Otto Rank |
Là một trong những người đam mê thần thoại học, văn chương, nghệ thuật và tôn giáo, Otto Rank đã có những đóng góp rất đặc trưng vào môn tâm lý học của nhân loại. Ông không phải là người chịu ảnh hưởng bó buộc mình vào những khám phá của Carl Jung và của Sigmund Freud. Tuy nhiên ông vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng đến những nhà tâm lý nhân cách hiện đại sau này.
2. Người anh hùng
Một trong những tác phẩm của ông là câu chuyện thần thoại nói về sự ra đời của một anh hùng, trong đó ông đặc biệt chú ý nghiên cứu về sự ra đời đầy màu sắc huyền thoại của những bậc vĩ nhân thời xa xưa như hai vị vua của Babylon là Vua Gilgamesh và vua Sargon, vị anh hùng Kárna của Ấn giáo, vua Ba Tư Cyrus, vị anh hùng Oedipus của Hy Lạp như Hercules, Paris, và Perseus, cùng hai vị sáng lập ra đế quốc La Mã là Romulus và Remus, vị anh hùng xứ Celtic Tristan, các vị anh hùng của Đức quốc Siegfried và Lohengrin, và cả cuộc đời của Moses thủ lãnh Do Thái cổ, Đức Phật, và Chúa Jesus.
Ông đã liên tục khám phá ra một khuynh hướng tương đối nhất quán về sự ra đời của các bậc vĩ nhân này là: Có một ông vua và một hoàng hậu, hoặc một vị thần thánh, hay là những cặp vợ chồng quyền quý – một điều kiện hoàn cảnh khó xảy ra với một đứa trẻ bình thường được sinh ra. Sự ra đời của các trẻ này có một lời sấm truyền nói trước các biến cố sẽ xảy ra.
Thường là sẽ có những lần cảnh báo trước bởi thiên thần hay tiên tri về sự nguy hiểm của trẻ nhỏ để người cha biết được và kịp thời che chở. Đa phần những đứa trẻ thường có số phận bị bỏ rơi hoặc được đặt trong một cái hộp, một cái giỏ, hay một con thuyền nhỏ và thả trôi sông. Sau đó các em được vớt lên, nuôi bởi thú vật hay những người xa lạ thuộc tầng lớp nghèo hèn, hạ cấp. Rồi các trẻ này lớn lên và khám phá ra cha mẹ ruột của mình đã bạc đãi họ. Sau đó các em bé này tìm cách trả thù cha ruột và giành lại vinh quang về cho mình. Tất nhiên là có nhiều chi tiết xê dịch ở những nét chính nơi các vĩ nhân được Otto Rank so sánh.
Otto Rank đã tìm thấy từ những câu chuyện thần thoại này có một ý nghĩa tương đối đơn giản và dễ hiểu. Ông đã vận dụng những câu chuyện thần thoại trên để ứng dụng vào bối cảnh tâm lý nhân cách nơi con người. Chẳng hạn, khi còn bé, chúng ta kính sợ và tôn sùng cha mẹ của mình. Nhưng khi lớn lên, chúng ta bắt đầu có những lối đi cho riêng mình, và chúng ta phát hiện ra cha mẹ của chúng ta thật ra không giống như những hình ảnh hoàn hảo trước đó, vẫn được chúng ta rất tôn sùng và ngưỡng mộ.
Sau đây là ví dụ một câu chuyện thần thoại: Vua A và hoàng hậu B sinh ra một thái tử C. Một ngày kia thầy bói D tiên báo rằng sau này thái tử C sẽ giết vua A và cưới mẹ ruột của mình là hoàng hậu B. Hai vợ chồng Vua A và hoàng hậu B rất lo lắng. Vì thế họ đã đem thái tử C thả trôi trên dòng nước sông trong một cái giỏ tre. Sau đó thái tử C được đám người hạ đẳng nghèo khó E sống ở ven sông vớt lên đem về nuôi. Thái tử C sau đó lớn lên, đi về tìm cha. Nhưng anh ta phát hiện ra vua A là một ông vua độc ác. Do không biết vua A là cha mình nên thái tử C đã giết vua A và cưới hoàng hậu B, vốn là mẹ ruột của mình. Lời sấm truyền vì thế đã được ứng nghiệm.
Những câu chuyện thần thoại này đã phản ánh được một khát khao đối với tất cả mỗi chúng ta muốn được quay trở lại những ngày tháng êm ả khi chúng ta tin rằng cha mẹ của mình là những con người hoàn hảo nhất, luôn cung cấp cho chúng ta những chăm sóc ân cần khi chúng ta cần đến, và chúng ta nghĩ rằng chúng ta đáng được hưởng như thế.
Cái hộp và cái giỏ trong những mẩu chuyện thần thoại tượng trưng cho tử cung của mẹ chúng ta, và dòng nước là sự chào đời của chúng ta. Những người hạ đẳng (E) đã vớt chúng ta lên rồi chăm sóc là những bậc cha mẹ ruột của chúng ta, vốn là những người yếu đuối và chẳng đáng được coi trọng. Vua (A) và nữ hoàng (B) là biểu tượng mà mỗi chúng ta đáng lẽ phải là như thế. Thế là sự căm hận của chúng ta (C) bùng lên khi ta biết họ đã đối xử tệ với chúng ta như thế nào – qua việc cha mẹ đã khiến chúng ta bị đánh lừa họ là những nhân vật hoàn thiện.
Otto Rank thường không giới thiệu tính dục vào bức tranh tâm lý học và cũng chẳng nhắc nhở gì đến cõi vô thức tập thể. Những câu chuyện huyền thoại nhìn thấy ở các nền văn hóa khác nhau cho thấy một bức tranh chung của những kinh nghiệm tuổi thơ bình thường. Lối giải thích của ông có lẽ không hoàn hảo, nhưng ít nhiều đã cung cấp cho chúng ta một vài cái nhìn tương đối mới mẻ.
3. Người nghệ sĩ (the artist)
Otto Rank cũng đã mạnh dạn tấn công vào những vấn đề thuộc phạm trù sáng tạo nghệ thuật và cố gắng tìm ra yếu tố tâm lý trong sáng tạo nghệ thuật. Một mặt Otto Rank cho rằng người nghệ sĩ có một xu hướng rất mạnh trong việc làm rạng danh và tạo ra những hào quang cho mình với một đam mê khát vọng cháy bỏng. Không giống như phần đông tất cả mọi người, người nghệ sĩ có cảm giác lôi cuốn thôi thúc xây dựng lên hình ảnh của chính mình. Vì thế người nghệ sĩ luôn muốn mình là người bất tử. Đây là điều mà anh ta chỉ có thể làm được bằng cách khẳng định bản thân qua những khao khát chung của kho tàng văn hóa, nghệ thuật và tôn giáo. Vì thế nghệ thuật muốn được người khác hiểu phải kết hợp được cả yếu tố vật chất và tinh thần mới nêu bật được nét riêng độc đáo của cá nhân để đáp ứng thỏa mãn thị hiếu của toàn thể nhân loại.
Sự kết hợp này thường không đến dễ dàng với người nghệ sĩ. Tất cả được bắt đầu bằng những khát khao đam mê mà Otto Rank cho đấy là cái tôi. Nhưng theo ông cái tôi là đại lượng được lồng vào quyền lực. Chúng ta ai sinh ra cũng có một khát khao được trở thành chính chúng ta, được tự do, không bị ràng buộc dưới ách thống trị về bất cứ một hình thái lệ thuộc nào.
Trong thời gian thơ ấu, chúng ta đeo đuổi khao khát ấy bằng cách thao tác muốn sớm được độc lập không nhờ vả lệ thuộc vào cha mẹ. Lớn lên, chúng ta bắt đầu chống lại những thế lực quyền hành khác trong đời sống, kể cả những quyền lực bên trong chính chúng ta – đó chính là những khát vọng dục năng muốn quật ngã chúng ta xuống. Và cách chúng ta chống lại những thế lực quyền hành ấy đã cho thấy nhân cách của mỗi chúng ta.
Otto Rank đã giới thiệu và giải thích về ba cách ấy như sau:
Trước nhất, tuýp người đầu tiên là tuýp thích ứng: Họ là những người học cách thể hiện khát khao của mình từ những gì họ đã được dạy từ bé. Họ thuần phục các thế lực quyền hành, họ tuân theo những giá trị đạo đức đã được tiêu chuẩn hóa. Họ cố gắng hết sức trong việc kiềm chế những xung động tính dục bên trong chính con người của họ. Đây là những con người thụ động, nghiêm ngặt với bổn phận, và theo Rank đây chính là những công dân mẫu mực trung bình.
Thứ hai là tuýp loạn thần kinh: là nhóm người có nhiều khát khao lớn hơn một mẫu người công dân trung bình. Họ hăng hái nhập cuộc vào những đấu tranh chống đối những thế lực thống trị từ bên ngoài lẫn những xung động nội tại bên trong. Họ chống lại cả sự thống trị từ khát khao dục vọng của chính thình. Như thế cuối cùng chẳng còn khát khao nào tồn tại để tiếp tục phấn đấu để giành lại tự do. Trên thực tế họ cảm thấy chán chường, lo lắng, và thường có mặc cảm về thái độ có quá nhiều khát khao của mình. Họ là những người đạt đến đỉnh cao của sự phát triển về mặt đạo đức nhiều hơn là tuýp người thích ứng.
Nhóm thứ ba là nhóm tuýp sống có hiệu quả, theo Rank đây là những người có tố chất nghệ sĩ trong người. Họ là những người thông minh, có óc sáng tạo, có ý thức về bản thân của mình. Đơn giản họ là những con người có óc thực tế. Thay vì chống lại chính mình, họ là những người chấp nhận bản thân và kiến tạo cho mình một mô hình chức năng lý tưởng như một điểm tích cực để phấn đấu đạt được những khát khao của mình. Họ có nhiều tính chất nghệ thuật để tự tạo ra chính mình, sau đó họ sẽ tạo ra một thế giới dựa trên mô hình mà họ đã tự tạo cho họ.
4. Sự sống và sự chết
Một điểm thú vị khác nữa của Otto Rank là việc ông giới thiệu khái niệm chiến đấu giữa sống và chết: ông nghĩ rằng mỗi chúng ta có một bản năng ham sống đã đẩy chúng ta trở thành những cá nhân, độc lập và có nhiều khả năng, nhưng bản năng sợ chết đã đẩy chúng ta trở lại như những thành viên của một gia đình, một thành viên của một cộng đồng, hay một chủng loại.
Ngoài ra chúng ta còn có những nỗi lo âu sợ hãi về hai thái cực sống và chết. Nỗi sợ sự sống là sự sợ phải– chia cắt, xa lìa, cô đơn, lẻ loi xa lạ. Nỗi sợ sự chết là nỗi sợ đi lạc trong tổng thể, sợ trạng thái tù đọng không lối thoát, sợ mình chẳng còn được coi và hiện thân của một sinh thể nữa.
Đời sống của mỗi chúng ta luôn đối diện với những lần chia tay, bắt đầu khi ra khỏi lòng mẹ là bé chia tay với tử cung để chào đời. Nghiên cứu đầu tiên Otto Rank bắt tay vào thực hiện là những điều liên quan đến nỗi đau khi sinh ra. Ý tưởng này đến khi ông chứng kiến trong quá trình chào đời và cho rằng trẻ em rời tử cung của mẹ là một sự kiện lo lắng cho tất cả những lo lắng được cảm thụ sau này.
Sau khi nỗi lo lắng chào đời là nỗi lo cai sữa (chia tay với được bú), rồi nỗi lo của những lần bị phạt, rồi lo lắng trong học tập và công việc (chia tay với nhàn rỗi và lêu lổng vui đùa), rồi những lần đổ vỡ (chia tay với người yêu)… Nói tóm lại là tất cả chỉ là một chuỗi những chia tay liên tục. Và như thế nếu cứ tiếp tục tránh né những lần chia tay này, nói theo nghĩa đen, chính là đồng nghĩa với việc chọn lấy cái chết. Như thế, chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm ra điều gì an toàn vĩnh viễn có thể sử dụng làm cột trụ bám được. Theo Otto Rank chẳng có ai có thể tồn tại trên hành tinh này mà chưa hề từ giã lòng mẹ, xa nhà, tốt nghiệp, rời làng, học xong Đại học, chia tay người yêu, chia tay thời độc thân, con cái lớn lên, về già, chia tay sức khỏe, và sau cùng là chia tay với cõi đời.
Vì thế chúng ta nhất định phải đối diện với những nỗi lo lắng sợ hãi. Khi nhận ra điều đó, để cố gắng sống trở nên trưởng thành, chúng ta nhất định phải bám vào cả sống và chết. Vì thế một cá nhân đã phải nuôi dưỡng những quan hệ với người khác để giảm thiểu nỗi lo lắng đến từ vô số các cuộc chia tay.
Otto Rank không thành lập một trường phái, học thuyết nào như Freud hay Jung, nhưng ảnh hưởng của ông có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi. Ông là người có ảnh hưởng rất lớn lên Carl Roger, một người có xu hướng mềm dẻo hơn những đàn anh của mình là Adler, Fromm và Horney. Cả nhà tâm lý theo thuyết hiện sinh như Rollo May cũng thừa nhận đã chịu nhiều ảnh hưởng nơi ông. Nhiều người khác đã thiết kế lại những ý tưởng của ông trong học thuyết của họ. Ngoài ra người ta còn có thể tìm ra những mảnh vỡ ý tưởng của ông trong những học thuyết liên quan đến động cơ của khả năng, thuyết phản ứng xoay chiều, hay thuyết quản chế lo sợ.
Nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn về thuyết nhân cách của Otto Rank, có thể tham khảo tác phẩm Nghệ Thuật Và Nghệ Sĩ, Sự Thật Và Thực Tế, và Liệu Pháp Khát Khao.
Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh