Khi ta và người ấy đến với nhau bởi những đồng cảm chân thành, sẵn sàng chia sớt cho nhau những gian khó và hiến tặng những niềm vui thì đó là một tình thương đích thực. Nhưng khi ta bị những hình ảnh và giọng nói của người kia chiếm hết bộ nhớ, khiến ta thẫn thờ mơ mộng, lúc nào cũng mong muốn được gặp mặt nhau, thậm chí khát khao được chạm vào thể xác nhau, thì chứng tỏ ta đang bước vào giai đoạn yêu. Cảm xúc của ta bây giờ nghiêng về phía tính dục, trí tưởng tượng cũng tham gia phóng đại cảm xúc lên gấp nhiều lần để ta có cảm tưởng như trên đời này không có thứ gì tuyệt vời hơn thế nữa.
Khi ấy, từ sâu thẳm trong ta phát sinh nguồn năng lượng rất lạ, khiến ta vừa sung sướng vừa hoang mang. Mọi thứ gần như đảo lộn. Ta không còn giữ được thăng bằng và tự chủ khi ngồi một mình, khi làm việc hay tiếp xúc với bất kỳ người nào khác. Thế rồi cảm xúc yêu đương trong ta bỗng muốn được thăng hoa gấp bội, nó thúc đẩy ta kết hợp với cảm xúc tự nguyện của người ấy. Sự cộng hưởng này sẽ tăng tới mức cao nhất khi hai bên chấp nhận trao thân với nhau, ước muốn thắt chặt quan hệ nhau, mà thực chất chính là tình trạng muốn tương tác cao độ và ràng buộc cảm xúc của nhau. Sự kết hợp này nếu không đứng trên nền tảng của một tình thương đích thực thì đó chỉ là một sự lợi dụng, hay một sự đổi chác cảm xúc. Và đó chính là điểm khác biệt của tình yêu - vừa muốn hưởng thụ cảm xúc mà cũng vừa muốn chịu trách nhiệm cho cuộc đời nhau.
Vậy mà khi quyết định trao thân, ta thường chỉ quan tâm tới cái khát khao muốn được nếm trải cảm xúc bay bổng nhất của tình yêu mà không hề ý thức (hoặc ý thức một cách mơ hồ) về trách nhiệm. Tại sao phải trách nhiệm khi cả hai cùng tự nguyện chia sẻ cảm xúc? Chỉ cần nhắc nhau cẩn thận đừng để cho tình trạng thụ thai xảy ra là được, đâu có ai mất mát gì đâu. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Cảm xúc yêu đương bùng vỡ sau khi hai thể xác hòa hợp cùng nhau sẽ làm toàn bộ cơ chế tâm thức của đôi bên xáo trộn dữ dội. Nó phát sinh một cách đột biến hàng loạt những tâm lý phức tạp như giận hờn, ghen tuông, nghi ngờ, sợ hãi, lạc lõng… bởi trong sâu xa mỗi bên đều ngầm chứa ý muốn “độc quyền” sở hữu nhau để lấy lại những gì quý giá đã hiến tặng cho nhau. Ngoài ra, khi dễ dàng đạt được đỉnh cao của cảm xúc, ta sẽ không còn cảm hứng và thiện chí để hiểu biết và thương yêu nhau sâu sắc hơn, để xây dựng liên hệ bền vững hơn. Vì lẽ đó, khi cảm xúc thỏa mãn trong ta yếu dần hoặc chuyển hướng thì sự bội bạc rất dễ xảy ra.
Trong bất cứ liên hệ tình cảm nào cũng cần có sự dẫn dắt, bên nào mạnh sẽ kéo bên kia theo. Một khi định hướng sai lầm, thay vì giúp nhau phát huy sự hiểu biết và nghị lực để vượt qua bản năng, hòa điệu với mọi người và sự sống, thì ta lại đưa người yêu của mình đơn độc đi về phía hưởng thụ để vô tình trở thành “Con nghiện cảm xúc”. Nên sớm muộn gì tình yêu kia cũng sẽ cạn mòn sinh lực và lụi tàn. Kết cuộc cả hai đều xảy ra thương tích mà phía nữ thường nặng nề hơn. Bởi cấu trúc tâm sinh lý của “Phái yếu” vốn rất nhạy cảm nhưng lại mỏng manh nên rất dễ bị thương tổn. Tệ hại hơn nữa là tâm thức sẽ hình thành cơ chế rất bén nhạy về dục vọng và mặc định luôn mức thỏa mãn đã từng đạt được. Điều này sẽ hành hạ ta ít nhiều trong thời gian ta phải sống một mình. Nếu mau chóng tìm được đối tượng khác trong khi chưa thực sự chuyển hóa năng lượng ham muốn ấy thì chắc chắn ta sẽ dễ lặp lại vết xe cũ, hoặc sẽ gập ghềnh khi đối tượng mới nghiêng về phía nguyên tắc của khối óc hơn là cảm xúc của con tim.
Thái độ kính trọng
Trong truyền thống văn hóa Việt Nam , người vợ không bao giờ được thay áo trước mặt chồng. Dù sống với nhau lâu năm nhưng họ vẫn kính nhau như khách (Tương kính như tân). Đã là vợ chồng nhưng mỗi khi liên hệ xác thân, họ vẫn giữ gìn nhiều thủ tục rất trang trọng, để cho đối phương hiểu rằng hai thể xác chỉ hòa quyện khi hai tâm hồn đã thật sự hòa quyện. Thế nhưng, cụ Nguyễn Du lại có những vần thơ rất lạ cảnh báo về chuyện này: “Trong khi chắp cánh liền cành. Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên” (Truyện Kiều). Quả thật, nếu thiếu sự tinh tế, thấu hiểu và trao nhau đầy đặn ân tình thì đằng sau lớp cảm xúc thăng hoa kia sẽ phát sinh niềm khinh rẻ rất lớn về sự thèm khát vô độ hay sự buông mình dễ dãi của nhau. Và sự thất kính này là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những xung đột chẳng đáng vào đâu trong đời sống lứa đôi. Nên có thể nói thỏa mãn dục vọng chính là sự ích kỷ hoàn hảo nhất, vì tuy được hưởng thụ nhưng lại thấy mình bị thiệt thòi ngay sau màn kết thúc.
Huống chi ta và người kia chưa chính thức tuyên bố trách nhiệm sống chung với nhau trước cộng đồng, chưa thông qua những hình thức trang nghiêm của truyền thống gia đình, pháp luật hay tôn giáo để buộc đôi bên phải cố gắng dập tắt những dự phòng toan tính khác mà đảm bảo sự thủy chung. Cho nên “Trao thân gửi phận” là nguyên tắc bảo vệ hạnh phúc lứa đôi rất trí tuệ. Chỉ khi nào ta chính thức “Gửi phận” thì mới chấp nhận “Trao thân”, hai cái này không thể tách rời nhau được. Vì vậy lễ cưới cũng trở nên quan trọng và cần thiết để gia đình, bạn bè, chòm xóm cùng chứng minh ngày ta chính thức trao trọn cuộc đời cho nhau. Năng lượng tập thể sẽ tiếp thêm sức mạnh giúp ta vượt qua nhiều thử thách và khó khăn trong đời sống hôn nhân. Nghĩ đến ngày đó, ta sẽ ít dám quyết định bỏ nhau khi chưa kịp lấy đủ sức để đi tiếp.
Ở xã hội Tây phương người ta sống chung với nhau có khi năm bảy năm rồi mới cưới. Ngày ấy có khi không bao giờ xảy ra vì họ không còn thấy ý nghĩa thiêng liêng của nó nữa, hoặc vì đã nhàm chán nhau trước đó. Và ở những nước kinh tế phát triển càng mạnh thì số lượng thanh thiếu niên tự vẫn lại càng cao, mà phần lớn những người trẻ đó đều là nạn nhân của sự đổ vỡ quan hệ tình cảm trong khi sống thử. Bởi vì họ không thể chịu đựng nổi cảm giác chơi vơi khi không còn chỗ bám cho thói quen cảm xúc, và thấy thật tổn thương khi cái tôi bị hất hủi. Đó là một trong những bi kịch lớn nhất của thời đại. Càng có nhiều điều kiện hưởng thụ thì con người càng trở nên yếu đuối, càng văn minh thì con người lại lui về lối sống với bản năng hoang dại. Khi mất niềm tin vào hạnh phúc gia đình và cuộc sống, những người trẻ rất dễ trở thành nạn nhân của sự cô đơn lạc lõng, nên sẵn sàng buông mình vào con đường hưởng thụ vô trách nhiệm.
Một tình yêu chân chính phải luôn biểu lộ sức sống vươn lên, không thể là thứ đam mê làm xáo trộn sự sống, tàn phá sức khỏe, tàn phá trí tuệ và tàn phá cả lý tưởng. Vậy giả sử có một người yêu ta ít nhưng kính trọng nhiều, và một người yêu ta nhiều nhưng kính trọng ít thì ta sẽ chọn người nào? Người yêu ta nhiều chắc chắn sẽ đem tới những cảm xúc thỏa mãn hấp dẫn nhưng cũng dễ dàng bỏ mặc ta đương đầu với những hậu quả khổ đau bất kỳ lúc nào, chỉ có người hết lòng kính trọng ta mới có ý thức trách nhiệm với cuộc đời ta. Mà chịu trách nhiệm với nhau chính là đã yêu thương nhau đích thực rồi.
Vì vậy, nếu đã thấy được khổ đau do hành vi thỏa mãn nhục dục không đúng nguyên tắc gây ra, từ nay ta hãy cam kết sẽ không trao thân với người không phải là vợ hay chồng của mình, không tán thành kẻ phản bội lời cam kết hôn phối, và còn học theo tinh thần trách nhiệm bảo vệ tiết hạnh và an toàn cho mọi người, ngăn chặn không cho thói tà dâm tiếp tục gây ra đổ vỡ gia đình và xã hội. Nếu tất cả các bạn trẻ ở khắp mọi nơi đều thực tập được như thế thì thế giới sẽ tiết kiệm được một nguồn năng lượng khổng lồ để dành cho việc tạo dựng lại nếp sống văn minh tâm hồn.
Ôi đóa hoa thơm ngát
Đang nở nụ cười xinh
Nhìn nhau trong cẩn trọng
Đẹp thay những ân tình.
Thích Minh Niệm
Nguồn: daophatngaynay.com