Có hai thiên thần hiện xuống trần gian làm thường dân đi du lịch xem xét dân tình. Một hôm, cả hai ghé vào một biệt thự giàu có xin nghỉ qua đêm. Gia đình này giàu nhưng keo kiệt và không có lòng hảo tâm nên họ nói trong nhà không còn dư chỗ ngủ, nếu muốn ở lại thì chỉ còn căn hầm dưới nhà. Hai thiên thần đồng ý ngủ qua đêm dưới hầm lạnh lẽo không có giường chiếu gì cả. Buổi tối trước khi ngủ, vị thiên thần già nhìn thấy trên tường có một lỗ hổng và đến lấp lại. Vị thiên thần trẻ thấy vậy hỏi lý do thì thiên thần già đáp: "Sự vật không phải lúc nào cũng như mình tưởng".
Ngày hôm sau, hai thiên thần ghé đến xin nghỉ trọ tại nhà của một nông dân nghèo, nhưng cả hai vợ chồng đều hiếu khách. Mặc dù trong nhà không có nhiều đồ ăn, nhưng họ vẫn vui vẻ chia bớt phần ăn của họ cho khách. Sau đó họ còn nhường luôn cái giường độc nhất trong nhà để cho hai vị khách có một giấc ngủ ngon. Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa mọc, hai thiên thần sửa soạn từ giã thì thấy vợ chồng chủ nhà nước mắt ràn rụa. Gia tài duy nhất của họ là con bò mà họ thường vắt sữa đem đi bán, sáng nay đã lăn ra chết.
Vị thiên thần trẻ thấy vậy tức giận hỏi thiên thần già: "Làm sao anh có thể để cho chuyện này xảy ra như vậy? Hôm qua, tên chủ nhà giàu có kia, nó đầy đủ mọi thứ mà anh lại lấp tường giúp hắn. Hôm nay gia đình này nghèo thiếu thốn mọi thứ nhưng có lòng tốt chia sẻ tất cả, vậy mà anh nhẫn tâm để cho con bò của họ chết là nghĩa làm sao?"
"Thấy vậy mà không phải vậy!" thiên thần già đáp. "Tối hôm trước, ở dưới căn hầm, tôi thấy có vàng giấu trong tường qua lỗ hổng. Nhưng vì người chủ nhà tham lam, keo kiệt không biết chia sẻ, bố thí nên tôi đã lấp lỗ hổng để hắn không tìm thấy vàng. Tối hôm qua, trong lúc chúng ta ngủ trên giường của vợ chồng nông dân, thì tử thần hiện đến muốn bắt người vợ đi, nhưng tôi đã thế mạng người vợ bằng con bò".
Sự vật không phải lúc nào cũng như mình tưởng. Nhiều khi chúng ta nghĩ sự vật đáng lý ra phải như thế này, nhưng chúng lại xảy ra như thế khác. Nếu bạn thông minh thì hãy sửa lại cách nhận thức của mình và tin rằng những gì xảy ra đều là những bài học tốt và mang lại lợi ích cho mình. Có thể ngay lúc đó bạn không biết cho tới mãi sau này mới nhận ra.
Bạn hãy tập suy nghĩ (lạc quan) như sau:
Nếu bạn trằn trọc khó ngủ đêm nay; hãy nghĩ đến những người vô gia cư không có giường để nằm.
Nếu bạn bị kẹt xe, đừng nản chí. Trên thế gian này có những người chưa hề được biết đến xe hơi hay lái xe là gì.
Nếu bạn có một ngày làm việc không như ý; hãy nghĩ đến người thất nghiệp, thèm có được một công việc như bạn để có tiền nuôi vợ con.
Nếu bạn thất vọng vì cuộc tình tan vỡ; hãy nghĩ đến người chưa từng được yêu và biết yêu là gì.
Nếu bạn buồn rầu vì cuối tuần qua mau; hãy nghĩ đến người phụ nữ nghèo cùng, làm việc mười hai tiếng một ngày, bảy ngày trong tuần mà vẫn không đủ tiền nuôi gia đình.
Nếu xe bạn bị hư và bạn phải đi bộ; hãy nghĩ đến người què quặt, tê liệt hay bán thân bất toại, họ thèm có được cơ hội đi bộ như bạn.
Nếu bạn soi gương thấy mình có thêm vài sợi tóc trắng; hãy nghĩ đến bệnh nhân ung thư đang hóa trị, thèm có được vài sợi tóc để ngắm.
Nếu bạn bị thất bại, chán nản, cho rằng đời mình không còn ý nghĩa thì hãy nên cảm ơn đời, vì có nhiều người không thể sống lâu để đặt câu hỏi như bạn.
Nếu bạn cảm thấy mình là nạn nhân của sự ngu si, trách móc, lợi dụng, bất công; hãy nhớ, sự vật có thể tệ hơn thế nữa.
Duy tâm sở hiện
Từ "tánh không" chúng ta bước sang một giáo lý khác, đó là "duy tâm sở hiện", có nghĩa các pháp đều do tâm biến hiện và nhận thức.
Thí dụ trong một cuộc thử nghiệm, các bác sĩ lấy một miếng sắt nhỏ như cái muỗng nói là đã hơ trong lửa rất nóng trước khi dí vào lưng một bệnh nhân. Sau khi dí vào thì lưng bệnh nhân bị phỏng, trong khi đó bác sĩ không hề hơ miếng sắt đó trong lửa. Sự kiện này cho thấy rằng bệnh nhân đã tin và tưởng rằng miếng sắt đó rất nóng. Do tin và tưởng chắc như vậy nên nó đã làm cho da bị phỏng khi miếng sắt xúc chạm vào lưng. Sự phỏng này không phải do miếng sắt nguội mà do chính tâm của bệnh nhân tạo ra.
Thí dụ khác là loại thuốc "placebo", đó là những viên thuốc giả, bên trong làm bằng đường và không có một chút hóa chất nào, nhưng bác sĩ đưa cho các bệnh nhân nhức đầu và nói đó là thuốc trị nhức đầu. Những bệnh nhân này uống xong thì cảm thấy hết nhức đầu. Điều này cho thấy bệnh nhân hết nhức đầu vì trong tâm họ tin đó là thuốc nhức đầu và tưởng rằng uống vào thì hết nhức đầu, do đó sự hết nhức đầu này không phải do "thuốc giả" mà do chính tâm của họ tạo ra.
Thí dụ khác, trong thời kỳ đệ nhất thế chiến, hải quân Đức đã ghi lại một sự kiện khá kỳ lạ: Khi những chiến hạm của họ bị bắn chìm, các thủy thủ thường bị trôi giạt lênh đênh trên biển vài ngày hoặc vài tuần trước khi được tàu nhà đến cứu. Chuyện này bình thường không có gì đáng nói, nhưng điều lạ là khi tới cứu vớt, họ nhận thấy những người sống sót thường là những thủy thủ già, trong khi những thủy thủ trẻ, khỏe mạnh hơn đều đã chết chìm. Sau khi nghiên cứu, điều tra thì họ được biết những thủy thủ già này đều đã trải qua những kinh nghiệm đắm tàu và được cứu vớt nên họ tin chắc thế nào cũng có tàu khác tới cứu. Do niềm tin vững chắc nên tuy già yếu hơn, họ vẫn nuôi hy vọng cố bám, chờ đợi và sống sót. Trong khi những thủy thủ trẻ, chưa hề trải qua kinh nghiệm đắm tàu, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, họ tin chắc không còn hy vọng sống sót, và vì tin như vậy, tin vào sự chết sẽ đến rước nên họ đã bỏ cuộc và chết chìm trước khi được tàu đến cứu.
Những người bị bệnh ung thư, nếu tâm hồn lạc quan, luôn hy vọng, tin tưởng mình sẽ khỏi bệnh, cố gắng tìm thầy tìm thuốc, những người này có nhiều cơ hội khỏi bệnh hoặc sống lâu hơn những người bị bệnh mà tâm bi quan chán đời.
Người Pháp thường nói "Hy vọng là sức sống" (l'espoir fait vivre), hy vọng là sự biểu lộ của niềm tin. Vì có tin nên mới hy vọng. Khi mất niềm tin thì không thể hy vọng gì được nữa. Những người mắc bệnh trầm cảm nặng thường muốn chết, vì họ không còn niềm tin, không còn hy vọng, không còn hứng thú đối với cuộc đời.
Tôi kể vài thí dụ ở trên để nói lên sức mạnh vi diệu, tiềm tàng của tâm thức. Cần phải nói thêm rằng không phải cứ tin cái gì thì sẽ có cái đó, thí dụ như cứ tin là mình sẽ trúng số thì được trúng số, hoặc cứ tin là mình sống tới 100 tuổi thì sẽ sống tới 100 tuổi. Nói theo Duy Thức học thì tin là một loại chủng tử (hay một nhân). Khi gặp đủ duyên thì chủng tử này sẽ hiện hành ra quả, còn thiếu duyên thì không thể cho ra quả.
Khi có nhiều niềm tin về một điều gì thì đó là đang gieo vào tàng thức của mình một loại chủng tử, khi những chủng tử này đủ sức mạnh thì chúng sẽ bộc phát ra ngoài, và sự việc xảy ra, gọi là hiện hành. Thí dụ như người tu Tịnh Độ, có nhiều niềm tin nơi đức Phật A Di Đà, hàng ngày cầu nguyện Ngài đến tiếp độ về Cực Lạc, đến khi thân xác bệnh hoạn, già yếu, tắt thở thì đó là thời tiết nhân duyên thuận lợi cho sự hiển lộ của niềm tin bộc phát. Và đương nhiên là người này sẽ được đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn. Còn những người tu Tịnh Độ, miệng tuy niệm Phật, nhưng thâm tâm còn tin và bám vào vật chất, gieo nhiều chủng tử tham lam, giận hờn, ganh tị, ích kỷ, v.v... thì cảnh giới Cực Lạc khó hiển lộ khi thân xác tắt thở.
Xe ủi lô
Sáng nay trong lúc ngồi thiền, có một xe ủi lô chạy ngay phía sau chùa và cứ thế đi tới đi lui để ủi và nén đất, phát ra tiếng ồn đinh tai nhức óc làm tôi khó chịu vô cùng. Tôi cố gắng chú tâm vào hơi thở để quên đi tiếng ồn nhưng vô hiệu. Bỗng tôi nhớ lại câu: "Ghi nhận và chấp nhận sự vật như nó là. Đau khổ phát sinh khi muốn sự vật phải theo ý mình". Tôi bèn nhìn xem tâm nào đang khó chịu? Thật ra tiếng ồn không thể nào làm gì được tâm, vì tâm vô hình chất, không bị chướng ngại. Nó chỉ bị chướng ngại khi nó bắt đầu chấp và khởi lên ý niệm ưa ghét, lấy bỏ. Nguyên nhân của sự khổ sở là "tâm phân biệt", phán đoán đây là tiếng ồn khó chịu quá, và từ đó làm khởi lên sự chán ghét, khó chịu, bực dọc.
Vậy phải làm sao đây? Hãy ghi nhận sự vật như nó là và chấp nhận nó như thế. Và an trụ trong tánh rỗng lặng của tâm. Gặp cảnh trái ý hay vừa lòng, giữ tâm không ưa ghét, lấy bỏ. Và rồi cái gì có đến thì có đi, cái xe ủi lô kia chạy một hồi rồi cũng phải ngừng. Sự vật vô thường mà! Cái phiền (khổ) đến thì nó sẽ đi, điều quan trọng là mình có đủ kiên nhẫn chờ nó ra đi hay không?
Đổi đài trong tâm
Trong báo Reader Digest có kể một chuyện thưa kiện khá lạ đời. Một ông nọ xem tivi, chương trình Fear Factor sợ quá rồi bị ám ảnh, ông ta đệ đơn kiện chương trình này phải bồi thường. Nhưng quan tòa bác đơn và nói ngày nay người ta chế ra cái đồ bấm đổi đài (remote control) để làm gì? Nếu ông xem thấy sợ thì phải biết đổi đài. Ông không đổi đài là lỗi tại ông chứ không phải tại đài truyền hình.
Trong tâm con người cũng có nhiều đài, nhiều băng tần như tivi, radio. Có những đài mang tên buồn, vui, ưa, ghét, giận, hờn, lo, sợ, v.v... Đài mang tên buồn thì hay chiếu những chuyện buồn đủ loại từ nhiều năm cũ. Đài mang tên vui thì chuyên phát những chuyện vui quá khứ. Đài mang tên ưa thì hay chiếu những thứ mà ta ưa thích, thèm muốn. Đài mang tên ghét thì hay chiếu những thứ khiến cho ta phát ghét, v.v...
Hàng ngày khi tiếp xúc với cảnh vật bên ngoài, gặp cái gì đáng yêu thì về nhà hình ảnh đó cứ hiện lên hoài trong tâm, đây là chúng ta đang xem đài "vui"; thấy cái gì đáng ghét thì hình ảnh đó cũng hiện lên hoài và chúng ta bị dính vào đó rồi buồn bực không nguôi, đây là tâm đang chiếu đài "buồn" cho ta xem. Nếu buồn quá thì phải biết đổi đài, tức là khởi tâm suy nghĩ, nhớ lại chuyện vui nào khác. Nếu vui quá mà ngủ không được thì ta cũng có thể đổi đài, nghĩ đến cái gì đó cho tâm bình lại để bớt kích thích. Sự đổi đài này trong đạo Phật gọi là thay chốt.
Khi tâm tham, sân, si thì nó phát ra những ý nghĩ, hình ảnh tham, sân, si làm mình phiền não. Nhưng ta không biết là mình có thể đổi đài nên cứ nằm yên hoặc ngồi ì ra đó chịu trận. Khi tham thì radio hay tivi tham phát ra các ý tưởng tham lẩn vẩn trong đầu xúi giục ta tìm cách thỏa mãn lòng tham. Khi sân thì đài radio, tivi trong tâm cứ phát ra những ý tưởng sân xúi giục ta phải giận hờn, la hét, chửi bới, đánh đập người làm trái ý ta.
Con người có khả năng suy nghĩ, vậy hãy dùng khả năng này mà đổi đài trong tâm để thoát khổ. Nói thì có vẻ dễ nhưng muốn sử dụng được khả năng đổi đài trong tâm không phải là dễ. Đó là lý do tại sao cần phải tu tập thiền quán, vì thiền quán giúp chúng ta có chánh niệm, tỉnh giác, có định lực và từ đó mới có thể đổi đài trong tâm dễ dàng.
Hãy bước ra ngoài cảm thọ
Khi bị phiền não (thương, ghét, buồn, giận, nuối tiếc, ân hận, v.v...), đó là trong tâm đang chiếu phim cho ta xem. Trong đạo gọi đó là "tưởng", tức là tưởng nhớ quá khứ, rồi phát sinh ra "thọ" (cảm thọ). Khi rơi vào cảm thọ người ta thường mắc kẹt trong đó không biết đường ra. Thí dụ như buồn thì cứ buồn hoài không nguôi; nhớ thì cứ nhớ hoài không quên; giận thì cứ giận mãi không hết, v.v... Khi gặp trường hợp này, tôi gọi đó là bị nhốt trong "phòng cảm thọ".
Con người được cấu tạo bởi "năm uẩn" (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), giống như một căn nhà có năm phòng. Có lúc bạn tưởng mình là "sắc" (thân thể) khi chăm lo cho nó ăn uống, ngủ nghỉ. Có lúc bạn tưởng mình là "thọ" khi bị đau nhức, bệnh hoạn hoặc buồn khổ trong tâm. Có lúc bạn cho mình là "tưởng" khi tưởng nhớ quá khứ, hay tưởng tới tương lai. Có lúc bạn cho mình là "hành" khi suy nghĩ, tính toán, lo lắng đủ chuyện. Có lúc bạn tưởng mình là "thức" khi cảm thấy mình biết cái này cái nọ. Trong ngày, bạn cứ chạy lòng vòng, quanh quẩn trong năm căn phòng này. Nhưng mỗi khi bị phiền não thì bạn quên mất mình là chủ nhà có khả năng qua lại tự do và nằm yên chịu trận trong căn phòng cảm thọ.
Bên trên nói bạn "đổi đài trong tâm", tức là nhắc bạn hãy bước ra khỏi phòng cảm thọ bằng cách đi qua "phòng tưởng" (nhớ lại chuyện vui) hoặc "phòng hành" (suy nghĩ chuyện vui). Nhưng nếu không làm được thì bạn hãy vùng dậy, bước qua "phòng sắc", bằng cách an trú vào hơi thở nếu đang ngồi, hoặc theo dõi bước chân nếu đang đi, hoặc chú tâm vào bất cứ hành động nào thân đang làm.
Nhiều người đau khổ vì tình, tìm đến tu tập Thiền Minh sát (Tứ Niệm xứ), được dạy chú tâm vào sự phồng xẹp của bụng khi hít thở, hoặc chú tâm ghi nhận từng bước chân, nhờ đó mà từ từ họ thoát khỏi khổ đau (thuộc cảm thọ).¡
Chú giải:
(1) Reader Digest: Tên một báo nguyệt san khá nổi tiếng ở Mỹ.
(2) Fear Factor: Đài tivi chuyên chiếu những sự kiện làm cho khán giả sợ hãi như nằm trong bồn rắn, ăn nuốt côn trùng sống, v.v...
(3) Xem kinh An trú tầm, trong Trung Bộ Kinh 20, hoặc sách "Ý Tình Thân", Thích Trí Siêu.
Thích Trí Siêu
Nguồn: daophatngaynay.com