Biết đủ

Tương lai đi về đâu?

Có phải cách đây vài năm ta đã từng mơ ước nếu mình kiếm được việc làm với mức lương đó, mua được căn nhà tiện nghi sang trọng đó, sở hữu được chiếc xe đời mới đó thì chắc là mình sẽ rất hạnh phúc, coi như mình đã thành công và mãn nguyện. Bây giờ nhìn lại những ước nguyện ấy đều đã thành tựu hết rồi sao mình vẫn chưa thấy hài lòng, vẫn chưa thấy hạnh phúc, vẫn còn khắc khoải mong cầu? Vấn đề là tại những điều kiện tiện nghi kia đã mất dần tính giá trị, hay nó vẫn như vậy mà chỉ có ta tâm là thay đổi? Sự biến động thất thường của tâm thức, mới yêu thích rồi mau chóng nhàm chán, cũng do bản năng hưởng thụ quá lớn của chính mình chưa có cơ hội thuần hóa, nhưng một phần không kém quan trọng đó chính là sự tác động mãnh liệt của tâm thức cộng đồng.

Ta khó có thể tách khỏi dòng chảy xã hội nếu ta không có một nhận thức đúng đắn, một nội lực vững vàng và một gia đình hay đoàn thể đầy tình thương và có cùng hướng đi với ta. Hai thập kỷ qua, hàng loạt nghiên cứu xã hội và tâm lý học cho thấy không có sự quan hệ then chốt giữa số tiền kiếm được và mức độ thỏa mãn có được. Người ta cảm thấy hụt hẫng khi họ bỏ ra quá nhiều thời gian và năng lực để tích góp tiền bạc, đến khi có nó trong tay thì tuy có đó nhận được cảm giác sung sướng nhưng nó rất cạn cợt và lại tan biến rất nhanh. Dần dần con người không còn tin tưởng và định nghĩa những cảm giác thỏa mãn vật chất ấy chính là hạnh phúc, họ tỉnh táo nhận ra rằng tiền bạc không chỉ không mua được hạnh phúc mà có thể hủy diệt cả hạnh phúc.

Không hủy diệt làm sao được, từ khi con người háo hức phát triển ngành công nghiệp để cho ra hàng loạt những sản phẩm cao cấp phục vụ sự hưởng thụ tăng tiến của con người, thì chính lúc đó con người đã mất trắng chủ quyền sống. Thời gian và năng lực để phục vụ cho công việc đã không còn đủ để trang trải cho những sinh hoạt căn bản nhất của họ nữa. Tuy họ có đầy đủ tiện nghi nhưng họ gần như không thể tận hưởng, lúc nào họ cũng bận rộn với công việc với khách hàng. Họ không có thời gian chăm sóc sức khỏe, không có cơ hội trò chuyện với mọi người, không có điều kiện học hỏi thêm kinh nghiệm sống, không sắp đặt được những bữa cơm đoàn tụ gia đình, không thể lắng nghe và thấu hiểu những người sống bên cạnh. Tệ hại nhất là khi con người lao vào chiến trường kinh tế thì lòng tham của họ bùng vỡ, và từ đó hàng loạt phẩm chất đạo đức bị đánh gục.

Vậy đó, con người ngày càng biến mình thành những cỗ máy vô tri, không còn cảm nhận mình đang sống và những gì đang biểu hiện trong dòng cảm xúc hay suy tư của mình, cũng như không còn nhận diện những giá trị màu nhiệm cuộc sống đang diễn ra chung quanh, mà lúc nào họ tin rằng họ đang có một tương lai rất sáng sủa. Làm sao nắm bắt được tương lai nếu hiện tại đang diễn ra mà ta không nắm bắt được? Nhiều khi mình hỏi họ mùa thu vừa qua có đẹp không thì họ rất ngạc nhiên: “Ủa mùa thu đã đến rồi à, tôi bận quá nên có hay biết gì đâu”, nhưng rồi họ cũng chẳng buồn quan tâm hay tiếc nuối vì với họ đó là thứ hưởng thụ xa xỉ, phi kinh tế. Hình như bây giờ bất cứ cái gì họ làm hay tiếp xúc, dù đó chỉ là buổi gặp gỡ thân mật với bạn bè, thì họ cũng nghĩ liệu những việc ấy có đem tới lợi lộc gì không? Sự lạm dụng vật chất đến mức nghiện ngập đã dần xiết con người vào vòng dây khổ đau một cách êm ái.

Nhiều người nghĩ rằng mình phải hy sinh đời mình để thế hệ con cháu được sung sướng nên họ cứ nai lưng ra làm quần quật đầu tắt mặt tối. Nhưng hành trang vào đời của một người trẻ đâu chỉ có trương mục đầy ắp, cái chúng cần hơn hết có thể là sự quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ được những khúc mắc và mơ ước trong cuộc sống, chúng cần có một gia đình hạnh phúc để chúng nương tựa và học hỏi. Đó là chưa nói có những người trẻ đã quen lối hưởng thụ từ nhỏ nên bị chao đảo ngay khi rứt ra khỏi vòng tay gia đình, bao nhiêu tài sản cha mẹ để lại chính là cơ hội để chúng tiêu phá cái tuổi căng đầy sức sống, sớm lao mình vào những đam mê trụy lạc. Rốt cuộc cha mẹ hy sinh cho con nhưng con lại oán giận cha mẹ, bởi chúng nghi ngờ cách tích góp tiền bạc kia có thật sự vì chúng hay vì lòng ham muốn làm giàu không thể cưỡng lại của cha mẹ. Thật tội nghiệp, những người trẻ ấy bước vào đời mà không biết đi đâu, tin vào đâu.

Quan niệm“cực trước sướng sau” vẫn còn in đậm trong trí não hầu hết mọi người nên họ không ngại hy sinh tuổi thanh xuân của mình để có được một tài sản vững vàng cho tương lai. Ta hãy đến hỏi những người đang ở tuổi về hưu ấy có thật sự hưởng nhàn, hay họ đang sống trong sự lạc lõng cô đơn vì cái họ cần là được hiểu được thương chứ không phải những thứ đó, mà chính tính độc tài và ngờ vực là hậu quả của cuộc chiến khốc liệt kinh tế đã đẩy họ ra khỏi vòng tay của những người thân. Họ căm ghét thực tại, họ không chấp nhận mình một thời oanh liệt mà bây giờ phải ngồi bó gối như một kẻ vô dụng, dù biết là không thể nhưng họ vẫn luôn khát khao được sống lại thời tuổi trẻ để họ sống thật tươi vui, thật hay và thật đẹp. Cái hay và cái đẹp mà họ đã để cho dang dở chính là tình yêu, là tình huynh đệ, là một việc gì đó ý nghĩa cho đời.

Kinh tế và phi kinh tế

Chủ nghĩa thực dụng (pragmatism) được hình thành vào khoảng giữa thế kỷ 19 và phát triển rầm rộ vào thế kỷ 20, nổi bật nhất là ở Mỹ. Chủ nghĩa này đề cao kinh nghiệm và hiệu quả, trong đó mọi hành động con người là vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Vì nó đã thỏa mãn được nhu yếu hưởng thụ vốn dĩ không cùng của con người nên nó nhanh chóng được sự ủng hộ nhiệt liệt của mọi tầng lớp, nó vượt qua hẳn chủ nghĩa duy vật và cả chủ nghĩa duy tâm, bác bỏ những vấn đề cơ bản của triết học hay tôn giáo vốn được đặt ra nhiều thế kỷ qua và nó vẫn tồn tại vững mạnh cho tới ngày nay.

Từ nền tảng đó người ta mới phân định rạch ròi giữa kinh tế (economic) và phi kinh tế (non - economic). Những gì có thể đem tới lợi nhuận thì gọi là kinh tế, còn những gì không đem tới lợi nhuận hay tổn thất là phi kinh tế. Thí dụ một buổi gặp gỡ bạn bè mà mình khai thác được nhiều thông tin bổ ích, hoặc ít nhất có thêm những quan hệ tốt có thể hỗ trợ cho những mối làm ăn của mình, nên người ta gọi buổi gặp gỡ đó là xứng đáng, là thực tế; còn tốn mấy giờ đồng hồ mà chỉ nghe toàn là những câu chuyện thương tâm, hay nhắc lại những kỷ niệm xa xưa cũ rích, hoặc chỉ đơn giản là uống trà ngắm lá thu thì họ cho là lãng phí, phi thực tế. Phi thực tế tức là phi kinh tế, người ta bây giờ dùng chữ thực tế để chỉ cho kinh tế. Người không thực tế là người không đầu óc kinh tế.

Người làm kinh tế luôn ý thức loại trừ những vấn đề liên quan tới tình cảm, không có chuyện nhường nhịn hay cảm thông trong khi làm ăn, tất cả đều phải đi theo nguyên tắc 2 lần 2 là 4. Nhưng ai làm kinh tế, con người hay cỗ máy? Nếu là con người thì phải được bồi dưỡng sức khoẻ, phải được nghỉ ngơi, phải được quan tâm nâng đỡ, phải được thấu hiểu và thương yêu chứ. Vậy tại sao ta không can đảm ngủ một giấc thật sâu, ăn một bữa cơm thật chậm, ngồi yên trong tĩnh lặng thật lâu hay lắng nghe những nỗi khổ niềm đau của kẻ khác thật bền? Ta đừng vội cho đó là những thứ phi kinh tế, vì nếu không có nó thì ta sẽ không thể làm kinh tế và cũng sẽ chẳng có cái gì là nền kinh tế cả. Vì trong sự thật không có cái gì có thể đứng độc lập (independence) được, chúng phải liên lập (inter - dependence) với những yếu tố khác dù trực tiếp hay gián tiếp. Kinh tế phải gắn liền với xã hội, môi sinh, giáo dục, chính trị, tôn giáo…thì kinh tế mới tồn tại và phát triển được.

Cho nên ta có thể mạnh dạn nói tình cảm cũng là kinh tế hay kinh tế cũng là tình cảm, nghĩa là tình cảm nuôi con người để con người có năng lực làm kinh tế, và kinh tế nuôi con người có tiện nghi ổn định để con người thoải mái thương yêu. Nhưng bản năng con người là luôn bảo vệ cái tôi ích kỷ của mình nên phần lớn người ta thà hy sinh tình cảm hơn là kinh tế, vì làm kinh tế thì mình có thể bỏ túi riêng còn thương yêu thì phải san sẻ bớt. Biết bao cuộc tình tan vỡ, huynh đệ tương tàn, chiến tranh giữa các sắc tộc cũng vì mức ảnh hưởng quá lớn của kinh tế trong nhận thức của con người. Kinh tế lớn mạnh là đồng nghĩa với bản năng hưởng thụ ích kỷ của con người lớn mạnh. Người ta biết nói không có kinh tế thì tình cảm sẽ khó bền nhưng người ta lại quên rằng không có tình cảm thì kinh tế cũng trở thành vô nghĩa. Làm giàu để làm gì mà ta không thể sống vui tươi, bình an, hạnh phúc và trải lòng ra để thương yêu?

Tìm hướng đi lên

Hình như cái lẩn quẩn nhất của con người thời đại này chính là họ không xác định được cái gì là phương tiện (means) và cái gì là mục đích sống (goal). Tất cả những vật chất kia chỉ đem tới sự thoải mái dễ chịu hơn trong cuộc sống mà ta gọi là tiện nghi, nhưng nó không phải là lý do để ta sống. Ta sống vì ta là một sinh linh, một thực tại màu nhiệm, nên ta cần được phát huy đúng bản chất của mình là được thảnh thơi, bình an và hạnh phúc. Bất kỳ hành vi nào của ta, dù thương yêu hay làm kinh tế, cũng phải phản ánh được mục đích cao cả ấy. Ta không thể nói ta đang còn bận làm ra phương tiện, để năm hay mười năm nữa thì ta mới nắm được mục đích. Bây giờ ta còn kẹt cứng trên phương tiện, bị phương tiện xô đẩy đến phờ phạc, thì làm sao ta chắc sẽ dùng nó để đạt được mục đích, biết đâu ta sẽ ngã gục trên chính phương tiện ấy cũng không chừng.

Bhutan là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhưng lúc nào họ cũng có sẵn những nụ cười và luôn cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Bởi vì người dân này ý thức rằng một đất nước phát triển không có nghĩa là phải hy sinh môi trường hay hạnh phúc cộng đồng, họ đặt ra tiêu chí GNH (Gross National Happiness - tổng hạnh phúc quốc gia) để chạm được mục đích của đời sống ngay trong thực tại mà không cần thông qua con đường viễn vông và đầy nguy hiểm của vật chất cao cấp. Nhờ “không giống ai” như vậy mà đời sống của họ rất an ninh, mức độ tội phạm hay ly dị rất thấp và hơn hết là họ rất tận hưởng giá trị cuộc sống từng ngày nên tuổi thọ rất cao.

Mối quan tâm về hạnh phúc ngày càng thu hút sự chú ý của nhiều nước phát triển. Họ bắt đầu thật sự lắng nghe những khát khao sâu sắc của người dân mà quyết định giảm chỉ số GDP (Gross Domestic Product - tổng sản phẩm nội địa) để mọi người giảm giờ làm mà có cơ hội trở về với những sinh hoạt căn bản trong cuộc sống. Tại Anh, khoảng 81% người dân đề nghị chính phủ chỉ nên tập trung vào việc làm cho người dân sống hạnh phúc hơn là giàu có, họ yêu cầu cấm quảng cáo nhắm vào đối tượng trẻ con để hạn chế khuynh hướng tôn sùng vật chất. Còn ở Nhật Bản thì hoảng hốt khi nhìn lại mức độ tội phạm và làm việc tăng giờ không mấy tiến bộ so với thập niên 80 mặc dù kinh tế đứng nhất nhì thế giới, các vị lãnh đạo cấp cao đã nhìn vào tấm gương sống “biết đủ” của Bhutan nên mạnh dạn lên nhiều dự án “làm ít hơn, chơi nhiều hơn” để chỉ số GDP luôn song hành với chỉ số GNH, nghĩa là kinh tế phải đi liền với hạnh phúc.

Vấn đề “hạnh phúc quốc gia” đã thu hút nhiều thành phần của xã hội nhảy vào cuộc, từ kinh tế gia, triết gia, bác sĩ tâm lý, nhà sinh vật học và kể cả tôn giáo, nhưng thực tế cho thấy xây dựng GNH khó gấp trăm ngàn lần so với GDP. Bởi vì con người cần phải có ý thức đúng đắn trở lại hạnh phúc là gì, rồi phải trải qua một thời gian khá lâu để thuần phục bản năng hưởng thụ quá lớn của mình thì mới đủ sức gạt bỏ bớt được những phương tiện hấp dẫn. Muốn vậy ta phải loại trừ ngay lập tức chủ nghĩa thực dụng và xây dựng trở lại nếp sống văn minh tâm linh vốn có lâu đời của tổ tiên. Đó là nếp sống mà ta luôn có cơ hội tìm về chính mình, gạn lọc những cáu bẩn phiền não và nuôi dưỡng những hạt giống tốt đẹp tâm hồn. Nơi ấy, con người luôn ý thức rằng mọi thứ luôn có mặt trong một thứ, nên chủ nghĩa cá nhân được thay thế bằng tình nhân ái bao la.

Chờ đợi một chính sách ban hành để mọi người cùng làm sẽ rất lâu vì phần lớn đều chưa tin sống ít vật chất là có thể hạnh phúc, hoặc nhiều người vẫn cho rằng con người phải lên tới đỉnh cao vật chất thì mới chịu quay trở lại tinh thần? Nhưng thực tế thì “nhà giàu cũng khóc” và chẳng có mấy ai muốn từ bỏ lối hưởng thụ cao cấp, bởi lòng tham của con người khi đã giản nở rồi rất khó thu lại. Và đợi đến khi ấy ta còn hồn phách nữa đâu mà cảm nhận và giữ gìn những giá trị hạnh phúc, vì mảnh đất tâm của ta đã khô cằn và chai sạn bởi cái gọi mà mưu sinh mất rồi. Hãy nhớ lại lời nhắc nhở của người đi trước “Tri túc đãi túc hà thời túc, tri nhàn đãi nhàn hà thời nhàn”, muốn đủ mà cứ chờ sẽ đủ thì khi nào mới đủ, muốn thảnh thơi mà cứ hẹn sẽ thảnh thơi thì bao giờ mới được thảnh thơi. Hãy nhân danh đứa con của vũ trụ hay ít nhất là của giống nòi mà ta hãy buông bỏ lối hưởng thụ xa hoa để có thể thảnh thơi ngay từ bây giờ, để mở đường cho con cháu đi lên.

Giữ bàn tay cho khéo
Tiếp nhận nếp tổ tiên
Trao truyền cho con cháu
Cùng tìm hướng đi lên.

Minh Niệm
Nguồn: danong.com
Previous Post
Next Post