Hai danh từ "Chê, Khen" thoạt nghe qua có vẻ tầm thường, nhưng thực ra là hai danh từ chứa đựng nhiều chất nổ nhất. Chiến tranh xảy ra, binh khí miệng lưỡi chạm nhau, con người phỉnh mũi hay hậm hực chực chờ nhau cũng chỉ vì mê muội trong hai danh từ ghê gớm "Chê, Khen".
Bạn định nghĩa "Khen, Chê" thế nào?
"Khen" là tán thán, thưởng thức, là xưng tụng, tán dương cái gì đẹp, cái gì đúng, cái gì hay, cái gì phải, cái gì tốt . . . có phải thế không?
"Chê" là nhận xét, là phê phán những cái chưa tốt, cái yếu kém, cái tiêu cực, cái khuyết điểm của một người, một hiện tượng hay một vật nào đó.
Thói thường, tâm lý chung con người là thích nghe khen hơn là chê; nghe khen dễ hơn là nghe chê. Nhưng thử hỏi làm sao sống trên cõi đời tương đối này, người ta chỉ có đúng mà không bao giờ sai, chỉ có ưu điểm mà không bao giờ có khuyết điểm, chỉ có khen mà lại không bị chê bao giờ?
Thánh nhân còn chưa được toàn hảo, huống chi là phàm tục chúng ta; và thường thì những người không chịu theo một khuôn mẫu cố định nào, một đường xưa lối cũ nào, một đường mòn nào, luôn luôn đổi mới, luôn luôn sáng tạo, luôn luôn nghĩ và làm, là những người dễ mắc nhiều sai lầm nhất, (dù thiên tài vĩ nhân đi chăng nữa cũng không thể tránh khỏi sơ sót thất thố - Trần xuân Tuyết) và bị chê, phê phán nặng nề nhất như đại triết gia Socrates đã bị những kẻ ngu xuẩn cuồng ngông phê phán lên án nặng nề đến nỗi xử tử hình ông bằng thuốc độc; Galileo cũng bị người đương thời bỏ tù vì dám nói trái đất hình tròn và xoay quanh mặt trời; Martin Luther King Sr. bị công kích ám sát vì dám đòi hỏi bình quyền dân chủ; Mohammed Gandhi chết thảm vì công khai tranh đấu bất bạo động v.v. Tất cả những vĩ nhân, giáo chủ không ai tránh khỏi sự bình phẩm khen chê của loài người; ngay cả một con người tầm thường như tôi đây cũng đã là đề tài cho nhiều phiếm luận đó đây, tại quê nhà hay xứ lạ.
Qua kinh nghiệm bản thân hay bị phê bình chỉ trích, tôi rút ra được một nhận xét thô thiển và lấy đó làm mực thước tu tập đo lường nội tâm chính mình khi đối cảnh.
Theo tôi, người chỉ trích phê phán ai cần phải có một trình độ uyên bác, phẩm chất đạo đức tốt và công tâm thì mới chê đúng, khen đúng được. Còn người bị chê cũng cần phải có năng lực, bản lãnh đón nhận, tiếp thu ý kiến thì mới tiến bộ được.
Người có trình độ cao nhưng phẩm chất đạo đức kém thì khó lòng phê bình đúng đắn. Người bảo thủ, trì trệ, hoặc hẹp hòi, định kiến thì có khi dùng chê để phủ định những cái tích cực, tốt đẹp của người khác - Trần xuân Tuyết - và tệ hơn thế nữa, hiện nay, đây đó lại có người dùng võ khí "Chê" để loại trừ nhau, để tự tâng bốc mình, để cầu mong lợi dưỡng của người đời. Buồn cười nhất là tệ trạng đó lại đầy dẫy trong tôn giáo khiến tín đồ thất vọng, nản lòng, bỏ đạo. Vì thế, khi phê bình một người nào, chúng ta cần phải có công tâm và thiện chí . Công tâm để phê bình trung thực, khách quan, vô tư, không bị tình cảm chi phối, và thiện chí mong cầu sửa đổi cái xấu của người, bổ túc khuyết điểm của người để khuyến khích, thúc đẩy người cùng phát triển tiến bộ.
Song, chê đã là một việc khó, nhưng có năng lực và bình tĩnh để nghe chê cũng không phải dễ. Người bị chê cần phải có một năng lực "nghe" và phân tích xem người ta chê mình đúng hay sai, hợp lý hay không hợp lý, công bằng hay thiên lệch v.v. Như trên đã nói, tâm lý chung con người thường thích được khen, tâng bốc hơn là bị chỉ trích phê bình nên chúng ta sẽ dễ nhận rõ được mình khi bị người khác hất vào mặt một lô danh từ ghê gớm và rác rến. Tôi đồng ý với Trần xuân Tuyết, tác giả bài viết "Chê và Bị Chê":
"Nếu vừa bị chê, chúng ta đã đỏ mặt tía tai là bản lãnh chúng ta còn thật kém cỏi, không bao giờ có được "bạn hiền". Vừa bị chê, đã sợ sệt, là nhu nhược, khó lòng đi xa trên con đường sáng tạo cho đời cũng như cho chính bản thân. Bị chê, nhưng lạnh lùng không tiếp thu, xem xét lại mình, là khinh mạn, kiêu căng, là phản bội lại chính mình. Bị chê, vờ vịt nhận thiếu sót cho đẹp lòng người chê là giả dối. Những người bảo thủ và tự đại, những người hống hách và độc đoán, những người dốt nát mà hợm hĩnh, thường ít có khả năng chịu đựng được lời chê."
Tóm lại, chúng ta phải cố gắng luyện tâm cho vững để giữ lòng bình thản trước khen hay chê, như Ðức Phật đã dạy trong Kinh Pháp Cú:
"Như tảng đá vững chắc,
Không lay động trước gió,
Người trí cũng như vậy,
Không lay động, xao xuyến,
Luôn luôn an trụ tâm,
Trước khen chê, vinh nhục,
Thành công hay thất bại,
Ðúng sai hay tốt xấu."
Nếu được như thế, chúng ta mới có thể đi trọn con đường lý tưởng tiến về Thánh Ðịa.
Hãy trân trọng từng phút giây bạn sống,
Hãy nâng niu từng tình cảm trên tay,
Hãy ấp yêu tùng hạnh phúc tràn đầy,
Và sống đẹp trong Yêu Thương cùng Hiểu Biết.
Nguồn: bachhac.net