Khi ta sợ tuổi già

Do những hoàn cảnh nhất định, một số người có biểu hiện sợ tuổi già một cách bất thường và dai dẳng, mà y văn gọi là chứng sợ tuổi già (gerascophobia). Những người này sợ một cách thái quá dù đang trong tình trạng khỏe mạnh và no đủ về vật chất. Họ lo lắng nhan sắc phai tàn đi kèm với bệnh tật triền miên.

Họ sợ mình sẽ không còn được tự do đi lại, phải sống cuộc sống thụ động và phụ thuộc chẳng khác nào bị “giam lỏng” trong nhà sau khi về hưu. Những quan điểm tiến bộ của xã hội về sắc đẹp và tuổi già cũng không có tác dụng làm vơi đi nỗi sợ của họ.

Thuật ngữ “gerascophobia” có xuất xứ từ tiếng Hy Lạp, gồm “geras” nghĩa là tuổi già và “phobos” là nỗi sợ. Gerascophobia là một chứng sợ lâm sàng thường được xếp vào nhóm các chứng sợ cụ thể, tức nỗi sợ được kích hoạt bởi một nhân tố, vật thể hoặc hoàn cảnh cụ thể nhất định.

Các triệu chứng bao gồm việc đánh mất vẻ đẹp ngoại hình, lo sợ tương lai, sợ phải phụ thuộc vào người khác trong sinh hoạt hằng ngày và sợ mất đi vị trí xã hội khi về già.

Những biểu hiện cụ thể:

- Sống tách biệt với hiện thực.
- Thường xuyên lo âu, sợ hãi mà không rõ nguyên nhân.
- Khó thở.
- Đổ mồ hôi nhiều.
- Buồn nôn.
- Miệng khô.
- Cơ thể run rẩy.
- Tim đập nhanh.
- Không thể giao tiếp hoặc suy nghĩ một cách bình tĩnh, lưu loát.
- Sợ chết.

Những người mắc phải chứng sợ này luôn thường trực nỗi lo nhan sắc và sức khỏe giảm sút khi tuổi cao, từ đó dẫn đến e sợ tương lai. Nhờ khả năng tự lập mà con người có được sự tự tin, vì vậy càng lớn tuổi, họ càng cảm thấy mất dần sự tự tin đó khi phải thường xuyên nhờ sự hỗ trợ của người khác để thực hiện những sinh hoạt hằng ngày. Khi nỗi sợ này lớn dần, người bệnh có xu hướng tách biệt với cuộc sống hằng ngày và tự cô lập mình. Đây thực sự là một chứng sợ đáng quan tâm trong thời đại ngày nay, khi mà giá trị của sắc đẹp và sự trẻ trung luôn được truyền thông đề cao. Xã hội ca ngợi tuổi trẻ đến mức khiến cho người ta dễ đánh đồng tuổi già với sự vô dụng. Vì vậy, ở một góc độ nhất định, có thể thấy việc con người ngày nay trở nên nhạy cảm với tuổi già là một điều dễ hiểu, khi chính xã hội cũng góp phần tạo ra áp lực đó.

Chứng sợ tuổi già ở phụ nữ

Nhan sắc luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của phụ nữ, nhất là trong thời đại ngày nay, với sự ra đời của những công nghệ làm đẹp như mỹ phẩm và phẫu thuật thẩm mỹ. Đồng thời, nỗi lo về tuổi tác và sự tàn phá của thời gian cũng tăng theo. Hầu hết phụ nữ thường bị ám ảnh bởi quan niệm già nua là xấu xí, mà một phần trong đó có sự tác động không nhỏ của xã hội.

Bên cạnh những đặc điểm chung đã đề cập ở phần trên, chứng sợ tuổi già ở phụ nữ còn có những nguyên nhân do đặc thù giới tính. Ngoài việc mất dần sức hấp dẫn bên ngoài do tuổi tác, phụ nữ càng lớn tuổi thì khả năng sinh con càng giảm sút và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đối với phụ nữ còn độc thân, tuổi cao là một trở ngại lớn trong việc tìm kiếm bạn đời, chưa kể đến ảnh hưởng từ định kiến xã hội. Thực tế cũng chứng minh, ngay ở kinh đô điện ảnh Hollywood, trong khi tài tử George Clooney vẫn liên tục được xướng tên trong danh sách những người đàn ông hấp dẫn nhất hành tinh hằng năm dù nam diễn viên này đã 50 tuổi; thì nữ diễn viên Glenn Close (một biểu tượng tình dục trên màn bạc được các đấng mày râu ngưỡng mộ vào thập niên 80 – 90) nay đã không còn được xem là hấp dẫn ở  độ tuổi ngoài lục tuần.

Ngoài ra, các thống kê cho thấy phụ nữ càng lớn tuổi càng đối mặt với nhiều nguy cơ về bệnh tật, đặc biệt là ung thư, như ung thư vú, ung thư buồng trứng hay ung thư ruột kết. Về mặt xã hội, việc phải sống phụ thuộc cũng sẽ khiến cho phụ nữ khi về già có nhiều nguy cơ đối mặt với những khó khăn hoặc tranh chấp về mặt tài chính, gia đình hay nhà ở.

Điều trị chứng sợ tuổi già

Cũng như đối với những chứng rối loạn lo lắng khác, người mắc chứng sợ tuổi già cần phải đến bác sĩ và làm theo các chỉ dẫn để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với mình. Bằng các phương pháp trị liệu và tham vấn, bệnh nhân được tạo điều kiện bày tỏ căn nguyên của nỗi sợ và những gì dẫn đến nỗi sợ đó. Các phương pháp điều trị thường gặp đối với chứng sợ tuổi già là dùng thuốc chống trầm cảm, áp dụng liệu pháp hành vi, tái hiện ký ức, các kỹ thuật thư giãn và các liệu pháp hồi phục tinh thần. Bệnh nhân thường sợ rằng họ sẽ mất dần vai trò chủ động và vị trí xã hội khi về già, còn các chuyên gia điều trị sẽ giúp họ nhận ra rằng về hưu không phải là dấu chấm hết, rằng có một cuộc sống thú vị khác sau khi nghỉ hưu.

Những phụ nữ sợ tuổi già cần học cách chấp nhận tuổi già như một quy luật tất yếu và không thể tránh khỏi của cuộc sống. Thay vì để cho tâm trí bị ám ảnh bởi những nếp chân chim, hãy nghĩ về những việc có ích, những điều hay lẽ phải mình đã làm được trong cuộc sống và hãy tự hào vì điều đó. Thay vì để cho cảm giác nuối tiếc lấn át, chị em cần hình thành quan niệm rằng con người được sinh ra để làm những việc có ích phù hợp với mỗi giai đoạn của cuộc đời và tuổi già không đồng nghĩa với sự vô dụng. Hãy sống một cuộc sống năng động, làm những công việc ưa thích như đọc sách, xem phim, hoặc đi chơi, tham gia các hoạt động xã hội với bạn bè thuộc đủ mọi lứa tuổi.

Luôn gìn giữ một lối sống lành mạnh và chủ động, thì dù tuổi đã cao, chúng ta vẫn có thể sống ích cho gia đình và xã hội, bằng cách này hay cách khác.

Theo PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
Xem thêm: Vì sao con người sợ tuổi già? 
Previous Post
Next Post