Dồn nén
Là cơ chế cơ bản nhất, ép buộc các hành vi xung năng quay trở lại vô thức, nhờ đó sự cân bằng giữa cái tôi với xung động bản năng được duy trì. Nhưng những ý tưởng bị dồn nén không bị loại trừ, nó cố gắng quay trở lại ý thức thông qua các con đường khác (giấc mơ, các hành vi sai lạc).
Cơ chế bù trừ
Khi một người thực hiện một hành động hay một suy nghĩ nào đó không được chấp nhận và rồi thực hiện những hành động khác để chuộc lỗi hoặc xoá bỏ hành động hoặc suy nghĩ không được chấp nhận đó.
Trong cơ chế bù trừ, con người cố gắng một hành động này để bù trừ cho một hành động khác theo anh ta là có lỗi.
Ví dụ, một người mẹ thường xuyên bận rộn, thường không còn có đủ thời gian dành cho việc chăm sóc con mình. Người mẹ ấy cảm thấy có lỗi vơi con và thay vào đó, mua rất nhiều đồ chơi đắt tiền cho con. Hoặc một người đàn ông ngoại tình, anh ta thấy có lỗi với vợ mình nên mua nhiều thứ quà như hoa, quần áo, trang sức… cho vợ.
Cơ chế hình thành phản ứng ngược
Những suy nghĩ đáng bị chê trách bị kìm nén bên trong và được biểu hiện ra bên ngoài một cách trái ngược.
Ví dụ, một người bị hấp dẫn bởi những văn hoá phẩm về tình dục nhưng với mọi người, anh ta lại thường hay lên tiếng chỉ trích một cách thái quá. Hoặc một người mẹ không quan tâm nhiều đến con có thể trở nên bảo vệ con một cách quá mức cần thiết.
Theo Freud, sự khác biệt giữa hình thành phản ứng ngược và những cảm nhận chân thực là ở mức độ thể hiện. Con người phô bày phản ứng ngược có khuynh hướng biểu hiện ở cường độ cao và vô lý những cảm xúc của họ.
Cơ chế trí thức hoá
Sử dụng tri thức để giải thích cho thực tế nhằm tránh đau đớn về cảm xúc trong các hoàn cảnh gây đau khổ như cái chết, bệnh tật, sự ly tán…
Ví dụ: coi bệnh ung thư là có căn nguyên lôgíc. Hoặc cảm giác buồn thương, đau đớn vì cái chết của người thân có thể được giảm thiểu bằng cách nhấn mạnh đến việc nghĩ rằng cái chết là kết quả tất yếu không thể tránh khỏi của cuộc sống.
Cơ chế phóng chiếu
Gán cho người khác những lo âu, những suy nghĩ không thể chấp nhận được ở bản thân mình
Ví dụ: Một người (A) rất căm thù B, nhưng anh ta lại không dám công nhận điều đó mà luôn cho rằng những người khác căm thù B chứ không phải anh ta
Freud cho rằng, hình thức cực đoan của cơ chế này là nhân tố bệnh lý trong những rối loạn hoang tưởng đón nhận, hướng đến niềm tin ảo giác về những âm mưu, những mưu đồ sát nhân.
Cơ chế đồng nhất hóa
Một người bắt chước, làm theo những đặc điểm của một người khác được cho là có quyền năng hơn, thành công hơn, nổi tiếng hoặc đáng giá hơn chính bản thân họ. Người yếu thế hơn có cảm giác đạt được mục đích một cách gián tiếp thông qua cá nhân mà người đó đồng nhất.
Ví dụ, bắt chước thần tượng của mình, hoặc làm những hành động giống như người mình hâm mộ đã làm.
Cơ chế hợp lý hóa
Giải thích một hành vi không chấp nhận được dưới dạng một động cơ có thể chấp nhận được về mặt xã hội để bào chữa biện hộ cho hành vi không chấp nhận được (thường là thất bại)
Ví dụ: trong ngụ ngôn con cáo và chùm nho, con cáo không lấy được chùm nho vì chùm nho ở quá cao, nhưng nó nói rằng nho còn xanh nên nó không thèm lấy; lấy lý do hợp lý để biện minh cho thi trượt, đổ lỗi cho người khác.
Nguồn: tamly.com.vn
Xem thêm: ‘Sigmund Freud - Thuyết phân tích tâm lý’