Thân và tâm đều có thể là lý do để cơn giận bùng lên. Người ta nổi giận có thể vì bị cản trở, vì phản ứng tự vệ bị thất bại, hoặc sự an toàn mà người ta đã dày công xây dựng nay bị đe dọa, vân vân.
Chúng ta đều rất quen thuộc với sự giận dữ. Làm sao để cho người ta thấu hiểu và xua tan được cơn giận. Nếu bạn cho rằng những sự tin tưởng, quan điểm, ý kiến của bạn là điều quan trọng nhất thì bạn sẽ phản ứng dữ dội khi bị người khác tỏ ý thắc mắc. Thay vì bám chặt vào những sự tin tưởng và ý kiến, nếu bạn bắt đầu tự hỏi coi chúng có là điều thiết yếu cho sự hiểu biết về cuộc đời chăng, từ đó, qua sự thấu triệt nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, sự giận dữ sẽ tan biến.
Vì lý do xã hội và tôn giáo, hoặc vì tiện nghi, chúng ta có thói quen tự kiềm chế, nhưng muốn trị tận gốc thói giận dữ, chúng ta cần phải rất tỉnh thức. Bạn nói rằng bạn nổi giận khi bạn nghe nói về một câu chuyện bất công. Bạn làm vậy là vì bạn thương người, vì bạn có lòng từ bi bác ái chăng? Liệu lòng thương xót và sự giận dữ có thể đi đôi với nhau chăng? Liệu có thể có công lý khi mà người ta đem lòng căm giận, ghét bỏ chăng?
Bạn có thể nổi giận trước những sự bất công, tàn nhẫn, nhưng sự giận dữ của bạn không thay đổi được tình thế, mà chỉ đem lại sự tai hại. Để có được những điều bạn muốn, thì bạn, chính bạn, phải có từ tâm, phải có những suy tư sâu sắc. Hành động thoát thai từ sự thù ghét chỉ có thể làm tăng thêm thù ghét. Nơi nào có sự căm giận thì không có công chính. Công chính và căm giận không thể đi đôi với nhau.
Collected Works of J. Krishnamurti, Vol.III
Danny Việt dịch