Có nên xuất gia khi gia đình chưa đồng ý?

Hỏi: Muốn được xuất gia nhưng vợ không đồng ý.

Qua thư Thầy con biết việc xuất gia của con còn nhiều trở ngại, vì Thầy viết “nhận” nhưng với điều kiện không làm khổ mình, khổ người. Có nghĩa là vợ con phải vui lòng cho con xuất gia tu hành.

Một người bạn đời chưa giác ngộ như vợ con thì việc đó quả thực là khó khăn.

Đáp: Trước khi đức Phật đi tu, đạo Phật chưa có, vì thế hễ ai muốn tu hành là bỏ cha mẹ, vợ con. Đời đã khổ, nước mắt của chúng sanh nhiều như nước biển, đã khóc vì bao nỗi chia ly sanh tử, bao nỗi cay đắng của cuộc đời. Thế mà, một người muốn tu giải thoát mà lại tạo ra nỗi đau thương cay đắng chia lìa cho bao người thân thương. Cha mẹ sầu nhớ thương con, vợ mong chồng, con nhớ cha, v.v..

Rút ra từ kinh nghiệm bản thân của mình, đức Phật dựng giáo pháp của mình trên một nền tảng đạo đức không làm khổ mình, khổ người.

Có nhiều gương hạnh Thánh tăng và Thánh ni sau khi xuất gia tu hành đều bị sự ngang trái này. Bà Dhama khi được biết đạo Phật bà xin chồng xuất gia, nhưng người chồng không bằng lòng, bà phải chờ đến khi chồng mất mới xuất gia (từ 25 tuổi đến 75 tuổi).

Ratthapala đến xin đức Phật xuất gia: “Này Rattapala, ông có được cha mẹ bằng lòng xuất gia hay chưa?”.

- “Bạch Thế Tôn! Con chưa được cha mẹ bằng lòng cho con xuất gia”.

- “Này Ratthapala, Như Lai không có cho ai xuất gia nếu không được cha mẹ bằng lòng”.

Đây, Thầy trích một đoạn trong Trung Bộ Kinh Tập II để xác chứng đạo Phật ra đời có một nền đạo đức tuyệt vời, không phải vì ích kỷ cá nhân của mình “giải thoát” mà đem đến sự đau khổ cho người khác.

Vì thế khi nàng Gia Du Đà La dẫn con là La Hầu La đến xin Phật ban cho những gì cao quý nhất. Đối với đức Phật hiện giờ, cái gì cao quý nhất, chắc không phải là ngai vàng, ngôi báu mà là sự giải thoát sanh, già, bệnh, chết, chấm dứt luân hồi, cho nên nắm lấy tay La Hầu La và ban cho con đường giải thoát. Sau này Gia Du Đà La cũng tu hành chứng quả A La Hán.

Người tu theo đạo Phật mà không hiểu đạo Phật và giáo lý, biến đạo đức của đạo Phật thành một tôn giáo có một nền đạo đức mê tín (nhân quả luân hồi).

Do chỗ lầm lạc này không ai thấy được đạo đức nhân bản - nhân quả của đạo Phật.

Vì thế, ai thất tình, thất vọng, giận cha, mắng mẹ hoặc gia đình bất an cùng sự ham tu giải thoát mà quên đi đạo làm người.

Theo đạo Phật, trước khi làm bậc Thánh tăng giải thoát ra khỏi cuộc đời đau khổ này là phải làm con người có đạo đức nhân bản: “Không làm khổ mình khổ người”.

Khi đạo Phật xuất hiện trên hành tinh này, Ngài đã phá thế giới siêu hình, cúng bái, tế lễ, cầu khẩn van xin. Ngài đập sạch xuống có thế giới siêu hình còn có sự bất công. Nhưng thế giới siêu hình không có, thì lại là một tai hại rất lớn cho loài người.

Tại sao vậy?

Tại vì trên đầu con người không có thần linh ban phước, giáng họa thì con người sẽ hung ác, giết hại lẫn nhau như loài cầm thú, vì chẳng còn sợ ai cả.

Vì vậy, muốn đập phá thế giới siêu hình thì trước tiên phải thành lập một nền đạo đức “nhân bản - nhân quả”, thì con người sẽ thuần hóa nền đạo đức đó, mới đúng nghĩa là con người. Nhờ đạo đức đó, con người mới thoát ra cái bản chất cầm thú của nó.

Như các con đã biết “nước chảy đá mòn”. Người thông hiểu đạo đức nhân quả là người biết sống nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng trong mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng, dù cho đối tượng nào, hoàn cảnh nào, họ cũng đều vượt qua bằng đôi mắt và trí tuệ nhân quả, cho nên gọi là: “Luật nhân quả chuyển hóa do mình tạo duyên”.

Cái gì đúng là phải đúng, cái gì sai là phải sai, không thể lấy cái đúng làm cái sai và lấy cái sai làm cái đúng được.

Bởi vậy, con người được trang bị một trí tuệ nhân quả đầy đủ, dù người đó đang mặc chiếc áo cư sĩ, họ vẫn lìa khỏi tam độc “Tham, sân, si”. Đạo đức nhân quả là đạo đức không làm khổ mình, khổ người thì làm sao còn tham sân si được. Còn tham sân si tức là còn ác pháp, còn ác pháp tức là còn làm khổ mình, khổ người.

Hiện giờ, các con đã thấy bao nhiêu người “xuất gia” làm đến chức Hòa thượng, Thượng tọa mà còn tham sân si không mất chút nào? Đâu phải xuất gia là hết tham sân si? Nếu không trang bị cho họ bằng một trí tuệ đạo đức nhân quả thì suốt kiếp tu hành của họ chẳng bao giờ hết tham sân si.

Đệ tử của Phật chia làm hai giới: Xuất gia và tại gia. Nếu không chuẩn bị những pháp môn tu hành của người “tại gia” mà vội bước vào cửa người “xuất gia” thì sự tu hành đó mất căn bản. Hiện giờ, các con xem giới “xuất gia” đạo chẳng ra đạo, đời chẳng ra đời, phải không các con?

Các con tu theo đạo Phật, các con có muốn tu hành như vậy không?

Tu như vậy, chỉ là một hình thức, chiếc áo và cái đầu trọc chẳng có ý nghĩa gì cả, lại còn tạo ra chuyện mê tín lạc hậu, buôn thần bán thánh; lại còn gạt tín đồ, kêu gọi mọi người đóng góp tiền của để tạo danh “từ thiện” cho cá nhân mình “biết thương người”.

Nhưng sự thật họ chưa chắc đã thương người, chính họ, họ còn không thương họ huống hồ là thương ai. Nếu thương họ sao phải giận dữ như vậy? Tức tối như vậy? Ganh tỵ như vậy?

Biết vợ con như vậy là khó khăn, nếu không khắc phục được vợ con, không khiến nó được giác ngộ, phỏng chừng mình có khiến tâm mình giác ngộ hay không?

Cái khó của vợ con không bằng cái khó của sự tu tập làm chủ sanh tử luân hồi.

Cái khó của vợ con không bằng cái khó của tâm mình:

Ratthapala không được cha mẹ cho đi tu, Ngài tìm mọi cách khắc phục cha mẹ và cuối cùng mẹ cùng cha phải đồng ý cho Ngài đi tu.

Đó là sự khắc phục tạo duyên để đi tu, cho nên Thầy bảo: “Có quyết tâm, có nghị lực, có gan dạ, có bền chí, nhẫn nại, có tùy thuận, có nhẫn nhục, có bằng lòng và cuối cùng mọi việc phải giải quyết bằng trí tuệ nhân quả”. Đó là cách tạo duyên chuyển nghiệp để tiến lên đường giải thoát, tức là cách thức cởi bỏ lưới đời thế tục, bằng sự tu tập trí tuệ nhân quả: “Cắt ái ly gia”.

Còn nghĩ như con chỉ là một sự trốn chạy cuộc đời. Qua kinh nghiệm bản thân của đức Phật, Ngài thấy việc mình đã làm là sai lệch, trốn bỏ cha mẹ vợ con, tu tập các pháp của ngoại đạo, tiết thực tối đa đến đổi thân xác kiệt quệ không đứng dậy được.

Sau khi tìm ra pháp màu vi diệu giải thoát kiếp làm người đầy đau khổ này, Ngài thấy rõ pháp môn giải khổ cho con người phải là một pháp môn đạo đức nhân bản - nhân quả “Không làm khổ mình, khổ người” ngay từ lúc bắt đầu mới tu. Vì thế, đạo Phật ra đời Ngài áp dụng ngay liền, khi người nào xuất gia phải có sự đồng ý của gia đình. Đừng chạy theo các giáo pháp của ngoại đạo đi tìm cầu sự giải thoát mà làm đau khổ những người thân thương của mình thì không đúng giáo pháp giải thoát.

Giải thoát là giải thoát duyên nghiệp ràng buộc mà đã giải thoát sao lại làm khổ người? Giải thoát là không làm khổ mình, khổ người mới gọi là giải thoát, do thế pháp môn của Phật dạy tu tập gọi là: sơ thiện, trung thiện và hậu thiện. Đức Phật nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả. Tùy theo duyên chúng sanh hướng dẫn tu tập chuyển nhân quả, chớ không hướng dẫn trốn nhân quả.

Do đó, người được cha mẹ vợ con đồng ý cho xuất gia là duyên nhân quả thuận (nhân quả thiện), đủ duyên; người không được cha mẹ vợ con cho xuất gia là nhân quả nghịch, thiếu duyên.

Con đã biết nhân quả chuyển được, nhưng chuyển bằng cách nào? Như con đã nói: “Người bạn đời chưa giác ngộ. Chuyển bằng cách cho vợ mình thấy đời là khổ, sanh tử vô thường, thân này giòn bở như đồ gốm dễ bể”.

Giận hờn phiền não bất toại nguyện, già, bệnh, chết, không ai thay thế cho ai được.

Mọi hoàn cảnh xảy ra trong gia đình đều theo luật nhân quả, con nên chỉ vạch cho thấy cuộc sống con người là khổ và con còn chỉ cho thấy phương pháp, cách thức tu tập của đạo Phật cụ thể giúp người, giúp mình giải thoát.

Với việc làm này đòi hỏi ở sự nhẫn nhục, bền chí và kiên trì thì sẽ chuyển được tức là tạo duyên tu hành cho mình mà còn tạo duyên cho những người thân.

Bởi vậy, đạo Phật lấy đạo đức nhân bản - nhân quả để đưa con người từ khổ đau đến giải thoát; từ bất hòa đến hòa hợp; từ hung ác đến hiền lành; từ gian xảo đến thành thật; từ ghét bỏ đến thương yêu; từ hận thù đến tha thứ, v.v..

Đời sống xuất gia tu không khó, đời sống tại gia tu rất khó, nhưng người nào tránh tu tại gia (ly dục ly ác pháp) mà tu xuất gia thì rất khó ly dục ly ác pháp vì thiếu đối tượng, cho nên tu chỉ ức chế tâm vào định mà định ấy không phải là chánh định, nó là tà định.

Người tu tà định, dẫu tu trăm ngàn kiếp vẫn không thể làm chủ sanh tử luân hồi.

Đường lối tu tập của đạo Phật là xả tâm ly dục, diệt ngã.

Đường lối tu tập của ngoại đạo, Đại Thừa và Thiền Đông Độ do ức chế tâm mà vào định, định ấy là định tưởng (tà định).

Hai đường lối tu tập này khác nhau rất xa, nên kết quả cũng không giống nhau, bên xả tâm, bên ức chế tâm.

Hoàn cảnh gia duyên của con như vậy mà xuất gia tu hành là ức chế tâm. Ngược lại sống tại gia đình, ăn uống ngủ nghỉ tập dần buông xả, thiểu dục tri túc sống đúng phạm hạnh, biết nhẫn nhục, tùy thuận, không làm buồn khổ vợ con, cha mẹ, giữ hạnh thanh tịnh, tránh xa dâm dục khiến vợ con thức tỉnh.

Rút ra từ kinh nghiệm bản thân của mình, đức Phật đã thành lập một giáo pháp có đầy đủ một đạo đức giải thoát khổ đau của con người rất là tuyệt vời.

Do đó, đường lối tu hành của đạo Phật rất thực tế và cụ thể, giải thoát con người, không có mơ hồ trừu tượng.

Thầy rất tin tưởng ở con sẽ là người chiến thắng mọi hoàn cảnh, đem lại sự an vui cho những người thân thương của mình bằng đạo đức nhân quả mà đạo Phật và con đường tu của con chỉ trong kiếp này sẽ được toại nguyện.

Vì biết sống đúng đạo đức nhân quả, đem lại sự an vui cho mình, cho người, đó chính là ly dục ly ác pháp; đó chính là thiền định của đạo Phật; đó chính là đạo giải thoát cho mình, cho người; đó chính là đạo đức nhân bản của loài người mà từ lâu đã bị lục sư ngoại đạo dìm mất (Đại Thừa giáo).

Hơn 20 thế kỷ, con người trên hành tinh này đã chịu thiệt thòi quá lớn, vì đã đánh mất đi một nền đạo đức nhân bản tuyệt vời.

Vì thiếu đạo đức, con người đã xâu xé nhau chẳng khác gì loài vật, nên khắp thế giới năm châu, không nước này chiến tranh thì nước khác, con người giết con người hàng loạt. Thật là đau thương!

Cuộc chiến tranh giải phóng quê hương, đất nước Việt Nam, biết bao nhiêu xương máu của dân tộc này đã đổ; biết bao nhiêu sự tang thương mất mát mà chiến tranh đã để lại cho họ. Giờ này vết thương đau kia cũng chưa xóa sạch, chỉ vì loài người thiếu đạo đức, sống ích kỷ, sống cho mình, chẳng nghĩ gì cho ai.

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Previous Post
Next Post