Thiền có hai loại: Thiền Chỉ và Thiền Quán (Thiền Ðịnh và Thiền Tuệ). Thiền Chỉ giúp cho hành giả được an tịnh. Thiền Quán, một mặt giúp phát triển tri giác về vô thường, khổ, vô ngã, một mặt là chiếc cầu để vượt qua ba con sông lớn này.
Dù có quan niệm thế nào về cuộc sống này, chúng ta cũng không nên tìm cách thay đổi chúng theo chiều hướng của mình ưa thích mà chỉ cần nhìn chúng rồi để chúng diễn biến một cách tự nhiên. Nơi nào có đau khổ, nơi đó cũng có con đường để thoát khỏi khổ đau. Thấy rằng cái gì có sinh diệt thì có khổ đau, Ðức Phật biết rằng phải có cái gì không sinh không diệt và không khổ đau.
Mọi phương pháp thiền đều có khả năng phát triển chánh niệm. Mục đích của chánh niệm là để thấy rõ chân lý tiềm tàng. Với chánh niệm, bạn quan sát mọi ước muốn khởi dậy trong tâm: yêu và ghét, lạc thú và khổ đau. Khi nhận chân được đặc tính vô thường, khổ và vô ngã của chúng, bạn hãy để chúng tự nhiên. Bằng cách này, trí tuệ sẽ thay chỗ cho khổ đau và hiểu biết sẽ thay chỗ cho hoài nghi.
Mặc dù đề mục thiền nào cũng giúp phát triển trí tuệ, nhưng chính bạn phải lựa chọn đề mục thích hợp với mình. Chánh niệm là biết được những gì ngay trong hiện tại, ghi nhận và tỉnh thức. Hiểu biết thấu đáo rõ ràng phạm vi hoàn cảnh của đối tượng xuất hiện. Khi chánh niệm đi liền với giác tỉnh thì trí tuệ luôn luôn xuất hiện để giúp cho cặp "Chánh niệm - Giác tỉnh" này hoàn thành sứ mạng của chúng.
Hãy quan sát tâm, theo dõi tiến trình kinh nghiệm về sinh diệt. Lúc đầu chuyển động có tính cách cố định - Ngay khi một sự vật diệt đi thì một sự vật khác lại sinh ra, và bạn sẽ có cảm tưởng rằng sinh nhiều hơn diệt. Dần dần khi tâm quan sát nhạy bén và rõ ràng bạn sẽ hiểu được tại sao sự vật sinh ra một cách mau lẹ như thế, cho đến một lúc nào đó bạn sẽ đạt đến một điểm, ở đấy sự vật sinh rồi diệt và... không bao giờ sinh ra nữa.
Với chánh niệm bạn sẽ nhận diện được chủ nhân ông thực sự của mọi pháp. Bạn sẽ không còn có tư tưởng đây là thế giới của ta, đây là thân thể của ta mà là: thế giới của thế giới và thân thể của thân thể. Bạn có thể bảo thân thể bạn đừng già được không? Khi dạ dày bạn đau, nó có xin phép bạn không? Chúng ta chỉ là người thuê nhà. Tại sao chúng ta không tìm cho ra ai là chủ nhân thật sự của thân thể này.
Xả Bỏ
Làm bất cứ việc gì cũng với tâm xả bỏ. Ðừng kỳ vọng sự đền đáp hay tán dương. Nếu xả bỏ một ít, sẽ có một ít bình an. Nếu xả bỏ nhiều sẽ được nhiều bình an. Nếu xả bỏ hoàn toàn sẽ được bình an hoàn toàn và cuộc tranh đấu với thế gian này đi đến chỗ chấm dứt.
Thiền Hành
Mỗi ngày đều phải tập kinh hành. Thoạt tiên hãy đan hai tay vào nhau và đặt trước bụng. Bóp chặt một chút để giữ sự chú tâm. Bước những bước bình thường từ đầu đường kinh hành cho đến cuối đường, phải biết mình trong suốt đoạn đường. Ðến cuối đoạn đường, dừng lại rồi quay lui, tiếp tục đi. Nếu bị phóng tâm, hãy đứng lại để đưa tâm trở về. Nếu vẫn còn phóng tâm hãy chú ý vào hơi thở, tiếp tục trở lại. Luôn luôn giữ tâm chánh niệm trong mọi lúc là một điều rất ích lợi.
Khi cơ thể mệt mỏi hãy thay đổi tư thế, nhưng không phải cứ thấy muốn thay đổi là thay đổi ngay. Trước tiên phải biết tại sao muốn đổi tư thế - bởi cơ thể mệt mỏi, tâm giao động, bất an hay bởi làm biếng. Ghi nhận sự đau khổ của cơ thể. Hãy quan sát một cách thoải mái và thận trọng. Tinh tấn thực hành là một yếu tố thuộc về tâm chứ không phải thuộc về thân. Ðiều này có nghĩa là hãy luôn luôn giác tỉnh trước mọi diễn biến của tâm mà đừng để ý gì đến yếu tố yêu ghét. Dù có ngồi hay đi kinh hành suốt đêm mà không giác tỉnh theo cách này thì cũng chẳng phải là tinh tấn chút nào?
Khi đi từ một điểm này đến một điểm khác mà ta đã định trước, hãy nhìn xuống đất trước mặt bạn khoảng hai thước và chú tâm vào những cảm giác của cơ thể, bạn cũng có thể niệm "Buddho" (Bút-thô, Phật Ðà) trong khi kinh hành. Ðừng sợ hãi khi thấy những gì hiện khởi trong tâm mình. Hãy đặt câu hỏi với chúng và hiểu chúng. Chân lý là cái gì khác: ngoài tư tưởng hay cảm giác. Vì vậy, đừng đặt lòng tin vào tư tưởng hay cảm giác và để chúng trói buộc mình. Hãy nhìn vào toàn thể tiến trình sinh và diệt. Có như thế trí tuệ mới phát triển.
Khi điều gì hiện khởi trong tâm, phải kịp thời tỉnh giác ngay, giống như khi điện vào bóng đèn thì đèn cháy sáng ngay. Nếu bạn không để ý cảnh giác, phiền não sẽ chiếm tâm bạn - Chỉ có sự chú tâm mới đốn ngã được nó.
Sự hiện diện của những tên trộm khiến ta cẩn thận giữ gìn của cải. Cũng vậy, nhớ đến những phiền não giúp chúng ta siêng năng hành thiền.
Ðương Ðầu Với Tâm Mình
Ðạo, Quả và Niết Bàn không phải là chuyện ngẫu nhiên đạt được. Ðạo, Quả, Niết Bàn phát sinh từ sự thực hành đúng, từ chánh tinh tấn, từ can đảm, dám tập luyện, suy nghĩ và bắt tay vào việc. Nỗ lực này bao gồm cả việc đối kháng hay đương đầu với chính tâm bạn.
Ðức Phật dạy chúng ta đừng tin vào tâm vì nó phiền não, bất tịnh, không thể hiện Giới hạnh hay Pháp. Trong tất cả các mọi thực hành khác nhau mà chúng ta chú tâm nỗ lực, chúng ta phải đối kháng lại con tâm này. Khi tâm bị đối kháng, nó trở nên nóng và âu sầu, lúc ấy chúng ta sẽ phân vân chẳng biết ta đi có đúng đường không. Vì sự thực hành bị phiền não tham ái xâm nhập nên chúng ta đau khổ đến đổi có thể quyết định ngưng hành thiền nữa. Nhưng, Ðức Phật dạy chính đó là sự thực hành đúng đắn và phiền não này, không phải bạn, đang bùng cháy. Ðương nhiên là việc hành thiền khó khăn chứ không phải dễ.
Nhiều nhà sư hành thiền chỉ tìm giáo pháp phù hợp với sách vở, kinh điển. Dĩ nhiên, vào thời kỳ học hỏi nghiên cứu phải y cứ vào kinh điển. Nhưng lúc "chiến đấu" với phiền não, phải chiến đấu ngoài kinh sách. Nếu căn cứ vào mô mẫu có sẵn, bạn không thể đứng vững trước quân thù. Kinh điển chỉ đưa ra một mô mẫu và có thể khiến bạn quên mình, bởi vì chúng đặt căn bản trên trí nhớ và khái niệm. Suy nghĩ theo khái niệm phát sinh ra ảo tưởng, mơ mộng viễn vông, có thể đưa bạn lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục, một nơi xa vời của tưởng tượng, vượt ra ngoài chân lý đơn giản nằm ngay trước mắt bạn.
Nếu chịu khó rèn luyện, trước tiên bạn sẽ nhận thấy rằng Thân Ẩn Cư là điều quan trọng. Khi sống ẩn cư bạn có thể nghĩ đến lời khuyên của Ngài Sariputta (Xá lợi phất) về ba loại ẩn cư: Thân ẩn cư, Tâm ẩn cư, xa lánh phiền não cám dỗ ẩn cư. Ngài nói rằng: "Thân Ẩn Cư" là nguyên nhân tạo nên "Tâm Ẩn Cư" và "Tâm Ẩn Cư" là nguyên nhân phát sinh "Tị Phiền Não Ẩn Cư". Dĩ nhiên khi tâm bạn yên tĩnh, bạn có thể sống bất kỳ nơi nào. Nhưng trong giai đoạn đầu tìm hiểu giáo pháp thì "Thân Ẩn Cư" có giá trị vô lường. Ngay hôm nay, hay một ngày nào đó bạn hãy đi khỏi xóm làng, ngồi xuống - Hãy tập sống một mình. Bạn cũng có thế một mình leo lên đỉnh đồi cao đáng sợ. Rồi bạn sẽ bắt đầu hiểu rõ: nhìn vào chính mình thật sự sẽ như thế nào?
Ðừng quan tâm đến việc có an tịnh hay không. Càng thực tập bạn càng tạo nên những nhân đúng và sẽ quen thuộc với những gì xảy ra. Ðừng sợ bạn sẽ không thành công, không đạt được sự an tịnh. Nếu nghiêm chỉnh thực hành, bạn sẽ trưởng thành trong Giáo Pháp. Ai tìm sẽ thấy. Chỉ người ăn mới no.
Ajahn Chah
Trích "Mặt Hồ Tĩnh Lặng"
Tỳ kheo Khánh Hỷ chuyển dịch,
Nguồn: budsas.orgXem thêm: 'Định tâm'; 'Đàm Đạo về Thiền'; 'Quan sát tâm'; 'Hỏi đáp về Thiền'; 'Mục đích của thiền định'; 'Thiền là gì?' và 'Kinh nghiệm Thiền tập'