Miếng bả

Kiếp con chim cũng chẳng khác kiếp người mấy nỗi. Cũng lận đận kiếm tìm, cũng bon chen giành giật, cũng đớn đau, cũng phù du...Nhìn theo vờn khói bay vòng, có những cuộn tròn nằng nặng cứ bay ngang, làm ông rơi lệ. ..

Ngôi nhà có ông Hồng mới đến ở là nhà xây chen giữa hai chung cư cao tầng. Ở hai chung cư, cơ man nào là ông già, tuổi thất tuần, tuổi bát tuần, nhưng chẳng ông nào để râu, đã thế lại còn nhuộm tóc, chỉ riêng ông Hồng thì ngược lại, râu tóc trắng phơ, đối lập với làn da đen xạm. Bộ cánh thì quê một cục. Chân lại đi dép tổ ong, loại dép từ thời bao cấp, người ta hay cắt mũi, để dùng ở nhà nghỉ, phòng chống mất cắp. Đầu nhà ông có cây hồng xiêm, cây hồng có mấy quả chín bói, chim chào mào thường đến rỉa ăn. Ngoài cây hồng xiêm là bức tường ngăn với đường đi nội bộ. Ban đêm, những ngọn đèn đường lập lòe như nhát trẻ con, thi thoảng một vài chiếc lá rơi thầm xuống cỏ.

Nhà ông Hồng, chỉ đông người vào buổi tối, ban ngày vắng hoe. Ông như  chiếc bóng. Chỉ có điều lạ, là chiếc bóng suốt ngày lúi húi dưới gốc cây hồng xiêm!

Tôi ở tầng hai hộp nhà chung cư, nhìn xéo sang nhà ông, thỉnh thoảng lại ngồi ngắm ông vu vơ. Thế rồi những hoạt động của ông làm tôi chú ý. Ông hay ra ban công, nhìn xuống gốc cây hồng xiêm. Nhát lại hối hả chạy xuống, chui tọt vào gốc cây mất hút. Một lúc lại thấy ông ngồi vào chỗ cũ. Có lúc ông ngồi như bụt mọc, như hòn đá mồ côi, có lúc lại trầm tư dáng núi. Ông lạc lõng giữa phố đông, như người ta lạc rừng.

Có lần tôi nhìn thấy ông đang ngồi trên tầng hai, bỗng bật ngửa ra phía sau rất lạ, như có ai tròng dây thừng vào cổ ông giật mạnh. Ông ật ra như người bị trúng gió. Nhưng sau cú ật ngửa ấy, ông lại chạy xuống gốc cây hồng xiêm như ma đuổi. Tôi tiếc là không có chiếc ống nhòm, để nhìn ông cho rõ. Khu nhà ông ở, trước kia là nghĩa địa, hôm đào móng, còn cuốc phải một chiếc tiểu sành. Bên A mang chiếc tiểu chôn vào một góc khuất, giữa hai hộp nhà. Cứ rằm, mồng một, người ta lại đến đấy thắp hương.

Ông trưởng ban A lúc đó, tên là Túc Văn, nên người ta cứ gọi đấy là mộ ông Túc Văn! Không biết ông Hồng có bị ma ám, khi sống trên hộp nhà, mà phía dưới là nghĩa địa? Dưới gốc cây hồng xiêm vẫn còn mồ mả? Ông ật người ra như trúng gió, rồi chui vào gốc cây, để nhận trừng phạt của thần linh từ kiếp trước?

Đêm nguyệt cầm, vầng trăng kỳ ảo, được cắt vụn bởi những nhát phẩy của gió. Những chiếc lá non, cứ hé mắt ghẹo người, có lúc lại giơ tay lên trời hứng gió, hứng cả mây bay. Tôi bỗng sợ mỗi lần đi qua cây hồng xiêm, nên thường chọn đường vòng để đi ra phố. Từ u mê, bước ra cõi thực, con người nên đi đường vòng.

Ông Hồng không phải người thành phố, ông ở mãi làng Hàn, một vùng chiêm trũng, cạnh dòng Châu Giang. Ông già nua, cái già của người nhà quê. Ở nông thôn, người ta chóng già, họ già hơn người thành phố một chuyến đi xa, già hơn vì đêm đêm cứ phải nghe tiếng côn trùng trách móc. Từ khi vợ mất, ông sống một mình. Sống ở nông thôn, có làng có xóm, có quan hệ thân tình dằng dịt, nên đỡ cô đơn. Nếu có cô đơn, thì cũng cô đơn trong vòng tay tình nghĩa, sợ nhất là cô đơn chỉ của riêng mình. Con ông ở thành phố về đón ông đi. Ông đắn đo nửa đi nửa ở. Người khuyên ông nên ở, người bảo ông nên đi, ông ở giữa dùng dằng, cuối cùng đành ra đi, trong ngậm ngùi tiếc nuối.

Khi người già rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, thì trĩu nặng tâm tư, nỗi niềm vây bủa. Ông ra đi mang theo một gánh muộn phiền. Sống ở thành phố, nơi thanh tao lẫn với trần tục, nơi bao dung lẫn với bon chen, nơi kiêu sa lẫn với tầm thường, lúc nào cũng tính chuyện đổi chác, thì ông lại khờ khạo như gà tây đạp mái. Ở với con, ông chẳng thiếu thứ gì, nhưng lúc nào cũng quờ tay vào quá khứ. Ông buồn, nỗi buồn của người xa quê, người thừa ra ở thành phố. Trong các thứ thừa, thì khổ nhất là thừa ra chính mình. Mình không vứt mình đi được, con cái đứa nào dám vứt?

Để giấu đi nỗi buồn, ông thường hý hoáy dưới gốc cây hồng xiêm... Tôi nhìn qua lỗ hổng ở bức tường ngăn, thấy ông buộc hai thanh tre hình cánh cung, bên trong là mảnh lưới, có sợi dây dòng lên ban công tầng hai. Khi ông đặt quả hồng chín vào mép lưới, tôi mới hiểu, ông vào đây để đánh bẫy chim. Những cú ật người ra phía sau, là lúc ông giật mạnh sợi dây để bẫy nó. Con chim khôn lắm, trong các loài chim, thì chào mào khôn vào loại hai sau chim họa mi. Loại hai cũng là khôn rồi, nhưng vẫn là khôn của loài vật, chứ không phải khôn của loài người. Phải mất bốn năm ngày khó nhọc, ông mới bẫy được con chim, không biết con chồng hay con vợ. Nếu là loài cuốc, thì dễ dàng bắt được con thứ hai, bởi vợ chồng nhà cuốc tình nghĩa lắm. Khi một con bị bắt, con kia cứ đến kêu thảm thiết, kêu như than như oán, kêu như u mê mộng mị, không thiết cả ăn uống. Vậy nên, người ta lấy lưỡi con cuốc, sấy khô, tán thành bột, bí mật bỏ vào cốc nước để lừa tình.

Bắt được con chim, ông mừng lắm, bởi từ nay, ông có một người bạn tâm tình. Mới nuôi con chim một ngày, mà ông đã tích trữ bao nhiêu là thứ. Nào là chuối chín, nào là hạt kê, nào là châu chấu rang khô. Nhưng con chim từ khi bị nhốt, lúc nào cũng nhẩy lồng lên để tìm cách thoát thân. Thức ăn nước uống ông để sẵn, nhưng nó không hề nhúng mỏ. Có lần sợ nó đói, ông đã phải nâng mỏ nó lên để bón thức ăn, nhưng nó cứ nhè ra không chịu nuốt. Ông cho rằng nó còn sợ, chưa quen với người.

Một sớm dậy, ra chỗ con chim, ông thấy yên ắng quá, không có động tĩnh gì. Lạy trời, hay nó đã quen với việc nuôi nhốt? Ông rón rén lại gần, thì trời ơi, con chim đã lăn ra chết! Nó chết khi mà thức ăn, nước uống ê hề. Ông không hiểu vì sao nó chết? Ông mở lồng, cầm con chim trên tay, người nó vẫn còn âm ấm. Ông đặt nó lên một miếng vải mềm, rồi lấy vôi tường rắc lên người nó, hy vọng nó sẽ hồi trở lại. Nhưng không, người nó cứ lạnh dần. Ông rùng mình, khi cầm trên tay cái lạnh của chia lìa. Biết không còn cứu vãn được nữa, ông khẽ nâng mỏ nó lên.

Trời đất! Ông kêu lên. Thì ra nó đã cắn lưỡi tự tử! Ông lặng người thờ thẫn, chậm một phút mà thành xa cách… Nó không đợi ông, nó không muốn nhìn mặt ông nữa. Ông đau xót nhìn chiếc lưỡi con chim từ miệng nó rơi xuống đất. Chiếc lưỡi nhỏ xíu, hàng ngày vẫn hót với ban mai, chào giọt sương rơi trên lá, cả những giọt mồ hôi người nông dân suốt ngày lam lũ... Bây giờ tím bầm những máu! Ông ủ con chim vào ngực áo mình, như ủ nỗi đời ấm lạnh, rồi đứng như trời trồng. Nhìn chiếc lưỡi con chim, ông thấy sợ vẩn vơ, sợ cả bàn tay mình. Cái mà nó cần, thì ông tước đoạt, cái mà nó không cần, thì ông cho nó ê hề.

Làm sao một con chim bé bỏng nhường này lại dám cắn lưỡi tự tử? Trong các loại tự tử, thì cắn lưỡi là đau đớn nhất, Không hiểu sao con chim lại chọn cách này? Sao không treo cổ vào nan lồng, sao không tuyệt thực? Có lẽ nó chọn cách cắn lưỡi để ra đi nhanh nhất. Chiếc lưỡi là lời nguyền mà nó để lại! Ông thấy mình mắc nợ giữa trần gian. Nợ tiền thì méo mặt, nợ tình thì khốn nạn, ông đặt miếng bả để lừa con chim thì ông nợ gì?

Ông cầm chiếc lưỡi trên tay, tay ông cũng tím bầm những máu. Chiếc lưỡi bé xíu nhẹ tênh, mà tay ông trĩu nặng. Ông thấy đau ở bả vai, đau sang đốt sống cổ, rồi lan xuống sống lưng. Ông lấy miếng bông, lau vết máu ở lưỡi con chim. Máu này bây giờ không cần cho sự sống, không cần cho cả cái chết. Ông nâng mỏ con chim lên, đặt miếng lưỡi vào chỗ cũ. Ông muốn hàn gắn vết thương cho nó?

Hàn gắn vết thương bằng một vết thương khác đau hơn: Vết thương ông đang nhận cho mình. Trớ trêu thay, chiếc lưỡi cứ rời ra. Nó không cần lòng tốt của ông nữa. Lòng tốt không đặt đúng chỗ cũng chẳng ích gì. Chiếc lưỡi bây giờ chả cần cho ai, chả cần cho chính nó. Ông thấy bủn rủn chân tay, khó thở, phải tựa lưng vào tường thở dốc. Một cơn đau ở ngực làm ông sa sẩm mặt mày.

Ông đặt con chim vào chiếc áo quan. Áo quan là điểm hẹn cuối cùng của mọi kiếp. Áo quan của con chim là hộp đựng quân cờ. Ông mang bộ quân cờ đi để chơi với hàng xóm, nhưng ở thành phố, hàng xóm ít chơi với nhau, nên hộp quân cờ ông cũng chả cần. Chiếc lưỡi ông để vào một miếng bông trắng toát, không biết có ngụ ý gì, hay ông muốn nó tự để tang cho mình?

Đúng lúc ông để chiếc lưỡi con chim vào miếng bông, thì cây hồng xiêm đùng đùng nổi gió. Ông thấy lạnh ở sống lưng, nhìn vào bàn tay thấy nổi da gà, bàn tay sần sùi đỏ au, không còn là bàn tay trần thế. Ông thủ bàn tay vào vạt áo, như muốn giấu nó đi, ông muốn giấu cả ông đi, để người trần mắt thịt không nhìn thấy nữa. Ông đứng tần ngần một lúc, rồi thắp hương, làm một cuộc tiễn đưa khó nhọc, như tiễn đưa mình.

Kiếp con chim cũng chẳng khác kiếp người mấy nỗi. Cũng lận đận kiếm tìm, cũng bon chen giành giật, cũng đớn đau, cũng phù du...Nhìn theo vờn khói bay vòng, có những cuộn tròn nằng nặng cứ bay ngang, làm ông rơi lệ. Chôn con chim dưới gốc cây hồng xiêm, nơi vị thơm ở ngay miếng bả, nơi tiếng hót ở ngay miệng hố chôn mình, nơi miếng ăn phải trả giá bằng mạng sống. Chôn xong, bàn tay vẫn còn vấy máu, ông bám vào chiếc cổng sắt, nhìn ra đường nghĩ ngợi.

Previous Post
Next Post