Phiền muộn

Thực tế là ở chỗ con người bao giờ cũng sống trong nghèo nàn. Nghèo nàn có điều đẹp đẽ về nó: nó không bao giờ phá huỷ hi vọng của bạn, nó không bao giờ chống lại ước mơ của bạn, nó bao giờ cũng đem tới nhiệt tình vì ngày mai. Người ta hi vọng, tin tưởng rằng mọi sự sẽ tốt đẹp hơn: thời kì đen tối này đã qua đi; chẳng mấy chốc sẽ có ánh sáng. Nhưng tình huống đó đã thay đổi. Vấn đề phiền muộn đã xảy ra ở các nước phát triển, vấn đề phiền muộn không phải là ở các nước chưa phát triển - ở các nước nghèo, mọi người vẫn còn hi vọng - chính là chỉ có ở các nước đã phát triển, nơi họ có đủ mọi thứ họ đã từng khao khát. Bây giờ cõi trời sẽ không còn tác dụng thêm nữa; xã hội phi giai cấp cũng chẳng ích gì thêm nữa. Không xã hội không tưởng nào lại sẽ tốt hơn. Họ đã đạt tới mục đích - và việc đạt tới mục đích này là nguyên nhân của phiền muộn. Bây giờ không còn hi vọng: ngày mai thành đen tối, và ngày kia sẽ lại còn đen tối hơn.

Tất cả những điều này mà họ đã từng mơ tới đều rất đẹp. Họ chưa bao giờ nhìn vào những hệ luỵ của chúng. Bởi vì họ đã có được chúng, họ có chúng cùng với những hệ luỵ của chúng. Một người là nghèo, nhưng người đó ăn ngon miệng. Một người là giàu, nhưng người đó lại ăn không ngon. Và là người nghèo và ăn ngon miệng còn tốt hơn là người giàu mà chẳng ngon miệng. Bạn định làm gì với cả đống vàng, đống bạc, đống đô la của bạn? Bạn không thể  ăn được chúng. Bạn có mọi thứ, nhưng cái ngon miệng đã biến mất, cái mà bạn đã vật lộn từ lâu để có được. Bạn đã đạt tới nơi bạn muốn tới, nhưng bạn lại không nhận biết về sản phẩm phụ. Bạn có hàng triệu đô la, nhưng bạn không thể ngủ được...

Khi con người đạt tới mục tiêu ấp ủ, thế thì người đó trở nên nhận biết rằng có nhiều điều quanh chúng. Chẳng hạn, trong cả đời mình bạn cố gắng kiếm tiền, cứ nghĩ rằng một ngày nào đó, khi bạn có nó, bạn sẽ sống một cuộc sống thảnh thơi. Nhưng bạn đã từng căng thẳng suốt cả đời - căng thẳng đã trở thành kỉ luật của bạn - và tới cuối đời, khi bạn đã đạt tới tất cả tiền bạc bạn muốn, bạn lại không thể thảnh thơi được. Toàn bộ cuộc đời đã bị khép vào kỉ luật trong căng thẳng, và khổ sở cùng lo nghĩ sẽ không để cho bạn thảnh thơi. Cho nên bạn không phải là người chiến thắng, bạn là kẻ chiến bại. Bạn ăn không ngon, bạn huỷ hoại sức khoẻ mình, bạn huỷ hoại cảm giác của mình, nhạy cảm của mình. Bạn huỷ hoại cảm giác thẩm mĩ của mình - bởi vì không có thời gian cho tất cả những điều này, cái không tạo ra đô la.

Bạn đang đuổi theo đô la - ai có thời gian để ngắm hoa hồng, và ai có thời gian để ngắm chim tung cánh, và ai có thời gian để ngắm cái đẹp của con người? Bạn trì hoãn tất cả những điều này để cho một ngày nào đó, khi bạn có mọi thứ, thì bạn sẽ thảnh thơi và tận hưởng. Nhưng đến lúc bạn có đủ mọi thứ, bạn trở thành một loại người có kỉ luật nào đó - người mù với hoa hồng, người mù với cái đẹp, người không thể nào tận hưởng được âm nhạc, người không thể nào hiểu được điệu vũ, người không thể nào hiểu được thơ ca, người chỉ có thể hiểu được đô la. Nhưng những đồng đô la đó không đem lại thoả mãn.

Đây là nguyên nhân của phiền muộn. Đó là lí do tại sao nó chỉ có trong những nước đã phát triển và chỉ trong giai cấp giàu có của các nước đã phát triển - trong các nước đã phát triển cũng có cả người nghèo nữa, nhưng họ không bị phiền muộn - và bây giờ bạn không thể trao cho con người bất kì hi vọng nào thêm nữa để vứt bỏ đi phiền muộn của người đó bởi vì người đó có tất cả, còn nhiều hơn điều bạn có thể hứa hẹn. Hoàn cảnh của người đó thực sự đáng thương. Người đó chưa bao giờ nghĩ tới những hệ luỵ đó, người đó chưa bao giờ nghĩ tới sản phẩm phụ, người đó chưa bao giờ nghĩ tới điều mình sẽ mất bởi việc có được tiền bạc. Người đó chưa bao giờ nghĩ rằng người đó sẽ mất mọi thứ mà có thể làm cho người đó hạnh phúc chỉ bởi vì người đó bao giờ cũng gạt mọi thứ đó sang bên. Người đó không có thời gian, và cạnh tranh thì lại gay gắt và người đó phải quyết liệt. Đến cuối cùng người đó thấy trái tim mình chết, cuộc sống mình vô nghĩa. Người đó không thấy có bất kì khả năng nào trong tương lai về bất kì thay đổi nào, bởi vì “Còn có gì hơn nữa...?”
Previous Post
Next Post