Nền giáo dục Việt Nam: Thời mạt vận!

‪“Sách là môi trường giáo dục cho trẻ nhỏ vậy mà hiện nay trên thị trường lại xuất hiện ngày một nhiều những cuốn sách không chỉ chứa nội dung nhảm nhí mà cả sự rùng rợn khiến các bậc phụ huynh không khỏi hoang mang”. Đó là nhận định của tác giả Trần Hạnh trong bài viết “Sốc với những bài học giáo dục "không thể đỡ được" trong sách truyện thiếu nhi” được đăng trên baomoi.com.

Cũng theo bài viết cho biết: Cuốn "Hỏi đáp nhanh trí" do tác giả Đức Trí biên soạn và được in ấn, phát hành bởi một nhà xuất bản Văn Hóa- Thông Tin. Tuy nhiên nội dung cuốn sách lại có rất nhiều trang hỏi đáp về các vấn đề chặt đầu, xử bắn, chết chóc … gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý trẻ em. Cụ thể là: Tại trang 29 của sách có đưa ra hình ảnh và câu hỏi: “Anh A bị chặt đầu lúc 40 tuổi, vậy con cái của anh A bị làm sao?” Tại trang 37 là hình ảnh một người đang vung dao chặt đầu một người kèm theo câu hỏi: “Một người sau khi bị chặt đầu sẽ như thế nào?”

Cuốn sách mang tên “100 bài tập rèn luyện trí thông minh, suy đoán” của tác giả Minh Khanh (bìa trước ghi NXB Thời Đại), phát hành tại nhà sách Thành Nghĩa TP.HCM đã gây không ít xôn xao trong dư luận với 1/3 nội dung cuốn sách là dạy trẻ tư duy bằng những vụ án giết người không khác gì việc hướng dẫn trẻ gây án. Nội dung cuốn sách có nhiều trang nêu ra những vụ án giết người rồi yêu cầu trẻ suy đoán xem hung thủ là ai, đã giết người như thế nào, dùng hung khí gì để giết người hay làm thế nào để giết người và phi tang thi thể nạn nhân.

Cụ thể trong bài “Không để lại dấu chân” có miêu tả cái chết của một cô gái bị lưỡi lê đâm vào ngực: “Một buổi sáng thám tử X đi dạo trong công viên phát hiện ra một cô gái trẻ bị giết nằm trên một khoảng đất trống. Nạn nhân bị một lưỡi lê đâm vào ngực. Sau khi bị đâm, nạn nhân lảo đảo bước thêm hai đến ba bước nữa thì tắt thở”. Bên cạnh đó trong bài “Người lái chính mất tích” có đoạn miêu tả cách phi tang xác nạn nhân rất rùng rợn và trang 44 của cuốn sách miêu tả cảnh một người bị mổ bụng.

Trong sách "Phép cộng trừ phạm vi 100", bài toán nằm tại trang 11 của sách là một bài toán rợn người với minh họa nghịch dao cụt tay dành cho học sinh lớp 1: Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao cụt hết 2 ngón. Hỏi em còn mấy ngón tay?” Trần Hạnh.

Nếu nói rằng nhiệm vụ của giáo dục là phải biết đề ra những môi trường giáo dục tốt để giúp trẻ hướng thiện, giáo dục cho trẻ những điều hay lẽ phải thì rõ là những ấn phẩm văn hóa này đã không thực hiện được nhiệm vụ của mình. Sẽ giáo dục gì cho con trẻ thông qua những nội dung trong các cuốn sách nêu trên? Nếu muốn dạy bọn trẻ kiến thức về kỹ năng sống, về sự nhanh nhẹn trong ứng xử giao tiếp, có cần thiết phải đưa ra những tình huống đầy chết chóc, đượm mùi sát khí như “chặt đầu”, “xử bắn” hay không? Muốn dạy trẻ có óc phân tích, suy luận sắc bén chẳng lẽ không còn hình ảnh nào sinh động và hiệu quả hơn việc cho trẻ quan sát các hiện trượng gây án hay sao? Và có lẽ các nhà làm công tác giáo dục này muốn đưa trình độ Toán học học sinh của nước Việt lên ngang tầm quốc tế với những bài Toán mang nội dung rùng rợn, xem việc hủy hoại thân thể đơn giản như “đang giỡn” vậy sao?

Với hình ảnh minh họa là một em bé đang mếu máo khóc vì chú chó cưng của mình đã thành món Chó Quay nằm xỏng xoài trên một tấm thớt, bên cạnh là một cái dao phay to tướng có lẽ được dùng để phân thân thể chú Chó ra thành từng miếng phục vụ cho cái nhu cầu gọi là “giúp trẻ tự tin hơn trong ẩm thực", phát biểu trong sách giáo khoa “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” xuất bản đợt một do nhóm Tâm Việt Group biên soạn và Nhà Xuất bản Giáo dục phát hành, Tiến sĩ Phan Quốc Việt cho biết “dự định sắp đến sẽ phát hành phiên bản sách rèn luyện kỹ năng mới trong ấy dạy cách làm thịt chó và ăn thịt chó cho trẻ để dẹp bỏ quan điểm lạc hậu “Trẻ con không được ăn thịt chó”, giúp trẻ tự tin hơn trong ẩm thực, và đặc biệt nhằm giúp các em loại bỏ thái độ uỷ mị tiểu tư sản, làm tổn hại đến kỹ năng sinh tồn của mình”. Trẻ sẽ được giáo dục lòng thương yêu và bảo vệ động vật qua những bài học như thế này sao?

Có lẽ trong lịch sử giáo dục của nước ta từ thời Văn Lang đến nay chưa từng có thời kỳ nào mà phụ huynh cảm thấy lo âu, bất lực với chương trình giáo dục như hiện nay. Ấn tượng của trong đầu óc của các em sau những bài học ấy là gì? Những người làm chương trình có tính giáo dục cho con trẻ mà lại giúp các em làm quen với cảnh giết chóc, chai lỳ cảm xúc với cảnh đâm chém, sát hại đầy thú tính. Và dĩ nhiên hệ quả là tính độc ác của con trẻ cũng sẽ hình thành từ những chương trình giáo dục mang tính phản giáo dục như thế.

Trong bài “Câu hỏi độc ác từ những đứa trẻ”, tác giả Vương Thảo có viết:

Tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi câu chuyện mà nhà văn Mỹ Toni Morison đã kể trong bài diễn văn nhận giải Nobel văn học của bà năm 1993. Trong diễn văn quan trọng này, bà kể về một nhà tiên tri mù. Một hôm, có những đứa trẻ cầm một con chim đến trước bà. Chúng nhìn bà với một đôi mắt vô cảm và đầy thách thức rồi cất tiếng: "Này bà tiên tri, bà là một mụ già mù nhưng lại nhìn được tương lai. Vậy bà hãy nói cho chúng ta biết: con chim chúng ta đang cầm trong tay sống hay chết".

Bà tiên tri mù đã không trả lời câu hỏi của bọn trẻ. Bà ngước đôi mắt mù nhìn về phía xa. Bà nhìn thấy tương lai của những đứa trẻ và nhìn thấy một phần tương lai của thế giới thông qua những đứa trẻ đó, một tương lai của nỗi sợ hãi và sự đe dọa. Lòng bà đau đớn vô cùng. Bà biết rõ rằng: nếu bà nói con chim trong tay những đứa trẻ còn sống thì ngay lập tức chúng sẽ bóp chết con chim có trái tim bé bỏng đang đập những nhịp đập sợ hãi trong tay chúng. Số phận con chim kia phụ thuộc vào tình yêu thương của đứa trẻ. Cũng như số phận thế gian này phụ thuộc vào chính lòng yêu thương của con người. Câu hỏi của những đứa trẻ đã sinh ra từ sự vô cảm và đầy thú tính.

Và quả thật ngày nay cái Ác đang tràn lan khắp nơi. Điều làm nhức nhối lương tâm con người đó là số lượng tội phạm tham gia tội ác ngày càng được trẻ hóa. Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thì tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất. Điều đáng quan tâm nữa là địa bàn để các vụ vi phạm pháp luật và phạm tội do người chưa thành niên thực hiện không chỉ xảy ra ở các vùng nông thôn hẻo lánh, nơi trẻ ít được hiểu biết về văn hóa, pháp luật mà lại còn được thực hiện rất nhiều ở các thành phố lớn, thị xã, nơi người ta có thể tiếp cận được nhiều với ánh sáng văn minh, hiểu biết nhiều về luật pháp.

Những câu chuyện về baọ lực học đường, đâm chém nhau trong sân trường, xúm nhau đánh hội đồng hành hạ bạn học đã khiến người ta không còn muốn quan tâm đến những sự việc đó nữa vì nó diễn ra quá thường xuyên. Con đánh đập, hành hạ cha mẹ, cháu giết ông bà cũng không còn là chuyện kinh thiên động địa. Giết bạn bè, giết người yêu bằng những thủ đoạn cực kỳ dã man tựa như phim ảnh cũng trở thành chuyện thường ngày, nhan nhản trên khắp các mặt báo. Việc rủ nhau tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng gây tai nạn thương tâm cho người dân vô tội được các băng nhóm trẻ xem như một nhu cầu rất bình thường trong sinh hoạt đời sống của họ, không chút hối hận, không hề áy náy vv.. và vv. Chúng ta ai cũng thấy rằng giới trẻ bây giờ bắt tay với cái ác, cái xấu dễ dàng hơn thế nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi vì sao lại giới trẻ hiện nay lại có sự xuống cấp trầm trọng trong đạo đức và lối sống hay không?

Bàn về việc giáo dục con người, thơ Đường Luật có bài thất ngôn tứ tuyệt “Dạ bán” như sau:

Thụy thì đô tượng thuần lương hán,
Tỉnh hậu tài phân thiện, ác nhân;
Thiện, ác nguyên lai vô định tính,
Đa do giáo dục đích nguyên nhân.

Bài thơ trên được dịch nghĩa như sau:

Lúc ngủ, mọi người đều có vẻ thuần hậu,
Tỉnh dậy, mới phân biệt rõ người thiện kẻ ác;
Thiện, ác vốn chẳng phải là bản tính cố hữu,
Phần lớn đều do giáo dục mà nên.

Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt hàm súc trên đã nhắc nhở cho những người làm công tác giáo dục cần phải biết coi trọng việc tổ chức, hướng dẫn hoạt động của trẻ em.Vì rằng vai trò của giáo dục là rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của một con người. Việc hành xử của con trẻ có nguyên nhân từ chính cách giáo dục của chúng ta chứ không hoàn toàn vì bản thân của chúng, vì thế xin hãy giáo dục trẻ em biết hướng tới cái thiện và phải biết yêu quý, bảo vệ các loài động vật, chứ đừng giáo dục con trẻ sự nhẫn tâm, sự tàn bạo. Và những kẻ làm làm công tác giáo dục nhưng vô trách nhiệm và thiếu ý thức trong việc góp phần phát triển toàn diện cho thế hệ mai sau thì đáng nhận lời chúc dữ của Chúa Giêsu rằng: “ Thà cột nó vào cối đá mà quăng xuống biển còn hơn.” (Mt 18, 6)

Previous Post
Next Post