Có hai cách để trở nên tốt: tốt thực sự cách này khó hơn. Cách thứ hai là chứng minh rằng người khác sai. Bạn không cần phải tốt, chỉ cần chứng minh người khác sai là đủ. Nó cho bạn cảm giác rằng bạn là người tốt.
Vì vậy chúng ta cố chứng minh người này trộm cướp, người khác giết người, người kia độc ác. Và khi đã chứng minh rằng mọi người đều sai, thình lình bạn có cảm giác rằng bạn là người tốt. Ðây là một hiện tượng tương đối: không cần phải thay đổi chính mình, chỉ cần chứng minh người khác sai.
Và điều này rất dễ không có gì dễ hơn nữa. Bạn có thể phóng đại cái xấu của kẻ khác; dù có ít mà xít ra nhiều thì cũng không có ai phản đối. Và trước sự xấu xa được phóng đại đó, bạn trở thành người tốt. Do đó, mỗi khi có người mách lẻo về người khác, bạn không hề cãi lại; bạn mặc nhiên chấp nhận. Không những thế, bạn nói , “Tôi biết chuyện đó lâu rồi!” Nhưng nếu người nào đó được khen thì bạn cãi lại, bạn đòi chứng cớ.
Bạn có biết là hàng triệu người nói, ‘Chúng tôi sẽ tin Thượng Đế, nếu có đủ bằng chứng’ không? Nhưng không có đến một cuốn sách đòi hỏi chứng cớ của ma quỷ! Không một ai yêu cầu chứng minh ma quỷ cả. Không ai nói, ‘Tôi sẽ tin ma quỷ, nếu có đủ bằng chứng.’ Không, bạn biết có ma quỷ ở xung quanh. Chỉ có Thượng Đế là vắng mặt; Ngài không hiện hữu.
Tại sao thiện cần chứng cớ, mà ác thì không? Nếu quan sát xu hướng đó, bạn sẽ thấy một điều rất thú vị, một trong những bí mật của tâm trí con người. Trong thâm tâm ai cũng muốn là người tốt. Nhưng khó khăn quá. Vậy phải làm gì? Chứng minh rằng người khác xấu: “Bạn tệ hơn tôi, vậy thì tôi cũng khá hơn một tí!”
Bạn chỉ thấy sự tối tăm của người khác. Nó sẽ cho bạn một ảo tưởng là bạn sáng sủa, nhưng nó không thể soi đường cho bạn được. Và nếu bạn cố gắng khai sáng người khác, vì nghĩ rằng anh ta bị lạc lối, thì còn bi đát hơn nữa. Đúng là muốn nói ngoa làm cha mà nói! Một mặt bạn bày ra sự tối tăm; mặt khác mắt bạn cũng không sáng nên không thể khai sáng người khác được.
Cho nên những người cố thay đời đổi thế là những người ưa sách động; những người muốn thay đổi người khác là người nguy hiểm. Họ là những kẻ giết người không gươm giáo, nhưng hành động của họ quá tinh tế nên bạn không nhận ra. Họ không giết bạn trực tiếp, nhưng làm cho bạn tàn phế, làm cho bạn bị phân liệt và ‘vì lợi ích của chính bạn’, vì vậy bạn không nhận ra mánh khoé của họ. Cái gọi là những thánh nhân của bạn cố xua đuổi bóng tối mà bạn có thể có, có thể không, nhưng họ quả quyết là có. Họ nhìn thấy địa ngục của bạn, vì nhờ đó họ có thể nhận ra và cảm thấy sự thánh thiện của họ.
Và mọi người đều cảm thấy thánh thiện, đều là những người làm việc thiện trong một khía cạnh nào đó, dù nhỏ hay lớn. Mỗi người đều muốn thay đổi người khác, bởi vì họ đều nghĩ kẻ khác sai; Người nào cũng muốn thay đổi thế giới. Và đây là sự khác nhau giữa một đầu óc chính trị và người thánh thiện.
Đầu óc chính trị luôn luôn muốn thay đổi thế giới, bởi vì anh ta không thể nghĩ rằng mình sai – cả thế giới sai. Nếu anh ta sai, là vì cả thế giới sai, và mọi tình huống đều sai cả. Nó phải sai thì anh ta mới là một vị thánh được. Một người thánh thiện nhìn sự việc qua một góc cạnh khác hẳn. Ông ta nghĩ, “Vì tôi sai nên mọi sự sai hết, bởi vì tôi đã góp phần tạo nên chúng. Vì tôi mà cả thế giới điêu linh. Người cần phải thay đổi là chính tôi.”
Người thánh thiện thay đổi chính mình. Người ấy thay đổi chính mình vì đó là điều duy nhất có thể làm được. Bạn chỉ có thể thay đổi chính mình, và sự biến đổi chỉ có thể xảy ra khi bạn loại bỏ mọi tưởng tượng. Nếu bạn chẳng quan tâm đến bạn là ai, nếu bạn nhận ra sự trống không của bạn, nếu bạn nhận ra cuộc sống giả tạo của bạn, thì ngay lập tức sự chuyển hoá xảy ra.