Không có thì giờ để tu tập

Sống trên cuộc đời này, bất cứ ai cũng phải phấn đấu học hành, tích cực tham gia lao động để tạo nên một đời sống ấm no, hạnh phúc cho tự thân và góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, phồn thịnh. Dù làm việc bằng tay chân hay trí óc, con người vẫn miệt mài với các ngành nghề của mình để tạo ra của cải vật chất, nhằm đáp ứng các nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên, nếu vật chất sung mãn nhưng lại yếu kém về phương diện tinh thần, thì bạn chưa thể an hưởng hạnh phúc một cách trọn vẹn. Bởi vì, nếu bạn quá bận rộn với công việc mà thiếu vắng sự tu tập thì tâm hồn sẽ trở nên cằn cỗi, khô cứng và đánh mất ý nghĩa của cuộc sống.

Thực tế, đa phần con người vẫn cứ ước hẹn rằng, “chờ khi nào tôi giải quyết xong xuôi mọi công việc lúc ấy mới có thời gian rảnh rỗi để tu hành, còn hiện tại thì chưa thể”. Câu nói này vừa nghe qua cũng có lý lắm, nhưng suy nghiệm cho thấu đáo thì chưa hẳn là như vậy. Bởi vì, công việc thì muôn thủa, bạn giải quyết xong chuyện này sẽ có việc khác phát sinh, chỉ trừ khi bạn không còn sức lực để làm! Mặt khác, niềm hạnh phúc chỉ có mặt khi tâm hồn bạn an tịnh, sáng suốt và vắng bóng bản ngã tham sân si. Nếu bạn làm việc chỉ để đạt được của cải vật chất mà thiếu vắng sự an tịnh nội tâm thì vẫn bị phiền não khổ đau giam hãm và trói buộc. Cho nên, cả hai lĩnh vực công việc và tu tập cần phải được đi đôi với nhau.

Có không ít người cho rằng, tu tập là phải đi đến chùa tụng kinh, niệm Phật… còn ở nhà thì không thể thực hiện được, và vấn đề tu hành chỉ dành riêng cho những người già cả lớn tuổi, còn người trẻ thì chỉ lo làm kinh tế, sau khi ổn định sự nghiệp rồi mới tính chuyện học đạo, tu hành. Với những quan niệm sai lầm như thế, vô tình người ta đã tự hạn chế phạm vi không gian tu tập và lệ thuộc vào các điều kiện, hoàn cảnh.

Trong khi đó, thực chất của sự tu hành không nhất thiết phải đi đến chùa mới có thể thực hiện được, mà chỉ cần bạn hiểu rõ lời Phật dạy thì sẽ biết cách để tùy duyên ứng dụng hành trì. Mặt khác, vấn đề học đạo không phải chỉ dành riêng cho những người già nua, hết khả năng làm việc. Mà bất luận già trẻ hay sang hèn đều có tính tham muốn, giận hờn, ganh ghét, đố kị, v.v… và khi những yếu tố này hiện hữu thì con người sẽ bất an, khốn khổ! Do đó, đối với tuổi trẻ vấn đề học hỏi đạo lí là hết sức cần thiết, bởi vì tu tập càng sớm thì hạnh phúc sẽ có mặt cho bạn càng nhiều hơn.

Thực tế ở bối cảnh hiện nay, giới trẻ bị áp lực khá nặng nề; từ công việc học hành, kinh doanh thương mại cho đến các mối quan hệ tình cảm đôi lứa… diễn ra khá phức tạp. Các em học sinh, sinh viên đi học suốt cả ngày và còn học thêm buổi tối, những nhà làm kinh tế thì phải tìm hiểu nghiên cứu, thu thập thông tin và bổ sung kiến thức nhằm mục đích đạt được lợi nhuận cao.

Sự kiện giá cả thị trường biến động tăng vọt, khiến cho các nhà doanh nghiệp cũng phải vắt óc suy tính, phấp phồng lo âu, sợ hãi… dẫn đến các triệu chứng căng thẳng và trầm cảm nặng nề. Lúc bấy giờ, họ phải tìm đến những nơi thắng cảnh để nghĩ mát thư giãn và giải trí, ngõ hầu giúp cho tâm trí được vơi bớt phần nào những rối ren căng thẳng. Nhưng, thực tế cho thấy giải pháp du ngoạn ấy chẳng khác gì lấy đá đè cỏ, chỉ là đối phó tạm thời không thể nhổ tận gốc rễ phiền não tham sân si, cho nên khi họ trở lại với công việc thường nhật thì những uẩn khúc bế tắc từ nội tâm vẫn thường xuyên biểu hiện và xâm chiếm tâm hồn.

Thực ra, sự tu tập chẳng phải lệ thuộc vào thời gian và hoàn cảnh mà đòi hỏi thái độ tu niệm của bạn như thế nào? Một ngày có hai mươi bốn giờ, nếu bạn chỉ công phu hành trì trong vòng mấy giờ đồng hồ như thời khóa đã ấn định thì quá ít ỏi, trong khi đó thời gian dành cho công việc, ăn uống, sinh hoạt… lại nhiều hơn.

Bạn thử quan sát hành trạng của các bậc danh Tăng phạm hạnh thì sẽ thấy rõ, mỗi khi liễu ngộ chân lí là các vị ấy đều phải tiếp cận với cuộc đời để giáo hóa độ sinh. Quý ngài giảng dạy từ pháp hội này lại đến hội chúng khác, không bỏ phí thời gian hoằng pháp. Tuy bận nhiều công việc Phật sự như thế, nhưng các ngài vẫn có thể tu niệm ngay trong khi hành đạo mà không bị phụ thuộc vào hoàn cảnh hay bất cứ điều kiện gì cả. Vậy thì câu hỏi được đặt ra là, bằng cách nào để chúng ta có thể tu tập ở trong mọi lúc mọi nơi?

Thực ra vấn đề này chẳng mấy khó khăn, vì ở trong kinh Đức Thế Tôn có dạy rằng:

“Này quý vị, đây là con đường duy nhất để giúp chúng sanh thực hiện thanh tịnh, vượt thắng phiền não, tiêu diệt ưu khổ, đạt tới chánh đạo và chứng nhập Niết Bàn. Đó là con đường của bốn phép an trú trong quán niệm. Bốn phép an trú trong quán niệm ấy là những phép nào? Này các vị Khất sĩ! Vị Khất sĩ an trú trong phép quán niệm thân thể nơi thân thể/ quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ/ quán niệm tâm thức nơi tâm thức/ quán niệm đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức, tinh cần, sáng suốt và tỉnh thức, loại ra ngoài mọi tham dục và chán bỏ đối với cuộc đời…

Khi đi tới hoặc đi lui, vị khất sĩ cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ của mình về sự đi tới hay đi lui ấy; khi nhìn trước nhìn sau, cúi xuống, duỗi lên, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi mặc áo ca sa, mang bình bát, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi ăn cơm, uống nước, nhai thức ăn, nếm thức ăn, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi đi đại tiện, tiểu tiện, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, thức, nói năng, hoặc im lặng, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy vào tự thân”(Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm, sách Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000).

Thật rõ ràng, bạn chỉ cần nhận biết mọi hoạt dụng của thân tâm và thắp sáng đương tại mà không khởi niệm thêm bớt, nắm bắt, chọn lựa bất cứ điều gì thì đó chính là sự tu hành đích thực. Lời dạy của Thế Tôn rất thực tiễn và cụ thể, giúp cho chúng ta dễ dàng ứng dụng linh động trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mà không phải phụ thuộc vào các hình thức nghi lễ. Dĩ nhiên, nếu bạn có đủ điều kiện thiết lập một nơi trang nghiêm thanh tịnh để tu niệm thì càng tốt hơn.

Nội dung đoạn kinh trên được thâu tóm với ba yếu chỉ trọng tâm đó là tinh cần, sáng suốt và tỉnh thức. Tinh cần là siêng năng, nỗ lực tu tập liên tục, tâm ý không xao lãng hiện tại. Tuy vậy, tinh cần đúng đắn không phải sự nôn nóng tìm cầu theo sở thích tham muốn; cho dù bạn cố gắng tu luyện thiền định để đạt được một trạng thái an lạc nào đó thì vẫn rơi vào ý đồ tham vọng của bản ngã. Sáng suốt là bạn thấy biết thân-tâm-cảnh như thực, hoàn toàn vắng bóng các ý niệm thêu dệt, thêm thắt hoặc chọn lựa, chiếm hữu. Tỉnh thức chính là bạn có mặt trọn vẹn với thực tại đang là.

Như vậy, tinh cần, sáng suốt và tỉnh thức là thái độ bình thản sáng suốt, không chạy trốn những gì tiêu cực đang xảy ra ở hiện tại và cũng chẳng vướng mắc, chìm đắm khi tiếp xúc với các đối tượng tốt đẹp dễ mến! Bởi vì, bạn mong muốn chiếm hữu là rơi vào tâm tham, còn khởi tâm ghét bỏ loại trừ là tâm sân. Đơn giản, bạn chỉ cần ghi nhận đơn thuần các trạng thái động dụng đang xảy ra ở thân tâm mình một cách tự nhiên, minh mẫn và sáng suốt thì bạn sẽ được tự do giải thoát.

Muốn hóa giải những trắc ẩn trong tâm mình, thiết lập một lối sống nhẹ nhàng an vui tự tại, không gì hơn bạn cần phải ứng dụng lời Phật dạy vào trong đời sống hàng ngày. Dù bất cứ ở nơi đâu, làm việc gì bạn cũng có thể tu tập được, chỉ cần bạn nhận biết một cách rõ ràng về những trạng thái động tịnh đang xảy ra ở thân tâm mình, thì đó chính là công phu tu tập đích thực theo như lời mà Thế Tôn đã chỉ dạy.

Viên Ngộ
Previous Post
Next Post