Là con người chúng ta không ai không có tính đố kỵ, hoặc ít, hoặc nhiều mà thôi. Thấy người ta giỏi hơn mình hoặc có điểm nào đó nổi trội hơn mình là sinh ra đố kỵ. Đố kỵ là con dao hai lưỡi, trong phần lớn trường hợp, tính đố kỵ làm tổn thương cả hai người, cho nên nhà văn hình dung đố kỵ là ác Quỷ. Đại văn hào Sếch-xbia mô tả đố kỵ là “con quỷ mắt xanh”, nhà văn khác miêu tả lòng đố kỵ là “cái u của linh hồn”.
Tính đố kỵ là một tật nguyền nghiêm trọng trong tính cách của con người, không hay ho gì cả. Đố kỵ khiến con người rơi vào tình trạng căng thẳng, buồn đau và hết chịu nổi. Nhưng nếu sự đố kỵ đó được thay thế bằng nỗ lực chủ quan nhằm thay đổi vị thế bất lợi của mình, cân bằng lại tâm lý ở tầm cao hơn, thì sự đố kỵ sẽ biến thành cạnh tranh lành mạnh. Khi đố kỵ thăng hoa thành cạnh tranh lành mạnh, kẻ đố kỵ vươn lên để rút ngắn khoảng cách với người bị đố kỵ. Người bị đố kỵ không cam chịu bị lép vế, tiếp tục phấn đấu để duy trì và phát triển ưu thế của mình, thế là hai bên đố kỵ biến thành hai đối thủ cạnh tranh, thúc đẩy nhau cùng tiến bộ.
Đố kỵ làm phát sinh và thúc đẩy cạnh tranh như trên đã nói, trên ý nghĩa này mà nói, đố kỵ quả là vĩ đại. Đáng tiếc là số người biến đố kỵ thành sự vươn lên tích cực quá ư là ít ỏi, tuyệt đại đa số biến nó thành hành vi đối lập, thù hằn, công kích và phá hoại. Nhà văn Ban-dắc than rằng: “đố kỵ nấp trong lòng, như rắn độc nấp trong hang.”
Người có tính đố kỵ không muốn chấp nhận người khác hơn mình, thấy người ta có được địa vị, danh vọng và những thứ khác mình không có là ghen ghét. Họ chỉ mong cái gì mình không làm được thì người khác cũng không làm được, mình không có thì người khác cũng không được có.
Tính đố kỵ rất có hại, với người đố kỵ, nó là một yếu điểm về bản chất. Một người hiền lành, nếu nhiễm cảm xúc đố kỵ, sẽ trở thành con người thiển nghĩ và cố chấp, lúc nào cũng nhằm làm hại người khác để bù đắp hẫng hụt tâm lý trong mình, dẫn đến nhiều hành động ngu ngốc. Kẻ đố kỵ thường bị ức chế về tâm lý, tâm thức họ luôn luôn bị ám ảnh, căng thẳng.