Đấu tranh dục vọng

Lịch sử hàng ngàn năm qua, đã có biết bao phong trào cách mạng diễn ra, nhưng không một lần nào có thể đem lại lợi toàn cầu như theo mục tiêu xác định. Dù rằng, có nhiều ý kiến tuyệt vời xuất hiện.

Rõ ràng chúng ta cần có một cuộc cách mạng, nhưng không phải là cách mạng chính trị, cách mạng kinh tế hay cách mạng kỹ thuật mà là cách mạng tâm hồn.                             
(Phỏng theo Datlailatma)

Mỗi người ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhưng để có được hạnh phúc, ta cần phải đánh đổi hoặc đấu tranh gây gắt mà kẻ thù chính là bản thân mình.

Thời đại hiện nay, công nghệ ngày càng cao, đây là bước tiến tạo điều kiện nâng cao tri thức con người. Chỉ bằng một cái click chuột, mọi người có thể nắm bắt thông tin trên toàn cầu. Điều này đã cho con người có cái nhìn, nhận thức, nhận xét tương đối đúng đắn và khách quan về lối sống, nhân cách như thế nào của con người trong xã hội. Đã có biết bao những tư tưởng hay, triết lý sống đẹp được truyền tải thông qua sách vở, mạng hay cuộc sống cộng đồng… hàng loạt tội ác hành vi xấu bị xã hội lên án bài trích. Thế nhưng, vẫn đầy dãy tội ác diễn ra, nhân cách sống tha hóa… vẫn tái hiện. Điều này có nghĩa là gì? Do đâu? Đâu phải họ không thể phân biệt tốt xấu! Tất cả cũng chỉ do không biết kiềm chế lòng tham dục. Từ nhận thức mà đi đến hành động tích cực thì cả một quá trình đấu tranh nội tâm gây gắt.

Lòng ham muốn của con người là vô hạn mà khả năng thì hữu hạn. Vì vậy, chúng ta chỉ tự chuốc lấy rắc rối khi muốn được thỏa mãn dục tánh.

Ai ai cũng có thể kiến tạo cho mình cuộc sống tươi đẹp, nâng cao giá trị sống bản thân nếu biết điều khiển và làm chủ bản tâm chính mình.

Đâu chỉ có địa vị, nhà lầu xe hơi mới có thể sống an lạc - một tu sĩ chân trần ngủ dưới gốc cây vẫn an lạc, mọi người vẫn tôn kính đấy thôi!

Đâu chỉ có cao lương mỹ vị… mới đủ sức khỏe dinh dưỡng - những nhà tu hành cơm rau đạm bạc vẫn sống khỏe đấy thôi!

Do quá nuông chiều mà không biết tiết chế nên chúng ta luôn cảm thấy không an, phiền muộn, sầu khổ… Đức Phật khuyên chúng đệ tử phải luôn sống thiểu dục tri túc.

Kinh Di Giáo:

“Tri túc chi nhơn, tuy ngọa địa thượng du vi an lạc.
Bất tri túc giả, tuy xứ thiên đường diệc bất xứng ý”.

Chúng ta không thể đòi hỏi những gì nằm ngoài khả năng của mình. Điều đó chỉ làm ta đau khổ hơn thôi. Hãy luôn bằng lòng với những gì mình đang có và hãy trân trọng nó. Làm được điều này sẽ tạo cho tất cả mọi người có cuộc sống như nhau mặc dù điều kiện vật chất có khác nhau.

Mỗi người cần tạo riêng cho mình một cuộc cách mạng và chiến đấu với nghiệp riêng của bản thân nhằm thay đổi những tư tưởng hành động bấy lâu nay ta buông xuôi và ứng theo bản năng của nghiệp lực.

Hoài Nam Tử có dạy: “Cái gì cũng biết mà cái đạo làm người chưa biết thì chưa được gọi là người khôn”.

Xã hội hiện nay ngày càng tân tiến, khoa học ngày càng phát triển. Vậy, chúng ta có thật sự văn minh chưa? Thật sự là người khôn, người biết sống an lạc chưa?

Tại sao chúng ta không tự xây dựng cho mình một nếp sống quy tắc, kỷ luật, lành mạnh! Chỉ có một tâm hồn tĩnh lặng mới phá trừ được tà loạn, mới làm chủ được bản thân, kiềm chế dục lậu phát sinh “Dĩ thể tịch tịnh ly ư tà loạn”. Chúng ta tạo cho mình một nếp sống có quy tắc không có nghĩa là chúng ta tự ràng buộc mình, mà chính là tạo cho mình hạnh phúc lâu dài. Chỉ có một tinh thần sáng suốt, trí tuệ minh mẫn mới đủ khả năng đương đầu với mọi rắc rối.

Tác giả: Hữu Chương
Previous Post
Next Post