Sát sanh làm đám cưới có phúc báo gì?

Hỏi: Kính bạch Thầy, nuôi con đến khi khôn lớn dựng vợ gả chồng, làm lễ cưới thật to linh đình, cũng phải giết thật nhiều chúng sanh, liệu hạnh phúc của đôi uyên ương ấy có được phúc báo không thưa Thầy?

Đáp: Theo luật nhân quả, giết hại chúng sanh để làm cỗ linh đình đó là làm đau khổ cho loài vật và đoản mạng chúng thì thử hỏi trước cảnh đau khổ và sự chết thảm khốc như vậy, nếu một người có lòng yêu thương mọi người, mọi vật thì tâm họ có hạnh phúc an vui không?

Một ông vua lấy đức trị dân, thương dân như con mình thì ngai vàng ấy rất vững vàng, chẳng có ai chống đối nhà vua và nhà vua rất hạnh phúc.

Một ông vua lấy uy quyền trị dân, thường nghi ngờ, bắt dân ra giết hại, dân chúng thường nổi lên chống đối, nay chỗ này, mai chỗ khác thì thử hỏi ngai vàng của nhà vua có vững vàng không? Và nhà vua ngồi trên ngai vàng có giống như ngồi trên đống lửa không?

Xét trong đời sống loài người, có cặp vợ chồng nào sống an vui hạnh phúc trọn vẹn đâu? Họ đều có sự vui, sự buồn, nghịch ý, trái lòng, bất toại nguyện, nhưng vì cuộc sống là như vậy không có lối nào thoát ra hơn, đành phải tùy thuận, nhẫn nhục mà sống với nhau cho đến ngày đầu bạc răng long xuống lòng đất, chưa phút nào họ được thanh thản, an lạc, v.v..

Chỉ vì mọi người chưa thông suốt lý nhân quả, nên mọi hành động đều tạo nhân thiện hoặc ác để rồi phải gánh chịu quả vui hoặc khổ. Thế cứ loanh quanh mãi trong vòng nhân quả mà chẳng biết đường nào ra, do đó thế giới của loài người là thế giới khổ: Vui đó rồi buồn đó, cười đó rồi khóc đó.

Cha mẹ làm đám cưới linh đình cho con, giết hại chúng sanh tưởng là tạo hạnh phúc, vinh hạnh, nào ngờ những việc làm đó đã mang lại cho con cái mình một nỗi bất hạnh mà chúng phải chịu lấy, không thể nào tránh khỏi quy luật nhân quả.


Hỏi: Kính thưa Thầy, lúc chết vào giờ xấu, cả Gia đình lo cuống cuồng, nào là lễ bái, tụng kinh, trì chú thật nhiều để trừ khử giờ xấu đó. Suốt ba ngày đêm phải giết  một trăm con gà, làm cỗ linh đình, mời cả làng đến ăn cỗ.

Sát sanh làm cỗ như thế, tụng kinh trì chú, để chống giờ xấu đó, vong linh mới được siêu thoát và người trong gia đình mới được lợi lạc, bình an. Thưa Thầy, có được như vậy không ạ?

Ðáp: Theo tinh thần của đạo Phật, đời người sanh ra có tốt, xấu, phước báo hay tai nạn, đều do những hành động nhân quả của chính mình đã gây tạo ra, chớ không phải do ai ban phước, giáng họa cho mình, mà cũng không phải vì tuổi tác xung khắc tốt, xấu hoặc ngày, tháng, năm tốt, xấu đem lại quả khổ cho mình. Bởi vậy, đạo Phật xem giờ, ngày, năm, tháng không có xấu, tốt. Xấu tốt là do hành động thân, miệng, ý của chính mình tạo ra.

Tùy theo sự văn minh của mỗi dân tộc trên hành tinh này mà phong tục, tập quán phát triển theo sự tiến hóa của môi trường sống. Lúc bấy giờ các nước Châu Á triển khai theo luật âm dương, bát quái, ngũ hành, dựa vào đó biên soạn kinh Thái Ất Dịch Số mới có những ngày, giờ tốt, xấu để con người kiêng cữ. Từ đó nó đã biến thành một mê tín có sách vở, có nghiên cứu rất tinh vi, khiến cho mọi người có trình độ kiến thức cao như những nhà khoa học và bác học vẫn phải tin theo, không có một lý luận nào chống trái, bắt bẻ, dù dựa vào khoa học cũng không bài bác, cho là mê tín được. Nhưng chúng ta phải biết, đó là một loại mê tín của văn minh người cổ xưa có bài bản.

Ðối với đạo đức nhân quả, thì những “văn minh” này đã khiến cho con người duy trì và làm những điều phi đạo đức. Một người chuyên làm những điều ác đức, giết hại biết bao nhiêu người khác và loài thú vật chỉ vì tư lợi cá nhân của mình, vì chiếc ngai vàng của những nhà vua độc tài, nếu xem ngày, giờ tốt, xấu trong mọi việc làm mà đạt được như ý nguyện, thì những người giàu có và các quan, vua chúa sẽ không bao giờ có tai nạn, bịnh tật, tử vong, mất nước hay sao?

Nếu xem ngày, giờ tốt, xấu trong mọi việc làm, mà đạt được như ý nguyện, thì con người trên hành tinh này sẽ trở thành những ác thú hung dữ, tàn sát lẫn nhau mà không gớm tay. Ví dụ, một người ăn trộm hoặc ăn cướp, giết người cướp của, chỉ cần đi xem ngày, giờ tốt xấu, rồi đi ăn trộm, ăn cướp mà không bị bắt và không bị tù tội, thì thử hỏi con người trên thế gian này làm sao còn sống được vì nạn trộm cướp. Do vậy, chúng ta biết đó là một loại mê tín có sách vở, từ loại mê tín có sách vở này, mới sản xuất ra các loại sách bói khoa, chiêm tinh, tiên tri, v.v...

Phật giáo ra đời không chấp nhận những điều mê tín phi đạo đức này, vì đạo Phật xây dựng giáo lý của mình trên một nền tảng đạo đức nhân bản công bằng và công lý. Một đạo đức không giai cấp, không quân tử, không anh hùng cá nhân, chỉ biết sống bình đẳng với mọi con người và thương yêu tất cả chúng sanh, không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, đó là một đạo đức công bằng nhất trên thế giới ngày nay. Nếu mọi người đều thực hiện và áp dụng vào đời sống hằng ngày thì hành tinh này là một cõi Thiên Ðàng của loài người.

Nếu đạo đức này được áp dụng vào đời sống của loài người, thì thế giới siêu hình không còn có nữa, những kinh sách xem ngày, giờ tốt, xấu và những loại sách bói khoa, chiêm tinh, tiên tri sẽ bị đốt sạch, vì con người không ai còn tin nữa.

Ngày, giờ, năm, tháng không có tốt, xấu; tốt, xấu là do con người đặt ra để kiêng  cữ thế này thế khác, nhưng kiêng cữ có được tai qua, nạn khỏi, bịnh tật tiêu trừ hay không? Chắc là không rồi, nhưng tại sao người ta lại tin? Người ta tin chỉ vì không hiểu rõ, còn mờ mịt, u tối, vô minh, không thấy đó là những điều phi đạo đức, làm lợi cho mình mà hại biết bao nhiêu người khác.

Sanh ra làm người là do từ nhân quả. Sống và lớn lên trong môi trường nhân quả, chung đụng với các pháp nhân quả, nên luôn luôn phải có những hành động nhân quả để đối phó xử sự mọi sự việc trong thiện pháp, mới có thể biến cảnh sống “Ðịa Ngục” thành “Thiên Ðàng”. Có thân này là thân nhân quả, thân nhân quả là vô thường, biến dịch thay đổi, thì có ai tránh khỏi bịnh tật, tai ương trong môi trường nhân quả này không? Nếu biết rằng không ai tránh khỏi luật nhân quả, sao lại còn bày chi luật âm dương dịch số, xem ngày, giờ tốt, xấu, tuổi tác, vận mạng, để lừa đảo, lường gạt người khác một cách vô đạo đức như vậy? Xét lại bản thân của những người bấy lâu nay làm điều gì đều phải xem tuổi tác và ngày, giờ tốt, xấu, thì có mấy ai đã đạt được kết quả tốt đẹp hoàn toàn bao giờ chưa? Có ai xem tuổi tác và ngày, giờ tốt, mà không có bịnh tật, hoặc tránh được tai nạn không?

Nếu xét cho kỹ, sự được, mất là do hành động nhân quả thiện, ác của mình, chớ không phải do tuổi tác ngày giờ tốt, xấu. Ðây cũng là một trò tưởng giải của loài người, tự gạt, tự dối mình, tự lừa đảo mình mà không hay. Không biết, cho nên người ta bảo rằng đó là “văn minh của người xưa”.

Thì ra trí hữu hạn của con người không giải quyết được những điều không hiểu, mà lại đầy ắp tâm tham vọng, mong cầu, ao ước một cuộc sống trên hết mọi người, không có ai bằng mình được về mọi mặt. Với tâm tham vọng đó, con người tưởng giải ra các pháp mê tín để an ủi tinh thần mình, nuôi hy vọng tương lai, tạo cho mình có một cuộc sống ảo tưởng, nuôi bản ngã càng ngày càng vĩ đại hơn.

Những giáo pháp này đã đưa con người sống không thật với chính họ và với mọi người. Cũng vì thế, đời người vốn sanh ra trong môi trường nhân quả đã đau khổ lại càng khổ đau hơn. Kinh sách mê tín, lừa đảo người, đã biến thành một nghề sống cho những người lười biếng, muốn “ngồi trong mát ăn bát vàng”, bằng cách lường gạt người khác, chỉ có những người vô minh, mê mờ, thiếu đạo đức nhân quả, đầy lòng tham vọng thì mới tin theo.

Người đệ tử chơn chánh của Phật giáo không bao giờ bị lường gạt, bởi họ được giáo dục và trang bị một “đạo đức nhân quả” rất đầy đủ mọi hành động không làm khổ mình, khổ người. Còn những kẻ tự xưng là đệ tử của đức Phật, được học tập giáo lý và nghiên cứu kinh sách Ðại thừa mê tín, phi đạo đức, thì những tu sĩ này là những thầy xem ngày, giờ tốt, xấu; còn tín đồ cư sĩ Phật giáo thì lại mê tín, hễ có điều gì thì đi xem tuổi tác, ngày, giờ để tránh tai bay, vạ gió. Thế là những gì mê tín, dị đoan, lạc hậu đều do trong nhà chùa bày vẽ ra, và cũng từ đó đạo Phật mất đi nền đạo đức nhân bản quý giá nhất của loài người.

Ðức Phật đã xác định: Không có thế giới siêu hình, không có ai cứu khổ, cứu nạn cho ai, không có ngày, giờ tốt, xấu. “Ta không cứu khổ cho các con được, các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi”, đây là lời di chúc cuối cùng của đức Phật, khi Ngài sắp nhập diệt. Thế mà, kẻ nào đã dạy tụng kinh, trì chú, để trừ khử cái giờ xấu đó, hoặc cầu an, cầu siêu cho gia đạo bình an và linh hồn được siêu sanh Tịnh Ðộ, là kẻ đó dám phỉ báng đạo Phật (chuyện không có dám mạo nhận Phật dạy có). Chúng tôi tin rằng, một ngày kia người ta sẽ lần lượt phát giác ra sự gian xảo đó, không ai có thể che dấu mãi được.

Lời dạy tụng kinh, trì chú trên đây, đối với Phật giáo là một điều phi đạo đức, phi Phật giáo.

Người tín đồ Phật giáo chân chánh sẽ không chấp nhận những điều mê tín, trừu tượng, mơ hồ, không rõ ràng, thiếu thực tế. Chỉ có kẻ ngu si mới không biết đó là thế giới tưởng (thế giới do tưởng ấm tạo ra). Ngày, giờ tốt, xấu cũng do tưởng ấm tạo ra, dựa vào sự hoạt động luân hồi (tuần hoàn) của luật vô thường, nhân quả, để tiên đoán quá khứ, vị lai và hiện tại của kiếp sống con người. Họ nói có khi đúng, cũng có khi sai. Ðúng là nhờ tưởng ấm sử dụng không có thời gian và không gian, giao cảm được mọi sự kiện nghiệp lực của nhân quả cũ; không đúng là vì luật nhân quả di dịch, thường hay thay đổi do hành động thiện ác của con người, khiến cho nghiệp lực nhân quả cũ được thay đổi theo không ngừng nghỉ. Do đó, các nhà tiên tri không thể nào tiên đoán trúng được 100%. Mặc dù kinh sách dịch số, chiêm tinh biên soạn rất công phu, dựa vào luật âm dương, bát quái tính toán rất tinh vi, giống như khoa học. Nhưng nó không phải là khoa học, nó chỉ là khoa tưởng tri của con người dựng lên, để giải quyết những ước vọng và giải quyết sự ngu dốt của con người. Càng giải quyết ước vọng, lại càng khổ đau hơn; càng giải quyết sự ngu dốt, lại càng ngu dốt hơn. Bởi vì những điều được dựng lên đều do tưởng tri tạo ra. Việc làm đó chỉ là một nguồn an ủi tinh thần, chẳng có gì ích lợi thiết thực cả, còn làm hao tài, tốn của và công sức rất nhiều của con người.

Khi sống làm những điều ác đức, đến khi chết nhằm vào giờ xấu, tức là quả báo hiện tiền, cớ sao lại trốn chạy, tránh né? Dựa vào thế giới tưởng, tụng kinh, trì chú, nhưng làm sao mà tai qua, nạn khỏi cho được. Ðối với đạo Phật, những kẻ làm như vậy là những kẻ không đạo đức, không phải là đệ tử của Phật. Họ là những kẻ hèn nhát, tự làm khổ mình và làm khổ kẻ khác, khi gặp khổ lại trốn chạy, tránh né.

Làm một điều ác, khiến cho người khác và chúng sanh đau khổ, khi thời tiết nhân duyên đủ, thì phải chịu lấy quả khổ, đừng hòng chạy chữa nơiđâu mà thoát khỏi. Luật nhân quả rất công bằng, không thiên vị một ai. Chỉ có vui vẻ nhận quả khổ đó (với lòng hối hận về những việc ác mà mình đã tạo khổ cho mình, cho người và cho chúng sanh) để sau nầy không còn làm ác nữa, mới có thể chấm dứt quả khổ.

Người đệ tử của Phật, trước cảnh khổ vẫn vui vẻ đón nhận lấy, không hề than thở, oán trách ai hết, cũng không chạy chữa, cúng bái, cầu khấn, van xin; không đi xem ngày tốt, xấu để tránh quả khổ, mà còn đón lấy với sự hân hoan, để tư duy những điều ác của mình đã làm, qua đó rút kinh nghiệm để tránh không làm điều ác nữa. Ðó là những điều Phật dạy chân chánh, để con người đối xử với con người, con người đối xử với tất cả chúng sanh, biến thế gian này thành Cực Lạc, Thiên Ðàng.

Dạy trì chú, tụng kinh, cầu cúng để tai qua, nạn khỏi; dạy xem ngày giờ tốt, xấu để mang đến phước báo, tài lộc đầy nhà, đó là một giáo pháp phi đạo đức, phi nhân quả, không thấu suốt lý nhân quả nên dạy những điều bất công; ngồi không mà muốn làm giàu; làm điều ác mà muốn tránh quả khổ. Ðó là kinh sách lừa đảo, lường gạt người khác có bài bản, tạo ra những hình thức rất cụ thể, giống như khoa học hiện đại, để dễ bề lừa đảo người có học thức. Nhưng chúng chỉ lừa đảo được những người thiếu đạo đức nhân quả.

Người có đạo đức không bao giờ chấp nhận và làm theo lời dạy trong kinh sách này.

Nghề xem ngày, giờ tốt, xấu và chiêm tinh, bói khoa hiện giờ cũng rất thịnh hành, không những với người ngu dốt mê tín, mà còn với những người có trình độ học thức vẫn bị lừa đảo.

Chỉ riêng đối với những người tu sĩ đạo Phật chân chánh, tu tập “Giới, Ðịnh, Tuệ”, thì không bị lừa đảo, còn ngoài ra, phải nói là tất cả mọi người, không ai tránh khỏi loại kinh sách này.

Dạy sát sanh 100 con gà, làm cỗ linh đình, cúng tế, mời cả làng đến dự tiệc, để trừ khử cái giờ chết xấu đó. Khi chết vào giờ xấu, chứng tỏ người này lúc còn sanh tiền đã làm những điều ác đức, tạo khổ người, khổ chúng sanh. Muốn chuyển quả khổ đó mà lại giết thêm 100 con gà, tức là tạo thêm một trăm cái khổ nữa, quả khổ chồng thêm 100 quả khổ khác nữa, thì làm sao gọi là trừ khử giờ xấu đó, để vong linh được lợi lạc. Xét cho tận cùng, đó là một điều dạy ác đức, không thể giải khổ cho người chết được, vô tình thiếu trí tuệ, bị lường gạt làm điều ác, đoản mạng chúng sanh. Vậy là vô tình tạo thêm tội khổ cho vong linh, và còn phải đọa nhiều kiếp khổ đau nữa.

Ðứng trên góc độ nhân quả, hễ làm một điều ác thì phải mang lấy một quả khổ, càng làm bao nhiêu điều ác, thì chồng lên bấy nhiêu quả khổ, phải chịu lấy, không thể xem ngày, giờ tốt, xấu mà tránh được, cũng không thể cầu cứu với ai mà cứu khổ được.

Do đó, nếu trong cuộc sống hằng ngày cứ làm thiện, đừng làm khổ mình, khổ người, cảnh giác từng hành động thân, miệng, ý luôn thanh tịnh, thì chuyển tất cả quả khổ ở quá khứ, mang lại hạnh phúc an vui cho mình, cho người trong cuộc sống hiện tại. Chẳng cần xem ngày giờ tốt, xấu, muốn làm điều gì (không đem lại khổ đau cho mình, cho người) thì ta cứ làm. Ngày giờ nào cũng tốt, cũng lành, chẳng cầu cúng ai hết, cũng chẳng tụng kinh, trì chú gì cả. Ðó chính là những điều Phật dạy, các phật tử cần nên ghi nhớ, dù đệ tử cư sĩ hay tu sĩ cũng phải ghi khắc trong lòng, đừng nghe theo tà thuyết ngoại đạo, làm những điều phi đạo đức nhân quả, không xứng đáng là đệ tử của Phật. Phải quyết tâm, chặn đứng những hành động lừa đảo, gạt người; và thẳng tay đốt sạch những kinh sách mê tín, trừu tượng phi đạo đức, để tránh sự hao tài, tốn của của đồng bào phật tử cả nước và mọi người trên thế giới. Luôn luôn phải sống đúng đạo lý nhân quả, thiện ác phân minh rõ ràng, để đem lại mình vui, người khác vui. Ðó là chân giải thoát của đạo Phật.

Người giữ gìn và sống đúng đạo đức nhân quả là đệ tử chân chánh của đức Phật, sống một đời sống trầm lặng, thanh thản, an lạc, yên vui.

Trưởng lão ThíchThông Lạc
Previous Post
Next Post