Sự phong phú tự nhiên

Sơ tâm hay tâm ban đầu là cái tâm thuần phác chưa bị đóng khung với những định kiến hay sở tri. Trong quá trình xây dựng bản ngã, chúng ta tạo ra những cái khung tâm thức và nhốt chúng ta vào, như con tằm làm kén để tự nhốt mình. Chúng ta đánh mất cái tâm ban đầu, nhìn, thấy và xây dựng thế giới qua những cái khung tâm thức đã được tạo ra đó.

Cuộc khủng hoảng hiện nay kêu gọi chúng ta thay đổi cách nhìn về thế giới để có thể thay đổi cơ cấu xã hội của chúng ta, cứu chúng ta ra khỏi sự lo âu triền miên và sống hạnh phúc hơn. Theo Frances Moore Lappé, sơ tâm sẽ giúp chúng ta nhìn rõ những vấn đề của chúng ta để vượt qua nỗi lo âu hiện tại đã làm cho chúng ta xây dựng xã hội trên quả địa cầu theo hướng tàn hại thiên nhiên và làm cho chúng ta mất đi hạnh phúc. Sau đây là kinh nghiệm của bà về sơ tâm trong quá trình tìm hiểu nỗi lo sợ về thiếu hụt trong nền văn hóa Tây phương.

Lần đầu tiên tôi đến với Phật giáo là nhờ vào cuốn Zen in English Litterature and Oriental Classics của R.H. Blyth xuất bản năm 1942. Đó là vào năm 1968, và tôi là một phụ nữ đầy nhiệt huyết ở Berkerly vừa mới từ bỏ chương trình cao học Đại học California, dọ dẫm đi tìm hướng đi cho tương lai. Tôi có rất nhiều thời gian để đọc, không định hướng và đầy lo lắng khi ngồi nhìn ra trên vịnh San Francisco. Có lẽ chồng tôi, Marc Lappé, một nhà đạo đức khoa học, nghĩ rằng cuốn sách của Blyth sẽ giúp được tôi và đã làm quà tặng tôi.

Lúc đó tôi không có ý tưởng gì về sự định hình cho cuộc sống của tôi từ nguồn minh triết Phật giáo. Tất cả điều tôi biết là cho đến lúc đó, tôi không thấy một đề cập nào đến những nguyên nhân phát sinh khổ từ cộng đồng mà tôi đã sống. Từ đó tôi lập một nguyện, và nguyện đó đã đưa tôi dấn thân vào một cuộc hành trình suốt đời. Tôi tự hứa sẽ không làm điều gì khác trong việc “cứu vãn thế giới” cho đến khi tôi có thể giải thích được những nguyên nhân sâu kín về sự nghèo đói của thế giới. Và khi tôi bắt đầu đặt câu hỏi tại sao sự nghèo nàn và đau khổ hiện hữu, trực giác non trẻ của tôi lập tức hướng đến ý nghĩ: thực phẩm. Chỉ có vậy. Tôi nghĩ, nếu tôi hiểu thấu được lý do vì sao loài người bị thiếu ăn, tôi có thể mở ra những bí mật dường như không thể dò của trật tự kinh tế và chính trị. Từ đó tôi sẽ biết điều gì tôi cần làm. Và tôi bắt đầu tra cứu, học hỏi.

Trong những thời gian dài ở thư viện nông nghiệp Berkerly, tôi đọc sách, báo và những tường trình cảnh báo về tình trạng thiếu thực phẩm của thế giới. Cuốn Population Bomb của Paul Ehrlich đã làm chấn động thời đó, và tiếp sau đó, Garrett Hardin cho chúng ta biết là con thuyền địa cầu của chúng ta không thể nuôi sống tất cả mọi người, một số có thể sẽ bị dìm chết. Nhưng với sự khiêm tốn, tôi khám phá ra một điều rất khác: rằng địa cầu có dư thực phẩm để nuôi mập tất cả mọi người. Và điều này vẫn là sự thật cho đến ngày nay. Loài người chúng ta không thể trách cứ thiên nhiên về nạn đói lan tràn.

Giáo lý Phật giáo nhấn mạnh vào giá trị của “sơ tâm”, và tôi chỉ dần dần nhận ra điều này trong thực tiễn cuộc sống. Ban đầu tôi không hiểu nó là gì. Tất cả những số liệu mà tôi thu thập và phân tích nằm sẵn trong các thư viện về nông nghiệp, chỉ chờ có người tổng hợp. Và tôi tự hỏi tại sao chúng đã không được tổng hợp? Tôi đâm ra nghi ngờ về chính mình. Làm sao tôi, một người trẻ hai mươi sáu tuổi, không tốt nghiệp cao học, có thể đúng, trong khi tất cả các tiến sĩ về phát triển toàn cầu thì sai? Tại sao họ không nhận ra điều tôi nhận ra?

Vào năm 1971, những suy nghĩ và tính toán của tôi được xuất bản dưới tác phẩm có tên Diet for a Small Planet, và mối nghi ngờ của tôi bắt đầu giảm dần. Tôi từ từ nhận ra rằng tôi đã không sai lầm ở một điểm quan trọng nào. Điều tôi khám phá ra là đúng: con người đã tạo ra một hệ thống kinh tế làm suy giảm khả năng nuôi dưỡng của quả địa cầu.

Theo sự tính toán của tôi, chúng ta ở Hoa Kỳ sử dụng mười sáu pound thóc và đậu nành trong việc chăn nuôi để sản xuất ra một pound thịt bò. Thêm vào đó, vì sợ không đủ chất đạm, người Hoa Kỳ ăn số lượng gấp đôi số lượng cơ thể có thể sử dụng, và như vậy, một nửa lượng thực phẩm trở thành lãng phí.

Sự việc bắt đầu hé mở: Chính loài người đã tạo ra sự thiếu thốn để đưa đến lo sợ.

Sở dĩ tôi thấy ra điều này mà các vị tiến sĩ không nhìn thấy có thể vì sự rèn luyện theo một hệ thống kỷ luật dạy người sinh viên nhảy vọt qua những vấn đề căn bản. Người sinh viên khi đến trường được giả định là đã nắm vững những vấn đề căn bản để bước vào những kiến thức cao cấp và tiến sâu trong lãnh vực lựa chọn. Hệ thống kỷ luật trở thành cái khung để người sinh viên nhìn và thấy qua đó - hoặc thất bại trong việc nhìn thấy. Điều này nhắc tôi nhớ lại lời của Jane Goodall. Cô nói rằng sở dĩ cô được nhà khảo cổ Louis Leakey chọn làm người quan sát những con vượn vì cô không được huấn luyện trong lãnh vực này. Trực giác của Leaky thấy rằng Goodall có thể nhìn thấy được điều mà những nhà khảo cổ chuyên môn có thể không nhìn thấy.

Từ khi viết cuốn Diet for a Small Planet, tôi bắt đầu lưu ý đến sơ tâm. Tôi nghĩ về nó như là một cái tâm được rèn luyện để có được kinh nghiệm thuần túy, không gạn lọc. Và ở tuổi hai mươi sáu, tâm tôi chưa được rèn luyện gì cả. Tôi chỉ tò mò. Thật sự chỉ là tò mò. “Gì vậy?”, tôi nghĩ. “Chúng ta, loài có nhiều lý trí nhất, đã không nghĩ ra làm thế nào để bảo đảm cho tất cả chúng ta có đủ nhu cầu căn bản và cần yếu nhất là nuôi sống chúng ta và con cháu chúng ta, đó quả là điều lạ lùng!”.

Hiếu kỳ, tôi học hỏi và học hỏi, và cố gắng giữ tâm hồn mở rộng. Trải qua nhiều thập niên, sự tò mò đã đẩy tôi theo đuổi việc khám phá những bí ẩn lớn lao hơn - từ lý do vì sao có sự đói kém đến việc vì sao con người cứ tiếp tục tạo ra một thế giới mà đứng về phương diện cá nhân không ai mong muốn. Điều đó thật sự khó hiểu, ngay cả đối với những người nhẫn tâm nhất trong chúng ta, những người khi vừa thức dậy vào buổi sáng đã quyết định rằng con của người khác sẽ phải chết đói hoặc giống loại khác với chúng ta sẽ phải bị tiêu diệt. Và mỗi ngày mười bốn ngàn trẻ em chết một cách vô lý và hàng trăm giống loại bị tuyệt chủng.

Đây là một vấn đề không lúc nào ngừng thúc giục tôi. Và trong khi tìm kiếm câu trả lời, tôi nhận ra rằng giữ được sự tò mò sống động của tâm mở rộng ban đầu thật là khó khăn. Tôi bắt đầu cảm nhận sự che mắt chúng ta bởi những cái khung tâm thức - những cái khung lớn và hầu như hoàn toàn nằm trong vô thức. Các nhà khoa học về thần kinh ngày nay cho chúng ta biết rằng phần lớn những gì chúng ta nhận thấy là những thứ mà chúng ta cố ý nhận thấy, không ý thức về những chiếc khung tâm thức; những chiếc khung đó lọc lựa, sắp đặt, và tạo ra ý nghĩa của thế giới. Vì vậy, với tôi, không có công việc nào quan trọng hơn cho sự sống còn của chính chúng ta và những loài khác hơn là việc hiểu được những chiếc khung, những cơ cấu mà qua đó chúng ta nhìn thấy thế giới, khảo sát xem chúng có phục vụ cho đời sống hay không, và thực hiện những điều chỉnh cần thiết.

Tôi bắt đầu công việc với tiền đề cho rằng sự thiếu thốn liên quan đến thực phẩm. Nhưng không lâu sau tôi nhận ra rằng sự lo sợ về việc thiếu thốn tràn ngập trong mọi khía cạnh của nền văn hóa của chúng ta. Hầu hết chúng ta tin rằng có một sự thiếu thốn về mọi thứ, từ năng lượng cho đến chỗ đậu xe, đến những trái tim lân mẫn.

Với cuốn sách xuất bản năm 2002, A Buddhist History of the West, David L. Roy chọn tiêu đề là “Những học hỏi trong sự thiếu thốn”. Theo ông, cảm nhận về cái ngã là một sự xây dựng, và ý thức về ngã là kinh nghiệm về sự không có nền tảng như là một sự thiếu thốn. Tiếp theo, Roy khảo sát tỉ mỉ về ý nghĩa kết quả của cảm giác thiếu thốn đó. Và theo ông, kết quả đó là sự mở ra nền văn hóa Tây phương.

Từ niềm tin về sự thiếu thốn, thiếu thốn về cả hàng hóa và tấm lòng, chúng ta không tin tưởng một cuộc bàn cãi trung thực về điều gì tốt nhất cho tất cả chúng ta, cốt tủy của dân chủ chân thật. Từ cái thấy cho rằng chúng ta trong bản chất là ích kỷ và đua tranh, chúng ta tin rằng chúng ta phải giao phó số phận của chúng ta cho những sức mạnh tự động, khách quan, đặc biệt cho cái gọi là tự do mậu dịch. Và theo John D. Rockefeller, việc đó phải đi theo “luật thiên nhiên và luật của Thượng đế”. Tuy nhiên, luật thị trường đã trở thành đơn giản chỉ là sự lấy về số lượng của cải nhiều nhất cho các cổ đông và những vị Tổng giám đốc. Kết quả là của cải, thế lực, và hàng hóa dồn vào cho một thiểu số, và sự thiếu thốn đã trở nên một thực tế cho đại bộ phận con người. Thần học về thị trường là một phương tiện để con người tạo ra sự thiếu thốn đưa đến nỗi bất an.

Tôi tin rằng giải phóng khỏi huyền thoại thiếu hụt có thể cho phép chúng ta khám phá ra khả năng chữa lành thế giới của chúng ta. Nhưng vấn đề là chúng ta có nhấc được cái khối nặng nề này không? Chúng ta có ý thức được về những cái khung ấn định những sự lựa chọn của chúng ta để làm lại chúng? Tôi tin rằng chúng ta có thể. Với con mắt nguyên sơ, chúng ta có thể nhìn thấy chẳng hạn như nền văn hóa của chúng ta đã nói thế nào với chúng ta về sự khủng hoảng môi trường.

Phật giáo dạy rằng ảo tưởng về sự thiếu thốn khởi ra từ ảo tưởng về một cái ngã riêng biệt. Tin tưởng vào sự riêng rẽ, chúng ta thấy thiên nhiên tách biệt ngoài chúng ta, và thấy rằng thiên nhiên đó chứa đựng những “tài nguyên giới hạn” mà chúng ta sẽ nhanh chóng “sử dụng hết.” Chúng ta ở trong cuộc chiến đấu liên tục với quả địa cầu, vật lộn để vừa khai thác vừa bảo tồn nó.

Khi chúng ta thay đổi nhãn quan của chúng ta đến chỗ không phân chia, chúng ta sẽ nhận ra rằng trong một ý nghĩa nào đó, chữ “người tiêu dùng” là một sự lừa dối. Không có gì trong thực tế bị tiêu dùng trong ý nghĩa “sử dụng hết”, mà thật ra chỉ là biến đổi. Và rồi cuộc thách thức sẽ chuyển vị trí. Chúng ta không còn “tắt máy”, như một số nhà môi sinh dùng, bởi vì chất đốt hóa thạch có hạn đã được sử dụng một nửa. Thay vì vậy, chúng ta sẽ kết nối những xã hội loài người với thiên nhiên - với những sự biến đổi đang xảy ra trong những dòng năng lượng vô tận. Việc chuyển di cơ cấu này có thể là một điển hình về cái mà Roy gọi là “sự giải phóng ở đây và ngay bây giờ ra khỏi sự thiếu hụt” bằng "sự liên hệ không mang tính nhị nguyên của một chủ thể không còn thể hiện một cách khách quan trước một thế giới không còn bị đối tượng hóa".

Thoát ra sự sợ hãi có thể giúp chúng ta chuyển đổi. Chúng ta có thể thở dài nhẹ nhõm khi biết rằng dù nguyên liệu hóa thạch không còn thì vẫn còn một lượng dư thừa lớn lao về năng lượng mặt trời. Năng lượng mặt trời có số lượng mười lăm ngàn lần lớn hơn so với số năng lượng mà loài người sử dụng cho mọi thứ. Chúng ta cũng có thể thở một hơi dài nhẹ nhõm khi biết rằng vẫn còn có những nguồn tài nguyên khác mà loài người chưa thật sự sử dụng.

Theo tác giả cuốn Natural Capitalism chẳng hạn, trong nền kinh tế Hoa Kỳ, “chỉ có sáu phần trăm lượng nguyên liệu khổng lồ của nó thật sự cho ra sản phẩm sau cùng”. Hiểu rõ mức độ phung phí lớn lao của chúng ta có thể giúp chúng ta từ bỏ cách sản xuất có xu hướng ép buộc đã làm cho chúng ta sống không hạnh phúc. Nó cũng có thể giúp chúng ta nhận ra rằng sẽ có một không gian rộng lớn khi chúng ta tiến đến những đường lối mới, thỏa mãn hơn với cuộc sống trên quả địa cầu trong những mối tương quan không bị điều khiển bởi tâm lý lo sợ thiếu hụt.

Về định kiến cho rằng loài người chúng ta thiếu lòng tốt, trong khi văn hóa Tây phương dạy chúng ta rằng con người vốn ích kỷ, tích lũy và đua tranh, những nhà khoa học ngày nay chứng thực sự phức tạp trong khả năng và nhu cầu của con người. Những nghiên cứu gần đây cho chúng ta thấy rằng bộ não của chúng ta thể nghiệm niềm vui hợp tác và niềm vui ăn chocolate theo cùng một cách. Điều này nói lên rằng chúng ta kết nối rất gắn bó với nhau trong tình thương và niềm vui được hợp tác và chia sẻ. Có thể chúng ta cũng gắn bó với lòng mong muốn về sự công bình căn bản. Ngay cả loài khỉ Capuchin cũng chứng tỏ có sự cảm nhận bẩm sinh về công lý. Từ đó chúng ta thấy rằng cảm nhận về sự kết nối phát xuất từ bản chất sinh vật của chúng ta.

Đưa những cái khung ra ánh sáng một cách có ý thức và tra vấn điều gì có ích và điều gì không đôi khi đòi hỏi một cú hích. Có thể những hậu quả môi sinh hiện ra trước cái cơ cấu tạo ra sự thiếu thốn sẽ là tiếng kêu đánh thức chúng ta.

Chúng ta biết rằng việc ra khỏi những tiện nghi tinh thần quen thuộc làm cho chúng ta lo sợ. Nhưng như nhà sử gia Theodore Zeldin nói với chúng ta, có thuốc giải cho sự sợ hãi. Cá nhân tôi, cuộc đời của tôi đã không ngừng dạy tôi về cái nhìn thấu thị của ông.

Bốn thập niên đã trôi qua từ cái ngạc nhiên ban đầu về sự phong phú của thực phẩm và huyền thoại về sự thiếu thốn lay động thức tỉnh tôi, và tôi đã làm một chiếc hộp quà không được mở ngay cho đứa cháu đầu Josephine của tôi. Chiếc hộp sẽ được mở vào ngày sinh nhật thứ mười sáu của cháu, và trong những món quà đó, cháu sẽ thấy cuốn Zen in English Litterature.

“Sự chấm dứt cuộc tìm kiếm của chúng ta sẽ là đi đến nơi chúng ta bắt đầu, và lần đầu tiên biết được nơi chốn đo” (T.S. Eliot.) Tôi hy vọng rằng tôi đã không đi đến điểm cuối trong cuộc tìm kiếm của tôi - rằng tôi còn có thể, ít nhất là từng giai đoạn, bỏ dần những cái khung kiến thức của tôi và nhìn lần nữa qua cái thấy ban đầu.

Frances Moore Lappé - Thị Giới dịch
Nguồn: giacngo.vn
Previous Post
Next Post