổng Tử nói: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân” (Làm người là phải biết nén mình theo lễ, hay nén mình theo lễ mới được gọi là người). Lễ được hiểu như vậy thì kính cẩn và khuôn phép lắm. Tinh thần thượng tôn pháp luật, trung hiếu với dân với nước của người xưa cũng từ “lễ” mà ra.

Nhà vua, người đứng đầu quốc gia, trước khi chủ trì những cuộc lễ lớn đều phải trai giới, tâm niệm điều lành, ý thức về những việc làm vì dân vì nước để mong thay đổi vận nước. Nếu có những biểu hiện bất ổn xảy ra trong xã hội như loạn lạc, tham nhũng, ỷ thế cậy quyền, thiên tai, bệnh dịch, mất mùa đói kém thì nghĩ ngay đến việc hành lễ sửa mình, tự nhận trách nhiệm, tự biết mình vì kém đức kém tài nên đã để muôn dân trăm họ hoang mang, bất an.

Người đứng đầu đã làm những việc như thế thì lẽ nào bách quan trăm họ lại không nghĩ đến những điều tai họa trước mắt mà nhanh chóng điều chỉnh suy nghĩ, lời nói, hành động của mình. Để làm sao trên thuận ý trời, dưới hợp lòng dân. Thiên ý và nhân luân thuận hợp thì cảnh thanh bình, no ấm sẽ xuất hiện, đúng với quy luật “nhân nào quả nấy”. Họ hướng về “đại lễ” bằng tâm thức (“phong kiến”?) như vậy đấy!

Vì biết “nén mình theo lễ”, nên quân ra quân, thần ra thần, cha ra cha, con ra con, thầy ra thầy, trò ra trò, chủ ra chủ, khách ra khách… Các mối quan hệ gia đình, xã hội do vậy mà không rối bời hỗn loạn. Vì biết “nén mình theo lễ” nên ngựa xe đi qua cổng chùa, cổng đình, cổng đền, nhìn thấy dòng chữ “hạ mã” là phải xuống ngựa, xuống kiệu đi bộ, khi đi ngang qua thì phải bỏ mũ xuống.

Cái hành vi bỏ mũ xuống không chỉ với thánh thần “không đâu”, mà mỗi khi thấy có xe tang đi qua, họ cũng xuống ngựa xe, đứng lại ngả mũ tiễn biệt dù biết người nằm xuống kia chẳng có họ hàng thân thuộc gì với mình.

Vì biết “nén mình theo lễ” mà nhà không xây cao hơn cung vua, chùa thờ Phật hay nơi thờ tự các bậc hiển thánh; sử dụng đồ đạc thường ngày thì phân biệt qua những quy định về phẩm cách.

Chẳng hạn rồng là biểu tượng tôn quý của vương triều, nên quan lại và người dân bình thường không được tuỳ tiện sử dụng dưới bất cứ hình thức nào. Đó là “lễ”, nhưng cũng đồng thời thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp.

Vì biết “nén mình theo lễ” mà trong những ngày để tang cha mẹ, con cái không được quan hệ vợ chồng, không được bày trò hay đi xem nghe múa hát…

Vì biết “nén mình theo lễ” nên họ không phỉ báng, xả rác, phóng uế vào mặt thần thánh. Bởi theo tín ngưỡng đa thần, người Việt có rất nhiều vị thần đại diện như thần sông, thần suối, thần núi, thần cây, thần đất, thần đá… vì thế họ biết đi vệ sinh đúng nơi, nhổ nước miếng đúng chỗ và không tuỳ tiện hái hoa, bẻ cành, xả rác…

Lý thuyết thì to nhưng “lễ” lại bé?

Xã hội chúng ta hiện nay “tự do”, “văn minh”, “nhân quyền” được biểu hiện nhiều hơn bằng vô số những lý thuyết to tát, nhưng có vẻ như chữ “lễ” và “đạo đức công dân” lại ít hơn, nghèo nàn hơn. Người dân không hiểu “lễ” thì không biết mình được làm gì và không được làm gì.

Một xã hội mà càng có nhiều người không biết mình được làm gì, không được làm gì thì chẳng phải “đạo đức công dân” đang gặp khủng hoảng lớn hay sao?

Mấy năm nay, người ta bàn rất nhiều về lễ hội, và cũng có rất nhiều những “quyết tâm xây dựng…” này nọ, nhưng khổ nỗi mỗi khi đến lễ hội, người ta vẫn thấy lồ lộ ra những cái dung tục, tầm thường, nếu không muốn nói là vô văn hoá.

Sáng tạo và hưởng thụ văn hoá cũng là một quyền căn bản con người, cho nên khi văn hoá bị xâm hại thì quyền con người cũng bị xâm hại. Nếu cứ để hành vi vô văn hoá tái diễn và trở thành một “hiện tượng xã hội”, thì dân tộc ấy dù có tăng bao nhiêu phần trăm GDP thì cũng vẫn là một dân tộc nghèo: nghèo lương thiện, nghèo giá trị sống, nghèo văn hoá…

Trước khi con người văn minh sống với hành vi thì họ phải biết sống bằng ý thức cái đã. Có ý thức thì mới có thể “nén mình theo lễ”, phân biệt được việc nào lên làm, việc nào không nên làm, đơn giản từ hành động nhấc chân, cất bước chứ đừng nói chi đến việc vượt tường, ngồi trên nóc di sản…

Đơn giản xin lấy một ví dụ, trong kinh Phật, Đức Phật dạy các vị đệ tử rằng, mỗi khi ngồi nghỉ dưới bóng mát của một tàng cây thì lúc rời đi thì phải biết chú nguyện và hồi hướng công đức (cảm tạ) cái cây ấy đã che chở cho mình, tuyệt đối không được bẻ cành dùng để che nắng. Thế nhưng, buồn thay khi những lời dạy giản dị, đầy tính nhân văn ấy lại không được người ta quan tâm thực hành.

Chứng kiến những sự thực từ lễ hội chùa Hương, Yên Tử, hay những lễ hội to nhỏ khác, thật chẳng dám bàn thêm vì sự mất vệ sinh, xô bồ chung quanh di tích. Cái “lễ” và lòng biết ơn mà Đức Phật dạy bị lòng ích kỷ, thói dung tục của những người hành hương chà đạp không thương tiếc.

Nhìn là thấy, kìa như chùa Phúc Khánh (Hà Nội), sau những lễ lớn, người đi lễ đứng lên ra về là rác ngập đường, không ai thèm dọn. Kìa như chung quanh nhà thờ Đức Bà (TP. HCM), sau đêm Giáng sinh, người ta xả rác đầy công viên Thống Nhất. Kìa như một số lễ hội cướp hoa ở TP.HCM, ở Hà Nội, hay sự phá phách các tác phẩm nghệ thuật ở Festival Huế. Và gần đây nhất là “Đại lễ” kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, cây cảnh tan hoang, giá cả bị “chặt chém” không thương tiếc. Nếu những ai còn một chút lòng hổ thẹn thì cảm thấy bẽ bàng cho người dân xứ mình.

Có lẽ, điều xúc phạm nặng nề nhất là biểu tượng Rồng thời Lý (được tôn vinh trong nhiều ngày qua) bị họ đạp đổ, gẫy bể nằm lăn lóc trên đường trước sự thờ ơ vô cảm của con người. Hà Nội là mảnh đất rồng thiêng xuất hiện, vì thế Rồng trở thành biểu tượng thiêng liêng của Thủ đô, bên cạnh những vật thiêng như Rùa, Phụng, Kỳ Lân…

Đó là những vật linh chỉ thấy xuất hiện ở những nơi thờ tự tôn nghiêm. Nhìn biểu tượng Rồng bị đạp đổ trong đúng vào ngày “Đại lễ” khó ai có thể tưởng tượng đó là sự thật. Vì xưa nay hình tượng Rồng chỉ có thể bị đạp đổ khi giặc phương Bắc và giặc Chiêm Thành tràn vào đốt phá kinh đô Thăng Long mà thôi.

Trong Chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ đã xem Thăng Long là “nơi hội tụ tinh hoa của bốn phương”, bởi nơi đó không chỉ giữ vai trò của 1 trung tâm quyền lực chính trị, thu hút hiền tài, mà còn là mảnh đất hội tụ của Chân – Thiện – Mỹ. Sự mất an toàn của cái đẹp, cái thiêng đã phần nào chỉ ra sự ê chề trong đời sống ứng xử văn hoá xã hội, trong nền giáo dục của nước nhà. Buồn thay điều đó lại xuất hiện đúng vào dịp người ta hô hào và biểu dương tinh thần Thăng Long, khí chất Thăng Long, cũng như nét thanh lịch của con người Hà Nội.

Đã mang danh “Thành phố vì hoà bình” thì con người nơi ấy phải trở thành một tổng thể hài hoà với môi trường sống chung quanh. Không thể để thói lưu manh chặt chém, thói trưởng giả, trọc phú, thói phô trương, thói lố lăng kệch cỡm xuất hiện thêm nữa, vì nó chính là tác nhân làm cho các giá trị bị đảo lộn, hư hỏng.

Sẽ vẫn cứ là một dân tộc nghèo, nếu…

Nhiều người có thể bỏ tiền trăm, bạc triệu để mua vé xem bắn pháo hoa trong dịp Đại lễ, nhưng có mấy ai biết bỏ ra một tí ý thức để mua về lòng tự trọng? Nếu chỉ biết đến lễ hội bằng đồng tiền và sự hưởng thụ chứa đầy thói hợm hĩnh, háo danh, ích kỷ, thì chẳng phải hồn ma của cái đám kiêu binh, kiêu dân trong lịch sử thời loạn đang “đội mồ sống dậy” để gây oan cho cộng đồng hay sao?

Vận khí là sự tiếp nối, nếu bất kỳ biểu tượng thiêng liêng nào họ cũng có thể giật đổ được, thì sự bạo tàn văn hoá đang thắng thế và ngày một gây hại.

Sáng tạo và hưởng thụ văn hoá cũng là một quyền căn bản con người, cho nên khi văn hoá bị xâm hại thì quyền con người cũng bị xâm hại. Nếu cứ để hành vi vô văn hoá tái diễn và trở thành một “hiện tượng xã hội”, thì dân tộc ấy dù có tăng bao nhiêu phần trăm GDP thì cũng vẫn là một dân tộc nghèo: nghèo lương thiện, nghèo giá trị sống, nghèo văn hoá…

Trước khi con người văn minh sống với hành vi thì họ phải biết sống bằng ý thức cái đã. Có ý thức thì mới có thể “nén mình theo lễ”, phân biệt được việc nào lên làm, việc nào không nên làm, đơn giản từ hành động nhấc chân, cất bước chứ đừng nói chi đến việc vượt tường, ngồi trên nóc di sản…

Nếu công dân chưa thể tiếp cận được với những cái lễ tối thiểu thì nền giáo dục cần tập trung vào chữ “lễ” để dân mình ý thức sống trọn vẹn với chữ ấy trước khi họ hoà mình vào với “hội” (cộng đồng). Nếu chưa thể xây dựng đời sống ứng xử cho có “lễ” thì đừng nên tiếp tục cho mở hội nào nữa (dù lợi nhuận lớn cỡ nào).

Vì càng xuất hiện nhiều những “hội” mà thiếu “lễ” thì càng làm hỏng tính cách của cộng đồng mình, càng dung tục và tầm thường hoá dân tộc mình. Chỉ khi có được những cái “lễ” tối thiểu với con người, với môi trường sống chung quanh thì mới hy vọng thời đại mình chính danh có “Đại lễ”, và “lễ hội” mới trở về đúng nghĩa- củng cố các giá trị tinh thần dân tộc.

Previous Post
Next Post