Nghịch lý của Thời gian

Sự thúc ép của Thời gian. Có nhiều ngành mà yếu tố Thời gian luôn là một đòi hỏi khắc nghiệt nhất. Lấy ví dụ như nghề làm báo. Ông tổng biên tập nào cũng cần đặt câu hỏi cho phóng viên: tại sao bài này không thể đăng hôm qua, và không đăng ngày mai?

Như người ta nói, những tờ nhật trình ngả vàng rất nhanh.

Trong cuốn Apology, Platon có kể lại một quy tắc của tòa án Athens: người ta đặt tại tòa một cái đồng hồ nước có ghi mốc Thời gian, và cho đến khi đồng hồ dừng lại mà bị cáo chưa bào chữa được cho mình thì anh ta bị kết tội.

Xem ra thì đến cả Công lý cũng không có Thời gian để chờ đợi! Hay bởi vì, nếu quá trình xét, xử kéo dài quá một mức nào đó thì, thậm chí, không còn Công lý nữa? Câu hỏi này, có thể là đã được đặt ra từ mấy ngàn năm trước, nhưng lại trở nên nhức nhối trong Thời gian gần đây, khi mà nhiều “vụ án trọng điểm” dường như được kéo dài vô tận.

Hay câu thành ngữ của ông cha ta “để lâu cứt trâu hóa bùn” đang được dùng để thay thế cho cái đồng hồ nước của người Hy lạp?

Thời gian trong Toán học. Các nhà toán học có cái may mắn làm việc trong một lĩnh vực dường như độc lập với Thời gian. Các chứng minh toán học bao giờ cũng được dùng ở thời hiện tại! Thế nhưng, quan niệm về Thời gian vẫn được đặt ra ngay từ buổi đầu của toán học.

Trong những nghịch lý Zeno, có lẽ nổi tiếng nhất là Nghịch lý Achilles và con rùa. Achilles và Rùa cùng chạy thi. Rùa đứng trước Achilles 100 mét. Tất nhiên là Achilles chạy nhanh hơn Rùa rất nhiều. Khi Achilles chạy được khoảng cách 100 mét, đến vị trí xuất phát của Rùa, thì Rùa, dù rất chậm, cũng đi được một quãng đường nào đó, chắng hạn 10 mét. Achilles phải mất một Thời gian nào đó để đến được vị trí mới của Rùa. Trong khi đó, Rùa lại tiến thêm một bước mới. Cứ như thế, lực sĩ Achilles không bao giờ đuổi kịp chú Rùa!

Ngay từ cổ xưa, Platon đã giải thích được vì sao có nghịch lý Zeno: người ta đã mắc sai lầm khi chia Thời gian ra thành hữu hạn đoạn.

Với toán học hiện đại, khái niệm Thời gian càng được đặc biệt quan tâm. Thường thì người ta mong các thuật toán kết thúc trong một khoảng Thời gian ngắn nhất, để nhanh chóng có được kết quả. Thế nhưng đôi lúc điều ngược lại được chờ đợi: một ứng dụng nổi tiếng của toán học trong đời sống là các hệ mật mã khóa công khai lại dựa trên niềm tin (chứ không phải là một “định lý”) là thuật toán phân tích số nguyên ra thừa số nguyên tố đòi hỏi một Thời gian hết sức dài. Chẳng hạn, để phân tích một số nguyên có chừng 500 chữ số thập phân ra thừa số nguyên tố (với những thuật toán tốt nhất và với máy tính mạnh nhất hiện nay), nói chung người ta cần hàng tỷ tỷ năm (trong khi vũ trụ mới có tuổi chừng 14 tỷ năm).

Không ở đâu trong toán học mà yếu tố Thời gian lại quan trọng như trong Xác suất, ngành khoa học nghiên cứu những hiện tượng “ngẫu nhiên”. Nhưng các hiện tượng “ngẫu nhiên” có tồn tại nữa không, nếu ta xét chúng trong một khoảng Thời gian “vô hạn”. Jacob Bernoulli, một trong những ông tổ của ngành xác suất từng viết trong cuốn Ars Conjectandi:

“Nếu quan sát của mọi hiện tượng được tiếp tục trong toàn bộ Thời gian đến vĩnh hằng, thì mọi điều quan sát được trong thế giới này đều xẩy ra với một tỷ lệ cố định, và với một quy luật thay phiên nhau cố định. Khi đó, những hiện tượng ngẫu nhiên nhất sẽ được chúng ta thừa nhận là tất yếu. Tôi không biết Platon có nghĩ đến điều ấy trong lý thuyết của ông về sự trở lại của mọi vật đến vị trí cũ của chúng hay không, khi ông tiên đoán rằng, sau một số vô cùng nhiều những thế kỷ sẽ trôi qua, mỗi sự vật sẽ quay về trạng thái ban đầu của nó”.

Xem ra, đến cả toán học cũng không thể độc lập với Thời gian. Và mỗi con người, mỗi sự việc, trong cái tồn tại ngắn ngủi của mình, rất cần một cái đồng hồ nước. Cái đồng hồ đó, với mỗi quan chức, không nên là một nhiệm kỳ. Khi cái đồng hồ nước mà người dân, xã hội giao cho họ giải quyết công việc nào đó đã dừng lại, mà họ vẫn chưa hoàn thành, thì nên xem cái đồng hồ nước của mình đã dừng lại. Và khi đó, không có quyền bào chữa nữa, chỉ có quyền rời nhiệm sở. Không có những cái đồng hồ nước như vậy, mọi sự việc sẽ hóa bùn, và không chừng chúng ta sẽ chết ngập trong cái vũng bùn đó.
*****

Ngày thứ nhất.

Mi hỏi ta: hạnh phúc là gì?

Cũng tùy người thôi. Người suốt đời thích chiến đấu thì cho rằng “hạnh phúc là đấu tranh”. Người thích làm việc thiện thì hạnh phúc chính là giúp cho những người thiếu may mắn đỡ bất hạnh.

Nhưng cũng có những kẻ mà hạnh phúc là được nhìn thấy nỗi bất hạnh của người hàng xóm!

Mi hỏi ta: sao nói về hạnh phúc với ánh mắt buồn thế?

Ồ, mi hỏi hay là đang đọc thơ? Ta nhớ câu của Aragon: “Người ta thường nói về hạnh phúc với cặp mắt buồn” (Qui parle de bonheur a souvent les yeux tristes). Cũng như người ta thường bàn về sức khỏe với giọng nói yếu ớt!

Mi hỏi ta về hạnh phúc tức là mi cũng đang tìm kiếm hạnh phúc.

Đời người là một cuộc tìm kiếm mà thôi.

Mi hỏi ta: vậy thì con người tìm kiếm cái gì?

Tìm gì ư? Khi còn trẻ người ta tìm chỗ đứng trong đời, khi về già tìm chỗ ngồi nghỉ.

Mi hỏi ta: vậy còn chỗ nằm xuống thì sao?

Cũng có nhiều người bận rộn tìm chỗ nằm đấy. Thế nên các “Công viên vĩnh hằng” được xây lên nhiều lắm. Nhưng có thật là tồn tại cái gì đó “vĩnh hằng” hay không? Ta nằm xuống ở đâu, đó là việc của người khác chứ đâu phải là việc của ta? Ta vốn là người lãn, không mấy khi làm thay việc người khác!

Mi hỏi ta: …

Thôi đừng hỏi nữa, để ngày mai!

Nguồn: hahuykhoai.info
Previous Post
Next Post