Không có sự sai lầm nào nguy hiểm hơn sự lầm lẫn cho hậu quả là nguyên nhân: tôi gọi điều đó là sự đảo điên thác loạn đích thực của lí trí.
Tuy nhiên, sự sai lầm này là một trong những tập quán cố cựu nhất và mới mẻ nhất của nhân loại: nó còn được thần thánh hoá giữa chúng ta nữa, nó mang tên “tôn giáo” và “luân lí”.
Bất cứ mệnh đề nào phát biểu, bởi tôn giáo và luân lí cũng đều chứa đựng sai lầm này; những tu sĩ và những kẻ thiết định qui tắc luân lí là những kẻ chủ xướng sự bại hoại này của lí trí.
Tôi đan cử một thí dụ. Tất cả mọi người đều biết cuốn sách nổi tiếng của Cornaro trong đó ông ta giới thiệu sự ăn uống kiêng khem nghiêm nhặt của ông như phương pháp cho một đời sống lâu dài và sung sướng - một đời sống đức hạnh nữa.
Ít có cuốn sách nào được đọc nhiều đến thế và ngay cả bây giờ ở Anh, mỗi năm người ta in hàng trăm ngàn cuốn. Tôi tin rằng ít có cuốn sách nào (trừ Kinh Thánh, dĩ nhiên) lại tác hại nhiều như thế, lại rút ngắn nhiều đời sống như sự kỳ lạ đầy hảo ý đó.
Lý do: lầm lẫn cho hậu quả là nguyên nhân. Tác giả người Ý đáng kính này nhìn thấy trong sự ăn uống kiêng khem là nguyên nhân của sự trường thọ của ông: trong khi điều kiện tiên quyết để sống lâu, sự chậm rãi lạ lùng trong sự tiêu hoá, sự thẩm thấu yếu ớt, là nguyên nhân của sự ăn uống kiêng cữ của ông.
Ông ta không tự ý muốn ăn nhiều ít thế nào cũng được, sự đạm bạc của ông ta không phải là một “sự tự do theo ý muốn”: ông ta đau ốm ngay khi ông ta ăn nhiều. Nhưng khi người ta không phải là một kẻ ốm trơ xương thuộc loại đó, thì không những người ta phải ăn uống đầy đủ mà người ta còn tuyệt đối cần phải ăn uống đàng hoàng nữa.
Một nhà bác học thời đại chúng ta, với sự tiêu thụ năng lượng trí não mau chóng, chẳng bao lâu sẽ tàn tạ với régime [1] của Cornaro, Credo experto [2] .
Định thức phổ quát dùng làm căn bản cho mọi tôn giáo và luân lí là: “Phải làm việc này việc nọ, không được làm việc này hay việc nọ và người sẽ được sung sướng! Nếu không…” Tất cả mọi luân lí, mọi tôn giáo là mệnh lệnh đó.
Tôi gọi đó là tội tổ tông của lí trí, sự phi lí muôn đời. Trong miệng tôi định thức này đổi thành ngược lại.
Thí dụ đầu tiên về sự “đảo hoán mọi giá trị” của tôi: một người cường tráng, một người “sung sướng” bắt buộc phải làm một số hành động nào đó và tự nhiên chùn lại sợ không dám làm một số những hành động khác; hắn mang đẳng cấp hắn tiêu biểu về phương diện sinh lí vào trong những giác quan của hắn với con người và sự vật. Phát biểu thành định thức: đức hạnh của hắn là kết quả của hạnh phúc hắn… [3]
Cuộc sống trường thọ con cháu đầy đàn, không phải là phần thưởng của đức hạnh đúng hơn chính đức hạnh, là sự trì trệ trong tiến trình thẩm thấu mà một trong những hậu quả của nó là một cuộc sống trường thọ và hậu huệ đầy đàn, tóm lại, cái mà người ta gọi là chủ thuyết Cornaro.
Luân lí dạy: “Tật xấu và sự xa hoa làm tiêu diệt một chủng tộc hay một dân tộc.” Trái lại lí trí đã được chỉnh đốn lại của tôi khẳng định: “Khi một dân tộc diệt vong, suy đồi về phương diện sinh lí, thì từ đó mới nảy sinh những tật xấu và sự xa hoa (nghĩa là nhu cầu kích thích mỗi ngày một mạnh hơn và thường hơn, như tất cả những bản chất suy nhược đều biết).
Gã trai trẻ kia gầy yếu xanh xao và mòn mỏi trước tuổi. Bạn bè hắn nói: bệnh này hay bệnh nọ là nguyên nhân của sự kiện đó. Tôi trả lời: chính sự kiện hắn bệnh tật, chính sự kiện hắn thất bại không thể chống lại bệnh hoạn, tự nó đã là hậu quả của một cuộc sống nghèo nàn, một sự suy nhược di truyền rồi.
Những kẻ đọc báo [4] nói: đảng này sẽ suy sụp nếu phạm phải một lỗi lầm như thế. Chính trị cao viễn của tôi trả lời: một đảng phái mà phạm phải một lỗi lầm như thế là đã đến lúc tàn mạt rồi vậy - nó không còn có sự chính xác bản năng nữa.
Tất cả mọi lỗi lầm, bất cứ thuộc loại nào, là hậu quả của sự suy đồi của bản năng, của sự phân hoá của ý chí: đó hầu như là định nghĩa của cái xấu.
Tất cả mọi sự tốt lành là bản năng [5] và do đó dễ dàng, thiết yếu, thong dong.
Sự cố gắng là một vấn nạn, thần thánh đặc biệt khác hẳn người anh hùng (nói theo ngôn ngữ của tôi: đôi chân nhẹ nhàng là đặc tính đầu tiên của thần tính).
Chú giải:
[1]Pháp văn: Phép ăn uống kiêng cữ.
[2]Hãy tin kẻ đã thí nghiệm!
[3]In Formel: seine Tugend ist die Folge seines Glücks… - G.c.D.
[4]Hạng người “thời đại” Nietzsche khinh bỉ - G.c.D.
[5]Alles Gute ist Instinkt.
Người ta luôn luôn tưởng mình biết thế nào là một nguyên nhân; nhưng chúng ta rút sự hiểu biết của chúng ta, hay đúng hơn, lòng tin tưởng vào sự hiểu biết của chúng ta, từ đâu ra? Từ lãnh vực của những “sự kiện nội tại” lừng danh mà cho đến bây giờ chưa có một sự kiện nào tự chứng tỏ là một sự kiện xác thực.
Chúng ta tin tưởng chúng ta là tác nhân trong hành động theo ý chí: ít ra là ở đây chúng ta tin rằng chúng ta bắt được quả tang nguyên nhân giữa đường trường.
Tương tự như vậy, người ta không bao giờ ngờ được rằng mọi anteccedentia [1] của một hành động, nguyên nhân của nó, phải tìm trong ý thức và có thể khám phá thấy ở đấy nếu người ta tìm kiếm chúng - như những “duyên cớ”: bởi nếu không người ta đã không tự do hành động, chịu trách nhiệm về hành động đó. Cuối cùng, kẻ nào đã bàn cãi rằng một tư tưởng đã được khởi lên, rằng cái tôi đã khơi nguồn tư tưởng?...
Từ ba “sự kiện nội tại” và nhờ đó nguyên nhân hầu như được đảm bảo, nguyên nhân thứ nhất và cũng là nguyên nhân hùng hồn nhất, là ý chí như là nguyên nhân; quan niệm về một ý thức (“tinh thần”) như nguyên nhân, và sau đó quan niệm về cái tôi (“chủ thể”) như nguyên nhân chỉ là sản phẩm hậu sinh, sau khi nguyên nhân, trên nền tảng ý chí, đã được thiết định vững vàng như một sự kiện, như kinh nghiệm…
Trong khi đó chúng ta suy nghĩ chín chắn hơn về điều đó. Tất cả những điều đó ngày nay chúng ta không còn tin tưởng một chữ nào nữa. “Thế giới nội tại” đầy những ảo ảnh và ánh sáng giả tạo: ý chí là một trong những ảo ảnh đó.
Ý chí không còn chuyển động được cái gì nữa, do đó không còn giải thích được gì nữa - nó chỉ đi theo những biến cố, nó còn có thể vắng mặt nữa.
Cái được gọi là “duyên cớ”: một sự lầm lẫn khác. Đó chỉ là một hiện tượng hời hợt của ý thức, một cái gì đi bên cạnh hành động, che dấu hơn là bầy tỏ những tiền sự của hành động.
Còn về phần cái tôi! Cái tôi đã trở thành một huyền thoại, một sự tưởng tượng, một trò chơi chữ: nó đã hoàn toàn ngừng suy nghĩ, cảm và muốn!...
Từ đó xảy ra điều gì? Không có cái gì là nguyên nhân tinh thần cả! Toàn thể nền tảng kinh nghiệm vững chắc bảo đảm cho nó đã đi đời nhà ma! Đó là cái nối tiếp theo!
Và chúng ta đã lạm dụng “duy nghiệm thuyết” một cách khôn ngoan, chúng ta đã sáng tạo thế giới trên nền tảng của nó như một thế giới của nguyên nhân, như một thế giới của ý chí, như một thế giới của tinh thần.
Nền tâm lý học cổ điển nhất và sống dai dẳng nhất đã ra tay làm việc ở đây, thực ra nó không làm việc gì khác: tất cả mọi biến cố đối với nó đều là hành động, tất cả mọi hành động đều là hậu quả của một ý chí; đối với nó thế giới trở thành vô vàn tác nhân, một tác nhân, một “chủ thể” nằm tại căn đế của mọi biến cố.
Con người đã phóng ra ngoài nó ba “sự kiện nội tại” mà nó tin tưởng chắc chắn, là ý chí, tinh thần và tự ngã, - trước hết nó diễn dịch ý niệm về hữu thể từ ý niệm về tự ngã, nó giả thiết “sự vật” hiện hữu theo hình ảnh nó, theo ý niệm của nó về tự ngã như là nguyên nhân.
Có gì đáng ngạc nhiên đâu khi sau này nó luôn tìm thấy trong sự vật cái mà nó đã đặt vào trong sự vật? Chính sự vật, xin nhắc lại lần nữa, khái niệm về sự vật, chỉ là phản ảnh của niềm tin vào tự ngã như là nguyên nhân…
Và ngay cả nguyên tử của quí vị, thưa quí vị theo cơ giới luận và vật lí học, thứ tâm lí sai lầm không biết chừng nào mà kể vẫn bám chặt vào nguyên tử của quí vị!
- Ấy là chưa nói gì về “sự vật tự nội”, cái horrendum pudendum [2] của nhà siêu hình học! Sự sai lầm của tinh thần được coi như nguyên nhân, lẫn lộn với thực tại! Và đo lường thực tại! Và được gọi là Thượng Đế!
Chú giả:
[1]Việc trước, tiền sự của một sự việc hay sự kiện gì. - G.c.D.
[1]Việc trước, tiền sự của một sự việc hay sự kiện gì. - G.c.D.
[2]Phần xấu xa đáng xấu hổ. - G.c.D.
Lấy giấc mơ làm khởi điểm: với một cảm giác xác định nào đó, chẳng hạn cảm giác gây ra bởi tiếng súng đại bác từ phía xa, một nguyên nhân liền sau đó thường được gán ghép vào (thường là cả một cuốn tiểu thuyết nhỏ mà dĩ nhiên kẻ mơ mộng là nhân vật chính).
Trong khi đó cảm giác tiếp tục kéo dài, như một thứ âm hưởng dội lại, một cách nào đó nó chờ đợi cho đến khi bản năng về nguyên nhân cho phép nó đi lên hàng đầu - từ nay trở đi không phải như một sự tình cờ nữa mà như một “ý nghĩa”.
Tiếng súng đại bác tự biểu lộ dưới hình thức nguyên nhân, trong một sự đảo lộn thời gian thấy rõ. Cái đến sau, trình bày duyên cớ, lại được cảm nghiệm trước, thường với hàng trăm chi tiết lướt qua như một tia chớp, tiếng súng tiếp theo…
Điều gì đã xảy ra? Những ý tưởng được tạo ra bởi một trạng thái đặc biệt được diễn dịch sai lầm như nguyên nhân của chính trạng thái đó.
Quả thực, chúng ta hành động tương tự như vậy khi chúng ta tỉnh thức. Phần lớn những cảm giác tổng quát của chúng ta - tất cả mọi loại câu thúc, dồn ép, căng thẳng, bột phát trong tác động hỗ tương của những giác quan, và đặc biệt hơn nữa trạng thái của nervus sympathicus [1] - kích động bản năng về nguyên nhân của chúng ta: chúng ta muốn có một lý do để được ở trong một trạng thái như thế như thế. …
- để cảm thấy mạnh khoẻ hay đau yếu. Chẳng bao giờ chúng ta thoả mãn khi chỉ nghiệm thấy sự kiện chúng ta cảm thấy thế này hay thế nọ: chúng ta chỉ chấp nhận sự kiện
- chúng ta chỉ ý thức về nó - khi nào chúng ta đã cung cấp cho nó một thứ nguyên nhân nào đó.
Ký ức, trong những trường hợp này, tự nhiên trở nên linh động một cách máy móc, mang gợi lại những trạng thái trước tương tự như vậy và những diễn giải - nguyên nhân liên kết với chúng, - chứ không phải nguyên nhân của chúng.
Chắc chắn sự tin tưởng rằng những ý tưởng, những tiến trình song hành của ý thức, là nguyên nhân, cũng do ký ức đem lại. Do đó nảy ra thói quen về một cách diễn giải nguyên nhân nào đó, quả thực, ngăn trở và cấm đoán nữa, sự truy tìm nguyên nhân đích thực.
Giải thích tâm lí sự kiện trên:
Lôi kéo một cái gì chưa biết về cái đã biết rồi, là trấn an tinh thần, làm tinh thần nhẹ nhõm, thoả mãn, ngoài ra còn tạo ra một cảm thức về sức mạnh.
Cái chưa biết bao hàm sự nguy hiểm, bất an, lo âu - bản năng đầu tiên là diệt trừ những hoàn cảnh đau đớn này.
Nguyên tác thứ nhất: bất cứ một giải thích nào đó cũng hơn là thiếu giải thích. Bởi vì tựu trung chỉ cần trừ khử những ý tưởng ghê sợ, người ta không cần lưu tâm tới những phương tiện dùng để trừ khử chúng: cái ý tưởng thứ nhất, nhờ nó, cái chưa biết tự chứng tỏ là cái biết rồi tạo ra một cảm giác thoải mái đến nỗi nó “được coi là đúng”.
Chứng cứ khoái lạc (“sức mạnh”) như tiêu chuẩn của chân lí. Vậy bản năng - nguyên nhân được điều kiện hoá và kích thích bởi cảm giác sợ hãi.
Câu hỏi “tại sao?”, nếu có thể, không những cung cấp nguyên nhân cho chính nó, mà còn cả một thứ nguyên nhân nữa - một nguyên nhân trấn an, giải thoát và làm tinh thần nhẹ nhõm.
Kết quả đầu tiên của nhu cầu này là một cái gì đã biết nay đã hoàn toàn kinh nghiệm và được ghi nhận trong kí ức, được đặt làm nguyên nhân.
Cái mới lạ, cái chưa kinh nghiệm, cái xa lạ bị loại khỏi nguyên nhân. Vậy thì người ta không tìm một giải thích về nguyên nhân mà là tìm một lối giải thích chọn lọc và được ưa chuộng, lối giải thích tiêu trừ nhanh chóng nhất và thường nhất cái cảm giác xa lạ, chưa kinh nghiệm - những lối giải thích thông thường nhất.
Hậu quả: một lối qui định nguyên nhân có khuynh hướng đi tới chỗ càng ngày càng chế ngự nhiều hơn nữa, trở thành tập trung trong một hệ thống và cuối cùng đi tới chỗ độc tôn nghĩa là loại trừ những nguyên nhân khác và những giải thích khác.
Chủ ngân hàng nghĩ ngay tới “áp- phe”, tín đồ Kitô giáo nghĩ tới “tội lỗi”, thiếu nữ nghĩ tới “tình yêu” của mình.
Toàn thể lãnh vực luân lí và tôn giáo thuộc về ý niệm “những nguyên nhân tưởng tượng đó”.
“Giải thích” về cảm giác khó chịu chung:
Những cảm giác này tuỳ thuộc nơi những kẻ thù nghịch với chúng ta (những tinh thần tội lỗi: đó là trường hợp nổi tiếng nhất - những kẻ mắc bệnh ưu uất thần kinh bị hiểu lầm là phù thuỷ).
Những cảm giác này tuỳ thuộc những hành động không thể thẩm định (cảm thức “tội lỗi”, “phạm tội” được gán cho một sự khó chịu thuộc về sinh lí - người ta luôn luôn tìm thấy lí do để bất mãn với chính mình).
Những cảm giác này tùy thuộc sự trừng phạt, chuộc lại một việc gì mà chúng ta đã không được làm, một cái gì mà chúng ta đã không được là (ý tưởng được tổng hợp, dưới một hình thức trơ trẽn, thành một mệnh đề trong đó luân lí hiện ra đúng chân tướng của nó, nghĩa là như chất kịch độc và sự phỉ báng cuộc đời: “Tất cả mọi đau đớn, thuộc thể xác hay tinh thần, đều cho thấy chúng ta xứng đáng được, bởi nó không đến với chúng ta nếu chúng ta không xứng đáng nhận lãnh nó. (Thế giới như Ý Chí và Biểu Tượng II, 666).
Những cảm giác này tùy thuộc những hành động bồng bột thiếu suy nghĩ có những hậu quả tai hại (- những đam mê, những giác quan bị coi như là nguyên nhân, như là phạm tội; những tai biến sinh lí trở thành hình phạt “xứng đáng” nhờ những tai biến khác).
“Giải thích” những cảm giác dễ chịu chung:
Những cảm giác này tuỳ thuộc lòng tin tưởng vào Thượng Đế. Chúng cũng tuỳ thuộc ý thức về những hành động tốt (cái mà người ta gọi là “lương tâm yên ổn”, một trạng thái sinh lí đôi khi giống như một sự tiêu hoá tốt, như nó thường bị hiểu lầm như thế.)
Chúng tuỳ thuộc kết quả thành công của một vài công việc nào đó (Kết luận ngây thơ: kết quả thành công của một công việc không mang lại cho một người mắc bệnh ưu uất hay một Phascal bất cứ một cảm giác thú vị chung nào cả).
Chúng có thể tuỳ thuộc đức tin, tình yêu và lòng hy vọng - những đức tính Kitô giáo.
Trong thực tế, tất cả những cái tự nhận là giải thích này chỉ là những hậu quả của những trạng thái thú vị hay khó chịu nào đó và được di dịch sang một thổ ngữ sai lầm: một người ở trong trạng thái hi vọng bởi vì cảm giác sinh lí trỗi vượt hơn cả của con người hắn, một lần nữa lại mãnh liệt và đầy đủ; người ta tin tưởng vào Thượng Đế bởi vì cảm giác về sự tràn đầy và sức mạnh mang lại cho tâm trí hắn sự nghỉ ngơi.
Luân lý và tôn giáo hoàn toàn thuộc về tâm lí học về lầm lẫn; trong bất kì trường hợp đặc thù nào nguyên nhân cũng bị lầm lẫn với hậu quả hoặc chân lí với hậu quả của cái mà người ta coi như chân lí; hay hơn nữa, một trạng thái của ý thức với một chuỗi nguyên nhân gây ra trạng thái này.
Chú giải:
[1Thần kinh giao cảm. - G.c.D.
Ngày nay chúng ta không còn chút thiện cảm nào đối với khái niệm về “tự do ý chí” nữa: chúng ta biết nó quá rõ - cái xảo thuật thần học khả ố nhất trần đời của những nhà thần học để khiến cho nhân loại “có trách nhiệm” theo kiểu những nhà thần học, nghĩa là: làm cho nhân loại tuỳ thuộc vào những nhà thần học…
Ở đây tôi chỉ nêu ra tâm lí của khuynh hướng làm con người có trách nhiệm này:
Ở bất cứ nơi nào mà người ta tìm kiếm trách nhiệm thì thường là bản năng trừng phạt và kết án bắt tay vào việc tìm kiếm. Biến dịch bị tước đoạt mất sự hồn nhiên vô tội khi người ta đưa bất cứ một trạng thái nào về ý chí, ý định, về những hành động có trách nhiệm: lí thuyết ý chí được tạo ra chủ yếu nhằm mục đích trừng phạt, nghĩa là với ý định vạch tội.
Toàn thể tâm lí học cổ điển, tâm lí học chủ ý chí bắt nguồn từ sự kiện những người tạo ra nó, những tu sĩ đứng đầu những tập thể cổ xưa, muốn tạo ra quyền ra hình phạt hay đúng hơn họ muốn tạo ra quyền đó cho Thượng Đế…
Con người được coi là “tự do” để có thể bị kết án và trừng phạt, để có thể có tội: do đó tất cả mọi hành động đều phải coi như do ý muốn, nguồn gốc của tất cả mọi hành động như nằm trong ý thức (do đó sự giả mạo căn bản nhất in psychologicis được đặt làm nguyên tắc của chính tâm lí học)…
Ngày nay khi chúng ta đi vào hướng ngược lại, khi chúng ta, những kẻ vô luân, cố gắng tìm kiếm loại khỏi thế giới những khái niệm về tội lỗi và hình phạt, cũng như tẩy sạch tâm lí học, lịch sử, thiên nhiên, những cơ cấu và luật lệ xã hội, chúng ta nhận thấy chúng ta không có đối thủ nào triệt để hơn những nhà thần học, những kẻ tiếp tục làm ung độc sự hồn nhiên của biến dịch với “tội lỗi” và “hình phạt” bằng khái niệm về “trật tự luân lí”.
Nguyễn Hữu Hiệu dịch