Người biết đủ là người giàu có

Văn Chủng và Phạm Lãi là hai mưu sĩ đại tài của Việt vương Câu Tiễn. Có thể nói chắc chắn rằng, không có Văn Chủng và Phạm Lãi thì không có sự nghiệp phục quốc vĩ đại của Câu Tiễn.

Khi thất bại ở núi Cối Kê, Câu Tiễn phải cùng vợ con sang làm nô lệ cho Ngô vương Phù Sai, Phạm Lãi đi theo hầu Việt vương, việc trong nước do một tay Văn Chủng lo liệu. Điều đó cho thấy vai trò của Văn Chủng đối với nước Việt quan trọng như thế nào. Văn Chủng đã bí mật gom tất cả bé trai của nước Việt từ 4 – 6 tuổi đưa về một nơi bí mật, nuôi dạy tập trung, đề phòng quân Ngô sát hại. Lớp thiếu sinh quân này chính là nòng cốt của quân đội nước Việt hai mươi năm sau đánh vào kinh đô của nước Ngô và bức tủ Phù Sai. Điều đó cho thấy tầm nhìn chiến lược của Văn Chủng.

Trong khi Câu Tiễn cùng Phạm Lãi nhiều phen gặp nguy khốn suýt bỏ mạng trên đất Ngô thì ở trong nước, Văn Chủng lo lót với quan Thái tể nước Ngô là Bá Hỷ để cứu Câu Tiễn và Phạm Lãi. Sau khi Câu Tiễn và Phạm Lãi được tha về nước, Văn Chủng bày kế làm suy yếu nước Ngô. Chính Văn Chủng đã cống nạp Tây Thi cho Phù Sai để mê hoặc vua nước Ngô. Và với nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, Tây Thi đã mê hoặc được Phù Sai, khiến ông vua này chìm đắm trong hoan lạc và mất cảnh giác. Sau khi do thám biết Phù Sai say mê tửu sắc, bỏ bê việc triều chính và nước Ngô liên tiếp mất mùa, lòng dân oán thán, Câu Tiễn liền kéo đại binh sang đánh nước Ngô.

Phạm Lãi chỉ huy cánh quân bên phải. Văn Chủng chỉ huy cánh quân bên trái. Câu Tiễn thống lĩnh 6.000 quân tử chiến đi ở giữa, ào ạt tiến đánh quân Ngô. Phù Sai thua luôn ba trận. Các tướng tài như bọn Tào Cô và Tư Môn Sào đều chết trận cả. Phù Sai chạy thẳng về đô thành, đóng chặt cổng thành. Câu Tiễn đắp một cái thành bao vây kinh đô của nước Ngô. Bị bao vây lâu ngày, người nước Ngô khốn quẫn quá. Phù Sai bèn sai Vương Tôn Lạc, mình trần, kéo lê đầu gối sang xin với Câu Tiễn rằng:

- Kẻ bề tôi cô độc là Phù Sai ngày trước đắc tội ở Cối Kê, nhưng không dám trái mệnh, được cùng với đại vương giảng hoà, nay đại vương cất quân sang đánh cô thần, kẻ bề tôi cô độc cũng mong đại vương nghĩ đến việc Cối Kê ngày trước mà xá tội cho.

Câu Tiễn nể tình trước đây Phù Sai đã tha chết cho mình định cho giảng hoà, nhưng Phạm Lãi nói:

- Đại vương ngày đêm lo nghĩ, mưu tính trong hai mươi năm nay sắp thành công mà lại bỏ đi là nghĩa làm sao.

Câu Tiễn không cho hoà nữa. Sứ giả nước Ngô đi lại bảy lần mà Văn Chủng và Phạm Lãi nhất định không nghe, lại thúc quân đánh thành. Nước Ngô không còn sức chống cự nữa, Ngô vương Phù Sai phải tự tử và nước Việt thống trị toàn bộ nước Ngô. Câu Tiễn đại thắng, bày tiệc trên văn đài của nước Ngô, cùng các quan uống rượu nghe nhạc. Các quan trong tiệc đều tươi cười cả, chỉ có Câu Tiễn nét mặt không vui. Phạm Lãi thấy vậy nghĩ thầm rằng: “Đại vương không muốn tính đến công của kẻ hạ thần, thế là mối nghi kỵ đã trông thấy rồi”.

Ngày hôm sau, Phạm Lãi vào cáo từ Câu Tiễn :

- Tôi nghe nói vua bị nhục thì kẻ bề tôi nên chết. Khi trước đại vương bị nhục ở Cối Kê mà tôi không chết là định ẩn nhẫn để báo thù nước Ngô. Nay nước Ngô đã bị diệt rồi, xin đại vương ra ân cho cái thân già yếu này được về nghỉ.

Câu Tiễn khóc mà nói rằng:

- Ta nhờ sức nhà ngươi mà được như thế này, đang nghĩ để đền công, cớ sao nhà ngươi lại nỡ bỏ ta mà đi? Nhà ngươi ở lại thì ta giao quyền chính cho, nếu đi thì vợ con nhà ngươi, ta sẽ giết hết.

Phạm Lãi nói:

- Giết tôi thì hơn, chứ vợ con tôi có tội gì! Thôi thì sống chết cũng tuỳ ý đại vương, tôi chẳng nghĩ gì cả.

Đêm hôm ấy, Phạm Lãi đi một chiếc thuyền nhỏ, lánh xa Câu Tiễn. Hôm sau có người đưa cho Văn Chủng một bức thư nói là thư của Phạm Lãi. Thư viết rằng: “Vua Ngô có nói: Giống thỏ đã hết thì chó săn tất bị mổ, địch quốc đã diệt thì mưu thần cũng chẳng còn, ngài không nhớ hay sao? Vua Việt môi dài mỏ quạ, là người nhẫn tâm, ghét kẻ có công. Cùng ở lúc hoạn nạn thì được, chứ cùng ở lúc an lạc thì không được, nếu ngài không đi, tất có tai vạ”. Văn Chủng xem thư có vẻ âu sầu nhưng vẫn chưa tin lời Phạm Lãi.

Sau đại thắng, Câu Tiễn không ban thưởng công lao diệt Ngô cho ai cả, các quan không ai được một tấc đất nào, lại không muốn gần gũi các cận thần. Các đại thần tìm cách xin từ chức. Văn Chủng nhớ lời Phạm Lãi, cáo ốm không vào chầu. Bọn gian thần nói với Câu Tiễn rằng:

- Văn Chủng tự nghĩ mình công to mà được hưởng ít, có ý oán vọng nên không vào triều.

Hôm sau Câu Tiễn đến thăm Văn Chủng. Văn Chủng vờ đang ốm nặng, gượng dậy nghênh tiếp. Câu Tiễn cởi thanh kiếm ra, bảo Văn Chủng rằng:

- Ta nghe, người chí sĩ không lo cái thân mình chết, mà lo cái đạo mình không hành được. Nhà ngươi có bảy thuật, ta mới thi hành có ba mà đã diệt được nước Ngô, còn thừa bốn thuật, nhà ngươi định dùng làm gì?

Văn Chủng nói:

- Tôi cũng không biết dùng làm gì được.

Câu Tiễn nói:

- Hay nhà ngươi đem bốn thuật ấy mà mưu hộ cho tiền nhân nước Ngô ở dưới âm phủ, phỏng có nên chăng?

Câu Tiễn nói xong, lên xe đi về, bỏ lại thanh kiếm ở chỗ ngồi. Văn Chủng cầm lấy xem thì trên vỏ kiếm có hai chữ “chúc lâu”, tức là thanh kiếm xưa Phù Sai dùng để giết Ngũ Tử Tư. Văn Chủng ngửa mặt lên trời mà than rằng:

- Cổ nhân có câu “ơn to không báo”. Ta không nghe lời Phạm Lãi đến nỗi bị giết, chẳng cũng ngu lắm ư.

Nói xong Văn Chủng liền cầm gươm tự tử.

Lão Tử nói: “Tri túc, tri chỉ” (biết đủ, biết dừng). Đó là hai cái biết khó nhất trên đời này. Chức tước biết thế nào là đủ để dừng lại, của cải biết thế nào là đủ để dừng lại. Bài toán ở đời khó nhất chỉ là hai cái biết đó thôi. Về mưu lược Phạm Lãi và Văn Chủng tài ngang nhau. Nhưng Phạm Lãi hơn Văn Chủng ở chỗ biết đủ biết dừng. Từng theo Câu Tiễn sang nước Ngô làm nô lệ cho Phù Sai bị đối xử như thú vật, cắn răng chịu đựng để đợi ngày báo thù. Và nước Việt đã đánh bại nước Ngô, mối quốc nhục đã được rửa, chí nam nhi thế là đủ rồi.

Hai mươi năm rèn quân phục quốc, Phạm Lãi là quân sư của vua nước Việt, về chức tước thế cũng là đủ rồi. Và ở đời khi biết đủ thì phải biết dừng lại. Nếu Phạm Lãi không bỏ đi thì Câu Tiễn phải thưởng công cho Phạm Lãi như thế nào? Đem nửa giang sơn chia cho Phạm Lãi chăng? Chia nửa vương quyền cho Phạm Lãi chăng? Không một ông vua nào có thể làm như thế. Mà không làm như thế thì phải giết đi. Đó là cái chết của Văn Chủng, một người không biết đủ biết dừng.

Từ bỏ triều đình, Phạm Lãi đi về đất Đào, làm một nhà DN. Đây là vùng ngã ba sông, việc lưu thông hàng hoá và buôn bán rất thuận lợi. Phạm Lãi làm nghề buôn tiền ở đây và giàu hơn cả Việt vương Câu Tiễn, được nhân dân tôn phong là Đào Chu Công (ông chủ của đất Đào).

Nhiều doanh nhân ngày nay sau khi gặt hái thành công trên thương trường lại muốn chen chân vào chính trường. Hơn 1/3 các nhà doanh nhân của Trung Quốc muốn ứng cử vào Quốc hội. Các doanh nhân của VN có lẽ cũng nhiều người có ý nguyện đó. Song chính trường và thương trường là hai lĩnh vực khác xa nhau. Trên thương trường quyết định thành bại là ở tài trí kinh doanh. Còn trên chính trường người có tài chưa chắc đã thành công và người kém tài chưa chắc đã thất bại. Lã Bất Vi thời Xuân thu là một nhà DN đại tài, là doanh nhân mà làm đến Tướng quốc, vua còn gọi là Trọng Phụ. Vậy mà cuối cùng phải cay đắng nhận lấy cái chết. Bi kịch của Lã Bất Vi là không tri túc, tri chỉ. Đó phải chăng cũng là bài học cho tất cả chúng ta.

Lang thang một mình trên đồi vắng
Ta tìm gì? Lãng đãng sương trắng rơi ...
Một ngôi sao lẳng lặng ở cuối trời
Lạnh hiu hắt vô tình rơi ...chiếc bóng ...

Hoàng Quý Toàn
Previous Post
Next Post