Ngưng nghỉ để trở về

Bước đi trong cuộc sống với nhiều vội vã, lo toan, chúng ta khó lòng tiếp xúc được với sự bình an khi vẫn đang phải dấn thân trong công việc, khi gặp gỡ và phụng sự xã hội.

Sự vội vã và lo toan đó lâu ngày trở thành thói quen, khiến cho ta không khi nào cảm thấy yên tâm. Đang ở nơi này, ta lại nghĩ về việc ở nơi khác. Ngay trong lúc này ta lại đang nghĩ về quá khứ hoặc tương lai. Giây phút hiện tại vì thế cứ trôi đi mà ta không có cơ hội để kịp nhận biết, cả những điều tươi đẹp có mặt ở quanh ta và trong ta trong thời điểm ấy cũng không có cơ hội để được ta nhận ra.

Ai đó đã nói: “sống là không chờ đợi”. Điều đó đã trở thành quan điểm sống của rất nhiều người, có lẽ cũng bởi thế mà vô tình chúng ta khiến cho xã hội vận động như một guồng máy. Chúng ta thiếu dừng lại để nghỉ ngơi, để hồi sức. Sự dừng lại cũng giúp chúng ta xác định được ba điều quan trọng trên mỗi cuộc hành trình: ta tới từ đâu, ta đang ở đâu và sẽ đi đâu. Hoặc ba điều ấy cũng có thể được nhìn nhận theo một cách khác: ta đã tới đây bằng cách nào, ta đang ở trong tình trạng nào và nên đi tiếp ra sao.

Chúng ta có rất nhiều cơ hội để dừng lại và soi xét bản thân trên chặng đường mình đi, nhưng lại rất thường bỏ lỡ các cơ hội ấy, vì ta luôn sống với tâm lý mong cầu, luôn hướng tới một hoặc nhiều điều gì đó mà quên không nhìn lại để nhận ra rằng, có khi ta đang bước đi mà bàn chân dường như không chạm đất.

Khi hai chân không chạm đất, ta rời xa cội gốc và lọt ra khỏi nền tảng vững chãi và bình ổn. Không có nền tảng ấy, mọi suy nghĩ và quyết định của chúng ta đều trở nên chênh vênh và thiếu thực tế. Nhiều khi ta tưởng rằng cứ cắm đầu lao tới mục tiêu thì đó mới là lối sống thực tế, đầy nhiệt huyết. Nhưng năng lượng tích cực ấy, bởi đã bứt khỏi cội nguồn, sẽ bị thất thoát ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Đó là lí do khiến nhiều người ban đầu rất sung sức và nhiệt tình nhưng càng sống và làm việc thì càng rệu rã.

Nếu bạn từng trải nghiệm việc chạy một mạch từ trên xuống dưới một cầu thang dài, bạn sẽ hiểu được cảm giác của sự chơi vơi khi mình không có một điểm tựa vững chãi. Nếu không có đủ sự bình tĩnh và vững vàng, bạn có thể trượt chân hoặc bước hụt, sự té ngã thường khiến chúng ta đau đớn. Nhưng nếu bạn bước được những bước vững chãi thì chiếc cầu thang dù rất dài cũng không khiến cho bạn nao núng. Đó là chặng đường mà bạn đi trong sự bình an và tự do, bạn làm chủ được mỗi bước chân mình và điều đó sẽ giúp bạn bước tới mục tiêu thật thong dong và chắc chắn.

Sự ngưng nghỉ đưa chúng ta trở về giây phút hiện tại, thay vì bị cuốn vào những nuối tiếc về quá khứ hay lo âu cho tương lai. Ở thời điểm và địa điểm mà chúng ta có thể dừng lại để tiếp xúc với sự sống, tiếp xúc với chính mình, chúng ta được trở về. Sự trở về sẽ mang lại niềm an ủi cho những ai đang bơ vơ, đang cảm thấy mình lạc lõng và không tìm thấy con đường mình nên đi. Sự trở về cũng giúp những ai đang đã xác định được con đường của mình có cơ hội để nhận biết lại thực tại và đi tiếp với cái nhìn sáng tỏ hơn.

Sự dừng lại là một ân huệ chứ không phải là sự trói buộc khiến chúng ta mất tự do. Có thể tự mình dừng lại, đó mới là tự do chân thật. Chúng ta đã quá quen với việc chạy đua trong cuộc sống, chúng ta như những người nô lệ bị xã hội kéo đi, ta nghĩ rằng cuộc sống không cho mình dừng lại. Đó chỉ bởi chính chúng ta không cho phép mình dừng lại, chúng ta đã trở thành nô lệ của chính tri giác sai lầm của bản thân.

Khi bạn nghe ai đó nói không ngưng nghỉ hoặc bạn đọc một trang sách mà tác giả có thói quen hành văn dông dài bởi suy nghĩ của họ miên man dẫn đến sự diễn đạt tuy lưu loát nhưng không có điểm dừng thì đến một lúc nào đó bạn sẽ cảm thấy lượng thông tin trở nên đầy ắp và bạn bị quá tải đến mức không thể nhớ nổi là họ đang nói gì và bạn đã nghe được những gì nhưng dòng thông tin ấy vẫn tiếp tục chảy xối xả khiến bạn không biết nên dừng lại ở đâu và có khi bạn thậm chí chẳng còn hứng thú quay lại từ đầu để nghiên cứu lại một lần nữa cho rõ ràng và tìm ra những điểm quan trọng mà bạn cần nắm bắt. Khi ấy bạn nhận ra, những dấu chấm và phẩy thật tuyệt! Các dấu câu chính là những dấu hiệu nhắc nhở cho chúng ta biết khi nào ta có thể dừng lại, và khi ấy ta cũng nên cho phép mình dừng lại. Khi ta biết dừng lại đúng lúc, các ý tứ đều trở nên rõ ràng hơn.

Sáng nay bạn đi ra đường và gặp đèn giao thông, bạn sẽ chạy một mạch nếu đường vắng, sẽ hớt hải ngó quanh quẩn để tìm thời cơ chạy qua trước khi có xe đi ngang, hay bạn sẽ biết dừng lại để thở và tiếp xúc với sự sống đang có mặt? Đèn giao thông là phương tiện để nhắc nhở chúng ta là dù có đang cần đi đâu, ta cũng nên biết dừng lại. “Ta tới từ đâu, ta đang ở đâu và sẽ đi đâu”, nếu ý niệm này nảy sinh trong bạn, dù có thể không xuất hiện ở dạng ngôn từ cụ thể, thì điều đó cũng chứng tỏ là bạn đã dừng lại thành công. Ở thời điểm ấy, bạn đã trở về trong không gian an toàn của tâm thức bạn. Ở thời điểm ấy, bạn tiếp xúc được với mặt đất vững chãi và bình an trong bạn. Khi bạn tiếp xúc được với sự vững chãi và bình an ấy, bạn trở nên thảnh thơi và đã sẵn sàng để bước tiếp, hướng tới mục tiêu mà bạn đã xác định.

Không cứ phải cắm đầu chạy đuổi mới giúp chúng ta thành công trong cuộc sống. Chúng ta sẽ đi được xa hơn và tận hưởng được cuộc sống tươi đẹp ngay trên mỗi bước chân, nếu ta biết ngưng nghỉ để trở về.

Previous Post
Next Post