Tại sao thân thường bị bệnh?

Hỏi: Kính thưa Thầy, thân thường bị bệnh là nghiệp gì? Phải làm sao thân không bệnh?

Đáp: Đã sinh làm người, làm loài động vật là đã mang thân nghiệp. Thân nghiệp tức là thân nhân quả. Thân nhân quả tùy theo nhân quả thiện ác mà thọ chịu quả khổ đau phiền não, giận hờn thương ghét v.v... nặng nhẹ hoặc thọ hưởng sự phước báo yên vui, an ổn, ít bệnh tật, ít tai nạn v.v... chứ không ai mang thân nhân quả nghiệp báo mà không đau khổ; mà không có an vui bao giờ.

Thân thường bị bệnh là do nghiệp sát sanh tức là nguyên nhân giết hại và ăn thịt chúng sanh. Người có thân thường hay bị bệnh từ lúc mới sinh ra cho đến già sắp bỏ thân này là do kiếp trước giết hại và ăn thịt chúng sanh quá nhiều nên phải chịu trả quả báo thọ thân bệnh khổ đau liên miên như vậy. Muốn thoát ra thân bệnh tật khổ đau và những tai nạn thì phải thọ Tam Quy Ngũ Giới. Thọ Tam Quy Ngũ Giới là phải giữ gìn đúng những lời Phật dạy thì mới có kết quả thân không còn bệnh tật và tai nạn nữa. Vậy Thọ Tam Quy Ngũ giới là gì? Và thọ bằng cách nào?

Thọ Tam Quy tức là nương theo Phật, Pháp, Tăng. Nương theo Phật là phải sống như Phật; nương theo Pháp là phải sống đúng theo lời dạy của Phật; nương theo Tăng là phải thân cận thiện hữu tri thức, thường thưa hỏi và sống theo gương hạnh hòa hợp của những vị Tăng để hằng ngày sống trọn vẹn đạo đức nhân bản – nhân quả tự không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Đó là Quy Y Tam Bảo, con nên ghi nhớ.

Thọ ngũ giới là gì? Thọ ngũ giới là chấp nhận sống năm đức hạnh nhân bản - nhân quả tự không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Năm giới đức hạnh đó là:

1- Giới thứ nhất không giết hại và ăn thịt chúng sanh, đó là đức hiếu sinh tức là lòng thương yêu sự sống trên hành tinh này vậy.

2- Giới thứ hai không tham lam trộm cắp, cướp giựt, không lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho, đó là đức buông xả, đức thiểu dục tri túc tức là xả ly lòng tham lam, ích kỷ, nhỏ mọn, từ bỏ lấy của không cho.

3- Giới thứ ba không tà dâm tức là đức chung thủy. Đức chung thủy là lòng thương yêu một vợ một chồng, không lang chạ với người khác. Đức chung thủy tạo nên một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, chồng thương vợ, vợ thương chồng với một lòng thương yêu chân thật, một tình nghĩa keo sơn gắn bó. Sống đồng tịch đồng sàng, thác đồng quan đồng quách. Đây là một đạo đức gia đình mà mọi người trên thế gian này cần phải học và sống cho đúng để không làm khổ những người thân thương đầu ấp tay gối của mình

4- Giới thứ tư không nói dối tức là đức thành thật. Đức thành thật là một đức hạnh tạo cho mình có đầy đủ lòng tin đối với mọi người. Vì thế chuyện thấy nói thấy, chuyện không thấy nói không thấy; chuyện có nghe nói có nghe, chuyện không nghe nói chuyện không nghe, chứ thấy nói không thấy, chứ nghe nói không nghe là nói dối. Người không có đức hạnh thành thật thường đem chuyện của người này nói cho người khác nghe hoặc đem chuyện người khác nói cho người này nghe hoặc nói thêu dệt, nói lật lọng đều là những người thiếu đức thành thật và đức tôn trọng mình, tôn trọng người.

5- Giới thứ năm không uống rượu, uống cà phê, không hút thuốc lá, thuốc lào, thuốc phiện v.v... đó là đức minh mẫn. Đức minh mẫn là một đức hạnh sáng suốt. Đức minh mẫn sáng suốt là tự biết mình, làm chủ mình, không để mình nghiện ngập rượu, thuốc lá, thuốc lào, cà phê, thuốc phiện v.v... Vì những loại xa xỉ này đem tai hại và khổ đau cho bản thân và gia đình mình như cha mẹ, vợ con.

Trong năm đức này, người có thân bệnh cần phải giữ gìn cho trọn vẹn, đừng vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong năm giới này thì ước nguyện thân bệnh tật sẽ được chuyển hóa và tiêu trừ. Khi giữ gìn năm giới trọn vẹn thì phải tu tập các pháp Thân Hành Niệm, Định Niệm Hơi Thở bằng cách dùng cánh tay đưa ra đưa vào và tác ý câu: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra, an tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô” tác ý xong liền đưa tay ra vô năm lần rồi tiếp tục tác ý như câu trên. Tu tập như vậy đúng 30’ xả nghỉ 30’ rồi lại tiếp tu tập lại nữa chừng nào hết bệnh mới thôi.

Nếu người có duyên với hơi thở thì nên tu tập theo hơi thở và tác ý câu: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra.” Nương theo hơi thở mà tu tập như vậy một thời gian thì bệnh sẽ được đẩy lui. Trước khi tu tập hơi thở như vậy thì nên tác ý câu: “Thọ là vô thường, cái bệnh nhức đầu (bệnh gì thì nên nói rõ tên bệnh ấy) này phải chấm dứt, phải rời khỏi thân ta.” Đó là một phương pháp chuyển nghiệp nhân quả tuyệt vời, nếu con tin tưởng thì hãy tu tập theo đúng lời dạy trên đây thì kết quả sẽ được như ước nguyện.

Đạo Phật tu tập không những làm chủ bệnh tật mà còn làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người, đó là làm chủ sanh, già, bệnh, chết.
* * * * *


Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong 5 giới của người cư sĩ có:

1-Sát sanh.

2-Trộm cắp.

3-Tà dâm.

4-Vọng ngữ.

5-Uống rượu.

Năm giới này con cố gắng giữ gìn đừng cho sai phạm nhưng giới không sát sanh thì con có giữ nhưng chưa trọn vẹn, vì còn ăn thịt chúng sanh (con chỉ giữ được 10 ngày trong một tháng). Vì sức khỏe con còn ăn thịt để sống, chứ không có cảm giác ngon lành gì cả. Nếu sức khỏe con tương đối tốt thì con cố gắng ăn chay trường luôn để giảm bớt sự sai phạm giới luật của Phật.

Ðáp: Giới luật và giáo pháp của Phật chế ra là để mưu cầu sự an vui hạnh phúc cho con người, chứ không phải chế ra để gò bó khắc khổ, để người bắt con người phải sống khổ hạnh ăn uống thiếu chất làm cho tuổi thọ kém dần sanh ra nhiều bệnh tật và mau đi vào cõi chết.

Giới luật của Phật không phải là một giáo pháp khô khan, khi một người chấp hành đúng, sống đúng và giữ gìn nghiêm túc thì khiến cho người đó chết dần mòn trong sự hao hụt và thiếu dinh dưỡng. Hiểu như vậy là hiểu sai. Ðạo Phật vốn không phải đạo khổ hạnh ép xác mà là đạo giải thoát, nên ai tu gặp chướng ngại pháp hoặc cảm thấy khó chịu khổ đau là tu sai.

Trí vô hạn của một bậc tu chứng như Phật thì không thể nào không thấu suốt được. Khi chế giới luật, Ngài đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, không chấp nhận khổ hạnh và không chấp nhận lợi dưỡng. Cho nên, giới luật của Ngài chế ra là đi vào trung đạo. Ngài biết rất rõ: ăn ngày một bữa không phải là khổ hạnh là ăn uống thiếu chất bổ, khiến cơ thể sanh ra bệnh tật. Khi cơ thể sinh ra bệnh tật, tức cơ thể khổ đau, cơ thể khổ đau thì mất sức, thiếu dinh dưỡng, đó là khổ hạnh.

Ngược lại, ăn ngày một bữa và không ăn thịt chúng sanh, tránh tội sát sanh, gây nợ máu (gây nghiệp máu) làm đau khổ và đoản mạng chúng sanh. Chính vì ăn thịt chúng sanh mà chúng ta tiếp tục mãi nhân quả đau khổ (thiếu dinh dưỡng, bệnh tật, tai nạn, v.v...). Ðó là luật nhân quả đang vay trả của những người thiếu tâm từ bi, còn nỡ tâm ăn thịt chúng sanh, không thấy sự đau khổ trước khi chết và tiếng kêu la gào thét trong đau khổ cùng sự ham muốn sống của loài chúng sanh.

Người tu theo đạo Phật phải thể hiện tâm từ bi rộng lớn với muôn loài và với bản thân mình. Mình không muốn khổ thì há lại làm khổ kẻ khác loài vật khác sao.

Ăn để sống” không có nghĩa là ăn thịt chúng sanh, “Ăn thịt chúng sanh” nghĩa là ăn để đau khổ chết.
* * * * *

Tự tử

Hỏi: Kính bạch Hòa Thượng! Nếu như có một người già ốm bệnh hoạn sống dở chết dở, muốn tự mình hoặc nhờ người giúp đỡ chấm dứt cuộc sống của mình để không khổ mình và phiền khổ mọi người, Vậy người này có phạm tội tự sát không? Có phải là trốn nghiệp không? Và nếu có người giúp đỡ có bị tội không?
Câu hỏi của Tâm Thanh

Đáp: Người tự tử là người có tội giết người mặc dù mình tự sát vẫn có tội như giết người khác, tội giết mình còn nặng hơn tội giết người khác, cũng như tội làm khổ mình còn nặng tội hơn tội làm khổ người. Vì chính mình, mình còn làm khổ cho mình thì có ai mà mình từ bỏ. Tội tự giết mình còn mang thêm một cái tội nữa là tội trốn tù. Người giúp cho người tự tử là người có tội tòng phạm giết người.

Người già ốm bệnh hoạn sống dở chết dở, nên tự mình hoặc nhờ người khác để chấm dứt cuộc đời. Đối với luật nhân quả thì người đó tránh né trốn tội và như vậy tội còn nặng hơn.

Luật nhân quả rất công bằng khi một người làm ác thì phải trả quả khổ. Già, ốm, bệnh hoạn sống dở chết dở là đang trả những quả mà trước kia mình đã gieo nhân ác. Sao bây giờ vội tự sát để tránh quả khổ này ư? Nếu tránh được quả khổ thì làm sao còn có luật công lý và công bằng được? Đừng nghĩ rằng chết là hết khổ, chết là một sự tiếp nối trong đau khổ hơn. Nếu tự sát chết cho hết khổ, điều này không bao giờ có được. Luật nhân quả không phải lấy cái chết là hết tội được, đối với luật pháp thế gian chết là hết tội, nhưng với luật pháp của nhân quả thì chết sẽ tiếp tục trả quả khổ kế tiếp và tội còn nặng hơn. Tại sao vậy?

Tại vì khi tự sát, mình mắc tội giết người và còn thêm một cái tội nữa là tội trốn tù. Cho nên kẻ tự sát là kẻ trốn nghiệp, những người tự sát như vậy là những người hèn nhát trước cái khổ mà trốn tránh, không dám nhìn thẳng cái khổ, không dám lấy cái khổ làm niềm vui cho mình, không dám lấy cái khổ để trả nghiệp, không biết chuyển khổ làm vui, chuyển họa làm phước, xưa đức Phật dạy:

“Đứng lại thì chìm xuống
Tiến tới thì trôi dạt
Chỉ có vượt qua”.

Kẻ gặp khổ mà đứng lại là kẻ hèn nhát chỉ biết kêu khóc, rên la, than thân, trách phận, oán trời trách người, làm như vậy có lợi ích gì? Hoặc vào chùa cúng bái, tế lễ, cầu xin thì cũng chẳng bao giờ giải quyết được gì? Hoặc trốn bỏ đi tu vào chùa thì những người này có tìm sự giải thoát chỗ nào được, đó là hạng người tránh né.

Kẻ gặp khổ cầm dao tự sát, hay uống thuốc độc hoặc thắt cổ, nhảy sông trầm mình tự tử, đó là những người trôi dạt, những người hèn nhát, những người này bị nhân quả xỏ mũi, những người này nô lệ cho nhân quả, những người này vô đạo đức thiếu ý chí làm người.

Người ta cứ nghĩ rằng khi chết là hết khổ, sự thật không phải thế, khổ là do nhân quả, ăn ở chẳng lành khiến cho bao nhiêu người khác khổ, vì thế mà phải thọ quả khổ để đền trả những điều mình đã làm ác và như vậy không phải là đạo lý. Tại sao làm cho kẻ khác khổ bây giờ lại trốn tránh? Một đời dám ăn thịt chúng sanh, biết bao nhiêu xương máu và sự đau khổ của loài vật khác đã đem vào cuộc sống của mình mà bây giờ không dám nhìn thẳng sự khổ ấy? Không dám vui nhận sự khổ ấy? Cớ sao lại phải tự tử. Tự tử đâu có nghĩa là thoát khổ mà còn phải thọ khổ gấp trăm ngàn lần. Tại sao vậy ?

Vì tự tử tội ác chồng lên tội ác, các phật tử đừng nghĩ rằng mình tự giết mình là vô tội. Đối với luật nhân quả không có thời gian và không gian, nó chỉ biết có thiện và ác mà thôi, vì không có không gian nên nó trừng phạt quý vị chịu khổ đau trong nhiều thân và nhiều kiếp; vì không có thời gian nên sự thưởng phạt của nó liên tục không gián đoạn, nên quý vị bỏ thân này thì lại tiếp tục thân kia để chịu khổ đau và cái khổ đau này lại chồng lên cái khổ đau khác nữa.

Người tự tử đối với luật nhân quả được xem là tội giết người, phải xử phạt tội như xử phạt kẻ cố sát, còn thêm một tội nữa là tội trốn pháp luật (luật định của nhân quả).

Người giúp đỡ cho người tự tử cũng là có tội tòng phạm giết người. Một lời nói khiến cho người ta chết là tội giết người. Rầy mắng con cái khiến con cái tự tử là tội giết người. Vợ chồng rầy rà cãi vã khiến chồng hoặc vợ tự tử đều là tội giết người.

Tóm lại, người tử tự là người trốn luật nhân quả, là con người không thể nào trốn luật nhân quả được, dù trốn bất cứ nơi đâu cũng không thể thoát khỏi, trốn luật nhân quả càng trốn luật nhân quả là bị luật nhân quả chi phối nặng thêm tức là thọ khổ nhiều hơn nữa, chỉ có điều duy nhất là tâm bất động trước luật nhân quả là đã chuyển được nhân quả.

Hỡi các phật tử! Tất cả những sự đau khổ tận cùng của sinh mạng con người, nếu ai không dao động tâm, thì thân tâm người ấy sẽ mát lạnh, chính người ấy đã chuyển được nhân quả của người ấy, người ấy thoát khổ.

Bởi vậy người tự tử là người ngu si tự mình làm khổ thêm cho mình, tạo thêm tội ác cho mình, Đức Phật dạy: “thọ là vô thường” có gì mà chúng ta phải sợ, vì thọ có khi có, có khi không, có gì mà chúng ta lo sợ, mà tự tử phải không quý vị.

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Previous Post
Next Post