Nhận diện hạnh phúc

Xét cho cùng tột thì hạnh phúc và khổ đau có mặt là do tâm phân biệt, chấp thủ. Chỉ khi nào dứt trừ tâm phân biệt, chấp thủ, thấy các pháp bình đẳng nhất như thì mới thật sự đoạn tận khổ đau hoàn toàn. Đây là vấn đề thuộc về tu chứng. Bài viết ngắn này chỉ đề cập đến cách giải quyết vấn đề trên bình diện nhận thức, dùng ý niệm để nhận diện hạnh phúc, chuyển hóa khổ đau.

Có một câu chuyện vui nhưng hàm súc: Thỏ và rùa chạy thi. Thỏ chạy rất nhanh bỏ rùa lại sau lưng xa tít. Rùa đang ì ạch lê từng bước nặng nề chậm chạp trên đường đua thì gặp ốc sên. Thấy ốc sên trườn vất vả mà chẳng đi được bao nhiêu, rùa thương hại bảo: “Ốc sên ơi, bạn hãy lên lưng tôi, tôi sẽ đưa bạn đi”. Ốc sên bèn leo lên lưng rùa. Rùa mang ốc sên đi một lúc thì gặp sâu đang lê thân trên đường. Thấy sâu, rùa cảm thương gọi: “Bạn sâu ơi, hãy lên lưng tôi. Chúng ta cùng đi nhé!” Sâu mừng rỡ leo lên lưng rùa. Ốc sên bèn căn dặn sâu: “Bạn ngồi cho vững nhé, anh rùa chạy nhanh lắm đấy”. Nghe xong câu chuyện, người ta bật cười chú ốc sên và chú sâu khi cho rằng rùa chạy nhanh lắm. Nhưng sự thật thì rùa chạy rất nhanh so với ốc sên và sâu. Còn so với thỏ thì rùa quá chậm chạp.

Hạnh phúc và đau khổ, buồn và vui là những trạng thái tâm lý trái ngược nhau nhưng nương vào nhau mà tồn tại. Khi có đối tượng đau khổ người ta mới nhận ra đâu là hạnh phúc, và ngược lại, khi có đối tượng hạnh phúc người ta mới nhận ra đâu là đau khổ, sự cảm nhận hạnh phúc hay đau khổ có được từ sự so sánh, phân biệt.

Ví dụ như một người trong lúc bình thường sẽ không cảm thấy khỏe hay mệt, đây có thể gọi là cảm giác trung tính. Nhưng khi người ấy khuân một tảng đá khá nặng đi một quãng đường dài thì người ấy cảm thấy mệt, thậm chí quá khổ. Đến lúc đặt tảng đá xuống, người ấy có cảm giác nhẹ nhõm, khỏe ra; cảm giác dễ chịu, thoải mái này khác hẳn cảm giác lúc chưa khuân tảng đá. Hoặc khi không bệnh người ta không cảm thấy khỏe, không thấy hạnh phúc, khi bị sốt, nhức đầu, đau răng hoặc những chứng bệnh khác hoành hành, người ta cảm thấy khó chịu, khổ sở. Sau khi uống thuốc vào, cơn đau nhức bị ngăn chặn, cơ thể nhẹ nhàng thư thái, người ta mới cảm thấy không bệnh là khỏe. Từ đó cho thấy, kinh nghiệm hạnh phúc có được khi đã từng kinh nghiệm đau khổ, sự phân biệt, so sánh hai kinh nghiệm này giúp người ta ý thức và cảm nhận chúng một cách rõ ràng, sâu sắc.

Cũng không nhứt thiết phải kinh nghiệm trực tiếp về sự khổ, không nhứt thiết phải chính bản thân trải qua nỗi khổ thì mới có kinh nghiệm về hạnh phúc. Nếu biết quan sát, suy tư về nỗi khổ của người khác, chúng ta cũng cảm nhận được hạnh phúc vốn có nơi mình. Ví dụ như đi đến những nơi vừa xảy ra thiên tai, chứng kiến cảnh điêu tàn đổ nát, người bị nạn sống cảnh màn trời chiếu đất, khát nước đói cơm, khi ấy chúng ta nhận thấy những người ở đó rất khổ, và mình là người may mắn, hạnh phúc hơn họ nhiều. Cũng như câu chuyện về người cưỡi la sau đây vậy.

Có một anh nông dân cưỡi la dạo chơi, gặp một người cưỡi ngựa đi chung đường. Thấy người kia cưỡi ngựa trông oai vệ, sang cả thì trong lòng rất thích, mơ tưởng mình có được con ngựa để cưỡi như anh ta. Tuy nhiên, anh nhìn lại hoàn cảnh nghèo khó của mình thì đâm ra thất vọng, cảm thấy buồn. Đi không bao lâu, anh nông dân trông thấy một người đẩy xe đang vất vả từng bước một trên đường, mồ hôi như tắm dưới nắng trời oi bức. Nhìn người đang đẩy xe kia, chợt lòng anh vơi đi phiền muộn, bao nhiêu tham muốn bỗng tiêu tan trong phút chốc, anh cảm khái thốt lên:

Người khác cưỡi ngựa, mình cưỡi la

Tủi thân sao lại kém người ta?

Quay đầu chợt gặp ông xe đẩy

Mới thấy vẫn còn hơn người xa.

Hạnh phúc không ở đâu xa, nó có mặt ở xung quanh ta và trong ta. Điều quan trọng nhất là chúng ta có nhận ra hay không, có biết cách làm cho mình hạnh phúc hay không? Sống vui với hiện tại, bằng lòng với những gì mình đang có, không tham cầu, không đứng núi này trông núi nọ, mơ mộng viển vông là một trong những cách giúp ta nhận ra hạnh phúc. Thường thì chúng ta đặt quá nhiều tâm tư vào những mơ ước, kỳ vọng, ảo tưởng nhiều về tương lai mà quên đi hiện tại, không ý thức trọn vẹn những gì đang xảy ra trong chúng ta và ở xung quanh trong thời gian hiện tại, không cảm nhận hết dòng chảy của sự sống, những diễn biến trong dòng chảy ấy.

Chúng ta cũng lo lắng rất nhiều điều dù những điều ấy chưa xảy ra và không chắc sẽ xảy ra, nhưng luôn băn khoăn về chúng. Đôi khi chúng ta lo lắng một cách thái quá làm cho hiện tại cuộc sống bất an. Nhưng các nghiên cứu khoa học cho biết có khoảng 85% nỗi lo lắng của chúng ta sẽ không xảy ra. Chúng ta thường lo lắng những gì? Lo lắng về công việc, sự nghiệp, về sức khỏe, về bản thân, gia đình, về các mối quan hệ (trong gia đình, họ hàng thân thuộc, xã hội), một số trường hợp cụ thể là: Ước mơ tạo dựng sự nghiệp, ước mơ làm ông chủ, ước mơ có công việc phù hợp, ước mơ kiếm được nhiều tiền, ước mơ có người yêu, ước mơ có một gia đình hạnh phúc, ước mơ được thăng chức, tăng lương…

Sợ cô đơn, sợ bị phụ tình, sợ bị chồng bỏ, vợ bỏ, sợ thất bại, sợ bị trù dập, sợ dư luận, sợ ế chồng, ế vợ… Lo không đạt chỉ tiêu, không đạt doanh thu, lo không hoàn thành dự án, lo không có đối tác, khách hàng, lo giao dịch không thành, lo làm ăn thất bại, lo bị bạn bè phản bội, lo bị mất việc v.v.. Đôi khi chúng ta lo lắng về điều gì đó một cách thái quá mà điều đó không chắc sẽ diễn ra. Chúng ta dễ dàng nhận thấy điều đó ở những người bệnh. Có rất nhiều người bệnh không nghiêm trọng lắm, nhưng vì quá lo lắng, họ tưởng tượng, hình dung ra thảm trạng của mình, nghĩ rằng mình đã mang nhiều bệnh tật, nghĩ rằng mình khó có thể bình phục, thậm chí không sống lâu, trong khi đó thực tế căn bệnh của họ chẳng đến nỗi nào. Sự lo lắng đến độ không còn tâm trạng để uống ăn, ngủ nghỉ, không còn tinh thần làm việc, tình cảm, tâm lý bị ức chế không còn cảm nhận được những niềm vui, từ đó mà nỗi khổ đau càng chồng chất. Nỗi khổ đau đó nhiều hơn nỗi khổ đau mà bệnh tật mang lại.    

Chúng ta cũng đặt quá nhiều tâm tư vào những gì đã xảy ra trong quá khứ, thích hồi tưởng để rồi buồn bã, tiếc nuối hoặc giận hờn mà quên rằng tất cả những điều đó đã qua đi không còn nữa. Những gì chúng ta cần nắm bắt, tiếp nhận đang ở trong hiện tại chứ không phải là quá khứ hay tương lai. Khi để cho tâm tư bị cuốn theo những lo lắng, mơ mộng viển vông về tương lai hoặc những buồn bã, tiếc nuối quá khứ thì ăn không cảm thấy ngon, ngủ không yên giấc, chúng ta không cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc trong hiện tại. Quá khứ chỉ nên để cho ta rút ra những bài học kinh nghiệm để sống tốt hơn trong hiện tại, và chỉ có hiện tại mới quyềt định tương lai, chúng ta hãy cố gắng làm những gì có thể làm trong hiện tại.

Quá khứ cũng có những kỷ niệm đẹp đáng để cho ta hoài niệm, nó giúp ta có niềm tin, sức sống để sống tốt trong hiện tại và để tiến đến tương lai. Tuy nhiên không nên giam mình trong quá khứ, không nên ngủ quên với những kỷ niệm ngọt ngào, với thời vàng son đã qua mà quên đi hiện tại, bỏ qua những gì đang diễn ra trong hiện tại. Sự nuối tiếc có thể làm cho ta buồn bã, khổ não, bởi không ai có thể quay ngược thời gian trở về quá khứ. Đối với những quá khứ không hay, không đẹp, những kỷ niệm buồn, ta càng phải lãng quên, vì tất cả đã qua đi, nếu khơi gợi lại cũng chẳng ích gì ngoại trừ sự ăn năn hối tiếc, sự buồn bã xót xa hoặc giận hờn, oán hận. Hãy cố gắng loại trừ những tư duy, tình cảm tiêu cực làm cho cuộc sống tối tăm, ảm đạm.

Có người bảo rằng: “Làm sao không băn khoăn lo lắng cho tương lai khi mà hiện tại cuộc sống của tôi không tốt đẹp? Nghèo khổ khốn khó, bệnh tật, công việc gặp nhiều rắc rối làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, những điều đó khiến tôi bất an, không thể nào sống vui được. Chẳng lẽ tôi phải cam chịu, chấp nhận số phận, tôi không nên có mơ ước, khát vọng vươn lên hay sao? Tôi không nên có kế hoạch, dự án gì cho tương lai sao?”

Dĩ nhiên là chúng ta phải nhìn nhận những khó khăn và tìm cách giải quyết, tuyệt đối không né tránh khó khăn, không trốn chạy tiếp nhận thực tế, nhưng chúng ta không đặt tất cả tâm tư vào những lo lắng hoặc hy vọng, mơ mộng viển vông. Có thái độ tích cực đối với mọi sự việc, nhìn thấy những khó khăn mà mình đang vướng mắc chỉ là những điều thường xảy ra trong cuộc sống, nó xảy đến với mình và bất cứ ai, nó trong số muôn vàn khó khăn khác, và chúng ta chỉ có thể giải quyết những vấn đề khó khăn đó khi bình tâm, trạng thái tâm lý vững chãi, sáng suốt, chúng ta giải quyết với những nỗ lực trong hiện tại. Hành động trong hiện tại sẽ mở đường đi đến tương lai, hãy tập trung vào hiện tại. Tuy nhiên không phải nỗ lực nào cũng dẫn đến thành công, vì thế nếu gặp thất bại, là người biết sống với hiện tại, chúng ta phải biết chấp nhận sự thật đó và nhìn nó ở góc độ tích cực hơn.

Chúng ta cũng cần có những kế hoạch, dự án cho tương lai, nhưng điều quan trọng hơn hết là chúng ta ý thức được rằng mọi kế hoạch, dự án chỉ trở thành hiện thực khi có những nỗ lực trong hiện tại, ý thức được điều này chúng ta dành trọn vẹn thời gian công sức, dành trọn tâm tư để làm những gì có thể làm trong hiện tại.

Người nghèo khó, bệnh tật, gặp rắc rối trong công việc v.v.. chưa hẳn là người không hạnh phúc. Nếu chúng ta có nhận thức đúng đắn, có tư duy tích cực thì chúng ta vẫn tìm thấy hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào, bởi hạnh phúc xuất phát từ tâm hồn chúng ta, đừng để tâm mình bị lệ thuộc và chi phối bởi hoàn cảnh bên ngoài. Nếu chúng ta cứ giữ suy nghĩ cho rằng mình chỉ có hạnh phúc khi có được những điều kiện bên ngoài như của cải bạc tiền, danh vọng địa vị, các thú vui hưởng thụ…và mãi hướng tâm tìm cầu những thứ đó, thì chúng ta sẽ không cảm nhận được hạnh phúc từ những giá trị sống khác đang có mặt trong hiện tại.                

Một cách khác giúp chúng ta chuyển hóa phiền não khổ đau và nhận ra hạnh phúc là biết thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của mình. Khi gặp những chuyện buồn phiền, khổ não, chúng ta hãy chuyển đổi cách nhìn, cách nghĩ về sự việc theo hướng tích cực, đừng để tâm trạng bi quan tiêu cực phủ trùm lên tâm tư tình cảm và lý trí của mình, đừng để chúng vùi lấp luôn những giá trị hạnh phúc khác. Ví dụ khi chúng ta thấy mình khổ vì nghèo. Đó chưa hẳn là một nỗi khổ thật sự, nhưng vì tâm tư chúng ta luôn hướng đến cuộc sống giàu sang, đem cuộc sống của mình so sánh với cuộc sống của người khác (tư duy tiêu cực), từ đó chúng ta luôn có cảm giác khó chịu, chúng ta không hài lòng với cuộc sống của mình.

Thực tế cuộc sống giàu sang mà ta luôn mơ tưởng chưa chắc sẽ mang lại hạnh phúc, nhưng ta luôn có nhiều ảo tưởng về nó. Chúng ta không biết rằng chính cuộc sống hiện tại cũng là niềm mơ ước của bao nhiêu người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn hơn ta. Khi nghĩ về những người nghèo khổ khốn khó hơn, đó là những người mồ côi hoặc tật nguyền, cơ nhỡ, những người sống ở những nơi có chiến tranh hoặc vừa xảy ra thiên tai dịch bệnh, ta sẽ thấy mình không nghèo không khổ, mà ngược lại mình còn hạnh phúc rất nhiều.

Có tư duy tích cực như thế, chúng ta xóa bỏ được những mặc cảm tự ti vì cho rằng mình nghèo, ta sẽ không còn tâm trạng bất mãn, buồn phiền vì cho rằng mình khổ. Đối với một con người, chúng ta hãy tập nhìn vào ưu điểm của họ, đối với một vấn đề, chúng ta nên nhìn vào mặt tốt, mặt tích cực của sự việc, chúng ta sẽ thấy cuộc sống dễ chịu hơn. Cuộc sống buồn hay vui, khổ đau hay hạnh phúc phụ thuộc rất nhiều vào cách nhìn cách nghĩ, cách cảm nhận của chúng ta.

Previous Post
Next Post