Nỗi buồn “người Việt ít đọc sách”

Người Na Uy thích đọc crime

Thường xuyên dạo qua các cửa hàng sách ở Oslo hoặc ghé Thư viện lớn Deichmanske ở khu trung tâm thành phố để mượn sách, đĩa DVD phim, âm nhạc, tôi nhận thấy sách thuộc thể loại crime fiction-tiểu thuyết trinh thám, điều tra vụ án các loại, chiếm khá nhiều trên các kệ. Từ những tác giả thuộc hàng best seller của thế giới: James Patterson, Harlen Coben, Lee Child, John Grisham, Mo Hayder, John LeCarre…cho tới các tác giả Bắc Âu: Jo Nesbø, Liza Marklund, Camilla Läckberg, Hakan Nesser…Đi trên xe bus, metro, xe điện…nếu thấy một người Na Uy nào đó đang đọc sách thì chín trong mười trường hợp là một cuốn thể loại crime.

Không chỉ được dịch, đọc nhiều mà về mặt sáng tác, các quốc gia Scandinavia Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy cũng khá mạnh về hai thể loại crime và sách cho thiếu nhi. VN cũng đã có dịch một số tác giả của họ như nhà văn Thụy Điển Henning Mankell với loạt truyện về thanh tra Kurt Wallander (“Chậm một bước”, “Tường lửa”, “Bầy chó Riga”), nhà văn Thụy Điển Stig Larsson với bộ ba tiểu thuyết Millenium (Thiên niên kỷ) “Cô gái có hình xăm rồng,” “Cô gái đùa với lửa”, “Cô gái chọc tổ ong bầu” (trong đó “Cô gái có hình xăm rồng” đã được quay thành phim nhưng bản của Mỹ với 2 diễn viên chính Daniel Craig, Rooney Mara có vẻ nhiều người biết hơn bản phim ra đời trước của Thụy Điển), hay loạt sách thiếu nhi của nhà văn nữ Thụy Điển Astrid Lindgren với “Pippi tất dài” “Mio con trai ta”, “Karlsson trên mái nhà”…

Nếu ai đó chỉ đọc những cuốn crime mà chưa từng ghé thăm hoặc sinh sống ở các quốc gia Bắc Âu thì cứ ngỡ như mấy xứ này toàn tội phạm giết người máu lạnh các kiểu hay những vụ án động trời. Trong khi ngược lại đời sống ở các quốc gia Bắc Âu phải nói là quá bình yên. Những năm gần đây khi những vụ tấn công khủng bố từ các nhóm Hồi giáo cực đoan trên thế giới xảy ra ngày càng nhiều trong lúc tình trạng người nhập cư từ các quốc gia Hồi giáo Trung Đông, Bắc Phi gia tăng khá nhanh tại các nước Bắc Âu, chính phủ và người dân cũng có phần lo ngại; và thực tế cũng đã có vài vụ xảy ra (mới đây nhất là 2 vụ xả súng có tính chất khủng bố ở Copenhagen, Đan Mạch ngày 15.2 làm ít nhất 7 người thương vong). Nhưng nhìn chung xã hội của các quốc gia Bắc Âu vẫn khá là êm đềm.

Chợt nghĩ, phải chăng chính vì đời sống quá bình yên nên người ta lại thích đọc crime để tìm cảm giác mạnh, kích thích đầu óc? Chứ còn ở VN thể loại crime đâu có phát triển quá mạnh như vậy. Là bởi vì hàng ngày chỉ cần giở tờ báo ra, bật TV lên, hoặc đi ra đường…cũng có thể đọc, xem, hoặc chứng kiến bao nhiêu vụ cướp, giết, hiếp, với mức độ tàn nhẫn, dã man, kể cả các cách thức tẩy xóa dấu vết, phi tang xác chết…nào có thua kém gì trong sách, trong phim? Ngày nào cũng nghe, cũng thấy, ngán đến tận cổ, cần gì phải tìm đọc ở đâu nữa?

Người Việt ít đọc sách nói chung

Ở VN bây giờ, riêng giới trẻ, học sinh cấp 2 cấp ba, sinh viên, thì đã rõ loại sách được phần đông các em đọc nhiều mấy năm gần đây là tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc hay văn học mạng với những cuốn tiểu thuyết tình cảm dễ đọc, đầu tiên xuất hiện trên mạng sau đó được in thành sách. Khác hơn, các bạn trẻ có thể lựa chọn những cuốn sách được biết đến nhiều hoặc đã được chuyển thể thành phim như “Trò chơi sinh tử” (“The hunger’s game”), “Harry Potter”, “Chúa tể những chiếc nhẫn" ("The Lord of the Rings").. hay loạt sách “Hạt giống tâm hồn”.

Còn các lứa tuổi khác, các thành phần khác trong xã hội thì thú thật không rõ mọi người đọc sách gì nhiều. Hình như chưa có ai làm một cuộc khảo sát về vấn đề này và nếu có, người viết bài này cũng không được biết. Nhưng có một thực tế đáng buồn là người VN ít đọc sách, kết luận này được rút ra từ… năm 2013, do Bộ Văn hóa-Thông tin và Du lịch công bố nhân Ngày hội Sách và Văn hóa đọc tháng 4.2013.

“Theo thống kê hàng năm dựa trên báo cáo của các thư viện gửi về Bộ, người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm (tức là chưa được 1 cuốn sách). Tỉ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn” (“Giật mình! người Việt không đọc nổi 1 cuốn sách/năm” VietnamNet).

Và nếu gõ google cụm từ “người Việt ít đọc sách” sẽ cho ra hàng loạt bài viết về vấn đề này và về số liệu này. Chẳng hạn, bài viết trên báo VietnamNet “Cả năm không đọc nổi cuốn sách, tri thức ở đâu?” cho biết: “Không thiếu những cuốn sách quý chở tư tưởng hiện đại và tư duy mới về Việt Nam, được dịch thuật một cách kì công. Nhưng câu chuyện về vỏn vẹn 500 bản in cho mỗi đầu sách quý này, tính trên số lượng 88 triệu dân – tức là chỉ có xấp xỉ 0,00057% dân số tiếp cận - quả là một con số giật mình.”

Và người viết bài này tin rằng cho đến hôm nay, tình trạng trên cũng chưa có gì cải thiện, nên nếu có nói đến vấn đề này cũng không có gì là cũ cả. Ví dụ, một bài báo mới đây trên báo Người Lao Động, tháng 4.2015 có tựa đề: “Ham uống rượu, lười đọc sách”: “Mỗi năm, một người Việt Nam đọc chưa đến 1 cuốn sách nhưng cả nước chi đến 3 tỉ USD tiền mua bia. Ham uống rượu, bia, lười đọc sách là "đặc sản" của nhiều người dân ta.”

Lý do của việc lười đọc sách ở nhiều người VN, báo chí cũng đã ít nhiều đề cập đến. Nhìn chung ở VN chưa xây dựng được một nền văn hóa đọc đúng nghĩa. Thói quen đọc sách của con người thường phải được hình thành từ khi còn nhỏ, từ nhà trường, thông qua các thầy cô giáo trực tiếp dạy dỗ các em, và gia đình, thông qua các bậc phụ huynh.

Nếu ngay từ khi ở nhà trẻ, mẫu giáo cho đến tiểu học, trung học, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh đọc sách cho trẻ nghe hàng ngày, khuyến khích trẻ đọc sách, lớn hơn một chút thì cùng đọc với con, hay ít nhất tìm mua sách hay về cho con đọc…thì sẽ tạo thành thói quen ham đọc sách trong các em và ngược lại.

Thực tế, học sinh VN phải chịu một chương trình học quá nặng nề trong suốt những năm tiểu học rồi trung học. Ở các thành phố lớn, hầu hết các em ngoài việc học ở trường còn phải dành thì giờ đi học thêm, về đến nhà buổi tối phải làm bài tập ở trường và nơi học thêm, ngày thứ bảy, chủ nhật rồi mùa hè cũng phải đi học, còn thì giờ đâu mà đọc sách ngoài sách giáo khoa? Ở nông thôn hay vùng sâu vùng xa, các em ngoài lúc đến trường còn phải phụ gia đình làm ruộng làm vườn, hoặc làm thêm đủ thứ công việc khác để mưu sinh, nên cũng chẳng có thì giờ đọc sách.

Đa số các bậc phụ huynh bây giờ đều quá bận bịu với việc kiếm tiền nên chính họ còn không có thì giờ đọc sách và cũng không cảm thấy nhu cầu đọc sách (chỉ trừ một thiểu số làm những công việc có liên quan đến chữ nghĩa, văn hóa, văn chương…hoặc có niềm đam mê đọc sách) thì làm sao khuyến khích được con? Có thể kể ra rất nhiều ví dụ về việc nhiều gia đình sẵn sàng bỏ tiền mua cho con những thứ vô cùng đắt tiền từ iPhone, trò chơi điện tử… cho tới xe gắn máy, khi đi chơi thì dẫn con vào những khu vui chơi giải trí, khu chơi game…nhưng ít khi dẫn con vào hiệu sách, thư viện hoặc mua cho con quà tặng là những cuốn sách hay. Có những gia đình khác thì lại sợ con đọc sách mất thì giờ, nên “lệnh” cho con là phải ưu tiên việc học và học trước cái đã.

Tôi có một ví dụ cụ thể về chuyện này.

Khi rời nước ra đi, một trong những nuối tiếc lớn nhất của tôi là bỏ lại tủ sách hàng ngàn cuốn, trong đó ngoài sách triết học, sách về điện ảnh và công việc làm phim, phần lớn còn lại là tác phẩm văn học của những tác giả lớn trong và ngoài nước. Lúc ấy một phần không có thì giờ và cũng không muốn, nên tôi không bán mà để lại toàn bộ cho người chị họ là họ hàng gần nhất ở Sài gòn và bảo cái gì không thích thì cứ bán, còn thì để cho các cháu cũng đang lứa tuổi học sinh đọc.

Nhưng người chị họ, vốn chẳng quan tâm mấy đến sách, thấy nhiều sách quá sợ chật nhà bèn kêu ve chai vô cân ký bán đến hai phần ba, còn lại cất vào những thùng carton dự tính cho hai đứa trẻ đọc, nhưng không cho đọc ngay vì còn phải đi học, và hứa là mùa hè sẽ cho phép đọc sách. Cất mãi cất mãi đến khi nhớ giở ra thì mấy thùng sách bị mọt mối ăn ruỗng gần hết.

Nghe xong tôi không còn biết nói sao. Đúng là số phận những cuốn sách rơi vào tay người không biết đọc sách là như vậy đấy. Nhưng cái tâm lý không cho con đọc sách vì sợ mất thì giờ, ưu tiên học trước đã, có lẽ không phải hiếm ở VN bây giờ. Mặc dù tôi đã nói với người chị họ rằng cho con đọc sách, nhất là những quyển sách hay đã được chọn lọc còn có lợi hơn gấp bao nhiêu lần so với một phần không nhỏ kiến thức chết, vô bổ mà nhà trường xã hội chủ nghĩa VN đang nhồi nhét vào đầu các em hàng ngày.

Nhiều người cứ đổ thừa tại xã hội bây giờ thay đổi, nhịp sống nhanh vội, cộng thêm có nhiều phương tiện giải trí hấp dẫn như trò chơi điện tử, truyền hình, phim ảnh, internet…nên người ta lười đọc sách. Nói như thế là chưa đúng. Các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ, Úc, hay Nhật Bản, sách vẫn có một vị trí không thể thay thế và con người vẫn đọc sách bên cạnh những thú vui giải trí khác.

Nếu bạn đi du lịch qua một số quốc gia phương Tây, luôn luôn có thể bắt gặp hình ảnh người dân tại các quốc gia này cắm cúi với một quyển sách trong lúc đang chờ xe bus hoặc đang ngồi trên xe bus, metro, xe điện, trong quán café, ngồi chờ đến lượt vào phòng khám bác sĩ, chờ con học xong…nghĩa là mọi lúc mọi nơi. Những hình ảnh này rất hiếm thấy ở VN, cùng lắm là người Việt ngồi đọc báo.

Mặt khác, nhiều người Việt chúng ta bây giờ có những suy nghĩ rất lạ lùng. Như coi thường sách. Có người, tự nhận mình cũng thuộc loại trí thức, còn ra mặt khinh thường sách, coi kiến thức sách vở không quan trọng bằng kiến thức học được từ trong cuộc sống.

Có những người khác thì lại coi thường sách văn học và thể loại fiction nói chung, chỉ đọc chính trị hoặc sách cần thiết cho chuyên môn nghề nghiệp của mình. Trong số người Việt tham gia facebook và có quan tâm đến tình hình chính trị xã hội, có thể thấy kiến thức, sự hiểu biết, nhận thức về tình hình chính trị xã hội trong ngoài nước của nhiều người rất sâu sắc. Nhưng khi nói về văn hóa nghệ thuật, văn học thì lại bộc lộ những lổ hổng rất lớn. Chính từ sự coi thường nói trên.

Tất cả những suy nghĩ như thế đều là sai lầm. Kiến thức thực tế từ cuộc sống và kiến thức sách vở đều quan trọng, bổ sung cho nhau, không nên lệch lạc bên nào.

Và cho dù bạn làm nghề gì, doanh nhân, kỹ sư bác sĩ hay đang “âm mưu” làm nhà chính trị trong tương lai, đọc văn học, đọc các loại sách bổ sung kiến thức về văn hóa nghệ thuật không hề có hại gì mà chỉ có lợi. Những tác phẩm văn học giá trị của những tác giả lớn trên thế giới thường chứa đựng tính tư tưởng nhân văn cao, kiến thức xã hội mênh mông, cái nhìn sắc sảo, sâu sắc, giúp chúng ta hiểu thêm về con người, nhất là thế giới nội tâm phong phú của con người.

Đọc những loại sách nghiên cứu, khoa học, triết học hay những tác phẩm văn học có giá trị, đều buộc con người phải động não suy nghĩ để hiểu, so với việc tiếp thu nghe-nhìn thụ động như khi xem TV, truyền hình. Một xã hội ít đọc sách là một xã hội dân trí thấp. Tất cả những hành vi kém văn minh, đáng buồn vẫn nhan nhản xảy ra hàng ngày, từ chen lấn xô đẩy khi xếp hảng, hôi của khi một ai đó bị tai nạn, vặt hoa cướp hoa trong hội hoa xuân, trèo rào vào tắm hồ bơi miễn phí sau đó chọc ghẹo, quấy rối tình dục các cô gái đang bơi xung quanh…cho tới những tội ác cướp giết hiếp xảy ra như cơm bữa…Có nguyên nhân do đời sống kinh tế còn khó khăn, do con người không còn lòng tin vào luật pháp, vào chính phủ hay sự công bẳng của xã hội…Và có nguyên nhân do dân trí còn thấp.

Nếu con người phải sống trong một xã hội độc tài, bưng bít thông tin với một nền giáo dục lạc hậu, phản động, còn báo chí truyền thông phần lớn nếu không nặng tính tuyên truyền thì lại có xu hướng “lá cải”, thiếu tính nhân bản, khuyến khích con người chạy theo những giá trị vật chất như tiền bạc, xe hơi, nhà lầu, quần áo đồ dùng hàng hiệu qua việc trưng ra hàng ngày những mẫu người được khao khát như đại gia, các cô hoa hậu á hậu chỉ cần có sắc đẹp, không cần phải lao động vất vả hay học nhiều cũng kiếm được khối tiền, sống trên nhung lụa v.v... Trong một xã hội như vậy, con người càng rất nên đọc sách-và nếu có được ít nhất một ngoại ngữ thì quá tốt, để đọc được nhiều sách hay hơn gấp nhiều lần- để tự thoát khỏi cái đáy giếng, cái vũng lầy VN.

Con đường đi đến tự do dân chủ cho VN cũng đồng thời phải đi cùng với việc nâng cao dân trí mà kiến thức sách vở là một phần không thể thiếu.

Previous Post
Next Post