Chuyện duyên nợ nhân quả

Kính gửi: MT & M!

Thầy sẽ thuật lại cho các con nghe một câu chuyện nhân quả. Trong lúc Thầy còn bé được nghe ông thân kể lại một câu chuyện nhân quả như thế này:

“Có một người nhà giàu kia, chỉ sanh ra có được một đứa con trai duy nhất, ông bà rất mực yêu thương, và xem hơn vàng ngọc. Ông cụ cho con ăn học đến nơi đến chốn. Cậu trai này rất là có hiếu, cha mẹ dạy đâu thì vâng lời đó, không bao giờ làm trái ý ông bà. Vì thế lòng thương yêu ông bà đã đặt trọn vào đứa con duy nhất của mình.

Thình lình một hôm cậu ngã bệnh ra và chết, để lại cho ông bà một niềm thương nhớ khổ đau.

Sau khi làm tuần 49 ngày, ông cụ đến nhờ một vị phù thủy cao tay ấn, dùng thần chú đưa hồn ông xuống địa ngục để tìm đứa con trai thân thương của mình.

Khi xuống đến địa ngục ông cụ bước vào một cái quán bên vệ đường để hỏi thăm tin tức:

-Thưa cô, cách đây khoảng 49 ngày, cô có thấy một chàng trai trên trần gian xuống đây không?

Bà chủ quán bảo:

-Có, hằng ngày cậu ta thường cưỡi ngựa đi ngang qua đây. Cụ hãy chờ nán lại đây một chút thì sẽ gặp cậu ta.

Chẳng bao lâu tiếng vó ngựa chạy tới, ông cụ ra đứng bên lề đường để nhìn tận mắt.

Từ xa một chàng trai phi ngựa đến, ông đã nhận ra đứa con trai của mình, mừng quá ông ra đón con và gọi: “Con! Con!!! Bố đây con!!!”.

Cậu con trai dừng ngựa lại nhìn thẳng vào ông và bảo: “Tôi với ông không phải là cha con, “MÀ LÀ CON NỢ CỦA NHÂN QUẢ”. Từ ngày tôi vào nhà ông trả nợ, tôi chưa bao giờ làm phiền lòng ông, làm trái ý ông, như vậy tôi đã trả nợ nhân quả xong, ông còn đến đây gặp tôi để làm gì?”.

Nói xong cậu con trai ra roi, phi ngựa chạy thẳng, chẳng hề cố tỏ ra một lời cảm thông đối với lòng thương nhớ của vợ chồng ông và cũng chẳng có lời hỏi thăm nào về vợ ông cả”.

Ông cụ tỉnh ngộ và tự nói thầm: “À ra thế!  Trên đời chỉ là nhân quả, chứ không có tình nghĩa gì cả, tình nghĩa chỉ là thất tình, lục dục làm khổ thêm con người mà thôi. Nếu ta ngu dại chấp vào thất tình, lục dục thì cuộc đời ta sẽ khổ đau không bao giờ dứt”.

Trở về dương gian, ông cụ cố khuyên vợ để cho bà nhận ra nhân quả nghiệp báo, chứ không phải tình nghĩa cha con, mẹ con gì cả. Và ông cụ dẹp ngay bàn thờ cậu con trai yêu quý của mình. Thuyết của người vô sản bảo rằng: “Trai gái lấy nhau là tình dục, chứ đâu phải vì con cái mà họ lấy nhau”. Từ thuyết nhân quả tâm linh đến thuyết vô sản vật chất đã khiến ông thức tỉnh hoàn toàn. Và từ đó ông cố gắng mải miết tu tập để thoát ra khỏi thất tình lục dục”.

Trên đây là một câu chuyện nhân quả để hai con suy ngẫm chuyện nhân quả của mình.

Nói về tâm linh, thì tình cảm con người không có tình cảm nào cao quý bằng tình cảm thương yêu của cha mẹ đối với con cái. Cha mẹ chịu muôn vàn khổ cực, chịu muôn vàn tội lỗi vì con cái, chỉ mong ước nuôi con lớn khôn nên người không thua kém ai.

Thế mà, đến ngày lớn khôn, trở nên người có học thức, có danh với đời, nó lại không suy nghĩ chín chắn, nói ra lời nói làm bấy ruột, nát gan cha mẹ.

Mẹ Thầy có thuật lại một câu chuyện trong gia đình bên ngoại của Thầy: Cậu Ba của con là người làm ăn nhưng thất bại, ông ngoại con phải bán cả ruộng đất để lo cho cậu con khỏi ở tù, thế mà cậu con nói một lời nói vong ân: “Vụ kiện thưa làm ăn của con bố mẹ chẳng có tốn hao một đồng nào”. Ruộng đất đã thế chấp cho chà hết sạch, bây giờ cậu con nói một lời nói khiến cho ông ngoại con nát ruột gan, từ đó sanh ra bệnh mà chết. Trước khi chết ông ngoại Thầy nói với mẹ Thầy: “Bố chết là vì lời nói của anh con làm bấy ruột bấy gan bố”. Vì thế, khi cậu Ba của Thầy chết, bổng nhớ lời nói này mẹ Thầy không còn một giọt nước mắt nào để khóc cho cậu Thầy nữa.

Chỉ một phút mê mờ trong tình yêu trai gái, con người không còn sáng suốt, dù là có học thức nhưng vẫn bị nghiệp lôi theo thất tình lục dục nên thốt ra những lời nói mất hết đạo lý làm người “áp đặt” theo kiểu thời đại khoa học nhân quyền vô bổn phận, vô trách nhiệm đạo đức làm người. Vì vô bổn phận, vô trách nhiệm đạo đức làm người, con cái muốn sao cứ để nó làm theo ý muốn của nó, thì con cái sẽ ra sao đây? Chắc chắn một trăm đứa con đều hư cả một trăm đứa.

Chính ngay cả việc lứa đôi, nếu không có lời nhắc nhở của cha mẹ thì con cái sẽ thay đổi chồng vợ, nay chồng này mai vợ khác theo kiểu tự do nhân quyền quá trớn của người Tây Phương, biến con người có khác nào là loài cầm thú đâu.

Theo quan niệm tuổi trẻ thời đại bây giờ, thì không có việc gì là quan trọng, mà chỉ có con người quan trọng sự việc (quan trọng quá sự việc, chứ sự việc không có quan trọng). Sự tư duy như vậy có đúng không? Nhận thức mọi sự việc như vậy là không trí tuệ. Người có trí tuệ luôn nhận thức mọi sự đều có tầm quan trọng, nhưng sự quan trọng ấy có khác nhau, dù chuyện nhỏ cũng có tầm quan trọng của chuyện nhỏ, quan trọng ở chỗ này, nhưng không quan trọng ở chỗ khác; quan trọng đối với người này nhưng không quan đối với người khác, vì thế bảo rằng: “Sự việc không quan trọng, mà chỉ có con người quan trọng quá sự việc” thì sai.

Chúng ta nên xét lại chữ “quan trọng”...

Tại sao lại nói nó quan trọng?

Có những sự việc gì làm đau khổ trong tức thời thì cũng là sự việc quan trọng, chứ chưa nói đến những sự việc làm khổ suốt đời người, nên việc gì trong đời người chúng ta cũng thấy quan trọng. Ví dụ như khi lái một chiếc xe chạy trên đường, mà chúng ta không thấy tai nạn giao thông là quan trọng thì chúng ta sẽ chạy ẩu thiếu cẩn thận, tai nạn sẽ xảy đến cho chúng ta và người khác, làm đau khổ cho ta cho người khác. Do thấy quan trọng nên cẩn thận khi lái xe, khi làm việc gì..., vì thế mà sự khổ đau không xảy ra cho mình cho người. Những việc quan trọng gồm có:

1- Đời sống

2- Sự nghiệp

3- Học tập

4- Danh dự

5- Hiếu thảo

6- Tổ quốc

7- Hôn nhân

8- Tà pháp

Người thế tục xem sự việc thế tục không quan trọng là những người vô minh, thiếu trí tuệ sáng suốt nên họ phải gánh chịu cuộc sống trong nhiều khổ đau của kiếp làm người. Chính vì cháu T đã xem mọi việc không quan trọng nên đã làm khổ cháu và bố mẹ. Chỉ có những người thoát ra khỏi vòng thế tục mới dám nói câu đó: “Mọi sự việc không quan trọng mà chỉ có con người quan trọng quá sự việc”. Cháu chưa phải là người thoát tục, còn đang trong vòng thất tình lục dục mà dám bạo gan cho mọi việc không quan trọng là cháu đã tự làm khổ và có thể giết mình trong khổ đau...

Chúng ta còn phàm phu mà vội bắt chước nói những lời này, e rằng không phù hợp đạo lý làm người tức là sẽ làm khổ mình khổ người.

Người tu hành xem mọi việc không quan trọng là vì tâm họ bất động trước các pháp và các cảm thọ, vì thế mà mọi sự việc không còn quan trọng, còn với chúng ta thì tâm luôn luôn bị động nên nó phải quan trọng.

Khi chúng ta còn là phàm phu thì mọi việc quanh ta đều là quan trọng cả, nhờ biết nó quan trọng nên chúng ta đã cẩn thận, cân nhắc, kỹ lưỡng mọi sự việc. Nhờ thế chúng ta mới thoát ra mọi sự khổ đau. Và chính vì vậy mới không làm khổ mình khổ người.

Đạo lý làm người không cho phép chúng thiếu sự cân nhắc mọi sự việc quanh ta.

Đạo lý làm người không cho phép chúng ta xem thường mọi sự việc, vì mọi sự việc đều quan trọng đến với đời sống của chúng ta.

Đạo lý làm người không cho phép chúng ta xem thường nhân quả, vì xem thường nhân quả là chúng ta sẽ bị luật nhân quả xử phạt nghiêm minh. Luật nhân quả công minh chánh trực, không tha thứ một ai.

Nói về sự việc thì có rất nhiều sự việc trong đời người, việc lớn, việc nhỏ, việc xấu, việc tốt, việc thiện, việc ác, việc phải việc trái v.v.. Tất cả việc nào cũng đều quan trọng và không có việc nào là không quan trọng.

Chính vì cho mọi việc không quan nên cháu T đã đem lại hậu quả biến mình trở thành một đứa con bất hiếu, chỉ biết chạy theo tình cảm của mình mà quên đi công ơn của cha mẹ như trời biển, làm cho là cả gia đình mình một sự đau khổ tận cùng khi có một người lạ bước vào ngưỡng cửa gia đình này.

Chính vì cho mọi việc không quan trọng, nên cháu T đã xem thường việc hôn nhân nhân của mình, đã biến mình si mê trong tình yêu ngu dại, đã biến mình một đứa con có những lời nói vong ân, bất hiếu, bất nghĩa. Làm cho cha mẹ là những người thân nhất đời của mình mà phải tê tái tận tâm can, đứt từng đoạn ruột...

Lời nói cha mẹ “áp đặt” con cái của cháu T, là lời nói sắc bén hơn lưỡi dao, đâm suốt qua lòng yêu thương của hai đấng sanh thành dưỡng dục ra cháu. Cháu có biết không?

Nhân quả này làm sao cháu trốn khỏi! Làm người, làm sao cháu cũng phải có chồng, có con, chồng con là nhân quả nó sẽ trả những quả này cho cháu xem. Nhất là con của cháu, nếu đời này cháu không có con, thì đời sau cháu cũng phải có con để mà trả. Đối với luật nhân quả không có thời gian cháu ạ!

Bố mẹ cháu đang trả quả nghiệp báo, còn cháu thì đang tạo nhân nghiệp báo. “Nhất niệm tâm si khởi, vạn chướng nghiệp môn khai”. Một niệm tâm mê muội thì vạn nghiệp chướng khổ đau đến mà không hay biết.

Nhân quả quá khắc nghiệt, vay thì phải trả. Nếu hai con, MT và M không trang bị cho mình những kiến thức về nhân quả thì hai con có thể tức tối, mà chết ngay liền được, khi hai con đã hết lòng trao trọn tình yêu thương của mình cho các con.

Ông ngoại của Thầy chết, vì lời nói của người cậu, mà lúc bây giờ đâu có ai biết được nhân quả để khuyên giải giúp cho Người thoát khổ nghiệp báo này, hay nói cách khác đạo đức không làm khổ mình, khổ người lúc bây giờ chưa có. Vì thế mà ông ngoại Thầy đành phải chết tức tối trong đau khổ vì con. Cho nên người xưa nói: “Con là nợ...”.

Các con may mắn hơn được Thầy trang bị bằng tri kiến nhân quả, vậy mà còn buồn giận, khổ đau trong lòng huống là người không có tri kiến nhân quả thì sẽ ra sao đây?

Trong gia đình đang yên vui, ai là người đã tạo ra hoàn cảnh này?

Không có ai cả các con ạ! Không thể đổ lỗi cho ai. Phải không hỡi các con? Không phải cháu T mà cũng không phải chàng trai xa lạ kia, mà là nhân quả đấy các con. Đã đến lúc hai con phải trả nghiệp báo này. Phải vui lòng, phải chấp nhận, phải mạnh mẽ chuyển hóa nhân quả này không để nó tác dụng vào tâm hồn của các con. Hãy xem nó là một trò diễn xuất trên sân khấu nhân quả, chẳng có gì đáng cho tâm các con phải buồn khổ. Phải không hỡi các con?

Luật nhân quả làm sao ai tránh khỏi? Nhưng chúng ta biết chuyển hóa nên nhân quả nghiệp báo vô tác dụng. Vì thế, đứng trước cảnh nghiệp báo nhân quả mà tâm bất động. Đây là đạo lộ của Phật giáo giải quyết đời sống an vui, hạnh phúc của kiếp người. “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi!” con ạ!

Thăm và chúc hai con mạnh khỏe để vượt lên những sự khó khổ nghiệp báo này, chúc hai con thành công.

Kính ghi

Thầy của hai con
Previous Post
Next Post