Đời người

Tôi chết “vì” “do” “bởi” “ tại” tôi!
Thiên nhiên dĩ định thuận… theo… thời…!
Chư quân khỏi xót! Đừng thương tiếc!
Mang kiếp phù sinh phải vậy thôi!

Từ khi lọt lòng mẹ cho đến ngày chết, từ biệt dương trần, người ta gọi đó là “đời người”. Đã là con người thì đời người ai cũng như ai, hể có sinh ra thì phải có chết mất. Thế nên sinh tử của đời người là chân lý tất yếu tất nhiên.

Truy cứu nguyên nhân và trách nhiệm của sự chết qua những từ: VÌ, DO, BỞI, TẠI… Tác giả bài thơ Đời Người, nhằm nhắc nhở với một thiện ý, nhưng có tính mỉa mai và cảnh cáo cho những người thiện hữu tri thức của mình trên bước đường tu học chánh pháp.

Là con người trong trần thế ai cũng sợ chết, muốn sống mãi, sống thọ… ý muốn đó không có gì đáng trách, nói rõ ra là không được trách. Sợ chết là tâm tưởng, là một ý niệm rất bình thường của nhân loại nói chung, nhưng riêng người đệ tử Phật học đạo, hành đạo, tu theo con đường Phật đạo, thì tâm tưởng và ý niệm đó trở thành một đối tượng thiền cần tham cứu…!

Chết là sự kết thúc của đời người. Chết trẻ, chết già, chết sớm, chết muộn, chết do bệnh trầm kha, chết vì đột quỵ… tất cả chỉ là cái điểm báo tin kết thúc một đời người.

Người đệ tử Phật học đạo, hành đạo và đắc đạo thì đối với sự chết, cái chết người ta không thèm truy cứu trách nhiệm: Vì, do, bởi, tại…, không cần có ý niệm đổ thừa, đổ lỗi cho một duyên cớ nào! Người đạt đạo quan niệm: Đã là pháp “Vô ngã” thì vô thường, đã là pháp “Vô thường” thì “dị”, “diệt” là sự thể tất nhiên, còn truy cứu, còn đổ thừa, còn quy trách nhiệm, còn nại lý do, tất cả những ý tưởng ấy nói lên cái tánh thường tình với những người thường tình còn nhiều yểm lụy bi thương… trong cuộc sống!

Biết chết là chấm dứt đời người, là ngày viễn ly căn cảnh, viễn ly trần, là ngày “một đi không trở lại”, vậy mà không cần ai thương xót, không cần ai luyến tiếc, không cần đến sự lễ bái, cúng kính, thờ phượng, không cần tháp đẹp mồ xinh. Vận dụng Phật nhãn mà nhìn, người đệ tử Phật đó hẳn là người có lực Tuệ giác phi thường đáng mừng mà không phải người bình thường ai cũng có được. Người đó là người đã trải qua quá trình tu học lặn lội trong chánh pháp của Như Lai, là người thấm nhuần và tỏ ngộ:

“Chân tánh hữu vi không
Duyên sinh cố như huyễn
Vô vi vô khởi diệt
Bất thật như không hoa…”. 

Như Huyễn Thiền Sư
Previous Post
Next Post