Tại sao chúng ta luôn nghĩ đến một điều không thể thực hiện, không thể thay đổi hoàn cảnh để có được điều chúng ta muốn có.
Tại sao chúng ta không làm khác được? Vì đó là sức sống của chúng ta. Thâm sâu ta không muốn tự hủy diệt ta, nên sức sống phải được duy trì. Khi một người phải làm khác điều họ mong muốn, lúc đó bổn phận trách nhiệm là sức sống – nhưng ở một nghĩa nào đó, họ sống như đã chết. Vì sức sống của phận trách nhiệm lại được nuôi dưỡng bằng niềm đau, nên cho rằng sống vì bổn phận chính là sống vì một điều đang được nằm sâu trong tâm.
Nỗi đau trong tâm tuy không biểu hiện ra bên ngoài, nhưng nó luôn âm ĩ. Khi có dịp khơi dậy, nó bộc phát dữ dội, nhưng sẽ được nhanh chóng dập tắt bởi hoàn cảnh sống.
Cuộc đời đã cho thấy rất nhiều cảnh ngộ như thế.
Nếu nhận ra trong tâm mình đang như thế, bạn mới tự hỏi có cách nào sức sống không phải bị biến hình như thế không.
Câu trả lời rất khó được chấp nhận. Mỗi người với những điều kiện sống khác nhau.
Có một mẩu chuyện thường được kể rằng, có một người với một hình bóng anh ta yêu quý để trong tâm, và anh ta đã nuôi hình bóng đó là sức sống cho anh suốt mấy mươi năm trôi nổi ở cuộc đời. Anh sẵn sàng đánh đổi cả gia sản tạo dựng để gặp lại người bạn ấy. Khi xem một đọan phim quay người bạn ấy hiện tại là một “mụ già’ mệt mỏi, dữ dằn với con cháu, cặp mắt lờ đờ… Anh đã không chấp nhận đó là hình bóng anh nuôi trong tâm suốt gần nửa thế kỷ! Sự thất vọng và tuyệt vọng.
Kết quả là anh trở về với đời sống hiện thực, bắt đầu xây dựng những mối tương giao mới. Hình bóng cũ làm anh thất vọng hay tỉnh ngộ? Đoạn kết là cuộc đời, nên anh có một cuộc sống mới với những người bạn mới vừa quen.
Vậy rõ ràng sức sống mấy mươi năm qua với anh được xây dựng trên một ảo tưởng về một người ngày xưa. Nhưng nếu chưa thấy lại cái hình bóng anh nuôi nó hay chính nó nuôi sống anh, thì anh vẫn sống với một mối tình chung thủy, sẽ được ghi vào sử sách của những chuỵên tình bất hủ!
Một người thật, khi chia xa được nuôi sống bởi ảo tưởng, mọi cái sẽ đổ vỡ khi sống gần nhau và những va chạm đời thường khiến cả hai đều tỉnh ngộ và thấy mình lầm lẫn. Nên sức sống ảo chỉ được nuôi sống bởi ảo tưởng.
Nhưng làm sao để có thể rời xa những bóng ảo trong tâm? Sở dĩ chưa có câu trả lời bởi chính chúng ta vẫn cảm thấy dường như hãy để chúng ta có một sức sống mà vui sống trên đời với những bóng hình không thật. Và cuộc đời thật thì quá nhiều bất như ý và khổ đau, ẩn náu vào đó xem ra có đôi phần dễ sống hơn.
Học đạo là có một cái nhìn rõ ràng về những bóng ảo trong tâm, từ đó chúng ta mới có thể tập cách sống tỉnh thức trên những sự việc rất gần. Bạn nhìn xem chính mình và suy nghĩ của chính mình, luôn dệt từ một việc còn lưu lại trong tâm. Từ đó chúng ta chỉ sống trong những bóng tiền trần. Chính vậy bước đầu học Phật luôn nhắc đến Chánh niệm, để tập quen giữ tâm trên những gì đang xảy, mọi việc sẽ rõ ràng hơn khi nào bất chợt chúng ta thấy rằng, quả thật chính mình đã dệt và duy trì những bóng ảo, niềm tin ảo, chờ đợi ảo…
Mọi việc vẫn chưa giải quyết được gì, nhưng khoan nghĩ đến sẽ giải quyết được gì, khi mình đã quen trôi theo suy nghĩ không thể dừng. Nhận biết được mình đang nuôi một điều không thật, từ đó mới có thể có một cái nhìn khác hơn. Khi có một ý định thay đổi, mình mới có thể thay đổi đời mình.
Trích Từ Bước Chân Xa
Nguồn: hoalinhthoai.com