Thân kiến

Hỏi: Kính bạch Thầy! Thân kiến là gì? Có phải là những kiến chấp về thân, coi trọng cái thân không? Có phải nó làm cho mình giảm nghị lực để chiến thắng mọi khó khăn, mọi hoàn cảnh về thời tiết bệnh hoạn? Rồi nó luận tu pháp này dễ hơn, khỏe hơn (vô vi, yoga) để mình xa dần pháp môn chân chánh của đạo Phật? Nếu vậy, muốn phá được thân kiến phải tu tập những gì để có sức tự chủ, con cúi xin Thầy giúp chúng con thoát khỏi hoặc ngăn ngừa những sai lầm!
Diệu Tâm vấn đạo
Đáp: Theo con hiểu về thân kiến rất đúng.

Trên đời người ta khổ vì chấp thân của ta, gặp hoàn cảnh khó khăn, gặp việc khó khăn, gặp khí hậu thời tiết, bệnh tật khó khăn là ta đi tìm cảnh tránh né cho khỏe thân hơn, tức là chấp ngã.

Tu hành gặp pháp xả tâm, diệt ngã, ly dục ly ác pháp quá khó khăn, khiến cho thân tâm phải mệt nhọc từng phút, từng giây để chiến đấu đem lại sự làm chủ cuộc đời mình thì rất mệt nhọc, nên thối tâm chạy theo tu các pháp Tịnh độ, Mật tông, Thiền tông, Vô vi, Yoga, v.v.. đó là do bệnh chấp ngã, xem ngã trọng, sợ ngã mệt nhọc, để tu các pháp khác an ổn, hỷ lạc hơn, ngồi thiền nhiều khỏe hơn.

Tất cả lý luận này là lý luận chấp ngã, nuôi ngã, dưỡng ngã.

Người chấp ngã, nuôi ngã là đi ngược lại đường lối tu tập của đạo Phật thì dù có tu muôn kiếp cũng khó giải thoát được.

Tu như vậy, tu để làm gì, tốt hơn sống ngoài đời có đạo đức nhân quả còn khỏe hơn, để chạy đi tìm dục lạc trong thiền định để làm gì? Nếu nói để trị bệnh thì làm sao thiền định trị bệnh được.

Bệnh gốc nhân quả, muốn trị bệnh thì phải trị bằng nhân quả, sao lại trị bệnh bằng Thiền tưởng. Thiền tưởng chỉ làm cho chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái và phục hồi những rối loạn chức năng của cơ thể, chớ không thể chữa hết nghiệp nhân quả bệnh khổ.
Muốn phá được thân kiến thì chỉ có pháp thiền định của đạo Phật:

1- Định Niệm Hơi Thở.

2- Định Chánh Niệm Tĩnh Giác.

3- Định Vô Lậu.

4- Định Sáng Suốt.

Hằng ngày phải chuyên cần tu tập pháp hướng tâm: “Tâm như đất” thì thân kiến mới dứt.
* * * * *
Tu tập Diệt ngã – Xả tâm

Cái bản ngã tham ác luôn tồn tại trong tâm con người. Vì tâm ngã ác ấy mà nó dẫn đầu cho các ác pháp, đưa ta đi đến chỗ bất tịnh khổ đau, tranh giành thắng thua, cái tôi, cái của tôi, gây ra biết bao đau khổ cho mình, cho người và theo nghiệp bất tịnh ấy, đưa ta vào chỗ ưu bi, sầu khổ, bệnh tử luân hồi.

Hôm nay. Thầy chia sẻ với các con lời dạy và pháp hành diệt ngã - xả tâm của Phật.

Trong kinh Nikaya Phật thuyết kệ:

Bằng, thắng, hay thua ta
Nghĩ vậy đấu tranh khởi
Cả ba không dao động
Bằng, thắng không khởi lên
Nếu như vị rõ biết
Hãy nói lên Dạ Xoa

Các con ạ. Ở đời ta hay tự mình làm mình khổ vì ôm cái tôi, tức là ôm cái ngã chấp mà tự sinh đau khổ, đấu tranh trong tâm ta. Vì lòng tham cái tôi, cái của tôi, mà khi thấy ai bằng mình, thắng mình thì sanh tâm hiềm tị ganh ghét, và tự ưu bi, buồn bã khi bị thua thiệt. Tự làm khổ mình, rồi đấu tranh làm khổ người vì hiềm hận ấy.

Rồi ai thua ta thì sanh tâm ngã mạn, thích thú kiêu căng. Đó là phi phạm hạnh, thiếu đức hạnh từ bi.

Nên khi tâm các con khởi lên cái tâm phân bày ai đó bằng, thắng, hay thua mình, các con sanh tâm ưu bi buồn hận, ganh tị hay thích thú.... các con phải TƯ DUY CHO KĨ và THỰC HÀNH xả cho sạch. Phải THỰC HÀNH NHƯ LÝ TÁC Ý mà xả sạch cái bản ngã, cái tâm ác khổ ấy đi cho sạch. Để giữ cho cái tâm con nó bình thản tự nhiên, nó rỗng rang thanh tịnh.

Các con hãy theo lời dạy về pháp quán niệm từ bỏ, nương theo hơi thở (Anapanasatti Sutta) mà thực hành tác ý:

- Từ bỏ bản ngã này tôi biết tôi hít vô. Từ bỏ bản ngã này tôi biết tôi thở ra.

Hãy quay vào trong và thực hành dùng ý thức nhắc tâm như vậy.

NHƯ LÝ TÁC Ý. Tiếng Việt có nghĩa là THEO NHƯ CÁI CHỖ ẤY MÀ NHẮC TÂM.

Nhắc tâm lìa bỏ ác, để thay vào đó là một bản tâm thanh tịnh tự nhiên.

- An tịnh tâm hành tôi biết tôi thở vô. An tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra.

Như lý tác ý là pháp ám thị tâm. Thay cái tướng tâm ác này bằng một tướng khác. Nên pháp ám thị thực hành đúng lúc, đúng chỗ thì nó không ức chế tâm, mà nó thanh thản tự nhiên

Nhờ thực hành pháp mà ác pháp trong tâm không khởi lên. Không đưa ta đến chỗ tự làm khổ mình, làm khổ người. Nhờ vậy mà đức hạnh sáng trong, lời nói bình thản chân tình, khuôn mặt từ ái, tâm rộng lớn bao la không gợn sóng xô dao động.

Nếu như ta rõ biết như vậy. Thì những quỉ ác Dạ Xoa không hỏi đến ta.

Nếu như vị rõ biết
Hãy nói lên Dạ Xoa.

Diệt sạch ngã ác. Các con sẽ phá được vô minh.

Các con chỉ ham thích giáo lí, mà KHÔNG THỰC HÀNH PHÁP. Thì khác nào như: MUỖNG VỚI VỊ CANH, Phật nói là như cái muỗng cho vào tô canh, không được NẾM VỊ NGỌT GIẢI THOÁT.

Còn thực hành tư duy cho kĩ, xả cho kĩ, thì như LƯỠI NẾM VỊ CANH, được nếm MÓN ĂN GIẢI THOÁT.

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Previous Post
Next Post