Ức chế thân tâm, tâm giải thoát

ỨC CHẾ THÂN TÂM

Như thế nào là tu ức chế thân, tâm?

Do sự hiểu biết của tôi còn nông cạn, tôi chỉ cố gắng nêu ra những gì mình hiểu biết, để giúp cho đường tu của mình rõ ràng hơn, bởi vì không khéo tu tập, chỉ cần lỡ một chút là tu ức chế tâm, tu sai, có thể đi xa ngàn dặm, biến sự giải thoát của Phật giáo trở thành chướng ngại cho cuộc đời tu của mình.

Từ những lời dạy của thầy Thích Thông Lạc, tôi biết được trạng thái giải thoát của đạo Phật nằm ở chổ tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Vậy như thế nào là thanh thản, an lạc và vô sự?

Thanh thản ở đây là chỉ cho tâm thanh thản, không bị chướng ngại, không bị dục và ác pháp lôi kéo, là tâm không dính mắc vào 6 trần, là tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi và 17 kiết sử trói buộc.

An lạc ở đây là chỉ cho thân an lạc, là thân không bị chướng ngại hay cảm thọ nào như không có bệnh tật, đau nhức, ngứa ngáy, khó chịu, nhột, mệt mõi, buồn ngủ, hôn trầm thùy miên, vô ký, ngoan không,... Thân không làm một sự việc gì, có nghĩa là thân không ăn, không nhai, không nuốt, không uống, v.v... ấy là THÂN AN LẠC. Thân an lạc là niệm Vô Sự của thân.

Không cột chặt 6 căn như: Tập trung mắt nhìn vào một điểm không chớp mắt, tai tập trung nghe âm thanh nào đó không bỏ ra,... Thích ngồi thiền kiết già lâu, càng lâu càng tốt, ngồi nhiều giờ, ngồi kiết già đau chân là bị chướng ngại ở thân, ráng ngồi chịu đau là đang ức chế thân; đi kinh hành nhiều giờ làm cho thân mệt mõi là đang ức chế thân. Muốn thân an lạc thì ngồi kiết già thấy đau chân thì xả ra ngay, đi kinh hành thấy mõi chân thì ngồi nghỉ.

Vô sự là chỉ cho thân tâm không còn bị chướng ngại nào cả, không còn dính mắc vào điều gì, vào bất kỳ pháp nào.

Không vô sự nghĩa là đang hữu sự. Hữu sự là đang dính mắc. Đang dính mắc có thể là dính mắc vào dục, ác pháp, kiết sử, các pháp trần bên ngoài, vào pháp tu tập, vào các trạng thái tu tập,... Ví dụ: đang tu tập các loại pháp môn là đang hữu sự, đang nhiếp tâm cho hết vọng tưởng, nhiếp tâm không cho khởi niệm thiện niệm ác, đang ngồi thiền, đang tụng kinh, đang sám hối, đang trì chú, đang niệm thần chú, đang chú tâm vào hơi thở, đang tập trung nhìn vào một điểm nào, đang chú tâm nhìn bụng phình xẹp, đang đếm hơi thở, đang tập pháp này pháp nọ, đang tập trung nhìn vào bước chân đi hay từng hành động của thân, đang bám vào hay đang nhìn hoặc đang cố giữ các trạng thái vắng lặng, tĩnh lặng, khinh an hỷ lạc, trạng thái bất động thanh thản an lạc và vô sự, đang tư duy quán xét là đang hữu sự,....

Còn một trạng thái tu ức chế tâm mà ít ai thấy đó là người đi tu thích vào chùa, tu viện tu, hoặc đi tìm những nơi vắng vẻ để tu hành. Vào những nơi thanh tịnh như vậy thì làm sao biết được tâm mình có xả hay không? không có chướng ngại hay đối tượng thì làm sao biết tâm mình còn tham, sân, si, mạn, nghi hay không? tu như vậy là tu ức chế tâm. Ngược lại, người tu tập có đối tượng mà luôn xả tâm thì sự giải thoát nhanh và không bị ức chế tâm.

Từ sự suy xét trên tôi rút ra được bài học, người tu theo đạo Phật muốn tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự thì chỉ có ngồi chơi thanh thản, an lạc và vô sự. Ngồi, đi, đứng, nằm tự nhiên như người nhàn ru, nhưng phải tỉnh táo với ý thức biết rõ mọi vật xung quanh, thấy biết rõ mọi pháp xung quanh, mọi đối tượng tác động vào nhưng không dính mắc, không bị lôi kéo cám dỗ, đó gọi là thiền xả tâm của đạo Phật. Ngồi chơi biết rõ từng tâm niệm. Niệm ác thì quán xét tư duy thấy rõ tai hại, nguy hiểm của chúng, dùng pháp "Như lý tác ý" đuổi, cương quyết không làm theo, từ bỏ và đoạn diệt. Niệm thiện thì cũng quán xét tư duy sâu để tăng trưởng chúng.

Sự giải thoát của đạo Phật đâu cần tu tập gì nhiều, đâu cần công phu sáng chiều tối, đâu cần ôm pháp này tu ôm pháp kia tu,...Không cần tu tập gì cả mới thấy được sự giải thoát của đạo Phật. Đó là trạng thái giải thoát cần được giữ gìn và hộ trì. Ngồi chơi suốt ngày, không sướng hay sao, hay là phải cực nhọc ôm pháp này tu, ôm pháp khác tu mới gọi là thoải mái. Trong bài giảng “Tu Tập Giải Thoát” thầy Thích Thông Lạc có dạy rõ điều này.

Tu là xả tâm, là sửa tâm, sửa những tật, những thói quen, những tâm xấu thành tốt, sửa những tâm chạy theo dục và ác pháp thành tâm ly dục và ác pháp. Chỉ cần chúng ta hiểu đâu là dục, đâu là ác pháp, đâu là tai hại, sự nguy hiểm của chúng, rồi chúng ta không chạy theo sự cám dỗ của chúng nữa là xong.

Càng ôm pháp tu tập thì càng làm cho thân tâm mõi mệt, đó là chúng ta đang ức chế thân tâm. Tu theo đạo Phật là xả tâm, xả những tâm tham, sân, si, mạn, nghi, những kiết sử trói buộc.

Chúng ta thử tự suy xét lại xem, ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, luyện thần chú, tập trung vào hơi thở, tập trung chú ý bụng phình xẹp,... có làm hết tham sân si, mạn, nghi và những kiết sử không? Muốn tham, sân, si, mạn, nghi và những kiết sử hết thì chúng ta phải tự mình ly, từ bỏ và đoạn diệt chúng bằng cách sống không còn chạy theo những cám dỗ của chúng nữa. Chỉ cần chúng ta sống giữ gìn giới luật, sống độc cư, ngồi chơi thì những thói quen, tật xấu, những dục lạc, ác pháp, kiết sử sẽ tuông trào ra cám dỗ, lôi kéo chúng ta chạy theo chúng. Nhưng nếu chúng ta không làm theo, không chạy theo, không để chúng lôi kéo là chúng ta đang ly dục, ly ác pháp và các kiết sử. Chỉ có như vậy thì các tâm tham, sân, si, mạn, nghi mới không còn nữa.

Từ xưa tới nay chúng ta đã huân tập vào những dục lạc ham muốn và ác pháp của thế gian. Chúng đã tạo thành nghiệp. Hôm nay chúng ta sống giữ gìn giới luật, sống độc cư, phòng hộ sáu căn thì những niệm dục và ác pháp phải tuông trào ra. Chúng tuông trào ra là chúng đang vùng vẫy giãy dụa, chúng đang lý luận đủ mọi cách để lôi kéo chúng ta trở về đời sống dục lạc thế gian, vì đó là môi trường sống của chúng. Giống như nước là môi trường sống của các loài cá. Khi cá bị bắt lên bờ hoặc mắc cạn, các chú cá vùng vẫy, giãy dụa, nếu không cho trở về môi trường nước lại thì chúng sẽ yếu dần và chết. Cũng vậy, trong môi trường giới luật, sống độc cư, phòng hộ sáu căn, những niệm dục, ác pháp và các kiết sử sẽ vùng vẩy, giãy dụa tuôn trào ra, lúc đầu rất mạnh, nhưng nếu chúng ta kiên trì ly dục ly ác pháp, không chạy theo những cám dổ, lôi kéo của chúng thì chúng sẽ hết sức, yếu dần và mất hẳn. Lúc đó chúng ta sẽ nhận ra rằng “tâm tôi không có tham, tôi biết tôi không tham, tâm tôi không sân, tôi biết tôi không sân, tâm tôi không si, tôi biết tôi không si,...”. Chính chổ tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi là tâm đang bất động thanh thản an lạc và vô sự.

Dĩ nhiên trong quá trình tu tập khi thân tâm có chướng ngại pháp, bị dục và ác pháp tấn công thì chúng ta phải ôm pháp tu tập, nhưng khi các chướng ngại pháp, dục và các ác pháp bị đẩy lui thì chúng ta phải buông bỏ các phương pháp tu tập xuống, đừng ôm mãi nữa. Vì còn ôm pháp là còn hữu sự, chưa vô sự.

Do vậy, người tu theo đạo Phật rất cần thiết phải:

Giữ gìn giới luật, giới luật không phải là luật pháp hay giới cấm. Chúng ta phải hiểu rằng giới luật là thiện pháp, là những đức hạnh dạy chúng ta sống không còn làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh nữa. Giới luật giúp cho chúng ta thay hình đổi dạng, từ người xấu trở thánh tốt thiện, biết sống thương yêu và tha thứ. Giới luật giúp cho chúng ta mang niềm vui và hạnh phúc đến cho mình, mọi người và muôn loài vạn vật chúng sinh khác.

Tu Định Chánh Niệm Tĩnh Giác và Định Niệm Hơi Thở để tâm luôn tỉnh thức nhận ra được từng tâm niệm ác thiện, từ đó mới nhận ra được từng tâm niệm dục và ác pháp, do nhận ra thì mới ngăn và diệt ác pháp, làm cho sanh và tăng trưởng những niệm thiện.

Tu Định Vô Lậu để thấy rõ, hiểu rõ những nguy hại, nguy hiểm, tác hại của những niệm dục, ác pháp và những kiết sử.

Sau khi quán xét vô lậu rõ ràng thì chúng ta mới buông xả dễ dàng. Tu định vô lậu còn để thấu hiểu các pháp thế gian, những sự việc, những diễn biến xảy ra hằng ngày xung quanh đều là những màn kịch của nhân quả. Mỗi người, mỗi vật, mỗi hoàn cảnh xung quanh chúng ta đang là những diễn viên, tài tử, phim trường, kịch trường đại diện cho nhân quả diễn xuất những nhân quả thiện ác mà chúng ta đã gieo trong quá khứ. Trong phim ảnh hay kịch bản thì phải có người tốt, người xấu, người phản diện, người chánh diện, người đóng vai phụ, người đóng vai chánh, nhưng dù họ đóng vai trò gì thì sau khi phim kịch kết thúc, họ đều trở về một người bình thường, không liên quan gì đến kịch bản cả.

Do hiểu rõ nhân quả như vậy, khi bị ai hại, chửi mắng, đánh đập, cướp giật, chỉ trích, nói xấu, lừa dối,... chúng ta đừng trách móc, hờn giận, chửi mắng nói xấu ai, bởi vì họ đang đóng kịch nhân quả thôi, họ cũng không muốn đóng vai phản diện, vai xấu như vậy đâu.

Lỗi là lỗi của ta đã gieo nhân xấu cho nên ngày nay mới gặp những tài tử xấu này, chính họ đang cho chúng ta thấy lại những gì chúng ta đã gieo, do hiểu rõ điều này chúng ta hãy luôn sống thương yêu và tha thứ, dù nhân quả đến như thế nào, diễn xong vỡ kịch này họ sẽ trở về đời sống bình thường của họ, vẫn là một người tốt, không ai là không muốn trở thành người tốt, không ai muốn trở thành người xấu đâu, nhân quả là vô thường mà, rồi tất cả sẽ trở thành người tốt, người thiện, và người lành. Họ đang giúp đỡ chúng ta đó, đang là đối tượng để giúp chúng ta tu tập xả tâm,... Do có đôi mắt nhân quả như vậy mà tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Biết sống nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.

Tu Định Sáng Suốt để thân tâm trở về trạng thái cân bằng, khỏe mạnh sau khi tu tập các loại định trên. Nghĩa là ngồi xả nghỉ nhưng tâm luôn sáng suốt không bị mê mờ, không rơi vào các trạng thái hôn trầm, thùy miên, vô ký ngoan không.

Tóm lại, sự thông suốt đúng đường lối tu tập của đạo Phật giúp cho chúng ta đi đúng, tu đến đâu là thấy sự giải thoát ngay đến đó, giống như lời Phật dạy “Đạo ta, không có thời gian, đến để mà thấy”. Đến là thấy sự giải thoát ngay. Tu mà chỉ ngồi chơi thì làm sao không thấy sự giải thoát phải không các bạn?

Ngược lại nếu chúng ta thấy chúng ta tu tập mà gặp quá nhiều chướng ngại, thấy thân tâm mệt mõi, bệnh tật đến thăm triền miên, nay đau chổ này, ngày mai đau chổ khác, không thấy thân tâm thanh thản an lạc và vô sự thì chúng ta nên coi lại cách tu của mình, do mình quá vội vã chưa thông suốt những gì cần thông suốt mà đã lo tu tập, do mình hiểu sai, chọn sai cách tu tập, do mình chọn lầm pháp môn tu tập, do mình không tu pháp xả tâm mà chỉ lo ôm pháp tu ức chế tâm, do mình chưa xả tâm ở ngoài đời mà đã vào chùa tu,... Trong bài giảng “Căn bản tu hành từ thấp đến cao” thầy Thích Thông Lạc đã nói về vấn đề này.

Vào chùa tu ít đối tượng thì làm sao biết được tâm mình mà xả, vào chùa ôm pháp này pháp kia tu làm sao gọi là xả tâm được, chỉ làm cho thân tâm thêm mệt mõi, đâu khác gì người ngoài đời đi làm, ngày nào cũng như ngày nấy ôm cái máy tính, ôm máy móc để sửa, ôm một đống giấy tờ để làm sổ sách,... Do cứ ôm pháp này pháp nọ tu rồi biến pháp tu tập đó thành cái nghề luôn, như nghề tụng kinh, nghề cầu an, cầu siêu, nghề dạy ngồi thiền, nghề dạy bắt ấn, nghề dạy luyện thần chú.

Do sự tu tập của tôi còn chưa có nhiều kinh nghiệm, không tránh khỏi còn nhiều thiếu xót trong vấn đề nhận ra sự ức chế của thân tâm. Nếu quý đạo hữu nào biết như thế nào là tu tập ức chế thân tâm, kính mong quý đạo hữu bổ sung thêm! Cám ơn.

TÂM GIẢI THOÁT

Dựa vào bài "Món ăn giải thoát" của thầy Thích Thông Lạc giảng, chúng ta đã xác định được tâm giải thoát của đạo Phật là "tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự". Cái quan trọng là làm sao giữ gìn, bảo vệ và hộ trì chân lý này suốt cuộc đời, bởi vì chính tâm này là tâm Niết Bàn.

Qua những bài giảng cuối đời của thầy Thích Thông Lạc, thầy luôn luôn nhấn mạnh cho chúng ta thấy đạo Phật là đạo trí tuệ, trí tuệ đó là do chúng ta tự triển khai sự hiểu biết đúng với đường lối của Tứ Diệu Đế, lý nhân quả, lý vô thường, lý vô ngã, quán thân bất tịnh, thức ăn bất tịnh, ... để từ đó đứng trước mọi việc xảy ra trong cuộc sống, tâm chúng ta không bị lo lắng, phiền não, sợ hãi, sân giận và đau khổ, tâm luôn giữ được bất động thanh thản an lạc và vô sự.

Lời thầy Thích Thông Lạc dạy: "Trí tuệ là sự hiểu biết và tư duy đều giống nhau cả. Nhưng sự tư duy suy nghĩ một điều gì mà do lòng ham muốn và nghiệp tham, sân, si thúc đẩy thì đó gọi là trí tuệ thế gian; còn sự tư duy, suy nghĩ đó mà đi ngược lại với lòng ham muốn và nghiệp tham, sân, si thì đó là trí tuệ giải thoát, còn gọi là tri kiến giải thoát."

Nếu không triển khai tri kiến hiểu biết về Tứ Diệu Đế, nhân quả, vô thường, lý vô ngã, quán bất tịnh,... thì tâm sẽ bị lo lắng, buồn phiền, sợ hãi, sân giận và đau khổ. Do vậy việc triển khai tri kiến rất là quan trọng. Không có tri kiến giải thoát này thì chúng ta tu hành sẽ bị rơi vào ức chế tâm, không xả tâm được, chỉ dồn nén, chịu đựng mà thôi.

Tại sao nói rằng tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự là tâm giải thoát? Chúng ta hãy thử giải thích từng cụm từ một.

Bất động là không dao động trước bất kỳ một pháp nào nữa nghĩa là tâm không dao động trước các dục, ác pháp và các cảm thọ. Không bị chúng lôi kéo, cám dỗ, xúi dục, trước các cảm thọ đau nhức tâm không lo lắng, sợ hãi, phiền não, sân giận và đau khổ.

Thanh thản là tâm không còn lo lắng, buồn phiền, sợ hãi, sân giận và đau khổ.

An lạc là nói về thân được khinh an, an lạc không bị một bệnh tật đau nhức nào.

Vô sự là nói về sự buông xả hoàn toàn, không còn dính mắc vào thứ gì trên đời, tất cả đều buông xuống, không còn lo lắng, buồn phiền, sợ hãi và đau khổ nữa.

Do đó tâm bất động, thanh thản an lạc và vô sự là tâm giải thoát, là tâm chứng đạo, là tâm niết bàn.

Khi biết được trạng thái tâm giải thoát này chúng ta hãy luôn giữ gìn, bảo vệ và hộ trì chúng bằng phương pháp "Như Lý Tác Ý" và bằng Tứ Niệm Xứ. Như Lý ở đây là như lý của sự giải thoát, như lý của sự giải thoát là "tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự", đó là chân lý thứ ba trong Tứ Diệu Đế - diệt đế. Tác ý là thầm tác ý hoặc hướng tâm đến lý giải thoát này. Khi chúng ta thường xuyên tu tập pháp NHƯ LÝ TÁC Ý thì tâm của chúng ta ở trong trạng thái CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC.

Trước mọi việc xảy ra trong cuộc sống, chúng ta phải mạnh dạn vượt qua, không để bị đắm nhiễm, nhiễm ô vào dục và ác pháp, không để cho chúng lôi kéo, cám dỗ và xúi dục chúng ta, bằng câu tác ý: "tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự."

Ví dụ: khi đứng trước hình tướng người nữ hoặc hình tướng người nam, chúng ta triển khai tri kiến, thân họ là bất tịnh, là thân hôi thúi, uế trược, là nguyên nhân của sanh tử luân hồi,... Sau đó ta tác ý trong đầu: "tâm phải bất động thanh thản an lạc và vô sự, không được dính mắc vào, dính mắc là đau khổ muôn ngàn kiếp".

- Khi bị chửi mắng, la hét, ta triển khai tri kiến rằng: người đó đang nóng giận, họ đang đau khổ, hãy yêu thương họ, hoặc ta quán nhân quả thấy việc họ la mắng ta là do ta đã gieo nhân xấu trong quá khứ, nay phải chịu quả báo như vậy, ta thấy lỗi là do mình trước, nên im lặng hoặc nhận lỗi để giúp cho cơn sân giận của họ được giảm xuống, sau đó thầm nhắc: "tâm phải bất động thanh thản an lạc và vô sự, không được sân giận, hãy yêu thương họ".

- Khi tâm khởi lên muốn ăn uống phi thời, ta triển khai tri kiến về thức ăn là bất tịnh, ăn vào rồi thì chúng đã thành phân, thành những thứ chua hôi, có nhổ ra cũng không ai dám ăn. Chúng ta ăn để mà sống, sống để tu, nhất quyết không ăn uống phi thời, ăn uống linh tinh, chạy theo tâm tham dục ăn uống, do vậy ta thầm nhắc "tâm phải bất động thanh thản an lạc và vô sự, tâm không được tham ăn, tâm tham ăn cút đi."

- Khi thân bị bệnh đau nhức, chúng ta triển khai tri kiến rằng: bệnh là do nhân quả, là vô thường, thay đổi, đến rồi đi, có gì đâu mà sợ, trước sau gì mày cũng biến mất. Rồi thầm nhắc "tâm phải bất động thanh thản an lạc và vô sự, mặc kệ nó, không cần lo lắng, sợ hãi gì cả". Dù cho bệnh có đau nhức cỡ nào, sưng to, chảy nước mắt, đau như kim châm, dù cơn đau như ai cắt ruột, như ai banh da, xẻ thịt cũng chẳng hề dao động, phải bình tĩnh sáng suốt, không sợ, chỉ cần bền chí, kiên trì, dũng mãnh giữ tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự là sẽ vượt qua, làm chủ nhân quả.

Rõ ràng nhờ triển khai tri kiến giải thoát thì tâm chúng ta mới bảo vệ và giữ gìn được chân lý giải thoát là tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Nếu không triển khai tri kiến giải thoát mà chỉ tác ý câu "tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự" thì đó cũng là ức chế tâm. Do vậy sự xả tâm của đạo Phật chính nhờ vào triển khai tri kiến, sự hiểu biết như thật tất cả các pháp đều là nhân quả, đều vô thường, đều không có gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta, đều khổ,... Chính vì vậy đạo Phật gọi là đạo trí tuệ.

Sự giải thoát của đạo Phật rất rõ ràng, ai sống đúng đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh là CHỨNG ĐẠO. Sự chứng đạo của Phật giáo không có khó khăn, không có mệt nhọc chỉ cần chịu khó học tập đạo đức nhân bản – nhân quả, để có tri kiến giải thoát thì tâm sẽ luôn luôn ở trạng thái giải thoát, trạng thái tâm giải thoát gọi là Chứng Đạo. Lời thầy Thích Thông Lạc dạy: "Học đạo đức là học xả tâm; là học làm người không bao giờ bị ràng buộc bởi những ác pháp; là học làm người mà ra khỏi bản chất tham, sân, si, mạn, nghi của con người." Nhờ học được đạo đức mà tham, sân, si, mạn, nghi không còn tác động vào tâm, do vậy tâm luôn bất động thanh thản an lạc và vô sự.

Qua đó ta thấy những lời khuyên của thầy Thích Thông Lạc trong các bài giảng cuối đời rất là quan trọng và hữu ích, chúng giúp cho chúng ta đi đúng đường, tu hành không còn bị ức chế nữa. Khi tu đúng đường thì tu đến đâu, xả đến đâu, thấy rõ sự giải thoát đến đó. Từng phút từng giây làm chủ tâm mình, biết rõ tâm mình đang giải thoát, vì hiểu rõ nó đang bất động thanh thản an lạc và vô sự. Chỉ cần ngày ngày giữ gìn và bảo vệ và hộ trì tâm giải thoát này thì tâm ta đã tương ưng với Phật, với Thầy, vì nó chính là tâm Niết Bàn rồi.

Tri kiến giải thoát rất quan trọng, dù cho chúng ta có biết rõ đường lối tu tập của đạo Phật mà không có tri kiến giải thoát thì có tu ngàn năm cũng không giải thoát. Tri kiến giải thoát phải được trau dồi, quán đi quán lại thường xuyên, quán càng sâu, càng nhiều cách thì mới thấm nhuần xả được những dính mắc, những ham muốn, ác pháp và các cảm thọ. Nếu chỉ quán sơ sơ, nghĩ là mình đã thông suốt thì chưa chắc đã xả tâm được. Do vậy, tri kiến giải thoát rất rất quan trọng cho việc xả tâm. Xả tâm được hay không chính là nhờ vào tri kiến giải thoát.

Giữ gìn, bảo vệ và hộ trì tâm giải thoát, không phải là ngồi nhìn vào nó, thích trạng thái đó. Nhìn vào nó là sai. Hãy sống bình thường, để tâm tự nhiên, hiểu rõ khi tâm không còn phóng dật, không còn dính mắc vào bất kỳ pháp gì, nó im lặng sáng suốt thì đó là tâm đang bất động thanh thản an lạc và vô sự. Biết như vậy là đủ, không cần phải tìm nó, cố giữ nó không cho mất, ngồi nhìn nó sợ nó mất. Chỉ cần sống bình thường tự nhiên như người vô sự.

Sau một thời gian học tập, đã quán xét và trau dồi tri kiến giải thoát nhiều lần và sâu, chúng ta sẽ nhận ra đến một lúc nào đó, những tri kiến về các pháp thế gian là nhân quả, là vô thường, là không có gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta, là bất tịnh, là khổ,...đã thấm nhuần, đã nhuần nhuyễn, đã hiểu rõ như thật, đời sống đã buông xả sạch, thì không cần quán vô lậu nữa. Lúc đó, khi có bất kỳ niệm dục, ác pháp hay cảm thọ khởi ra thì tâm tự hiểu rõ chúng như thật và thầm hướng tâm đến chân lý giải thoát "tâm bất động, thanh thản an lạc và vô sự.". Không cần quán và nhắc dài dòng như xưa nữa.

Mỗi khi có niệm khởi lên, chỉ cần thầm hướng tâm vào chân lý giải thoát là đủ. Từ đó ta sẽ nhận thấy và hiểu rõ ta đang giữ gìn, bảo vệ và hộ trì chân lý giải thoát "tâm bất động, thanh thản an lạc và vô sự." suốt ngày, suốt đêm, ngày này qua ngày nọ, sống với tâm giải thoát Niết Bàn.

Điều quan trọng ở đây là phải hiểu rõ tâm bất động thanh thản an lạc là gì. Kẻo không chúng ta hiểu sai thì tu hành không mang lại kết quả gì mà lại lạc vào thiền ức chế tâm, lạc vào các trạng thái tưởng, trở nên điên khùng rồi nói rằng pháp tu này không đúng, không mang lại sự giải thoát.

Tâm bất động không phải là tâm không vọng tưởng, không phải là tâm không niệm thiện niệm ác.

Tâm bất động là tâm vẫn có niệm, nhưng chỉ có niệm thiện không có niệm ác; chỉ có niệm ly tham sân si mạn nghi, không có niệm tham sân si mạn nghi; chỉ có niệm sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh khác; không có niệm sống làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh khác; là tâm ly dục ly ác pháp, không có niệm dục và ác pháp; là tâm ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện; là tâm biết rõ mọi vật xung quanh nhưng không dính mắc, chứ không phải tâm lờ mờ, lim dim, không biết rõ mọi vật xung quanh (ý thức đã bị chìm, bị mất, ý thức bị mất là tu sai, là đã bị lọt vào tưởng); là tâm không sợ hãi lo lắng buồn khổ trước mọi cảm thọ bệnh tật, đau nhức, ngứa ngáy,...; là tâm không dính mắc, không bám, không nhìn vào bất kỳ cảm thọ nào dù là các trạng thái khinh an hỷ lạc nào của thân tâm hoặc trạng thái bất động, yên lặng, thanh tịnh của tâm...; là tâm có chánh tư duy tìm đạo lý có những công đức gì thì nên che giấu, không được phô bày, nhưng có lỗi lầm nào thì nên phát lồ sám hối,... Tâm bất động chính là tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật chính là tâm bất động.

Previous Post
Next Post