Bàn thêm về dân trí

Trong một phiên họp Quốc hội gần đây liên quan đến vấn đề luật trưng cầu dân ý, đã có một ý kiến gây ồn ào khi cho rằng, dân trí Việt Nam còn thấp nên trưng cầu dân ý có thể gây nhiễu loạn.

Ý kiến đó tất nhiên khiến nhiều người cảm thấy mình thiếu được tôn trọng. Thứ nhất, là một công dân, tự nhận thấy mình có nhận thức tốt, ai cũng mong mỏi được trưng cầu ý kiến của mình, đặc biệt là trước những vấn đề lớn của xã hội. Thứ hai, nói “dân trí thấp” dễ bị đánh tráo khái niệm với chuyện ám chỉ “dân ngu” và bất kỳ ai là công dân, người đó đều có cảm giác mình đang bị xúc phạm.

Nhưng thực tế, chúng ta cần nhìn thẳng vào chính mình, nhìn thẳng vào thực trạng xã hội để trả lời câu hỏi “dân trí Việt Nam có thấp hay không?”.

Ở vào thời đại kỹ thuật số này, Internet là một phương tiện khoa học kỹ thuật đã phổ biến rộng khắp trên toàn quốc, nhất là khi các công cụ truy cập Internet ngày càng rẻ tiền hơn và tiện lợi hơn. Chính vì thế, người dân cũng được tiếp cận với thêm nhiều loại thông tin hơn, mà một trong những loại thông tin ấy là kiến thức, thứ là nền tảng để tạo nên dân trí. Vậy thì không có gì tuyệt vời hơn là khảo sát chính những người sử dụng Internet mỗi ngày để nhìn nhận về mức độ dân trí Việt Nam hiện nay và khảo sát bằng chính những tương tác của dân trên các diễn đàn, mạng xã hội chính là thước đo chuẩn xác nhất. Dễ hiểu, đó là thứ mà “dân nói ra”, thứ tỏ rõ “quan điểm của dân” cũng như trình độ của dân.

Một điều mà bản thân tôi cũng như nhiều đồng nghiệp làm báo đã trải qua, và quen với nó, đến mức có khi trơ lỳ cảm xúc, chính là những bình luận dưới những bài viết của mình khi nó được đăng tải trên các báo điện tử hoặc được chia sẻ ở tài khoản cá nhân của chính mình hay ai khác. Thực tế cho thấy, nhiều bài viết mang một luồng quan điểm khác, thậm chí có thể đi ngược lại với số đông, cần nhận được những bình luận mang tính tranh luận, đặc biệt là tranh luận trái chiều, dựa trên cơ sở của lập luận với dẫn chứng chắc chắn.

Nhưng đại đa số bình luận gần như chỉ xoáy quanh vài việc như “đánh vào nhân thân của tác giả hoặc của nhân vật trong bài viết”; “quy chụp tác giả viết lăng nhăng, đọc chẳng hiểu gì” và miệt thị người viết bằng ngôn ngữ đường phố. Thực trạng chung đó cho thấy một điểm rất yếu của người Việt hôm nay. Đó là không bao giờ tìm hiểu thật kỹ, đọc cho thật kỹ để lấy được cả những ẩn ý nằm sau văn bản mà vội vàng phán xét ngay khi gặp phải một câu, thậm chí là cái tên bài viết, không hợp tai với mình. Việc ấy thể hiện dân trí rõ ràng không phải là cao chút nào, thậm chí ở mức trung bình cũng chưa đạt tới.

Nhưng nếu chỉ xét quanh những chuyện kiểu như tranh luận trên các diễn đàn thì còn có chút gì đó “cao siêu” quá. Nếu nhìn thực tế vào các dữ kiện, nguồn thông tin đang được chia sẻ lan tràn ngày hôm nay, ta sẽ thấy buồn thực sự cho dân trí lúc này. Cụ thể như ở lĩnh vực thu hút đám đông hiếu kỳ khá mạnh mẽ là lĩnh vực giải trí chẳng hạn. Một câu chuyện tầm phào, nhố nhăng kiểu Thánh cô cô bóc; một nhân vật được dàn dựng lên có chủ đích như người nông dân trồng ổi có biệt danh Lệ Rơi; một tuyên bố tầm xàm ba láp của một cô người mẫu vô danh nào đó… cũng đều thu hút đám đông theo kiểu cảm tính, ngồi lê đôi mách, bàn ra tán vào, tung hô - chê bai rộn ràng như cái chợ thực tế lại cho thấy nhiều điều.

Dân nước nào thì cũng tò mò hết cả nhưng sự tò mò và sự quan tâm là hai khái niệm khác hẳn nhau. Người Việt dường như đang cho thấy họ không những chỉ tò mò mà họ còn rất quan tâm đến những thứ tầm thường đó, quan tâm đến mức choán hết cả vốn thời gian mỗi ngày của họ. Và khi đã quan tâm đến những thứ tầm thường, bỏ quên những thứ đáng giá hơn với chính đời sống của họ, rõ ràng điều đó thể hiện tâm thế, tư duy, tri thức rất thấp kém của cả một cộng đồng. Chính một giáo sư có tiếng cũng từng than thở trên Facebook một cách trào lộng rằng, “cái gì nghiêm túc thì y như rằng chỉ được vài chục người theo dõi. Còn cái gì mình viết nhảm, mang tính vui là chính, xả stress là chính thì y như rằng mức độ quan tâm dày đặc, bình luận ầm ầm”.

Vậy thì trong một mặt bằng công chúng như thế, chúng ta có dám quả quyết là dân trí Việt Nam không hề thấp hay không? Chắc chắn là không rồi và các ví dụ về khảo sát trên Internet hay truyền thông mạng trên đây chỉ là những ví dụ nhỏ trong muôn vàn ví dụ đủ sức thuyết phục dân trí chúng ta đang rất thấp.

Đơn cử như ví dụ về chuyện rác thải thôi chẳng hạn. Ở thế kỷ thứ 21 rồi mà 100% dân Việt Nam vẫn chưa sử dụng cách phân chia rác ngay từ đầu ra thành hai loại: rác hữu cơ và rác vô cơ để các đơn vị thu gom và xử lý rác dễ dàng hơn trong công việc của mình. Tại sao chuyện đó vẫn tồn tại? Đơn giản, bản thân đơn vị xử lý rác vẫn còn xử lý theo cách lạc hậu xưa cũ và bản thân những người thải rác cũng chưa chắc 100% hiểu rõ cái nào là rác hữu cơ, cái nào là rác vô cơ. Cũng nhân chuyện thải, xả ấy, chúng ta hãy nhìn vào chuyện đi vệ sinh của khách vãng lai trên phố là đủ hiểu. Ở những nước dân trí cao, ngoài hệ thống nhà vệ sinh công cộng, khách vãng lai có thể vào bất kỳ khách sạn lớn, nhà hàng, quán café nào để đi vệ sinh mà không hề lo sợ mình sẽ bị ngăn cản.

Đơn giản, ý thức cao, dân trí cao cho phép họ nghĩ đến chuyện tự nguyện thực hiện điều đó vì nó sẽ góp phần làm cho thành phố của họ sạch sẽ hơn. Còn ở Việt Nam, giả sử như ta bước chân vào một quán cà phê nào đó bên đường và xin phép đi vệ sinh, có lẽ lời từ chối là còn nhẹ, nếu không nói là có nơi sẵn sàng đón tiếp ta bằng thái độ thù địch. Đó là một thái độ thể hiện dân trí thế nào, có lẽ không cần giải thích thêm nữa.

Rõ ràng, bàn về dân trí lúc này không phải là khẳng định, xác quyết xem dân trí Việt Nam thấp hay không, mà là “Làm sao để dân trí Việt Nam, thể hiện từ thế hệ này cho đến các thế hệ tiếp nối trong tương lai, không còn ở mức độ thấp nữa”.

HÀ QUANG MINH
Xem thêm: Hủy hoại dân trí – hạ tầm văn hóa
Previous Post
Next Post