Tâm Sở Si/Vô Minh – Đừng Làm Cằn Cỗi Thân Tâm

Si còn gọi là vô minh hay ngu dốt. Ở đây ngu dốt không có nghĩa là không có học thức vì những người có học thức nếu không tu tập vẫn vô minh. Người thiếu hiểu biết, không chịu hiểu biết, không đủ khả năng đón nhận các tuệ giác và sự thật, có suy nghĩ ngây thơ đến mức điên rồ, thậm chí làm những công việc sai trái nhưng vẫn cho là đúng, có hành vi ngăn cản người khác tu tập hoặc làm việc thiện, xem việc tu hành không đáng có, đây là người vô minh hay ngu si. Người này có thể thành công trong sự nghiệp ngoài đời nhưng vẫn si vì trí tuệ bị che lấp tháng ngày.

Si khiến cho người mù quáng, không biết rõ việc mình đang làm và bỏ đi các hành vi quan trọng. Như người say mê nghe một khúc nhạc quên bẵng mình phải làm việc hay định tâm. Si bao trùm cả đối tượng, nhìn chỗ nào cũng là cái nhìn của ngu si. Người quá coi trọng bằng cấp mà quên đi năng lực thực sự của nhân viên mới đáng quan tâm, người này cũng đang ở trong tình trạng si đây. Sự cố chấp cũng là biểu hiện của vô minh, như chấp đúng sai, có không, cái tôi, bản ngã, cố tình tạo lập sự khác biệt và dày vò trong đau khổ. Người không có hạnh phúc vì chấp vào những thứ như vậy.

Tri thức khác với trí tuệ. Nhà khoa học có nhiều kiến thức, nghiên cứu đủ thứ yếu tố và diễn thuyết rất giỏi, nhưng chưa chắc có trí tuệ. Người học càng giỏi nhưng tư tưởng u mê, suy nghĩ tối tăm hay quấn quýt điều bất thiện, vậy học giỏi làm gì, cái giỏi đó chỉ nhằm phục vụ cho ngã mạn của họ thôi. Không học gì nhiều nhưng tấm lòng trong sáng, biết gìn giữ bản thân, lo người này, chăm sóc người kia, thấy rõ bản chất của vạn vật và giải thoát được mình, trí tuệ được phát triển đúng đắn. Người vô minh không bao giờ biết mình là vô minh và bác bỏ mọi hành vi liên quan đến đạo đức. Do ngu xuẩn, người làm điều ác không gớm tay, tất cả các giới hầu như đều phạm, hạnh phúc trên khổ đau của người khác và đến lúc nào đó trở nên điên dại. Điên dại không phải là bị mất trí hay bệnh tâm thần mà là một người hoàn toàn tỉnh táo, nên nhớ tỉnh táo chứ không tỉnh thức và vì không tỉnh thức, người làm mồi cho cái si.

Bất cứ ai cũng có thể hành động điên rồ, được bù đắp bởi lời nói điên rồ và suy nghĩ điên rồ. Họ cổ xúy cho sự ăn chơi, tha hóa, mất nhân cách và vu khống lẫn nhau. Điều thiện và không thiện không phân biệt được. Gặp điều thiện thì cho là không thiện, gặp điều không thiện thì cho là thiện. Làm sai nhưng không biết là sai, người ngày càng lún sâu vào tội lỗi, trở thành con người mù quáng hơn bao giờ hết. Tâm si nên mong cảnh si tức là muốn thấy sắc đẹp, muốn ăn ngon, muốn ngửi mùi thơm, muốn nghe tiếng hay, muốn xúc chạm dễ chịu hay muốn suy nghĩ ái dục.

Tâm quyết định cảnh và với tâm bình an, mọi cảnh sẽ bình an. Thực tập các pháp thiền định, giữ giới, hành trì các lời dạy của đức Phật, người có thể làm lắng dịu vô minh, trí tuệ bừng dậy và cởi bỏ những dính mắc ngu xuẩn. Người không làm được như vậy đơn giản vì không dám chấp nhận, không dám buông bỏ và kể cả không dám ban phát tình thương. Luyến ái vào cảnh nên tâm si biểu hiện và dù chỉ một chút thôi, người đã đau khổ đến mức vô biên rồi.

Một bác lớn tuổi khi ăn cơm phải có ớt, tức là vị cay của ớt kích thích ông ăn ngon miệng. Vì thương cái miệng nên khi ăn cơm không có ớt, ông bứt rứt khó chịu, thậm chí thấy khổ sở vô cùng. Suy nghĩ về cảnh khoái lạc, người bị khoái lạc làm chủ và chìm đắm, không thấy được những nguy hiểm nằm tiềm ẩn phía sau khoái lạc đó, hoặc biểu hiện ra rành rành nhưng vì vô minh, người cho đó là hạnh phúc. Chàng trai thương cô gái và cô nói gì nghe nấy, không có thảo luận, bàn bạc hay chia sẻ, chàng trai đang si tình, đây là cái si dại dột vì đang làm nô lệ cho cái si đó. Người tu mê đắm vào danh vọng, địa vị, chức vụ giáo phẩm, nơi ăn chốn ở, sự cúng dường, sự khen ngợi, họ đang hết sức vô minh. Đã quyết tâm tu hành dù tu sĩ hay cư sĩ phải thực tập buông bỏ. Muốn tu trước hết phải buông bỏ, từ bên trong cho đến bên ngoài.

Chánh niệm về si biết si đang hiện tiền, nhận diện si và niệm si đến khi si không còn nữa. Thực chất rất khó nhận biết si và thường cho bản thân luôn luôn đúng. Người tu cũng vậy, vẫn còn chấp vào pháp môn, như thầy của tôi hay nhất, chùa của tôi đẹp nhất, sách của tôi tuyệt vời nhất, còn ai kia đều dở tệ. Si quá nhiều, người đi về hướng của không thiện và sẵn sàng làm điều ác rất nhanh.

Tu tập không miên mật, chút xíu dễ duôi cũng bị rớt mau chóng. Việt Nam có câu: Khôn ba năm dại một giờ. Một giờ dại dột phải trả giá cả đời người hay hằng hà sa số kiếp. Người có tu chuyển sang không tu rất đông trong khi người không tu chuyển sang tu rất ít. Và dĩ nhiên, người làm điều bất thiện dễ hơn rất nhiều người muốn làm điều thiện. Các tâm không thiện khác xuất hiện như sân, tham, nghi ngờ… thì đồng thời, tâm si xuất hiện và người hành xử mê muội theo. Cơn giận bắt người nói những lời gây chia rẽ và hận thù dù trước đó biết rằng nếu làm như vậy mọi thứ sẽ tan nát đổ vỡ hết. Thiếu hiểu biết về bản chất của thực tại, tức là họ cho thực tại là thường, không hề thay đổi và đưa ra những suy nghĩ ích kỷ áp đặt cho thực tại.

Thực tại là cái đang là, tiếp xúc thực tại là tiếp xúc với cái đang là dù rằng nó vô thường, luôn biến chuyển. Bản chất của nó là không sinh không diệt, không từ đâu tới và cũng không đi về đâu. Khi đầy đủ nhân duyên, nó biểu hiện và cũng khi đầy đủ nhân duyên, nó sẽ không biểu hiện. Tình trạng không biểu hiện cũng là sự biểu hiện vì nó biểu hiện tính không biểu hiện của nó. Buông bỏ cái ta, người cho si nằm im và trí tuệ có đủ điều kiện phát khởi. Thực tập chánh niệm nhận diện thực tại, đến lúc nào đó người cũng phải buông bỏ cả thực tại vì dính vào thực tại thì vẫn còn bị kẹt.

Tâm Sở Si

Si tức là vô minh
Không biết rõ việc mình
Không đón nhận sự thật
Bản thân không giữ gìn.

Cái nhìn của ngu si
Bao trùm cả đối tượng
U mê trong tư tưởng
Quên cuộc đời thuần lương.
Suy nghĩ thường điên rồ
Không phân biệt đúng sai
Hành động gây tai hại
Mù quáng cứ miệt mài.

Hay chấp vào cái tôi
Đời sống rất lôi thôi
Thiếu hiểu biết thực tại
Thân tâm thêm cằn cỗi.

Trích ‘Bảo hiểm tâm’ - TG Minh Thạnh
Nguồn: damlinhthat.net
Previous Post
Next Post