Suy tưởng về đạo lý nhân duyên

1. Căn nhà vô minh (Vô minh)

Vô minh là một khái niệm dùng để chỉ cho sự tối tăm của tâm thức - căn nhà vô minh là căn nhà tâm thức thiếu ánh sáng tuệ giác mà chúng ta đang trú ngụ. Vô minh được ví như kẻ mù lòa không thấy được sự thật. Tỉ dụ về hang đá của Plato có thể được xem là một ví dụ rất chính xác về căn nhà vô minh.

Chuyện kể rằng, nhân loại được xem như là những kẻ bị xiềng xích trong một hang đá tối tăm. Chúng chỉ có thể nhìn thấy một nguồn sáng lờ mờ từ một ngọn lửa hồng thấp thoáng. Cái gì được nhìn thấy ở đây chỉ là những chiếc bóng đổ trên tường; và những kẻ bị xiềng xích cứ cho rằng những chiếc bóng đổ trên tường là sự thật, là chân lý. Nhưng sau khi bị đẩy ra khỏi hang đá và tiếp cận ánh sáng của mặt trời, chúng đã nhận diện được sự thật, và biết rằng những chiếc bóng đổ trên tường đều là ảo hóa...

Cũng vậy, vô minh không có gì khác hơn là sự cuồng si của tâm thức. Nó chi phối toàn bộ đời sống của con người. Nếu bên này bờ là vô minh, thì bên kia bờ là giác ngộ. Vô minh và giác ngộ vốn được xem là đối lập nhau, nhưng nó luôn luôn trùng phùng trên cùng một điểm công-tắc của căn nhà tâm thức. Nếu ánh sáng được bật lên trong căn nhà đó, thì bóng tối tự nó sẽ ra đi. Vì thế, mặc dù vô minh đang bao phủ căn nhà tâm thức, nhưng đừng sợ nó và cũng đừng chạy trốn nó. Vấn đề là ở chỗ hãy dũng cảm quay về với căn nhà tối tăm đó và bật đèn tuệ giác.

Thực tế cho thấy rằng, con người luôn luôn sống với vô minh - ăn với vô minh, ngủ với vô minh, tư duy và hành động với vô minh. Vì vô minh chính là cái được gọi là căn để trầm luân, hay bản năng dục vọng của con người. Chỉ khi nào chế ngự được bản năng dục vọng và làm chủ được tâm ý của mình, thì khi đó mới có thể nắm được đầu mối vô minh.

Vì thế, vô minh không có nghĩa là không hiểu biết. Nhưng sự hiểu biết đó được sinh khởi từ bản năng dục vọng, nó luôn luôn bị thôi thúc bởi khát vọng của tự ngã, bởi sự yêu thương tự ngã. Trong khi đó, giác ngộ cũng là một sự hiểu biết, nhưng sự hiểu biết đó được tuôn trào từ chân tâm và đã thoát ly ngoài tự ngã. Như thế, vô minh chính là sự vận hành của tâm thức khát vọng mà mỗi người đang cưu mang. Hễ tâm thức còn khát vọng là còn vô minh.

2. Bước chân đi của tâm thức (Hành và Thức)

Bước chân đi của tâm thức là dòng vận hành của ý thức xuyên qua các đối tượng căn bản của đời sống, và từ đó tạo thành nguồn năng lượng tương tục, biểu hiện qua các cơ năng hoạt động của thế giới tâm thức, mà thuật ngữ gọi là Hành và Thức. Ðây là hai yếu tố cơ bản để hình thành nên cấu trúc của đời sống tâm lý con người và các đối tượng căn bản của đời sống, để qua đó, dòng tâm thức chuyển vận bao gồm: thế giới của vật chất, âm thanh, hương khí, mùi vị, sự tiếp xúc và tất cả hiện tượng, sự vật nói chung. Con người và cuộc sống của nó như thế nào đều do sự vận hành của tâm thức quyết định.

Và sự vận hành đó gắn liền với các đối tượng cơ bản của nó, như vật chất, âm thanh, hương khí... Vì thế, khi tâm thức vận hành theo một hướng nào đó, nó đồng thời tác động đến và thay đổi cả đối tượng của nó. Tỉ dụ, khi tâm thức muốn xây dựng một căn nhà, thì trước hết nó tự tác thành một căn nhà trong tâm, một căn nhà bằng ảo giác. Rồi sau đó, thông qua ảnh tượng của căn nhà ảo, người ta dùng vật chất để xây dựng căn nhà thật theo cơ cấu của tâm thức. Tương tự như vậy đối với âm thanh, hương khí, mùi vị...

Từ đó, cho thấy rằng thế giới mà chúng ta đang sống với muôn ngàn phương tiện đều là sự vận hành của tâm thức. Từ các xí nghiệp vừa và nhỏ cho đến các công ty cỗ phần đa quốc gia, từ các túp lều tranh xiêu vẹo cho đến các tòa nhà chọc trời v.v..., tất cả đều được biểu hiện từ tâm thức. Cho đến cả thế giới tâm lý như vui, buồn, giận, thương, yêu, ghét v.v... và các tỗ chức xã hội v.v..., tất cả đều là sự biểu hiện của tâm thức. Vì vậy, sự vận hành của tâm thức là nguồn năng lượng đặc biệt; nó điều động và chi phối toàn bộ cơ cấu của đời sống con người. Cho đến vấn đề khổ đau và hạnh phúc cũng là một hình thái biểu hiện (tốt hay xấu) của nguồn năng lượng tâm thức đó. Như khi sống với niềm vui, tư duy với niềm vui, hành động với niềm vui... sẽ tạo nên một nguồn sống an lạc.

Ngược lại, sống với nỗi buồn, ăn cũng buồn, ngủ cũng buồn v.v..., như thế sẽ tạo nên một đời sống khổ đau. Xa hơn nữa, với một vấn đề được xem là bất hạnh, khổ đau, nhưng với tâm thức thanh bình, an lạc thì vấn đề đó sẽ trở thành an lạc. Ðó là trường hợp của người sống xả ly, không chấp trước vào mọi hiện tượng diễn biến vô thường.

3- Cuộc sống tương duyên (Danh sắc và Lục nhập)

Chúng ta thấy rằng, tất cả sự sống đều có tương duyên. Từ các vật vô tri, vô giác như sỏi, đá, sông, suối, cỏ cây, hoa, lá, mây, mưa, thác, nguồn v.v... cho đến các sinh thể có tri giác như côn trùng, động vật, con người v.v... nếu muốn sống, đều phải sống trong sự tương duyên với nhau. Sự tương duyên đó chính là các điều kiện sinh tồn, nó là một hệ thống sinh thái. Như cây hoa cần có không gian, cần có ánh sáng, cần có bóng tối, cần có không khí... để phát triển. Cũng vậy, con người muốn tồn tại thì phải tương duyên với nhau từ tự thân cho đến hoàn cảnh, môi trường.

Với con người, sự tương duyên đầu tiên chính là tâm thức và cơ thể (thân và tâm). Nếu không có sự tương duyên đầu tiên này, sẽ không có sự hiện hữu của con người. Vì một người không thể sống nếu chỉ có thân thể mà không có tâm thức, hoặc chỉ có tâm thức mà không có cơ thể. Do đó, tâm thức (danh) kết hợp với cơ thể (sắc) để hình thành nên sự hiện hữu của một sinh thể hữu tình là một nguyên lý tự nhiên và tất yếu.

Nếu đi vào cụ thể và chi tiết hơn, chúng ta thấy rằng ngoài sự giao thoa cơ bản của thân thể và tâm thức mang tính cách thường trực, còn có một sự giao thoa không thường trực nhưng rất linh động và rất chủ động. Ðó là sự giao thoa của các căn và trần mà thuật ngữ gọi là Lục nhập. Các căn gồm có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức; các trần gồm có: vật chất, âm thanh, hương khí, mùi vị, sự tiếp xúc và thế giới hiện tượng sự vật. Chính nhờ vào mối tương duyên mang tính cách ngẫu nhiên này mà sự sống xuất hiện.

Tỉ dụ, con mắt tự thân nó nếu không duyên với trần cảnh thì sự có mặt của nó sẽ không có ý nghĩa gì cả. Nghĩa là nó sẽ trở nên vô hiệu, có cũng như không. Nhưng khi con mắt tiếp xúc với trần cảnh (thế giới hiện tượng, sự vật) thì con mắt lập tức sẽ có tác dụng - thấy, thấy cái gì và thấy như thế nào. Vì thế, giá trị của con mắt là "thấy"; nếu con mắt không thấy thì con mắt đó sẽ trở nên mù lòa và không có giá trị nào hết. Vì vậy, con mắt chỉ có giá trị khi nào nó duyên với trần cảnh, tức đối tượng của nó, để hình thành sự thấy - tức nhận biết và hiểu biết. Và như thế, giá trị của con mắt sẽ không có, nếu không có các đối tượng của nó - tức là trần cảnh. Ðây là ý nghĩa của cuộc sống tương duyên. Mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân tiếp xúc, ý nhận thức chính là giá trị tương duyên. Khi các mối tương duyên này chấm dứt cũng có nghĩa là chúng ta chết.

4. Tiếp xúc và cảm thọ (Xúc và Thọ)

Tiếp xúc và cảm thọ là yếu tố thứ 6 và thứ 7 trong 12 nhân duyên (vô minh, hành, thức, danh-sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử).

Có thể nói rằng, tất cả sự sống trên thế gian này đều được bắt nguồn từ yếu tố xúc - tiếp xúc; và sống bằng yếu tố thọ - cảm thọ. Chúng ta biết rằng con người từ khi vào thai mẹ cho đến khi sinh ra đời, tất cả đều bắt đầu từ sự tiếp xúc. Sự tiếp xúc đầu tiên là mối quan hệ yêu thương của cha mẹ; kế đó, một kiết sinh thức (gandhabha) hay ý niệm tối sơ đi vào bụng mẹ để thai nhi hình thành. Kinh nói, nếu không có mặt kiết sinh thức thì thai nhi không thể sống - tượng hình. Cho đến khi được sinh ra, con người luôn luôn sống khởi đầu bằng sự tiếp xúc, như tiếp xúc với thức ăn, dưỡng khí... rồi sau đó là cảm thọ. Ðối với thế giới vô tình cũng vậy, sống có nghĩa là tiếp xúc, như cây cối tiếp xúc và hấp thụ ánh sáng mặt trời đến trưởng thành. Sự tiếp xúc sẽ kéo dài cho đến khi chúng ta chết; sau đó, nó sẽ chuyển sang một trạng thái khác - phân hủy.

Ðối với con người, để có một giá trị sống đích thực, thì các quan năng phải hoạt động, nghĩa là phải tiếp xúc với trần cảnh. Chỉ có thông qua tiếp xúc mới sinh khởi nên cuộc sống năng động và nhiệm mầu. Vì muốn phát triển càng nhiều càng tốt, trong kinh doanh người ta nảy sinh ra yếu tố tiếp thị; nó cũng là một hình thái trong muôn ngàn hình thái của sự tiếp xúc. Cũng vậy, đối với các giác quan của con người, nếu không có sự tiếp xúc thì sẽ không bao giờ có tác dụng. Do mắt tiếp xúc với trần cảnh mà hiện sinh cái thấy biết về trần cảnh, hay còn gọi là thức. Ðối với tai, mũi, lưỡi, thân và ý đều là như vậy.

Sau khi tiếp xúc để sinh khởi sự sống, và sau khi sự sống hình thành, tất cả đều sống nhờ vào cảm thọ - yếu tố thứ 7 trong 12 nhân duyên. Ðời sống cảm thọ của con người được chia thành 3 loại: cảm thọ khổ đau, cảm thọ an lạc và cảm thọ trung tính - không khổ, không lạc. Tuy nhiên, trong thực tế, con người ta sống thiên về hoặc khổ đau, hoặc an lạc. Còn cảm thọ trung tính chỉ có với những tri giác không phân biệt. Cảm thọ chính là thức ăn của tâm thức.

Nhưng bản chất của Thọ là gì ?

Ngoài tính cách điều kiện hóa lẫn nhau mang tính chất vật lý, tất cả sự cảm thọ đều là ảo giác của tâm thức, một loại ảo giác trong tương quan của thân và tâm, của vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, cường độ của sự cảm thọ hoàn toàn phụ thuộc vào tâm thức. Ðó là một loại cường độ ảo. Và chính cường độ ảo đó tạo nên một sức mạnh phi thường cuốn hút con người vào thế giới của đam mê, của vọng tưởng và của tội lỗi. Vì ảo giác sẽ sinh ra ảo giác. Và sự sinh trưởng đó là phi thời gian và không gian.

Tỉ dụ, một người yêu thương và nhớ nhung một người, mà hai người đó ở cách xa nhau vạn dặm. Về vật chất, khoảng cách của không gian và thời gian sẽ tách biệt họ; nhưng trong tâm thức, họ vẫn gần nhau, ôm ấp nhau và thương yêu nhau. Cảnh trong mộng sẽ cho thấy điều đó một cách chi tiết. Như thế rõ ràng, cảm thọ chỉ là ảo giác của tâm thức mà thôi. Ngay cả đến hương vị dở và ngon, xấu và đẹp, thoải mái và không thoải mái, vui và buồn, hạnh phúc và khổ đau... tất cả đều tùy thuộc vào cảm thọ.

Và rằng, tất cả chúng ta luôn luôn bị đánh lừa bởi cảm thọ, một sự đánh lừa vĩ đại nhất trong sự thăng trầm của đời người. Vì lẽ, tội lỗi chính là sự bất lực, sự không thể vượt qua của con người trước những cảm thọ của chính mình. Khổ đau chính là sự đòi hỏi, ước mong về một cảm thọ khác hơn là cái cảm thọ hiện tiền mình đang có. Và hạnh phúc chính là đạt đến một sự cảm thọ mà mình yêu thích. Ðời sống tâm thức của con người chỉ vậy thôi.

5. Yêu thương và nắm giữ (Ái và Thủ)

Do bị đánh lừa, bị mùi trần quyến rũ của cảm thọ, con người bắt đầu yêu thương. Yêu thương người, yêu thương vật, yêu thương gia tài, sự nghiệp, yêu thương hạnh phúc, yêu thương tất cả những gì mà cảm thọ của mình đòi hỏi. Cùng lúc với sự yêu thương là nắm giữ, bám víu. Yêu thương và nắm giữ theo tiếng gọi của cảm thọ chính là cội nguồn của khổ đau. Vì đối tượng yêu thương bao giờ cũng vô thường, thay đổi; và càng nắm giữ đối tượng mà nó luôn luôn thay đổi thì càng khổ đau. Cho đến khi sự thay đổi tan biến và mất đi, con người sẽ đạt đến đỉnh cao của khổ đau.

Ðây là nguyên lý duyên khởi của yêu thương và nắm giữ mà bất kỳ con người nào cũng đều phải phục tùng, nếu họ muốn yêu thương và nắm giữ con người mình yêu thương hoặc cái mình yêu thương. Và ngược lại, sự không yêu thương và nắm giữ, bám víu theo cảm thọ, tức là theo ảo tưởng của mình, chính là đầu mối của giải thoát mọi sự trầm luân.

6. Trôi lăn theo bánh xe (Hữu, Sinh và Lão Tử)

Chính động lực yêu thương và nắm giữ theo nhu cầu của cảm thọ mà đưa đến một sự hiện hữu, một sự có mặt của một sự chuyển động trong cơn lốc vô thường. Cũng tựa hồ như hai người thương yêu nhau rồi đi đến sinh con. Ðứa con đó vừa là hiện thân của động lực yêu thương, vừa là hiện thân của cơn lốc vô thường. Nó sẽ sinh ra, lớn lên, rồi già nua và tử biệt; cứ như thế, trôi lăn theo bánh xe của sinh tử, tử sinh.

Ðời sống của con người là như thế. Bắt đầu từ căn nhà vô minh, đến bước chân đi của tâm thức, rồi vào cuộc sống tương duyên để tiếp xúc và cảm thọ, rồi yêu thương, nắm giữ để cuối cùng trôi lăn theo bánh xe sinh tử vô thường.

-oOo-

Hồi mới vào chùa, tôi đã được học về đạo lý nhân duyên, 12 nhân duyên. Song tôi không hề hiểu được gì ngoài cái vỏ của ngôn từ. Mãi đến năm 23 tuỗi, khi viết tác phẩm đầu tay về "nhân duyên", tôi mới thực sự bắt đầu trầm tư về nó. Cho đến khi tác phẩm của tôi được tái bản lần thứ ba, nhưng suối nguồn nhân duyên vẫn cứ tuôn trào trong tôi. Và đến bây giờ, tôi mới thực sự cảm nhận được đạo lý nhân duyên. Nó không còn là chiếc bánh xe có 12 nan biểu tượng nữa. Mà nó là tôi, là tất cả những gì tôi đang có.

Trích "Hài nhi tóc bạc", Sài Gòn, 1999
Thích Tâm Thiện
Nguồn: budsas.org
Previous Post
Next Post