Khổ đau

Chỉ là bất như ý

Người ta vẫn thường hay nói nghèo là khổ, nghèo khổ, chứ ít ai nói giàu khổ cả. Thực ra người nghèo có nỗi khổ của người nghèo, mà người giàu cũng có nỗi khổ của người giàu. Người nghèo vì không chấp nhận cái nghèo, oán ghét cái nghèo, muốn được giàu nên họ khổ. Còn người giàu sợ bấy nhiêu tài sản chưa đủ làm người khác nể phục, sợ bị phá sản, sợ người khác lợi dụng hay hãm hại mình nên khổ.

So ra, cái khổ của người giàu còn phức tạp và nan giải hơn người nghèo. Phải chi trong xã hội ai cũng như ai, ai cũng sở hữu tài sản như nhau thì chắc chắn ý niệm giàu nghèo sẽ không có. Nhưng điều ấy không bao giờ là thực tế khi con người ngày càng ưa chuộng vật chất và xem đó là điều kiện căn bản của hạnh phúc. Cho nên, nếu ta may mắn không bị cuốn theo quan niệm của xã hội mà thoát ra khỏi ý niệm giàu nghèo, ta thấy sự hưởng thụ vật chất không phải là lý do lớn nhất để khiến ta có mặt ở trên cõi đời này thì ta sẽ không bao giờ than khổ.

Cực cũng vậy, người ta vẫn thường gộp chung cực với khổ, cực khổ. Thật ra, bản thân của sự cực nhọc chưa chắc đã là khổ. Chỉ vì ta kháng cự lại nó, ta muốn mình không phải vất vả mà vẫn có đầy đủ mọi thứ tiện nghi như những người khác nên ta mới khổ. Và ta chỉ biết so sánh, đòi hỏi, chứ không chịu tìm hiểu căn nguyên sâu xa tại sao mình lại cơ cực. Nhưng chắc ta cũng đã từng chứng kiến có những người chỉ cần người thân của họ qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, dù người ấy không thể tiếp tục lao động, thì họ vẫn vui lòng đem hết thân mạng của mình ra để bảo bọc.

Có những người làm công tác cứu hộ, họ biết lao vào lửa dữ, chui xuống lòng đất hay đi ngang qua lằn tên mũi đạn rất nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vì tình thương nên họ không hề xem đó là nỗi khổ. Dù nhiều người cho rằng cái cực tâm trí mới thật là khổ, phải suy tính đủ điều mới gánh vác nổi công việc; nhưng trong thời buổi kinh tế suy thoái như hiện nay mà còn có công việc để làm, để suy tính, để kiếm sống thì đã là điều hạnh phúc lắm rồi. Thế nên, cực có trở thành khổ hay không là tùy vào thái độ của mỗi người.

Và điều mà ta thường than thở với nhau nhiều nhất đó là đau khổ, hễ đau là phải khổ như là một sự thật không thể thay đổi. Thí dụ ai đó tát vào mặt ta một cái có thể làm ta rất đau, nhưng nếu ta biết mình có lỗi với người ấy và sẵn sàng đón nhận thì cái tát đó sẽ không làm ta khổ. Đằng này bằng một thái độ khinh miệt, họ đã “tặng” cái tát để sỉ nhục ta trước mọi người thì ta khổ thật đấy.

Làm ăn bị thất bại, tiền bạc mất trắng, ai mà chẳng đau xót vì đó là mồ hôi nước mắt mà ta đã chắt chiu suốt bao năm trời. Nhưng từ cái đau ấy đến cái khổ vẫn còn một khoảng cách khá xa nếu ta biết rõ nguyên nhân thất bại và chấp nhận sự thất bại ấy như một bài học kinh nghiệm. Và có lẽ, cái đau thống thiết nhất của nhân sinh chính là sự chia lìa, nên thường được ví như khúc ruột cắt đứt làm đôi - “đoạn trường thương đau”. Nhưng nếu ta ý thức được chuyện hợp tan là do nhân duyên mà chính ta cũng đã góp phần tạo ra nhân duyên ấy, và ta cũng ý thức được rằng biết đâu chia lìa cũng là cơ hội để hai bên cùng nhìn lại chính mình để tạo ra cái duyên mới tốt đẹp hơn trong tương lai, cho nên đau và khổ là hai cung bậc cảm xúc khác nhau.

Cuộc sống luôn có những điều hợp với ý ta nhưng lại mâu thuẫn với suy nghĩ của người khác, hoặc thỏa mãn nhu cầu người khác nhưng lại trái nghịch với sở thích của ta, đó cũng là lẽ đương nhiên. Ngay cả chính bản thân ta cũng có lúc “sáng nắng chiều mưa” mà ta còn không hiểu nổi thì làm sao hoàn cảnh có thể làm vừa lòng ta mãi được. Có những điều trước kia ta ghét cay ghét đắng nhưng bây giờ lại yêu thích. Có những thứ trước kia ta hết sức say mê nhưng bây giờ lại không muốn nhìn tới. Có những vấn đề trước kia ta vốn xem thường nhưng bây giờ lại cảm thấy rất hệ trọng.

Giả sử mọi mong muốn của ta đều thành tựu hết thì thử hỏi ta sẽ trở thành cái gì và cuộc đời này sẽ ra sao chứ? Vậy mà ta cứ cố gắng đòi hỏi mà ít khi nào chịu suy xét cặn kẽ những mong muốn của mình có thật sự hợp lý không - tức là nó có cần thiết và phù hợp với khả năng của ta hay hoàn cảnh hiện tại của ta không, và nó có ảnh hưởng hay liên quan gì đến người khác không. Vì thế hầu hết những nỗi khổ mà ta thường kêu ca, nếu xét tận tường thì nó chỉ là sự bất như ý mà thôi. Rõ ràng cái khổ của ta không hẳn là cái khổ của kẻ khác.

Cho nên thay vì than van “khổ quá” thì ta hãy nên nói “bất như ý quá” mới đúng. Cách gọi này sẽ đánh động vào ý thức để giúp ta nhìn lại thói quen phản ứng của mình có đúng đắn hay không thay vì cứ rượt đuổi theo đối tượng khác. Từ đó ta sẽ bừng tỉnh nhận ra quan niệm “đời là bể khổ” chỉ là do cách nghĩ, hay chỉ là định kiến mà thôi.

Khổ đau là màu nhiệm

Ta đừng bao giờ quên rằng ta không phải là một cá thể tồn tại biệt lập, mà ta vốn phải luôn chịu sự tương tác của bao nguồn lực chung quanh - từ bạn bè, gia đình đến xã hội và cả vũ trụ bao la nữa. Dù ta có tài năng đến đâu, dù ta có chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức nào, thì những điều bất như ý vẫn cứ xảy ra theo lẽ tự nhiên của nó. Hễ có thành thì phải có bại, có hợp thì phải có tan. Tại sao ta chỉ muốn thành và hợp, còn bại và tan để cho ai? Lúc may mắn sao ta không tự hỏi xem mình có thật xứng đáng với thành quả này và có nên đón nhận nó hay không, mà mỗi khi gặp xui rủi thì ta lại khóc than ầm ĩ, đòi hỏi sự công bằng. Ta đã hưởng thụ quá nhiều từ những tặng phẩm của vũ trụ rồi thì lâu lâu bị vũ trụ lấy lại chia cho kẻ khác, thiết tưởng đó cũng là lẽ tự nhiên chứ đâu có gì là thua thiệt!

Đối với những mất mát quá lớn tất nhiên ta phải cần có thời gian thì mới có thể chấp nhận và cân bằng được, nên việc ta có những phản ứng cảm xúc cũng là lẽ thường tình. Nhưng có những điều quá đỗi bình thường, nếu không nói là tầm thường, mà ta cũng than khổ thì đó là lỗi của ta. Như trời mưa cũng khổ, kẹt xe cũng khổ, bị lỗi hẹn cũng khổ, thức ăn không vừa miệng cũng khổ, chiều cao không như ý cũng khổ, mau già cũng khổ, không ai hỏi thăm cũng khổ, được nhiều người thương cũng khổ…

Nhìn kỹ lại tất cả những phản ứng ấy, có phải do chính lòng tham của ta quá lớn nên nó đã dìm ta xuống vũng lầy khổ đau đó không? Ta đừng đổ thừa hoàn cảnh nữa. Không ai có thể làm cho ta khổ được nếu ta có một hiểu biết đúng đắn và một khả năng chấp nhận đủ lớn. Để có được khả năng chấp nhận rộng lớn đó thì ta cần phải biết thu gọn lại những mong cầu không cần thiết của mình. Ngay cả với những điều được cho là chính đáng, nếu ta thấy không có nó mà ta vẫn có thể sống vững vàng và hạnh phúc được, thì ta cũng nên cố gắng khước từ để tâm ta bớt lệ thuộc vào hoàn cảnh, để khi hoàn cảnh biến động thì ta vẫn an nhiên bất động.

Ngoài ra ta cũng nên luyện tập cho mình cách đối mặt với khó khăn, hoặc tự tạo cho mình một cách nghĩ, một cách sống đừng quá cầu mong sự an toàn để cho sức chịu đựng trong ta được lớn mạnh. Ta thấy những đứa trẻ lớn lên trong môi trường được bảo bọc quá đầy đủ, muốn gì được nấy, nên khi bước vào đời không có chút vốn liếng kinh nghiệm nào mang theo để chống chọi với những nghịch cảnh, chỉ cần một tác động nhỏ như bị chê bai là chúng dễ dàng chao đảo và muốn bỏ cuộc ngay.

Cũng như những loại cây mọc trên đất tơi xốp trông xanh tươi mơn mởn nhưng chỉ cần một cơn gió lớn đi ngang qua là lập tức gãy đổ; còn những loại cây mọc trên đá núi tuy dáng dấp khẳng khiu nhưng độ bám rất vững vàng, không gió bão nào xô ngã nổi. Cho nên tuy ta không thể cầu nguyện cho cuộc đời đừng xô đẩy mình vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, nhưng ta có thể làm cho mình không bị ngã gục trước những sóng gió cuộc đời bằng một trái tim vững chãi.

Để có được trái tim ấy, ta phải bớt chạy theo những thứ mình vốn ưa thích và cố gắng chấp nhận những điều mình vốn không ưa thích. Thích hay không thích đều là sự thể hiện của cảm xúc phục vụ cái tôi trong nhất thời, chỉ cần điều chỉnh lại nhận thức cho đúng đắn thì cảm xúc ấy sẽ tan rã ngay. Ta đừng vội kêu ca sống mà không hưởng thụ thì sống để làm gì? Có ai cấm ta hưởng thụ đâu. Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó cả. Nếu ta cứ dung dưỡng cho cái tôi yếu đuối thì đừng hỏi tại sao đời mình cứ khổ hoài.

Lẽ dĩ nhiên, với một người đã có trái tim vững chãi thì bao nhiêu danh lợi cũng không là vấn đề, họ có đủ bản lĩnh để vượt lên trên danh lợi hay sử dụng nó một cách hữu ích cho đời. Song, thực tế số người có ý niệm muốn buông bỏ thói quen hưởng thụ rất hiếm, còn số người làm được lại càng hiếm hơn. Nhất là xã hội hiện nay, người ta dám đạp đổ cả thành trì đạo đức để tranh giành quyền lợi mà bất chấp mọi hậu quả. Chính vì thế mà đời sống ngày càng nhiều khổ đau hơn và nó đã trở thành bản trường ca bất tận của con người.

Đúng, khổ đau là một thực tại không thể chối cãi, nhưng tính chất của nó vốn không cố định. Khổ đau không phải là bản chất mặc định của cuộc đời này. Mà thật ra không có gì là khổ đau cả, chỉ vì guồng máy tâm thức trong ta vận hành sai lệch nên nó đã tạo ra những phản ứng chống đối lại những hoàn cảnh mà nó cho là trái nghịch đó thôi. Rất may guồng máy tâm thức ấy là một hợp thể linh động nên có thể điều chỉnh được. Bắt đầu từ nhận thức đúng đắn trở lại về những gì liên quan đến ta luôn chịu tương tác với vạn vật để nó không tiếp tục tạo những phản ứng ích kỷ. Đồng thời, ta cần có một khả năng quan sát và phân tích thật tinh tường về những thói quen mà ta đã tạo dựng từ trong quá khứ đến nay. Tiến trình tháo gỡ những tâm lý tiêu cực ấy chính là tiến trình vượt thoát khổ đau. Càng bớt tự ái tổn thương là càng bớt khổ đau. Hết nghĩ cho cái tôi là hết khổ đau.

Vậy suy cho cùng, ta cần phải biết ơn khổ đau. Bởi khổ đau vừa giúp ta ý thức được cái gì là hạnh phúc, vừa giúp khả năng chịu đựng trong ta lớn mạnh để ta có thể phát tiết hết bản năng sinh tồn tiềm ẩn của mình. Cũng như nếu không bị lạc đường ta sẽ khó biết mình vốn rất sợ hãi, nếu không bị xúc phạm ta sẽ khó biết rõ mức độ nóng giận của mình, nếu không bị dối gạt ta sẽ khó biết mình cũng rất dễ tổn thương, nếu không bị bỏ rơi ta sẽ khó thấy rõ tính mình cũng khá yếu đuối. Chính nhờ bản năng sinh tồn biểu hiện mà ta thấy rõ từng ngõ ngách sâu kín của phiền não tạo nên khổ đau. Từ đó, ta biết cách điều chỉnh lại tâm thức và nếp sống của mình sao cho hài hòa với vũ trụ, để sự hiểu biết và tình thương trong ta bừng nở, để ta có thể đi giữa thăng trầm của cuộc đời này một cách thong dong tự tại mà không còn lo sợ những nghịch cảnh bất ngờ.

Vậy nên, tâm ta như thế nào ta sẽ cảm nhận khổ đau như thế ấy, vì khổ đau vốn từ tâm sinh ra mà cũng từ tâm diệt đi.

Nếu không có khổ đau
Biết đâu là hạnh phúc
Nhờ mộng mị hôm nào
Ta tìm về tỉnh thức.

Minh Niệm
Nguồn: daophatngaynay.com
Previous Post
Next Post