Đôi điều về đại gia… và… trọc phú

Tựu trung, mọi lời nói, hành vi, cử chỉ, đối nhân xử thế… thiếu nhân văn – thiếu văn hóa, cậy đồng tiền, coi đồng tiền là trên hết thì tên gọi chính xác của nó là trọc phú…!

1. Đại gia:

Lâu nay có một hiện tượng: hễ cứ ai đó có nhà lầu xe hơi – hay có của ăn của để, thì thiên hạ lại gắn cho họ cái mác… ‘đại gia’!

Một điều nực cười là các tỷ phú Đôla trên thế giới như: Bill Gates, Carlos Slim, Warren Buffett… .Ở nước họ cũng không ai gắn cái mác là đại gia cho những người này! Còn ở ta thì… vô số đại gia (?!)

Hiểu theo đúng nghĩa đại gia thì: đại là to, lớn – gia là gia đình. Một gia đình gồm nhiều thế hệ (gồm: ông bà, cha mẹ, con, cháu… - còn gọi là tam đại, tứ đại đồng đường) sống hòa thuận, yêu thương, đùm bọc và có trách nhiệm với kỷ cương của gia đình, tôn trọng phép nước… Người chủ gia đình đó được gọi là đại gia. Từng thành viên trong gia đình đó cũng được cộng đồng giới thiệu với nhau: con nhà đại gia A hoặc cháu nhà đại gia B… v.v và v.v.

Như vậy, gốc gác của thuật ngữ đại gia không phải để dùng cho những người giàu hoặc có tiền. Mà đại gia phải được hiểu theo ý nghĩa tốt đẹp trên (đương nhiên là một gia đình có nhiều thế hệ sống hòa thuận hạnh phúc… thì… cũng phải có tiền). Nên chăng, cộng đồng và xã hội chúng ta cần hiểu đúng và sử dụng đúng từ đại gia theo đúng nghĩa của nó – tránh để lâu ngày thành quen – không khéo nay mai lại trở thành… từ mới với ý nghĩa không đúng.

2. Trọc phú:

Điều kỳ lạ hơn nữa trong xã hội (kể cả báo chí) cũng nhầm lẫn giữa đại gia với người giàu, giữa người giàu… với trọc phú (!) và giữa trọc phú với… phú ông (?!)

Trước hết, phải cắt nghĩa cho rõ: ngày xưa người ta gọi phú ông (ông giàu) – tức là chỉ một người giàu có. Còn trọc phú – hiểu nôm na là giàu có nhưng dốt nát và bẩn thỉu. Từ trọc phú này cũng liên quan đến từ… ô trọc (xấu xa, bẩn thỉu). Khi ai đó bị người đời gán cho hai chữ trọc phú thì ‘đương sự’ phải ‘hội đủ’: giàu có (đương nhiên) + lời nói + hành vi + cử chỉ + giao tiếp + đối nhân xử thế… thiếu văn hóa!

Như vậy, nói nôm na trọc phú là có tiền mà không… có chữ! Tuy nhiên, trong thực tế thì có những người “rách như tổ đỉa”… nhưng khi có ‘cơ hội’… cầm tiền trong tay mà sử dụng đồng tiền thiếu văn hóa… thì hành vi nhất thời đó cũng bị coi là hành vi trọc phú. Ví dụ: một nhân viên đi cùng sếp tiếp khách với đối tác, khi thực hiện nhiệm vụ thanh toán (không phải tiền của anh ta) lại có thái độ, lời nói và hành vi thiếu văn hóa (hách dịch, ta đây, ngông nghênh…) với chủ quán – hoặc khi đưa tiền ‘Tip’ cho nhân viên lại tỏ ra là người đi… ‘bố thí’!

3. Doanh nhân không thể là… trọc phú!

Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10/2015, người viết hy vọng rằng trong cộng đồng thống nhất với nhau cần tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp chân chính. Không nên ‘vơ đũa cả nắm’. Và ngược lại cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp cũng cần tự hào và tìm hiểu gốc gác vì sao các hãng hàng không quốc tế lại xếp hạng chỗ ngồi vị trí đặc biệt là hạng thương gia (Business Class)? Để từ đó trong mọi ý tưởng, lời nói, hành vi, cử chỉ, đối nhân xử thế… của doanh nhân, doanh nghiệp đều được cộng đồng và xã hội công nhận là đặc biệt cả về văn hóa, nhân văn… và tử tế!

P/S: Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, chữ ĐẠI GIA (大家) có hai nghĩa:

1. Nhà thế tộc (世族), tức là nhà làm quan nhiều đời.
2. Nhà học giả trứ danh.

Ở nghĩa thứ nhất, ta có vô số ví dụ trong lịch sử.

Ở nghĩa thứ hai, ta có một ví dụ nổi tiếng là ĐƯỜNG TỐNG BÁT ĐẠI GIA (唐宋八大家), gồm tám đại văn nhân, đời Đường có Hàn Dũ và Liễu Tông Nguyên; đời Tống có Âu Dương Tu, Tăng Củng, Vương An Thạch, Tô Tuân, Tô Thức, và Tô Triệt.

Thời nay, ở Việt Nam, chữ “đại gia” (trong ngoặc kép) chỉ hạng trọc phú, vốn kém văn hoá, nhưng nhờ thế lực (chẳng hạn, họ là con cháu của các ông cao cấp trong Đảng và Nhà Nước), hoặc nhờ “tài” gian thương, hay khéo đút lót, giỏi chạy chọt, chia chát, cấu kết với giới cầm quyền tham nhũng, nên bỗng chốc giàu to. Chữ “đại gia” ở Việt Nam hiện nay gắn liền với những trò tiêu tiền như rác, những kiểu quan hệ nhố nhăng với đám “chân dài”, những cuộc tiệc tùng nhậu nhẹt hào nhoáng với đồng bọn trọc phú hay các quan to, vân vân...
Previous Post
Next Post