Di chứng của cái Nghèo!

Có lần, tôi cùng một người bạn ăn tối trong một nhà hàng. Sau khi tôi thanh toán và nhận tiền thối, bạn nói: "Người phục vụ này nhìn tội quá! Thôi boa cho người ta đi!". Tôi điềm nhiên: "Ngày xưa tao đi học về, chỉ mong nhà có cơm nguội với nước mắm mà ăn. Tao quý từng đồng mình kiếm được. Chưa bao giờ tao boa cho ai cả". Bạn tôi cười buồn: "Bởi thế! Nghèo chẳng có gì là đáng sợ. Sợ chăng là di chứng của cái nghèo!"

Không hiểu sao kể từ đó, câu nói của người bạn luôn ám ảnh tôi, khiến tôi luôn tự vấn về cuộc sống của mình. Trong bài viết này, nếu nói rằng đó chính là những mối căn nguyên cho các luận điểm tôi sắp nêu thì sẽ rất khập khiễng. Nhưng, với một tâm thế nào đó, sự sợ hãi trước "di chứng của cái nghèo" chính là một sợi dây mơ hồ dẫn dắt tôi viết ra những điều này.

Theo tôi, có 4 trạng thái tâm lý vô cùng phổ biến trong đa số dân ta khiến chính chúng ta tự  biến mình trở nên nhỏ bé, hèn mọn:

1. Sự tự ti

Nếu hỏi một người nào đó bất kỳ vài câu hỏi, đại loại: "Anh có tin rằng 50 năm nữa, kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Nhật Bản, Mỹ,... hay không?". Liệu trong chính chúng ta, có ai dám trả lời một cách đàng hoàng: "Có. Tôi tin. Vì..." hay không?

Trở lại với phép so sánh thông thường. Nhật Bản có lúc rơi vào bi kịch, nhưng ít ra cũng có lúc sức mạnh quân sự của họ gây sóng gió ở mức độ toàn cầu. Trung Quốc có lúc rơi vào bi kịch, nhưng ít ra đất nước này là một trong 4 cái nôi của văn minh nhân loại, từng là nền kinh tế lớn nhất thế giới cho đến cuối thế kỷ 18. Hay như xứ sở Mông Cổ nhỏ bé kia, cũng đã từng có một Thành Cát Tư Hãn gây sóng gió từ Âu sang Á... Nói nôm na, có lúc nào đó, họ đứng dưới thấp, nhưng trong lịch sử của mình, họ cũng đã từng "nhất" về mặt nào đó. Còn chúng ta?

Phải nhìn nhận rõ, chúng ta chưa bao giờ "nhất" về một cái gì cả! Sự oai hùng trong lịch sử chống ngoại xâm là sự oai hùng mang tính phản kháng. Chúng ta phản kháng trước kẻ mạnh. Khiến kẻ mạnh bất lực trước sự phản kháng của chúng ta. Chứ chúng ta chưa bao giờ là "kẻ mạnh" cả.

Và nếu như tôi đi học, thường tôi xếp thứ 5, 6 hay 15, 16 trong lớp. Tôi đặt ra mục tiêu tôi phải nhất lớp, số 1, điều đó còn khả dĩ. Chứ nếu tôi luôn luôn đứng ở hàng cuối hay gần cuối lớp thì cái mục tiêu nhất lớp của tôi xem ra đến lúc nào đó chắc chắn sẽ tự triệt tiêu trong chính tâm tưởng của tôi.

2. Tính thủ phận

Với tâm thế của kẻ luôn đứng bét đó, chỉ cần mỗi ngày vẫn được đi làm, vẫn có cái ăn cái mặc, đêm về ngủ kỹ, sẽ là tốt quá rồi! Những câu nói như: "Đấu tranh rồi tránh đâu?", "Dây vào nhọc xác", "Không phải việc của mình",... đến nay vẫn còn là những "quy tắc xử thế" thông dụng.

Khi nghèo, người ta chỉ cần đủ ăn, đủ mặc, có chút ít phòng thân, thế đã là hạnh phúc. Làm sao bắt một người hôm nay không biết ngày mai có tiền để đóng tiền nhà, tiền điện hay không đêm về phải suy nghĩ về chấn hưng dân tộc, về tự lực tự cường? Họ chỉ nghĩ đến mỗi chuyện làm ăn lương thiện để có tiền đã là điều đáng mừng rồi.

Thế là chúng ta cứ loay hoay trong mớ bòng bong sinh tồn. Mơ gì đến "sánh vai cùng cường quốc năm châu"? Đọc những chỉ số cho rằng cả trăm năm nữa, Việt Nam mới đuổi kịp nước này nước nọ trong khu vực, có bao nhiêu người trong chúng ta thấy mắt mình nghèn nghẹn, nỗi tủi nhục dâng lên, thấy chính mỗi con người Việt Nam chúng ta phải làm gì đó? Hay chiều hôm ấy, các quán nhậu bia vẫn chảy tràn, các đấng tu mi nam tử vẫn "dzô dzô" khí thế? Sự thủ phận đến mức vô cảm. Nói thẳng đến tầm quốc gia, mỗi năm phải đau đáu trả cho được món nợ mấy tỉ USD thì có muốn làm một cái gì cũng... khó. Và thật đáng sợ, khi "giấc mơ con đè nát cuộc đời con"!

3. Hám lợi

Khi tôi đói, có người đưa tôi mẩu bánh mì và quyển sách. Bảo tôi hãy chọn. Hoặc ăn mẩu bánh mì cho qua cơn đói nhất thời, hoặc đọc quyển sách, trong đó nói về bí quyết làm giàu nhanh chóng. Tôi sẽ chọn cái gì? Không loại trừ việc chọn quyển sách nhưng 90% khả năng tôi ăn bánh mì trước đã.

Khi nghèo, ta thường quan tâm đến cái lợi nhỏ trước mắt. Vì nó như cái phao nhìn thấy rõ, thấy ngay. Những cái lợi thuộc loại giải pháp lâu dài cần có thời gian. Mà chúng ta thì lại đang thèm, đang khát ngay tức thì! Chỉ cần nhìn vào một hiện tượng thôi. Học sinh bây giờ đổ xô thi vào những ngành "nghe có vẻ" sẽ kiếm được nhiều tiền: kinh tế, ngoại thương, ngân hàng, luật,... Anh chị nào học dốt thì vào sư phạm, đến nỗi có thời đã có câu "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm". Tôi không dám vơ đũa cả nắm, nhưng tôi tin rằng hậu quả nhãn tiền là nền giáo dục bê bối chưa tìm được lối ra của chúng ta hiện nay có sự góp phần không nhỏ của một thế hệ "chuột chạy cùng sào" đó. Cần bao nhiêu năm nữa để có một thế hệ người thầy mới đủ trưởng thành và thay thế? Sự hưng vinh của đất nước nào cũng phải bắt nguồn từ giáo dục. Thật sự là một câu hỏi khó, bắt nguồn từ sự hám cái lợi nhỏ của từng người dân chúng ta.

4. Không có chính kiến

Khi ta là kẻ mặc cảm tự ti, an phận, chăm chắm vào cái lợi cỏn con trước mắt thì liệu nói đến việc dám có chính kiến, hay nói rộng hơn là dám khác biệt, dám khẳng định cái tôi, dám sáng tạo có phải là điều quá xa xỉ?

Trong triết học hiện sinh, Nietzsche chia luân lý cổ truyền làm hai loại: luân lý chủ nhân ông và luân lý nô lệ. Luân lý chủ nhân ông là luân lý của kẻ thống trị. Quý tộc thống trị phải có sự ngang tàng, kiêu hãnh, tự tin, tự đại, phải là kẻ hào hùng. Luân lý nô lệ thì ngược lại, người bị thống trị tìm niềm an ủi trong đức từ bi, tính nhẫn nại, sự khiêm nhường...

Tôi không đánh giá gì về tư tưởng hiện sinh, cũng không cho quan điểm của Nietzsche là chân lý. Nhưng khi nhìn lại một chút về vấn đề này thì chúng ta hãy tự hỏi chúng ta đã được giáo dục và lớn lên bằng nền luân lý gì? Thẳm sâu trong tiềm thức, phải chăng chúng ta luôn muốn khiêm cung, nhường nhịn, dĩ hòa vi quý? Ta chưa từng biết nghĩ như “chủ nhân ông”, mà chỉ mãi chui rúc trong mặc cảm của kẻ nô lệ!

Bốn di chứng mà tôi đã phân tích ở trên, từ "cái nghèo" mà ra.

Chỉ khi nào mỗi con người Việt Nam chúng ta biết thoát mình ra khỏi những di chứng đó thì chúng ta mới không còn chịu mối nhục yếu hèn, nhược tiểu. 

Previous Post
Next Post