Thiên Nhiên và Văn Hóa trong tác phẩm của Rousseau

Jean-Jacques Rousseau
Năm 1750, lúc 38 tuổi, Jean Jacques Rousseau đọc được từ tờ báo " Mercure de France " đề tài cho giải thưởng do Hàn lâm viện Dijon đặt ra: "Liệu việc chấn hưng Khoa học và Nghệ thuật có góp phần làm đẹp thêm phong hoá không?"

Theo chính lời mình, thì Rousseau sau khi đọc đề tài này đã bị một "cảm hứng đột ngột" tràn ngập; "hàng ngàn ánh sáng làm lóa mắt," ngã vật xuống mặt đất, và đã nằm lì cả nửa tiếng đồng hồ trong tâm thế rối loạn, chấn động, dày vò nức nở. Bị cuốn hút trong dòng suy tưởng trào dâng như thủy triều, ông đã viết bài luận văn đầu tiên của mình, một tham luận, và gửi đến Dijon, nơi mà viện Hàn lâm tại đây đã trao giải nhất cho công trình của một người lúc ấy còn chưa ai biết đến, đã khiến ông chỉ một sớm một chiều trở thành nổi tiếng.[1]

Quyết định của Viện hàn lâm quả thật bất ngờ, vì nghị luận của Rousseau trái ngược hẳn với những gì mà Viện hàn lâm lẽ ra phải chờ đợi. Nghị luận của Rouseau là sự phê phán nặng nề đối với tất cả mọi khuynh hướng của trào lưu Ánh sáng đương thời,[2] là sự tấn công vào thành trì tư duy nặng về lý trí, vào khoa học, nghệ thuật tượng trưng cho văn hóa - và vì thế vào cả xã hội đương thời. Nhưng, bên cạnh đó nghị luận này cũng chứa đựng những dấu hiệu chỉ ra khả năng có thể cứu vớt được nhân loại bằng cách con người phải biết hướng đến sự "Gần-gũi-Thiên-nhiên" (Naturnähe) và những gì mang "Tính-chất-Thiên-nhiên" (Natürlichkeit). Kể từ đó toàn bộ cống hiến của Rouseau đã tập trung vào việc giải trình những điều này.
*
* * *
Trước tiên phải nói, đối với Rousseau, Thiên nhiên là môi trường quanh ta. Thiên nhiên đối với con người là điều hiển nhiên, nên phần đông con người sống trong đó mà không hề nghĩ suy về nó. Nếu quan sát Thiên nhiên người ta sẽ sớm có được nhận thức rằng thiên nhiên chịu sự chi phối chặt chẽ bởi những qui luật tự nhiên, không những nó điều khiển cuộc sống của muôn loài thú vật, cỏ cây, con người, mà qui luật này còn quyết định cả "hệ thống toàn cầu và hoạt động của vũ trụ."

Quán tưởng trên bình diện cao hơn, qua đặc tính mang tính qui luật và cần thiết của Thiên nhiên, Rouseau nhìn ra Trật tự của Trời đất. Từ điểm này con người tôn kính Thượng đế, giữa Thiên nhiên con người tìm được vị trí xứng đáng dành cho nó trong trật tự hiện tiền. Trong ý nghĩa này Thiên nhiên đối với Rousseau cũng còn là Nguồn tái tạo; nó còn là nơi trú ẩn và nguồn an ủi cho con người mệt mỏi sau cuộc cạnh tranh sinh tồn. Rouseau thốt lên: "Ôi Thiên nhiên, Mẹ của ta, nơi đây ta mới có sự che chở của riêng Người; ở đây không có kẻ khôn ngoan và ranh mãnh nào chen vào giữa ta và Người," bởi Thiên nhiên còn là môi trường tự nhiên của bất kỳ ai, nên ai cũng có thể quay về. Và chính điều này khiến Rouseau nhìn ra hy vọng, rằng mọi người, vì lẽ bình đẳng trước thiên nhiên và đều dự phần trong tự nhiên, ai cũng có thể trở nên hoàn thiện lại bằng vào một quá trình thức tỉnh ngay trong nguồn năng lượng toàn năng và bảo bọc của Thiên nhiên vốn như Từ mẫu.

Những điều Rousseau nói về Thiên nhiên mang ý nghĩa là ngoài Thiên nhiên ra không có gì có thể hiện hữu cả. Thiên nhiên bao trùm không những quả đất, mà cả "hệ thống hiện hữu," nghĩa là cả đất trời vũ trụ, mà qua đó con người tìm cách xác định được chính mình, tùy theo mức độ nhất định của sự ngưỡng mộ của con người với Thiên nhiên. Trong khoảnh khắc này thì chủ thể cá nhân hoà tan vào cái Toàn thể vụ trụ và qua đó đạt tới hạnh phúc, Rouseau bảo rằng: "Thiên nhiên đã khiến tôi cảm nhận sự hiện hữu trọn vẹn của mình với đầy hoan lạc."

Một khi con người có khả năng gắn liền cảm nhận hạnh phúc của hiện hữu riêng tư với hạnh phúc của sự đồng hiện hữu của muôn loài, thì với Rouseau đó là bằng chứng rằng chủ thể cá nhân và Vũ trụ toàn thể có điểm tương đồng, hay nói cách khác: con người là một vũ trụ thu nhỏ. Ở điểm này những suy nghĩ của Rousseau gặp tư duy châu Á. Theo đó thì con người, tạo vật cao cấp trong Thiên nhiên có thể đạt được hạnh phúc, vì nó có khả năng giao hòa tiếp cận với Trời và Đất. Trời, Đất, Người là ba yếu tố trong vụ trụ, được tạo ra từ cùng một thể. Tất cả mọi đổi dời, tiến hoá trong vũ trụ hiểu theo ý nghĩa này và theo truyền thống của kinh Dịch, cuốn sách luận về lẽ chuyển dịch, đều là một sự hài hòa thuận theo qui luật của trật tự thiên nhiên. Khổng phu tử cũng theo lẽ của thiên nhiên mà trả lời cho học trò của mình rằng: "Ta có nói gì đâu, trời có nói gì đâu, mà bốn mùa cứ theo nhau thay đổi, mà muôn loài cứ phát triển." Con người cũng nên học từ những qui luật của Thiên nhiên, rằng qui luật của Thiên nhiên không được phép bị quấy động.

Văn hoá Á châu lưu truyền quan điểm này vào cuộc sống thực tế: trong kiến trúc Á châu rất ít khi có những công trình xây dựng vĩ đại vươn mình vượt khỏi thiên nhiên, mà thường chỉ có những kiến trúc - dù lớn hay nhỏ - nằm hài hòa như thể một phần của phong cảnh thiên nhiên. Sự Phê bình văn hoá của Rousseau xuất phát từ cùng một quan điểm, thế nên ông chọn túp lều hơn là đền đài, chọn mái nhà tranh thay vì những công trình kiến trúc đồ sộ, và vì thế những phê phán gay gắt của ông cũng nhắm vào loại nghệ thuật và khoa học, mà theo ông chỉ là "kỹ thuật ngụy tạo và hủy diệt thiên nhiên." Một sự song hành với tư duy Á châu đáng chú ý khác được nhận thấy trong cái nhìn của Rousseau về y học.

Quan niệm Á châu xem con người là một bộ phận của thiên nhiên, bệnh tật vì thế cũng do tự nhiên, có nghĩa là bệnh tật hoặc tự khỏi, tự chữa, hoặc được chữa trị bằng các loại thuốc từ thiên nhiên như cây cỏ hay các loại cao, tán. Nền y học cổ truyền Phương đông dựa chắc trên định đề con người là một tiểu vụ trụ, là cái không được phép xâm phạm và phải được coi như một toàn thể - điều này cũng giải thích tại sao trong nền y học Á châu thấy rất ít chỗ nói về khoa giải phẫu: vì trên quan điểm triết học người ta đã không quá coi trọng khoa này.

Rousseau gần như đồng quan điểm khi ông nói rằng con người lúc bị bệnh nặng nhất chỉ được phép "hy vọng vào thiên nhiên mà thôi," vì thiên nhiên sẽ "ưu ái săn sóc tất cả những-ai-để-thiên nhiên- săn-sóc." Càng xa rời cội nguồn tự nhiên của mình, con người càng dễ bị khổ sở vì các chứng bệnh văn minh, - và ngay cả điều nhận xét này cũng là hệ luận từ quan điểm phê phán văn hoá của Rousseau. Thiên nhiên đối với Rousseau không những chỉ là môi trường thiên nhiên và cái thiên nhiên có tác dụng hữu hình, như ông từng chứng kiến được mô tả như "Màn kịch của thiên nhiên" trong tiểu thuyết "Emile." Trong tác phẩm này ông còn trân trọng mách bảo ta để ý đến "tiếng nói từ bên trong"của con người. Tiếng nói từ nội tâm này với Rousseau chính là cái tương xứng với thiên nhiên bên ngoài, là nguồn cội tự nhiên của con người.

Trong ý nghĩa này Rousseau đã viết ở một bức thư, rằng ông tin bản tính tự nhiên của con người (nature humaine) là thiện, chỉ vì trong diễn tiến của lịch sử nó đã luôn bị biến đổi hệt như một pho tượng chìm dưới biển sâu của một vị thần, bị "thời gian, biển cả và giông tố làm biến dạng đến nỗi chúng chẳng còn tý nào giống vị thần đó mà lại giống quá nhiều những con thú hoang dã." Để khôi phục lại những tố chất nội tại nguyên thuỷ của mình, con người cần phải đi ngược lại con đường lịch sử đã trải qua, từng chặng, từng chặng. Điều này thật khó khăn, bởi lịch sử là một thể liên tục, được so sánh như một dòng sông, mà từng "chặng" của nó không tài nào tách biệt.

Vì chủ thể quan sát là con người đương đại (Gegenwartsmensch) và như thế là con người đã xã hội hoá, chủ thể sẽ khó mà nhìn thấy được con người-thiên-nhiên trong hình ảnh nguyên sơ chưa bị biến dạng, nghĩa là trong dạng nguyên thủy trước khi lịch sử và xã hội tác động vào. "Con-người-thiên-nhiên" này, như chính Rousseau cũng nghĩ, là một đề tài giả định (spekulatives Thema) mà ông cố gắng giải trình.

Xuất phát từ định đề rằng Thiên nhiên cơ bản là thiện, bởi trong đó hàm chứa trật tự và hài hoà, thì con người như tiểu vũ trụ dĩ nhiên cũng phải có cùng tố chất tích cực đó. Rousseau tách rời nó ra khỏi những biến đổi mà lịch sử tạo ra, đặt nó vào một dòng lịch sử mới, tốt đẹp hơn để rồi quan sát nó. Trong tiểu thuyết "Emile" vì thế có hai điểm khởi đầu: thứ nhất sự bắt đầu của Emile như một người vừa được sinh ra có khả năng phát triển những tố chất tốt nguyên sơ, với điều kiện là nó phải tránh xa tất cả những yếu tố độc hại; thứ hai sự bắt đầu của Emile như một con người-thiên-nhiên được đào tạo tốt nhất như có thể, nghĩa là một con người-văn-hoá với tố chất tự nhiên, được nhà giáo dục hướng dẫn đúng đắn nhằm phát triển tố chất đó cho một xã hội. Nhưng tố chất tự nhiên là gì còn cần được tìm hiểu rõ hơn ở đây.

Con người-thiên-nhiên chưa có lần sống trong một xã hội, nên nó chưa có lần giao tiếp đụng chạm đến người khác, nó có một cuộc sống như thể một con thú. Nó là như nó là. Nó không có ý thức xã hội. Thời kỳ sơ khai này Rousseau gọi là thời kỳ vô tội, trong trắng của con người. Rousseau cho rằng "thời thiện lương của một dân tộc" chính là thời của vô thức.[3] Không có nhận thức, không có ý thức người ta sống ngoài vòng thiện ác; điều này cho thấy ở Rousseau đạo đức có định chỉ tiêu cực.

Định chỉ tích cực của đạo đức được Rousseau tìm thấy trước hết qua một đặc tính khác của con người mà ông gọi là đặc tính nguyên thủy: lòng "trắc ẩn" (pitié), trong sự thương cảm mà con người dành cho đồng loại, một loại cảm thụ đã từng khiến ngay cả các loài thú vật cũng phải "có cảm giác miễn cưỡng khó chịu nếu phải đạp lên thân thể đồng loại." Sự đồng cảm này có trong con người-thiên-nhiên được xem là một khả năng thụ động, tiền xã hội trong bản chất của con người; tuy nhiên nó cũng mới chỉ là cái cảm giác được cảm thụ đối với tình trạng của tha nhân, chứ chưa dẫn đến toan tính chủ động, chưa dẫn đến hành động giúp đỡ tương trợ. Khi người mẹ giựt một vật gì nguy hiểm từ tay con mình, thì hành động này trong thời kỳ sơ khai vô thức của con người, mới chỉ có tính cách thụ động và tự vệ. Còn như nếu một điều gì nữa phát sinh ngay sau đó, thì chính do lòng hiền lương tự nhiên (bonté naturelle), vì chỉ có lòng hiền lương tự nhiên này mới phát sinh hành động.

Sự đồng cảm kèm theo lòng hiền lương tự nhiên là đặc tính mà Rousseau đã khám ra được trong con người-thiên-nhiên do ông thiết kế, nó không những còn được tìm thấy ở tất cả các bộ tộc sơ khai mà thật ra chính là đặc tính tương đồng của mọi con người trong loài biết cảm thụ, tuy các cấp độ có khác nhau. Rousseau đinh ninh rằng trong các xã hội văn minh ở bất cứ đâu thì lối sống của dân vùng quê phải được đánh giá cao hơn lối sống của dân thành thị; đạo đức dân quê cao hơn bởi vì những đặc tính nguyên thủy của họ, do gần gũi thiên nhiên (Naturnähe) và còn giữ được tính cách tự nhiên (Natürlichkeit) trong cách sống nên đã ít bị hủy hoại hơn.

Một phương pháp khác được Rousseau dùng để tìm đến bản chất của con người, phương pháp mà ai cũng có thể áp dụng được: Người ta chỉ cần hướng nội, bởi con người "trong tận cùng khao khát luôn luôn ý thức về chính đạo." Cái thiện lương này hiện rõ ở trẻ nhỏ, chúng như con người-thiên-nhiên hãy còn vô tư, không hiểu biết. Còn người-đương-đại cũng có thể tìm được điều này bằng một bản năng mà Rousseau gọi là "lương tâm." Đây chính là động lực cho những hành vi lương thiện của chúng ta và là tiêu chí để phân biệt giữa thiện và ác. Bởi lẽ này con người nên tịnh tâm hướng nội để lắng nghe tiếng nói từ lương tâm. Những đức hạnh này, xem như đạo hạnh tự nhiên, đã làm nên nhân cách của con người chân chính. Cái thiện tự nhiên trong con người cũng đồng thời là sự công bằng phát xuất từ lòng nhân ái.

Tất cả những điều đã nói được tóm tắt như sau: Cho đến nay ta có thể nhận ra, rằng cái thiện nguyên sơ của con người theo cái nhìn tiêu cực là vô thức, là sự không hiểu biết. Theo cái nhìn tích cực là sự đồng cảm. Trong thiên nhiên con người không có những liên hệ với nhau dựa trên quan điểm đạo đức và vì thế không tốt mà cũng không xấu. Chỉ vì chúng ta hiện đang ở thời kỳ suy đồi nên nhìn lại mới đánh giá những đặc tính vô thức và đồng cảm là tốt. Nói một cách khác, con-người-thiên-nhiên tồn tại trước "thiện và ác" và chỉ với cái-nhìn-từ-thời-đương-đại chúng ta mới đánh giá bản chất bẩm sinh của con người là đức hạnh. Đức hạnh bẩm sinh của con người trải qua tiến trình lịch sử dần dần bị hủy diệt đi; nó biến chất khi con người bước vào xã hội. Tuy nhiên trong quá trình này con người cũng đã tự mình tạo ra được một thế giới văn hoá, đã tích lũy được nhiều kiến thức đến nỗi trạng-thái-không-hiểu-biết thuở nguyên sơ không còn có thể tái lập được nữa.

Cả sự "đồng cảm" cũng không còn như thời sơ khai tự nhiên. Sự đồng cảm, thông qua những phương thức giao tiếp đa dạng giữa con người với nhau trong xã hội, đã đạt một chất lượng mới, vượt qua ranh giới thụ động, lúc nó có ý thức kết nối được con người với nhau thành một khối đoàn kết tương trợ. Đức-hạnh-mới-tìm-lại-được này đối chiếu với "đức hạnh tự nhiên" phải được gọi là "đức hạnh xã hội" hay "đức hạnh nhân quần."

Cái khái niệm về đức hạnh được nới rộng thêm chiều kích xã hội này là một hình thái mới của đức hạnh, với nó con-người-đương-đại trong tính thể con-người-văn-hoá có khả năng sống "hạnh phúc và hợp nhân cách," hài hòa với bản chất thiên nhiên, tự nhiên nguyên thủy của mình. Trong việc xây dựng văn hoá người ta không bao giờ được phép coi nhẹ Thiên nhiên, nó phải luôn được xem là mẫu mực để noi theo, con người chỉ có thể sống hạnh phúc trong sự hài hoà với nó. Chính vì lẽ này môi trường thiên nhiên của con người phải được gìn giữ bảo vệ, tránh bị hủy diệt bởi những khuynh hướng không tốt đẹp trong việc phát triển văn hoá, như đã được áp dụng trong khoa học và kỹ thuật ở nhiều nơi hiện nay.

Những đòi hỏi của Rousseau từ quan điểm về Thiên nhiên như vậy quả là rất ư táo bạo trong thời đại ông đang sống, một thời đại duy lý, thời triết học Khải minh. Và nhất là khi lý giải của Rousseau về hiện tượng con người bị tách khỏi tự nhiên cũng như về việc hình thành xã hội loài người lại chứa đựng nhiều chất nổ hơn nữa.

Theo Rousseau thì từ thuở sơ khai con người là những cá thể đi hoang giữa các cánh rừng, không quần áo, không gia đình, không nhà ở. Những con người này sống thuần trong hiện tại. Lúc ấy thiên nhiên còn đủ những thứ cần thiết cho nhu cầu vật lý, nên con người không cần phải lo nghĩ cho tương lai, vì thế nên cũng chưa có ký ức thật sự (nhớ để làm gì?), chưa có ngôn ngữ (không có gì cần phải thông tin cho nhau). Những nhu cầu của họ hạn chế trong khuôn khổ đáp ứng đòi hỏi dục tính, nhằm duy trì sinh sản và đáp ứng những đòi hỏi của bản năng sinh tồn.

Tuy vậy nhưng trong tư chất con người đã có cái nhân trí tuệ (Keim der Vernunft), khiến nó xử sự khác loài thú, điều được thấy rõ trong việc tự do lựa chọn thức ăn (theo khẩu vị). Hạt nhân trí tuệ này đã phát triển qua nhiều thời kỳ dài dẵng, vì lẽ Thiên nhiên trong những chu kỳ của nó và trong trật tự có tính qui luật đã không phải lúc nào cũng bất biến. Có những hiện tượng đã làm điều kiện sinh tồn của con-người-thiên-nhiên thay đổi, thậm chí làm khó khăn.

Trí tuệ của nó một mặt dạy cho con người biết cách bảo vệ mình, mặt khác lại chỉ cho con người biết lợi dụng thiên nhiên, thí dụ như biết dùng năng lượng của lửa. Thông qua hiểu biết và nhận thức như thế ý thức dần dần hình thành cùng lúc với sự rời xa Thiên nhiên. Nghĩa là khi ý thức thành hình con người bắt đầu phân biệt được mình với thiên nhiên để tồn tại được trong thiên nhiên. Đây có thể là lúc ngôn ngữ thành hình do sự cần thiết phải thông tin cho người khác hầu cùng nhau vượt qua những trở ngại nhất định. Trước kia con người sống rải rác trong thiên nhiên đã là những đơn vị độc lập, vô thức. Giờ đây với nhu cầu tương giao thì cái bầu "ý thức trống" được rót đầy bằng nhận thức.

Trạng thái thiên đường trong vô thức dần dần chấm dứt. Thay vì hoan hỉ chào đón sự phát triển này của con người lên một cấp cao hơn, Rousseau lại nhận xét đó chính là cái khởi điểm của sự suy đồi: ông còn khám phá thêm trong con người ở thời kỳ này, ngoài hạt nhân trí tuệ ra, còn có một động năng tiềm ẩn, một động lực mà ông ta gọi là "tính cầu toàn," là "khả năng hoàn thiện" (Perfectibilité). Khả năng này đã khiến con người khám phá được nhiều kỹ thuật khác nhau dùng khắc phục những cản trở của thiên nhiên, tạo lợi thế cho mình. Điều này đã đưa con người bước vào lịch sử thông qua việc chống chọi với thiên nhiên. Nhưng đồng thời tính cầu toàn cũng là "một kỹ năng hủy diệt, phá hoại, không giới hạn, trở thành nguồn sinh ra mọi điều bất hạnh của con người."
Nông nghiệp và luyện kim, theo Rousseau là hai thành quả đầu tiên của kỹ năng hai mặt này, sự phát triển của nó cuối cùng dẫn đến việc hình thành xã hội công dân. Người sáng lập ra xã hội này chính là người đã canh tác một mảnh đất, rào nó lại và tuyên bố mảnh đất ấy là tài sản riêng của mình. Hành vi này do bản năng sinh tồn lúc đầu rất tự nhiên, là dịp khiến cho những người khác trong cộng đồng mới bắt chước sử dụng nó "một cách không tự nhiên." Nếu trong cộng đồng này xảy ra đối kháng quyền lợi, bản năng sinh tồn biến dạng hoá thành sự hung hăng biểu hiện trong quan hệ con người thành thù địch, ghanh ghét, phản trắc, theo lời Rousseau, thành "những niềm đam mê không lành mạnh."

Dưới các điều kiện như thế không những tố chất căn bản của con-người-thiên-nhiên như sự đồng cảm bị bóp nghẹt đi, mà con người còn có khả năng ác độc và thực hiện điều ác một cách có ý thức. Bản năng sinh tồn, trong tư duy của Rousseau còn được ông mô tả dưới một từ khác: là "tình yêu chính mình" (amour de soi).[4] Loại tình yêu chính mình này nâng con người lên trên thế giới loài vật nhờ sự đồng cảm với đồng loại, và do đó tình yêu chính mình dù mạnh mẽ vẫn giảm bớt cường độ trong cuộc sống chung. Thế nhưng lần hồi trong cuộc cạnh tranh sinh tồn tình yêu chính mình biến thể thành lòng ích kỷ (amour propre). Lúc này thì sự đồng cảm đã chết: con người quan sát những người khác, trở thành khách thể bị quan sát, và hệ luận là hành động có ý thức tư lợi của con người ích kỷ.

Từ quá trình quan sát tha nhân cũng nảy sinh ra sự so sánh người khác với chính mình. Và như thế mới phát sinh ra "ý kiến," đặc biệt là ý kiến về người khác. Như thế tất cả mọi người sẽ trở thành nô lệ cho những "ý kiến" của người khác. Với sự hoàn thiện tiếng nói và khám phá chữ viết thì "ý kiến" được lưu giữ lại một cách chắc chắn cho hậu thế.

Nhân đây chúng ta hãy quan sát quan điểm của Rousseau từ góc độ hiện tại: ngày nay việc sản xuất "ý kiến" được các hãng thông tấn, báo chí, truyền thông đại chúng sản xuất hàng loạt và thành hệ thống, có tầm ảnh hưởng ngoài sức tưởng tượng lên con người. Người ta mang nỗi sợ hãi thường trực trước sự phê phán của người khác, luôn luôn phải dè chừng "ý kiến" của công luận và sống trong bất an, bất trắc, điều mà người-nguyên-sơ không hề biết.

Người ta thích nghe những "ý kiến" dễ chịu, từ đó nảy sinh "nịnh hót" và nhiều tập quán giả tạo khác trong một thế giới giả tạo (Scheinwelt). Những "ý kiến" khó nghe bị đè nén, và người ta dùng những biện pháp toàn trị để đàn áp tiếng nói phê phán hợp lý. "Ý kiến" được "làm ra" phục vụ cho lợi ích cá nhân, cho lợi ích của phe nhóm hoặc cho lợi ích của ý thức hệ mình theo. Cả một hệ thống các ý kiến được tuyên truyền, cổ động, rốt cuộc tiêu diệt bản năng sinh tồn của từng con người riêng lẻ, biến con người thành người giả tạo và làm cho nó trở thành sai khiến được.

Rousseau đem "ý chí chung" (Volonté générale) đối chiếu với sự ích kỷ và ý chí của từng cá nhân (Volonté particuliaire) hay của một nhóm người (Volonté de tous) cho cuộc sống trong xã hội. Rousseau nghĩ rằng mỗi thành viên trong xã hội nên hướng đến lợi ích chung, cái đồng nghĩa với lợi ích riêng của mình mà cũng là lợi ích của sự giác ngộ thông qua lý trí, cái ta có thể gọi là gọi là ý thức tự giác.

Ông nghĩ rằng, khi một cá thể luôn hành động theo lý trí, trong việc theo đuổi bản năng sinh tồn của chính mình và để cho tình đồng cảm dẫn dắt, thì hành động của cá thể sẽ phải nhịp nhàng, đồng thuận với hành động của những người khác một cách tốt đẹp. Nhưng ngay ở điểm này chính Rousseau cũng thấy nghi ngại: vì như đã nói, bản năng tự vệ đã bị dị biến thành hung bạo, tình yêu chính mình thành ích kỷ, - và rốt cuộc khả năng cho một ý chí chung lý tưởng sẽ không thành vì quá nhiều lợi ích riêng lẻ. Đây là những yếu tố tiêu cực một mặt đã tách con người sống trong xã hội xa rời thiên nhiên của nó và đồng thời mặt khác ném nó vào một thế giới đầy rãy bất công và đối kháng lợi ích. Đó là xã hội Rousseau đang thấy trước mắt mình, cái mà ông say mê tìm hiểu mô tả và phê phán hăng say.

Bây giờ ít nhất ta còn phải dõi theo một cách tư duy khác nữa của Rousseau, phát sinh từ hình ảnh con người-thiên-nhiên ông mô tả. Rousseau đi từ điểm cho rằng con người-tự-nhiên có cuộc sống nhàn tản, lười biếng. Một khi mà mọi nhu cầu cơ bản đều được đáp ứng, anh ta không cần phải lao động làm gì. Tất cả sẽ chỉ thay đổi khi điều kiện xung quanh không còn thuận lợi để bảo đảm sự sống. Anh ta sẽ phải lao động dự phòng, nghĩa là làm để dự trữ cho tương lai. Anh ta sẽ kết hợp với người khác thành nhóm làm việc chung, điều này tuy hữu ích nhưng khiến anh bị lệ thuộc. Mặt khác một khi tương lai được đảm bảo, con người có tự do hơn. Anh ta nghĩ: có dự trữ là tốt, là sung sướng.Thành ra anh ta bắt đầu thiết lập quyền sở hữu. Vì mỗi người bẩm sinh có những khả năng khác nhau nên có sự không đồng đều giữa những con người, kể cả trong việc tích lũy sở hữu. Rồi ai cũng tìm cách gia tăng sở hữu và bảo vệ nó không để người khác động vào nên "đam mê" xuất hiện và "đồng cảm" chết ngộp. Con người trở thành con sói với đồng loại.

Vào thời kỳ sau đó loài người phân chia thành lớp người giàu, tiếp tục vơ vét chiếm hữu không giới hạn và lớp người nghèo, sống trong thiếu thốn mưu toan tổ chức những cuộc cướp bóc. Để bảo đảm cho sở hữu của mình lớp người giàu đề nghị một công ước, bảo rằng có lợi cho cả hai bên, vì nó quyết định chấm dứt được một tình trạng hỗn loạn nguy hiểm cho tất cả mọi người. Sự tán đồng công ước này có nghĩa giữ vững tình trạng đã có của một xã hội không bình đẳng, công nhận những điều luật sai trái, vì " sự tự do tự nhiên" bị hủy diệt vĩnh viễn, luật về quyền sở hữu và "sự bất bình đẳng mãi mãi được thiết lập." Mâu thuẫn do sự biến thể này biểu hiện qua sự tồn tại của hai giai cấp thống trị và nô lệ.

Vì mô thức thống trị vừa được mô tả hoàn toàn coi thường mọi căn bản đạo đức, nên người nô lệ sẽ phải tuyệt đối tuân lệnh chủ, để khi nào cảm thấy đủ sức lại leo lên làm chủ, duy trì cùng một hệ thống. Chu kỳ tranh giành quyền lực này diễn ra liên tục cho đến khi xảy ra một cuộc cách mạng, qua đó quyền lực thống trị bị hủy bỏ hoặc là những thể chế mới được luật pháp công nhận...

Tại điểm này chủ nghĩa bi quan của Rousseau hiển lộ. Nhưng đồng thời cũng thấy hé mở một tia hy vọng mong manh: Cái thiện lương trong con người, bị dằng co qua các quá trình lịch sử có thể được tái khám phá !

*

Khởi đầu từ "Luận văn về Khoa học và Nghệ thuật" (tức luận văn phê bình Văn hóa), toàn thể tác phẩm của Jean-Jacques Rousseau, nhất là "Khế ước xã hội " và "Emile" thể hiện niềm hy vọng có thể khắc phục được nền văn hoá đã biến dạng và xây dựng một nền văn hoá lành mạnh hơn, lấy tiềm năng tâm hồn và đạo đức của con người làm cơ sở. Rousseau đã chỉ ra được nguồn cội của con người từ thiên nhiên lành mạnh qua sự phát triển dẫn đến tình trạng suy đồi của nhân loại, chính là để cho chúng ta tìm được con đường về lại với chính mình.

Nguyễn-Khắc Tiến-Tùng

Ghi chú: Bài mang tính cách tương đối phổ thông này đã được viết cho các đài phát thanh Bavaria (Đức) và Thụy sĩ phổ biến nhiều lần những năm 1974-1976. Nguyên bản tiếng Đức :

Herkunft und Verfall des Menschen
Natur und Kultur im Werk Jean-Jacques Rousseaus
Bác sĩ Nguyễn Chi Chính, chủ bút Tuần báo THẾ GIỚI TRẺ, xuất bản tại Tiệp và Đức, đã dịch từ nguyên bản sang tiếng Việt.

[1] Chính trên đường đến thăm Diderot bị giam ở Vincennes Rousseau đã đọc được đề tài giải thưởng của Hàn lâm viện Dijon. Văn học sử Pháp đã ghi lại hiện tượng này là „ L´Illumination de Vincennes" (Sự tỉnh giác ở Vincennes).

[2] Siècle des Lumières: Thế kỷ Ánh sáng, trào lưu Khải minh, thế kỷ thứ 18, tiếng Đức : Aufklärung. Tiêu biểu cho thời đại này là bộ Bách Khoa Tự Điển Pháp do Diderot chủ trương và Rousseau cũng là một người cộng tác..

[3] Ignorance, Innocence (tiếng Đức: Ignoranz, Unschuld)

[4] Amour de soi, tiếng Đức: Eigenliebe, cũng thấy trong loài vật.

Nguồn: icevn.org
Previous Post
Next Post