Lúc nào hơi thở tịnh chỉ?

Hỏi: Kính thưa Thầy! Chỉ khi nào con buông xả sạch và không còn dính mắc, tâm con đã thanh tịnh, lúc bấy giờ hơi thở mới tịnh chỉ phải không, thưa Thầy?

Ðáp: Ðúng vậy, chỉ khi nào tâm con buông xả sạch và không còn phóng tâm theo các pháp, lúc bấy giờ hơi thở mới thật sự tịnh chỉ, không còn bị tưởng thức che ngăn.

Hơi thở tịnh chỉ không phải khó, khó là ở chỗ tâm thanh tịnh, cho nên sự tu tập của đạo Phật là chỗ có giới luật, chỗ có giới luật là chỗ rất khó giữ. Vì thế, hiện giờ tu sĩ Phật giáo đều rơi rớt ở giới luật, mọi tu sĩ hầu hết đều phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, v.v… Giới luật giúp tâm chúng ta thanh tịnh tức là giới luật giúp chúng ta ly dục ly ác pháp.

Con người sanh ra ở chỗ dục nên sống trong dục, làm việc gì cũng dục mà ở đâu có dục là ở đó có ác pháp, ở đâu có ác pháp là ở đó có đau khổ. Mục đích của đạo Phật không phải nhắm vào chỗ hơi thở tịnh chỉ mà nhắm vào chỗ tâm bất động, chỗ tâm bất động là chỗ ly dục ly ác pháp, chỗ ly dục ly ác pháp là chỗ giới luật của đức Phật; chỗ giới luật không phải là giới cấm mà là chỗ đức hạnh làm Người, không làm khổ mình, khổ người và chỗ đức hạnh làm Thánh Nhân, sống một đời sống không còn ràng buộc thất kiết sử và không bị ngăn che bởi ngũ triền cái.

Chỗ tâm bất động này, là chỗ để quý vị tịnh chỉ các hành trong thân, nếu tâm quý vị chưa bất động thì dù quý vị có muốn tịnh chỉ tầm tứ còn không được hay huống là quý vị tịnh chỉ hơi thở.

Bởi vì, quý vị chưa tịnh chỉ lòng ham muốn và chướng ngại pháp trong tâm thì làm sao quý vị tịnh chỉ được hơi thở, đó là một sự việc rất rõ ràng, nếu quý vị không lo tịnh chỉ các chướng ngại pháp trong tâm, mà lo tịnh chỉ hơi thở thì đó là một việc làm hoài công vô ích. Tịnh chỉ dục và ác pháp rất dễ, chỉ cần có nhiệt tâm, nhiệt huyết là quý vị tịnh chỉ ngay liền.

Như quý vị đã biết lòng ham muốn và ác pháp là những sự việc sẽ đem đến cho quý vị khổ đau. Khổ đau là quý vị không bao giờưa thích và khi gặp nó quý vị sợ hãi và chán chường. Thế biết như vậy, cớ sao quý vị không nhiệt tâm dứt bỏ nó. Quý vị ăn cơm để sống, chớ đâu phải hút thuốc lá, uống rượu, cà phê, thuốc phiện mà quý vị sống. Tại sao quý vị không tịnh chỉ được nó, để thọ chịu sự khổ vì nó.

Mục đích của đạo Phật, là ở chỗ tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, chứ không phải ở chỗ tịnh chỉ hơi thở hay thần thông phép tắc, biến hóa tàng hình, kêu mây gọi gió, v.v…

Vì những thần thông phép tắc ngoại đạo đều tu tập có được, cũng như tịnh chỉ hơi thở như quý vị đều biết, có những tu sĩ Yoga họ tịnh chỉ được hơi thở, nhưng không tịnh chỉ được lòng ham muốn và ác pháp, mặc dù đem chôn họ trong đất, dìm trong nước họ đều không chết, nhưng tâm họ vẫn còn động trong danh lợi.

Tại sao chúng ta biết được? Tại vì, họ đã biểu diễn những thần thông đó, cho mọi người xem, khiến cho con người trên thế giới mê mệt vì những thần thông, do đó nên chúng ta biết tâm họ lòng tham và ác pháp còn.

Ðạo Phật vốn ra đời là giúp cho con người thoát khổ, chứ không phải ra đời để biểu diễn những trò ảo thuật huyễn hóa để lừa đảo những người khác.

Cho nên, sự tịnh chỉ lòng ham muốn và các ác pháp rất cần thiết để cho con người sống không làm khổ mình, khổ người, mà đã không làm khổ mình, khổ người thì không phải là tâm bất động sao? Thì không phải là sự lợi ích lớn cho cá nhân và xã hội sao? Còn thần thông có lợi ích gì, chỉ là một trò ảo thuật mua vui giải trí cho thiên hạ mà thôi. Người mới bắt đầu tu theo đạo Phật là phải tịnh chỉ thói hư tật xấu, không còn nữa. Chúng ta tiến lên một bước nữa là tịnh chỉ lòng ham muốn và các ác pháp.

Ví dụ: Ngày chúng ta ăn ba bữa, bây giờ chúng ta tu theo Phật giáo chúng ta tịnh chỉ hai bữa còn chỉ ăn có một bữa. Và sự tịnh chỉ như vậy chúng ta có làm được không? Chắc chắn việc làm này ai cũng tịnh chỉ được.

Ví dụ, chúng ta nghiện thuốc lá, chúng ta tịnh chỉ không hút thuốc lá nữa có được không? Chắc chắn, việc làm này ai cũng làm được trừ ra chúng ta không muốn tịnh chỉ hút thuốc lá thì chúng ta phải nghiện mà thôi.

Bởi thế, trong sự tịnh chỉ không phải khó khăn trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Bởi vì, chúng ta biết lòng ham muốn và các ác pháp là đau khổ, nên chúng ta có quyết tâm tịnh chỉ là chúng ta sẽ làm được ngay liền, chứ không phải chờ đợi một vài kiếp như kinh sách phát triển dạy: “Tu hành phải vô lượng kiếp”.

Cũng như người nghiện rượu, biết rượu sẽ đem đến cho chúng ta nhiều sự đau khổ, do đó chỉ cần có sự quyết tâm là chúng ta tịnh chỉ không uống rượu nữa, chỉ có những người không biết rượu đem đến cho họ đau khổ, hoặc có những người biết rượu sẽ đem đến tai hại cho họ, nhưng họ là những người không biết dừng, là những người chai lỳ chấp nhận, chịu đựng sự đau khổ, họ là những người không có ý chí thoát khổ, họ là những tên nô lệ cho dục vọng chịu mọi sự đau khổ, họ là những kẻ nô lệ cho rượu, cho thuốc lá, cho cà-phê, cho thuốc phiện, v.v... Họ là những kẻ ngu si, u tối suốt đời sống trong đêm tối của dục vọng, họ chỉ làm nô lệ cho vật chất, cho những thứ thuốc độc.

Bởi vậy, kẻ nào không tịnh chỉ lòng ham muốn, không ngăn và diệt các ác pháp, đó là những kẻ nô lệ cho ác pháp và lòng ham muốn của họ. Vì lòng ham muốn và các ác pháp thường sai bảo, khiến cho đời sống của họ khổ sở, điêu đứng, có khi gần như chết, nhưng họ là những con trâu bị xỏ mũi bởi dục vọng nên không dám chống lại, chỉ an phận làm tôi tớ nô lệ cho nó. Vì thế, cuộc đời của họ phải chịu mọi sự khổ đau từ kiếp này sang kiếp khác.

Ðạo Phật dạy chúng ta chiến đấu lại lòng ham muốn của mình, và ngăn diệt các ác pháp để chúng ta giải thoát khỏi kiếp đời nô lệ tôi đòi, chứ đâu phải dạy chúng ta những thần thông phép tắc, những trò ảo thuật để lừa đảo người khác.

Vì thần thông là những trò lừa đảo này đã có từ xưa, mà các tôn giáo khác đã từng dạy thiên hạ để lừa đảo mọi người, chứ nó có lợi ích gì đâu, cho kiếp sống của loài người.

Cũng như ngồi Thiền tịnh chỉ hơi thở có ích lợi gì thiết thực cho cuộc sống chúng ta đâu, nó chỉ là một trò khiến cho người khác kính nể chơi chứ có nghĩa lý gì cho đời sống. Cũng như các đạo sĩ Yoga đã biểu diễn thần thông làm cho người Tây phương mê mệt, nhưng sự thật nó có ích gì đâu cho kiếp sống làm người của họ của người khác. Họ phải bỏ ra cả cuộc đời tu tập quá vất vả và khổ sở, cuối cùng chỉ là một trò giải trí cho người khác như một trò xiếc mà thôi (dìm trong nước, chôn trong đất mà không chết)

Vì thế, khi đức Phật còn sống Ngài không có chấp nhận thần thông. Ngài dạy: “Mục đích đạo Phật không phải ở chỗ Giới luật, Thiền định, Tam minh mà ở chỗ bất động tâm trước các pháp và các cảm thọ”.

Cho nên, tịnh chỉ hơi thở là vấn đề phụ, chúng ta đừng nên quan tâm nó, mà hãy quan tâm đến tịnh chỉ lòng ham muốn và các ác pháp tức là ly dục ly ác pháp.

Vậy, con không nên quan tâm điều này mà lo tu tập xả tâm, diệt ngã ly dục ly ác pháp để cứu mình ra khỏi nghiệp nhân quả thiện ác, đó mới chính là con đường tu theo đạo Phật và chính là con đường giải thoát của con.

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Previous Post
Next Post